Bản tin thời sự sáng 13/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Vietnam Airlines thử nghiệm thành công hộ chiếu sức khỏe điện tử; yêu cầu Công ty Vinh Gia đổi tên sản phẩm Vipdervir-C; đã có mẫu giấy thông hành cho người đi sân bay quốc tế; kiến nghị thí điểm cho công nhân ở TP.HCM đi làm từ nhà; giám đốc công ty in sản xuất giấy xét nghiệm Covid-19 giả…

Vietnam Airlines thử nghiệm thành công hộ chiếu sức khỏe điện tử

Ngày 12/8, chuyến bay mang số hiệu VN310 từ sân bay Nội Bài đi Narita (Tokyo, Nhật Bản) của Vietnam Airlines đã triển khai thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass.

Vietnam Airlines thử nghiệm thành công hộ chiếu sức khỏe điện tử

Vietnam Airlines thử nghiệm thành công hộ chiếu sức khỏe điện tử

Đây là lần đầu tiên hành khách tham gia thử nghiệm thành công, ghi dấu mốc quan trọng của chương trình, đồng thời mở ra nhiều kỳ vọng tích cực trong các chuyến bay thử nghiệm tiếp theo. IATA Travel Pass là một trong những giải pháp được kỳ vọng nhất để Việt Nam khôi phục các đường bay quốc tế một cách nhanh chóng, an toàn, mở ra cơ hội cho ngành du lịch và hàng không sau ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, hành khách thực hiện các quy trình một cách nhanh chóng và dễ dàng, từng bước tạo hồ sơ cá nhân số trên ứng dụng, điền thông tin chuyến bay để được cập nhật yêu cầu dịch tễ tại điểm đến.

Đây là ứng dụng an toàn, đảm bảo thông tin nhất quán giữa các bên gồm chính phủ, cơ sở xét nghiệm, hãng hàng không và hành khách.

Hiện nay, ứng dụng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và tiếp tục được IATA theo dõi, cải thiện để phù hợp với từng thị trường.

Yêu cầu Công ty Vinh Gia đổi tên sản phẩm Vipdervir-C

Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, công ty này đã có hành vi không đúng với nội dung hợp đồng giữa 2 bên trong quá trình làm việc.

Sản phẩm thuốc thử nghiệm Vipdervir

Sản phẩm thuốc thử nghiệm Vipdervir

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có thông báo về việc sản phẩm thuốc thử nghiệm Vipdervir và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vipdervir-C do Công ty CP Dược phẩm Vinh Gia sản xuất và quảng cáo.

Thông báo nêu rõ ngày 12/8, Viện Công nghệ Sinh học đã ban hành công văn khẳng định Công ty đơn phương sản xuất, đăng ký lưu hành thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vipdervir-C là không đúng với nội dung hợp đồng Hợp tác công nghệ sản xuất (chế phẩm Vipdervir) ký ngày 20/3/2020 giữa Viện Công nghệ Sinh học và Công ty CP Dược phẩm Vinh gia.

Đơn vị này yêu cầu Công ty thay đổi tên thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Vipdervir-C để tránh hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Trước đó, ngày 10/8, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi Họp báo trực tuyến công bố kết quả nghiên cứu thành công giai đoạn tiền lâm sàng thuốc thử nghiệm điều trị Covid-19 có tên là Vipdervir.

Đây là kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ Sinh học do PGS.TS Lê Quang Huấn chủ trì, có sự đánh giá khoa học của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền trực thuộc Bộ Y tế.

Trong cuộc họp ngày 7/8, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học Quốc gia, Bộ Y tế, đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng và chấp thuận đề cương nghiên cứu lâm sàng trên người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, trước đó, Công ty CP Dược phẩm Vinh Gia được Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cấp phép lưu hành sản phẩm Vipdervir-C vào ngày 29/6. Đây là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Nhiều người đặt câu hỏi với hai tên gọi khá giống nhau, một bên là thực phẩm chức năng, một bên là thuốc, liệu có gây tình trạng sốt ảo khi người dân đổ xô mua sản phẩm thực phẩm chức năng Vipdervir-C về sử dụng, thậm chí xuất hiện sự trục lợi, lợi dụng các nhà khoa học để bán hàng.

Đã có mẫu giấy thông hành cho người đi sân bay quốc tế

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành công văn về hỗ trợ đưa người có vé máy bay đi nước ngoài đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay kèm mẫu phiếu xác nhận người đến sân bay.

Bộ GTVT đã ban hành mẫu giấy thông hành cho người đi sân bay quốc tế

Bộ GTVT đã ban hành mẫu giấy thông hành cho người đi sân bay quốc tế

Theo đó, để tạo điều kiện cho người có vé máy bay ra nước ngoài được đến sân bay thuộc các tỉnh đang giãn cách theo Chỉ thị 16, tại công văn này, Bộ GTVT đã ban hành mẫu phiếu xác nhận thông tin có xác nhận của UBND xã, phường của tài xế chở người ra sân bay.

