11 ngày không có ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng
Sáng 13/9, Bộ Y tế cho biết không có ca mắc mới Covid-19. Đến hôm nay cũng đã 11 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 54 ca xét nghiệm âm tính từ 1 - 3 lần.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 54 ca xét nghiệm âm tính từ 1 - 3 lần. |
Tính đến 6h ngày 13/9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tính từ 18h ngày 12/9 đến 6h ngày 13/9 không có ca mắc mới.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 36.299 người. Trong đó, 504 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 17.703 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 18.092 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 910 bệnh nhân Covid-19/1.060 ca mắc.
Tính đến thời điểm này, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 16 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 17 ca, số ca âm tính lần 3 là 21 ca. Hiện nay số ca tử vong ở nước ta là 35 ca.
Bắt 1 nữ cán bộ của Trung tâm Dịch vụ đấu giá Thái Bình về tội tham ô
Công an tỉnh Thái Bình vừa bắt thêm 1 nhân viên Trung tâm Dịch vụ đấu giá thuộc Sở Tư pháp Thái Bình.
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, nơi bà Nguyễn Thị Ngấn công tác |
Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thái Bình đã thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Nguyễn Thị Ngấn, cán bộ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Thái Bình.
Cùng ngày, cơ quan công an cũng đã thực hiện khám xét chỗ ở và nơi làm việc của bà Nguyễn Thị Ngấn.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án liên quan đến hoạt động lũng đoạn trong đấu thầu đất của "tập đoàn" Đường "Nhuệ", Công an tỉnh Thái Bình đã rà soát hồ sơ hàng loạt vụ đấu giá đất, tài sản trên địa bàn tỉnh này. Trong đó, đã phát hiện việc "biển thủ" đối với tiền đặt cọc và tiền lệ phí mua đơn đấu giá trong lĩnh vực đấu giá đất và tài sản ở 16 xã trên địa bàn huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình). Do đó, cơ quan công an đã khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Ngấn để điều tra về tội danh "Tham ô tài sản".
Trước đó, ngày 16/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc đối với 4 cán bộ Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ", quy định tại Khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự. Các bị can này bị khởi tố và bắt tạm giam do liên quan tới hoạt động đấu giá của vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ").
Thu hồi sữa hạnh nhân Milk Lab 1L nhập từ Australia
Bộ Công Thương vừa ra thông báo thu hồi sản phẩm sữa hạnh nhân Milk Lab 1L nhập khẩu từ Australia, sau khi nhận được cảnh báo của Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm của nước này.
Ảnh quảng cáo sữa Milk Lab1L |
Cụ thể, thông báo của Bộ Công Thương cho hay, Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm của Australia đã cảnh báo về việc sản phẩm sữa hạnh nhân Milk Lab 1L (Milk Lab Almond Milk 1L) có khả năng bị nhiễm khuẩn (Pseudomonas spp) và hiện đang được thông báo thu hồi tại Australia.
Do vậy, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương yêu cầu cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu do Bộ Công Thương chỉ định thực hiện thông báo tới cá nhân, doanh nghiệp, thu hồi sản phẩm sữa hạnh nhân Milk Lab 1L nhập khẩu từ Australia trong trường hợp cá nhân, doanh nghiệp nhập khẩu đăng ký kiểm tra nhà nước tại cơ quan.
Cụ thể, tên sản phẩm là sữa hạnh nhân Milk Lab 1L (Milk Lab Almond Milk 1L); bao gói 1L; nhà sản xuất là Freedom Foods có địa chỉ tại số 80 Box Road Taren Point NSW 2229. Nhà nhập khẩu là Natural Life Sources Ltd.Co có địa chỉ tại TP.HCM.
Cơ quan quản lý yêu cầu áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với lô sản phẩm sữa hạnh nhân Milk Lab 1L nhập khẩu từ Australia đến khi có thông báo ngừng của Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động kiểm tra hàng hóa trên thị trường, nếu phát hiện sản phẩm với thông tin như trên mà được lưu thông trên thị trường thì kịp thời thu hồi, xử lý theo quy định.
