Bản tin thời sự sáng 13/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội dừng quán cắt tóc, gội đầu, cửa hàng ăn uống tại chỗ từ 0h ngày 13/7; Chính phủ đồng ý đàm phán, mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V; Vietnam Arlines mở lại một số đường bay quốc tế vào giữa tháng 7; giá xăng, dầu đồng loạt tăng từ 15h ngày 12/7; giám đốc bị khởi tố vì sai phạm trong đấu thầu 7 trường học tại huyện Củ Chi…

Hà Nội dừng quán cắt tóc, gội đầu, cửa hàng ăn uống tại chỗ từ 0h ngày 13/7

Từ 0h ngày 13/7, Hà Nội dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu phải tạm dừng. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.

Hà Nội dừng quán cắt tóc, gội đầu, cửa hàng ăn uống tại chỗ từ 0h ngày 13/7

Hà Nội dừng quán cắt tóc, gội đầu, cửa hàng ăn uống tại chỗ từ 0h ngày 13/7

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đưa ra chỉ đạo trên đầu giờ chiều 12/7.

Chủ tịch Thành phố yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: tụ tập quá 10 người ngoài trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học; tập thể dục nơi công cộng; hàng rong, trà đá vỉa hè, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch...; tăng mức phạt cao nhất, yêu cầu đóng cửa và xem xét việc thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm nhiều lần.

Ngoài ra, Thành phố yêu cầu người dân từ thành phố Hồ Chí Minh, hoặc các vùng dịch khác hoặc có tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nêu trên phải khai báo đầy đủ trung thực, phải có giấy xét nghiệm âm tính vi rút SARS-CoV-2 tối đa 3 ngày trước khi trở lại Thành phố; các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng đi vào các địa bàn có dịch nêu trên vẫn phải thực hiện xét nghiệm trước khi trở lại Thành phố.

Chính phủ đồng ý đàm phán, mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V

Chính phủ đồng ý đề xuất của Bộ Y tế, giới thiệu Tập đoàn T&T với Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) để đàm phán, mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V.

Chính phủ đồng ý đàm phán, mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V

Chính phủ đồng ý đàm phán, mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V

Nghị quyết về nội dung trên ban hành ngày 12/7. Theo đó, Tập đoàn T&T mua vaccine bằng kinh phí hợp pháp huy động được; không dùng từ ngân sách Nhà nước và Quỹ vaccine của Việt Nam.

Chính phủ cũng cho phép, trên cơ sở yêu cầu của nhà sản xuất vaccine, miễn trừ trách nhiệm trong việc sử dụng vaccine Sputnik V, tương tự như với vaccine Pfizer và Astra Zeneca mà Bộ Y tế đã thỏa thuận mua trước đây.

Các đơn vị cấp phép nhập khẩu, kiểm định, kiểm soát chất lượng vaccine, tổ chức tiêm miễn phí toàn bộ 40 triệu liều vaccine nêu trên theo quy định.

Bộ Ngoại giao phối hợp thực hiện các thủ tục liên quan; Bộ Giao thông vận tải tổ chức vận chuyển vaccine về Việt Nam; Bộ Quốc phòng, Công an, các địa phương phối hợp với Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch, tổ chức tiêm chủng.

Hồi cuối tháng 3/2021, Bộ Y tế đã phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga, phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam.

Vietnam Arlines mở lại một số đường bay quốc tế vào giữa tháng 7

Giữa tháng 7, Vietnam Airlines sẽ mở lại các đường bay quốc tế hai chiều đến một số điểm tại châu Á, châu Âu và Australia.

Vietnam Arlines mở lại một số đường bay quốc tế vào giữa tháng 7

Vietnam Arlines mở lại một số đường bay quốc tế vào giữa tháng 7

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, việc mở lại đường bay quốc tế để phục vụ nhu cầu của người lao động, du học sinh muốn ra nước ngoài làm việc, học tập; đưa chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.

Riêng lao động, du học sinh người Việt ở nước ngoài vẫn chưa được về nước trên những chuyến bay thương mại này theo quy định của Chính phủ. Họ hồi hương trên các chuyến bay giải cứu.

Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ có hai đường bay giữa TP.HCM và Sydney từ 15/7 đến 30/10 với tần suất 2 chuyến mỗi tuần và đến Melbourne từ 20/7 đến 30/10 với tần suất một chuyến mỗi tuần.

Hãng sẽ mở lại đường bay giữa Hà Nội và Frankfurt, London. Cụ thể, các chuyến bay từ Hà Nội đến Frankfurt có ba chuyến trong tháng 7 - 8 và đến London có hai chuyến vào tháng 8 - 9.

Tại châu Á, hãng khai thác trở lại đường bay giữa Hà Nội và Tokyo vào thứ tư, thứ bảy hàng tuần. Từ ngày 1/8 đến 30/10, hãng mở thêm đường bay giữa TP.HCM và Bangkok vào thứ tư hàng tuần; đường bay từ Tokyo đến TP.HCM vào thứ năm hàng tuần.

Từ tháng 4 - 6, Vietnam Airlines đã khai thác một số đường bay một chiều từ Việt Nam đi Seoul, Tokyo và Sydney để đưa người Việt ra nước ngoài song không có lịch cố định. Hiện nay, hãng đã có kế hoạch khai thác, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch và năng lực cách ly tại các địa phương.

Cục Hàng không Việt Nam đánh giá nửa cuối năm 2021 người dân được tiêm vaccine phòng Covid-19 tăng mạnh tại Việt Nam và thế giới, đủ điều kiện tạo miễn dịch cộng đồng. Đây là cơ sở từng bước mở lại các đường bay quốc tế vào cuối quý III và đầu quý IV.