Với hành khách ra sân bay để đi nước ngoài, khi tới chốt kiểm soát của cơ quan chức năng thì hành khách cần xuất trình phiếu thông tin yêu cầu đối với hành khách sử dụng ôtô đến cảng hàng không quốc tế để bay đi nước ngoài, hộ chiếu kèm theo visa còn hiệu lực, vé máy bay gồm mã đặt chỗ, thời gian bay, ngày bay, số hiệu chuyến bay cùng giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực bằng phương pháp RT-PCR.

Đồng thời, hành khách cũng cần khai báo y tế và thực hiện nghiêm biện pháp 5K, đảm bảo một người đi một xe, không đi chung xe với người khác trừ trường hợp là người trong cùng một gia đình, sống cùng nhà và có máy bay ra nước ngoài cùng một chuyến bay.

Với tài xế chở khách bay, trên hành trình từ nơi xuất phát đến sân bay, trên xe chỉ có tài xế và người có vé máy bay đi nước ngoài. Từ sân bay về nơi xuất phát, trên xe chỉ có duy nhất một tài xế.

Khi bị kiểm tra tại các chốt kiểm soát thì tài xế xuất trình các giấy tờ gồm bản sao vé máy bay hoặc vé máy bay điện tử của hành khách, giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực bằng phương pháp RT-PCR và phiếu xác nhận thông tin (ghi rõ tên từng người có vé máy bay, hành trình chiều đi, chiều về và mục đích chuyến đi đưa người đến sân bay có xác nhận của UBND cấp xã/phường nơi lái xe cư trú).

Kiến nghị thí điểm cho công nhân ở TP.HCM đi làm từ nhà

Theo SBA, quy định giãn cách nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 cần phải thay đổi bằng giải pháp đường dài, giảm áp lực cho doanh nghiệp và người lao động về ngân sách, sinh hoạt.

SBA kiến nghị thí điểm cho công nhân ở TP.HCM đi làm từ nhà

SBA kiến nghị thí điểm cho công nhân ở TP.HCM đi làm từ nhà

Bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội doanh nghiệp Khu công nghệ cao (SBA) vừa có văn bản gửi Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) kiến nghị về phương án thí điểm người lao động đi làm từ nhà.

Theo đó, bà Uyên cho rằng quy định giãn cách nghiêm theo Chỉ thị 16 cần phải thay đổi bằng giải pháp đường dài, giảm áp lực cho doanh nghiệp và người lao động về ngân sách, sinh hoạt, tâm lý người dân giúp sớm ổn định...

Lãnh đạo SBA đề xuất chương trình thí điểm cho người lao động đi làm từ nhà. Cụ thể, thời gian thí điểm đề xuất là 14 ngày từ 16/8 đến 30/8.

Công ty Intel Products Việt Nam và Công ty Datalogic Việt Nam sẽ triển khai cho người lao động có tay nghề cao và vị trí cốt cán trong quy trình sản xuất của nhà máy. Đây là những lao động đã được tiêm vaccine mũi 1.

Doanh nghiệp sẽ lên danh sách người lao động tham gia chương trình thí điểm và thông báo cụ thể phương án trước khi thực hiện.

Số lượng được phép thí điểm không quá 300 người, trước mắt sẽ bắt đầu bằng nhóm nhỏ từ 20 - 30 người, tối đa là 100 người.

Người lao động thuộc nhóm thí điểm sẽ ký cam kết chỉ di chuyển giữa nhà và công ty, tuân thủ 5K cũng như các yêu cầu phòng dịch khi ở nhà...

Đồng thời, người lao động sẽ phải cài ứng dụng do khu công nghệ cao chỉ định trong lúc đi - về hoặc một hình thức kiểm soát kỷ luật đi đường tương đương để doanh nghiệp và lãnh đạo ban quản lý có thể kiểm tra lộ trình.

Doanh nghiệp cũng cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch như đảm bảo phương án đưa đón lao động an toàn, hiệu quả; duy trì việc xét nghiệm 2 lần trong 5 ngày đầu, sau đó là 2 lần/7 ngày trong tuần tiếp theo; có khu vực làm việc riêng cho nhóm thí điểm này trong 2 tuần đầu, sau đó mới làm việc chung với các nhóm còn lại.

Bắc Ninh mở lại nhiều hoạt động từ 6h ngày 13/8

Hoạt động thể thao ngoài trời, cơ sở cắt tóc gội đầu, quán ăn, giải khát ở Bắc Ninh được hoạt động trở lại sau hơn ba tháng tạm dừng.

Bắc Ninh mở lại nhiều hoạt động từ 6h ngày 13/8

Bắc Ninh mở lại nhiều hoạt động từ 6h ngày 13/8

Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Văn Luyến cho biết, quyết định trên được đưa ra sau 20 ngày Tỉnh không ghi nhận ca dương tính mới trong cộng đồng; ngày thứ tám không xảy ra lây nhiễm thứ phát (F1 trong khu cách ly).