Gần 10.000 căn hộ bỏ trống ở Sài Gòn
TP.HCM đang có 9.434 căn hộ, 2.500 nền đất tái định cư bị bỏ trống nhiều năm nay và mỗi năm phải chi 71 tỷ đồng cho việc quản lý, bảo trì.
Khu tái định cư Vĩnh Lộc |
Theo thống kê của huyện Bình Chánh, khu tái định cư Vĩnh Lộc rộng hơn 30 ha, có 45 block nhà 5 tầng với 1.939 căn hộ, hiện có gần 1.000 căn bỏ trống.
Cách đó hơn 25 km, tại Quận 2, hàng nghìn căn hộ khu tái định cư hơn 38 ha Bình Khánh (phường Bình Khánh) cao trên 20 tầng cũng rơi vào tình trang hoang vắng, không người ở.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, khu tái định cư Bình Khánh còn hơn 5.300 căn hộ tái định cư để trống thuộc các lô từ R1 đến R5. Ngoài khu này, Thành phố còn có 320 căn chung cư ở Quận 12, 220 căn hộ tại chung cư Tân Mỹ (Quận 7), 470 căn hộ tái định cư tại quận Bình Thạnh... bị bỏ trống.
Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (Sở Xây dựng) đang quản lý 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất tái định cư để trống tại 163 dự án. Trong đó, một số được quản lý để chờ bán đấu giá (gần 4.800 căn), số khác (hơn 2.000 căn) chờ bố trí tái định cư cho các dự án trong tương lai. Mỗi năm thành phố phải chi 71 tỷ đồng phục vụ công tác vận hành, bảo quản, duy tu nhà tái định cư.
Trong số hơn chục nghìn căn hộ và nền đất này, hiện UBND Thành phố đã duyệt chủ trương đấu giá hơn 5.000 căn hộ và 43 nền đất. Với dự án có số căn hộ lớn, Thành phố sẽ chia nhỏ số lượng căn hộ khi bán đấu giá, tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư tham gia. Số còn lại, các quận, huyện xin giữ làm quỹ bố trí tái định cư cho các dự án. Trên thực tế, hiện còn trống khoảng 1.800 căn hộ và 1.100 nền đất chưa bố trí. Đây cũng là nguồn dự phòng cho các trường hợp cấp bách cần bố trí tái định cư.
Đề nghị truy tố nguyên Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, các bị can trong vụ án đã câu kết với nhau nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động lên gấp 3 lần giá nhập vào.
Nguyên Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm |
Ngày 12/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án thổi giá máy xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), Công ty CP Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 10 bị can về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong vụ án này, có 6 bị can là cán bộ, lãnh đạo thuộc CDC Hà Nội, gồm: Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc; Nguyễn Vũ Hà Thanh; Hoàng Kim Thư; Lê Xuân Tuấn; Nguyễn Thị Kim Dung và Nguyễn Ngọc Quỳnh.
Các bị can còn lại gồm: Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam; Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech và Nguyễn Thanh Tuyền, Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông.
Kết quả điều tra xác định, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhưng do thời gian gấp nên việc mua sắm này được thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.
Từ các tài liệu thu thập được, Cơ quan điều tra xác định, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối đã mua bán lòng vòng với nhau, sau đó được định giá hơn 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập và được CDC Hà Nội mua vào, qua đó gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.
TP.HCM: Ông Nguyễn Thành Tài sắp hầu tòa
Cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài bị xét xử từ ngày 16/9 đến ngày 21/9 về cáo buộc giao 5.000 m2 đất "vàng" trái luật (khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn, Quận 1), gây thiệt hại hơn 1.927 tỷ đồng.
Ông Tài và Thúy lúc bị bắt |
Ông Nguyễn Thành Tài bị xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt 10 - 20 năm tù.
Bị cáo buộc vai trò đồng phạm là ông Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty CP Đầu tư Lavenue), Nguyễn Hoài Nam (cựu Bí thư Quận 2) và Trương Văn Út (cựu Phó phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường).
Liên quan đến vụ án, Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM) đang bị truy nã, cơ quan điều tra tách ra xử lý sau.