Giá xăng, dầu đồng loạt tăng từ 15h ngày 12/7

Từ 15h ngày 12/7, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 850 đồng, RON 95 tăng 870 đồng và dầu tăng 230 - 450 đồng một lít.

Giá xăng, dầu đồng loạt tăng từ 15h ngày 12/7

Giá xăng, dầu đồng loạt tăng từ 15h ngày 12/7

Theo thông tin điều chỉnh từ Liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 12/7 cao nhất là 20.610 đồng một lít (tăng 850 đồng); RON 95 là 21.780 đồng một lít (tăng 870 đồng).

Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 15.500 đồng một lít, tăng 450 đồng. Dầu diesel là 16.530 đồng một lít, tăng 420 đồng. Dầu madut là 15.670 đồng một kg, tăng 230 đồng.

Ở kỳ này, cơ quan điều hành đã trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trở lại với các mặt hàng dầu. Mỗi lít dầu diesel trích lập 200 đồng, dầu hỏa trích lập 300 đồng, và dầu mazut là 300 đồng một kg. Cùng đó, nhà điều hành cũng chi từ Quỹ bình ổn 1.300 đồng một lít với xăng E5 RON 92 và 350 đồng với RON 95. Các mặt hàng dầu không chi Quỹ.

Như vậy, đây là lần tăng giá thứ ba từ cuối tháng 5 đến nay. Giá xăng bán lẻ trong nước đã vượt 20.000 đồng một lít. Tổng cộng, mỗi lít xăng E5 RON 92 đã tăng thêm 2.190 đồng, còn xăng RON 95 đã đắt thêm 2.250 đồng so với cuối tháng 5.

Hà Nội dự kiến lập 22 chốt kiểm soát các cửa ngõ thủ đô

Từ ngày 14/7, 22 chốt kiểm soát gồm lực lượng công an, quân đội, thanh tra giao thông, y tế, dân phòng bắt đầu hoạt động tại các cửa ngõ của Hà Nội.

Hà Nội dự kiến lập 22 chốt kiểm soát các cửa ngõ thủ đô

Hà Nội dự kiến lập 22 chốt kiểm soát các cửa ngõ thủ đô

Theo đại tá Trần Ngọc Dương, Phó giám đốc Công an Thành phố cho biết, công an sẽ chia làm 4 ca trực, chịu trách nhiệm dựng lều, bạt, bàn ghế, nước uống tại chốt trực.

Người dân từ các tỉnh thành qua chốt sẽ phải khai y tế, đo thân nhiệt. Trường hợp nghi vấn, biển số tỉnh vùng dịch sẽ phải quay lại hoặc trình xét nghiệm âm tính.

Phó chủ tịch Thành phố Chử Xuân Dũng lưu ý, việc lập chốt kiểm soát cần thông tin để người dân nắm bắt rõ, không để ùn tắc, ngăn sông cấm chợ.

Theo kế hoạch, 22 chốt sẽ được lập tại các tuyến đường cửa ngõ thủ đô gồm: Từ Hà Nam về Hà Nội tuyến Quốc lộ 1A, 1B; từ Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang về Hà Nội theo tuyến Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; từ Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên về Hà Nội.

Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế, quận, huyện, thị xã bố trí các chốt tại đường ngang, ngõ tắt, đường nhánh, bến thủy nội địa ra vào Thành phố.

Đây là lần thứ hai Thành phố lập chốt kiểm soát ở các tuyến đường cửa ngõ thủ đô.

Giám đốc bị khởi tố vì sai phạm trong đấu thầu 7 trường học tại huyện Củ Chi

Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương Lê Vũ Hồng Hạnh bị cáo buộc sai phạm trong việc đấu thầu sửa 7 trường học, gây thiệt hại ngân sách gần 18 tỷ đồng.

Trường Tiểu học Tân Phú Trung, một trong 7 đơn vị liên quan vụ án

Trường Tiểu học Tân Phú Trung, một trong 7 đơn vị liên quan vụ án

Hành vi của bà Hạnh và những người liên quan vừa được Công an TP.HCM hoàn tất kết luận điều tra bổ sung.

Bà Hạnh bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú hồi đầu tháng 7 về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 BLHS. Động thái này được đưa ra sau thời gian điều tra bổ sung các sai phạm trong đấu thầu sửa 7 trường học tại huyện Củ Chi, thiệt hại cho ngân sách gần 18 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, bà Hạnh với vai trò là chủ sở hữu, người đại diện pháp luật và là Giám đốc Công ty Đông Phương (nhà thầu) phải chịu trách nhiệm về hoạt động của Công ty, chịu trách nhiệm toàn bộ về các hồ sơ, thủ tục chứng từ đã ký liên quan đến việc sửa chữa các công trình tại 7 trường học.

Bà này bị xác định vai trò đồng phạm với Phan Văn Duyệt (Phó giám đốc Công ty Đông Phương) trong việc rút tiền ngân sách, chịu trách nhiệm với số tiền thiệt hại do đơn vị thi công gây ra.

Động thái này được cơ quan điều tra đưa ra sau thời gian điều tra bổ sung liên quan đến sai phạm trong đấu thầu sửa 7 trường học tại huyện Củ Chi, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước gần 18 tỷ đồng. Khi sự việc bị phát hiện, bà Hạnh đã tích cực khắc phục hậu quả, hợp tác tốt với cơ quan điều tra.