Tỉnh Bắc Ninh sẽ nới từng loại hình dịch vụ để các hoạt động kinh tế xã hội dần trở lại trạng tháng bình thường mới. Từ 6h ngày 13/8, người dân được hoạt động thể dục thể thao ngoài trời song tập trung không quá 10 người, đảm bảo giãn cách tối thiểu 2 m giữa người với người. Các cơ sở cắt tóc, gội đầu tập trung không quá năm người.

Các quán bán hàng ăn sáng hoạt động trở lại nhưng phải lắp đặt tấm kính chắn tại các bàn, đảm bảo giãn cách tối thiểu 1 m giữa người với người, không quá 10 người trong cùng một thời điểm. Các nhà hàng, các quán ăn, cửa hàng dịch vụ ăn, uống, cà phê không phục vụ ăn, uống tại chỗ, chỉ bán hàng mang về.

Nhà chức trách yêu thời gian mở cửa của các cơ sở trên không quá 21h hàng ngày.

Quảng Ngãi cấm dân ra đường từ 21h đến 4h hôm sau

Số ca bệnh lên hơn 400 với nhiều chùm lây nhiễm trong cộng đồng, Quảng Ngãi yêu cầu người dân không ra đường từ 21h đến 4h hôm sau.

Công an Quảng Ngãi tuần tra, nhắc nhở người dân TP Quảng Ngãi vi phạm quy định không ra đường sau 21h

Công an Quảng Ngãi tuần tra, nhắc nhở người dân TP Quảng Ngãi vi phạm quy định không ra đường sau 21h

Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đưa ra quyết định nâng mức độ phòng dịch toàn Tỉnh lên "nguy cơ cao", sau khi địa phương phát hiện nhiều ca nhiễm.

Quảng Ngãi là tỉnh đầu tiên ở phía Nam, ngoài 19 tỉnh thành giãn cách theo Chỉ thị 16, yêu cầu người dân không ra đường. Quy định này loại trừ các trường hợp cấp cứu, thiên hai, hỏa hoạn, thi hành công vụ, phóng viên, nhà báo, bưu chính viễn thông, công nhân môi trường, điện, nước, hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, UBND Quảng Ngãi yêu cầu, người dân không tập trung trên 10 người ngoài phạm vi công sở; dừng hoạt động kinh doanh không thiết yếu. Riêng tắm biển vẫn cho phép nhưng không tập trung không quá 10 người.

Dịch vụ lưu trú dừng hoạt động; ăn uống bán mang đi; hiếu hỉ và tôn giáo không tập không quá 10 người. Vận tải nội tỉnh không quá 50% ghế ngồi, không quá 20 người một xe. Hội họp dừng nếu không cần thiết.

Trước đó, TP. Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn đã áp dụng chỉ đạo không ra đường từ 21h đến 5h hôm sau từ ngày 7 và ngày 10/8. Quảng Ngãi cũng đã quyết định không cho người dân trong ngoài Tỉnh đến đảo Lý Sơn.

Giám đốc công ty in sản xuất giấy xét nghiệm Covid-19 giả

Trần Tấn Dương (Giám đốc Công ty Thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân) làm giả hơn 150 giấy xét nghiệm Covid-19, bán giá 150.000 - 250.000 đồng.

Giấy xét nghiệm Covid giả do Trần Tấn Dương in

Giấy xét nghiệm Covid giả do Trần Tấn Dương in

Công an thành phố Bắc Ninh cho biết, Trần Tấn Dương đang bị tạm giữ với cáo buộc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Dương khai thấy công nhân, lái xe cần giấy xét nghiệm Covid-19 để đi lại qua các chốt kiểm soát nên làm giả, bán kiếm lời.

Trần Tấn Dương bị bắt quả tang đang bán cho Vũ Văn Chiến, ở Bắc Ninh 6 phiếu giả kết quả xét nghiệm Covid-19 gồm 5 phiếu test nhanh một phiếu xét nghiệm PCR, tổng giá trị một triệu đồng.

Cảnh sát thu thêm 7 giấy xét nghiệm giả mang danh nghĩa Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Bắc Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn và một số văn bằng chứng thực giả.

Dương khai đã sưu tầm giấy xét nghiệm thật để scan và lưu lại trên máy tính. Khi có người cần mua, Dương chỉnh sửa thông tin cá nhân theo nội dung khách đã nhắn qua rồi in màu, giả chữ ký kỹ thuật viên, lãnh đạo bệnh viện. Việc "sản xuất" giấy xét nghiệm giả được thực hiện trong trụ sở công ty.

Theo cơ quan điều tra, Dương đã làm và bán khoảng 150 giấy xét nghiệm với giá 150.000 đồng/phiếu test nhanh và 250.000 đồng một phiếu xét nghiệm PCR.