Chi 70 tỷ đồng buôn lậu điện thoại, ông chủ Nhật Cường hưởng lợi 220 tỷ đồng
Bùi Quang Huy đã chi hơn 70 tỷ đồng để tuồn điện thoại và thiết bị điện tử lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam phân phối, hưởng lợi bất chính hơn 220 tỷ đồng.
Cảnh sát khám xét các cửa hàng của Nhật Cường Mobile hồi giữa năm 2019 |
Ngày 13/1, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố Trần Ngọc Ánh (Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường - Công ty Nhật Cường) và 14 bị can trong vụ án Buôn lậu và Rửa tiền, xảy ra tại doanh nghiệp này.
Theo kết luận điều tra, Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường) và Nguyễn Ngọc Bảo (Giám đốc tài chính doanh nghiệp này) bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Còn Trần Ngọc Ánh và 12 bị can còn lại cùng bị đề nghị truy tố về tội Buôn lậu. Bị can Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) đang trốn truy nã quốc tế nên cơ quan điều tra tách thành vụ án khác để xử lý sau.
Cơ quan điều tra xác định năm 2001, Công ty Nhật Cường được thành lập do Bùi Quang Huy làm Tổng giám đốc. Giai đoạn 2013 - 2019, Nhật Cường kinh doanh ngành hàng điện thoại di động, thiết bị điện tử.
Theo cáo buộc, Công ty Nhật Cường đã nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ nhưng không kê khai hải quan, không nộp thuế.
Quá trình hoạt động, Nhật Cường đã tiêu thụ hơn 255.000 sản phẩm công nghệ có tổng giá trị trên 2.900 tỷ đồng. Trong đó, Bùi Quang Huy chi hơn 70 tỷ đồng để tuồn hàng lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam phân phối. Tổng giám đốc Nhật Cường hưởng lợi bất chính hơn 220 tỷ đồng.
TP.HCM ủng hộ Tập đoàn Vingroup thí điểm xe buýt điện
Qua tổng hợp ý kiến đóng góp, hầu hết các sở, ngành tại TP.HCM đều ủng hộ chủ trương mở mới tuyến xe buýt sử dụng năng lượng điện.
Xe buýt điện của VinFast có tầm hoạt động khoảng 220 - 260 km sau khi sạc đầy |
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đã gửi văn bản báo cáo UBND Thành phố về việc mở mới tuyến xe buýt sử dụng năng lượng sạch (xe buýt điện) trên địa bàn.
Theo đề xuất của Tập đoàn Vingroup trước đó, sẽ có 5 tuyến xe buýt điện được mở mới, bao gồm: Tuyến 1 là VinHome Grand Park (khu đô thị ở Quận 9) - Trung tâm thương mại Emart, quận Gò Vấp (bình quân 27 km); Tuyến 2 VinHome Grand Park - Sân bay Tân Sơn Nhất (30 km); Tuyến 3 VinHome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn (29 km); Tuyến 4 VinHome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới (8,5 km); Tuyến 5 Bến xe Miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc Gia (10 km).
Đối với điểm đầu cuối tuyến, Tập đoàn Vingoup sẽ đầu tư xây dựng bến bãi với diện tích 2.400 m2, bao gồm 20 vị trí lưu đậu phương tiện và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ hoạt động của các tuyến xe buýt điện và 1 deport với diện tích 9.800 m2 để phục vụ công tác lưu đậu xe qua đêm, nạp điện, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện.
Theo đánh giá của Sở GTVT Thành phố, việc mở mới tuyến xe buýt sử dụng năng lượng điện nhằm góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, đa dạng hóa phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng sạch, nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong hoạt động GTVT, đồng thời phù hợp với các chủ trương, chính sách của Chính phủ và Thành phố.
Từ những phân tích trên, Sở GTVT đề nghị UBND Thành phố có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương đưa xe buýt điện vào hoạt động thí điểm trên địa bàn TP.HCM. Thời gian thí điểm dự kiến là 24 tháng kể từ ngày chính thức đưa vào hoạt động thí điểm.
Yêu cầu tạm dừng cấp phép chuyến bay từ Anh, Nam Phi về Việt Nam
Cục Hàng không Việt Nam tạm dừng cấp phép các chuyến bay về Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có lây nhiễm chủng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và đang có dịch diễn biến phức tạp, trước hết là từ Anh, Nam Phi.
Ảnh minh họa |
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành và Sở GTVT các địa phương về việc thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch trước, trong và sau chuyến bay chở người nhập cảnh…
Các cơ quan trên tăng cường chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải việc thực hiện các hướng dẫn yêu cầu về phòng chống dịch của Bộ GTVT và các cơ quan chức năng. Thông báo tới các đơn vị kinh doanh vận tải siết chặt và củng cố các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong vận tải hành khách như: bắt buộc đeo khẩu trang với người lái, tiếp viên, người phục vụ và hành khách trong khu vực nhà ga, sân bay, bến tàu, bến xe... trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị quán triệt mọi công chức, viên chức, người lao động ngành giao thông thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp “5K”, gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.
Buộc tháo dỡ khu dịch vụ bãi biển SeaSand trên bãi biển Quy Nhơn
Chưa được cơ quan chức năng Bình Định cấp phép nhưng doanh nghiệp đã đổ bê tông xây dựng khu dịch vụ SeaSand trên bãi biển.
Khu dịch vụ bãi biển SeaSand bị tạm dừng thi công |
Ngày 13/1, Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp với UBND phường Trần Phú, TP. Quy Nhơn (Bình Định) kiểm tra công trình Dự án dịch vụ bãi biển SeaSand (khu vực gần ngã 3 đường Phan Đăng Lưu - Xuân Diệu). Công trình có quy mô xây dựng 1.000 m2 gồm các hạng mục: khu vực bar cà phê, bar coctail, trong nhà, ngoài trời, khu vui chơi trẻ em, sân khấu, ghế võng, cặp đôi, ghế bệt và bungalow.
Công trình này do Công ty CP Thương mại Khai Thành (phường Ngô Mây, TP. Quy Nhơn) làm chủ đầu tư.
Dự án đang được xây dựng ở hai vị trí gồm: vị trí 1 có 30 trụ móng, với diện tích xây dựng 210 m2; vị trí 2 có 35 trụ móng, với diện tích xây dựng 387 m2. Đây là khu vực bãi tắm biển Quy Nhơn được UBND TP. Quy Nhơn cho nhà đầu tư thuê mặt bằng (1.000 m2) vào ngày 21/12/2020.
Làm việc với Chủ đầu tư, Đội Thanh tra số 3 (Sở Xây dựng Bình Định) đã lập biên bản kết luật hai vị trí này chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng.
Do vậy, đoàn công tác đề nghị Công ty CP Thương mại Khai Thành khẩn cấp tháo dỡ các trụ móng; đồng thời phải san gạt mặt bằng, trả lại hiện trạng ban đầu. Nếu doanh nghiệp không chấp hành tháo dỡ, cơ quan chức năng TP. Quy Nhơn xác lập hồ sơ xử lý và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quy định của pháp luật.
Nhà máy điện mặt trời hơn 6.000 tỷ ở miền Tây hoạt động
Nhà máy điện năng lượng mặt trời 275 ha, công suất 210 MWp, vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng hoạt động sẽ đóng góp 400 triệu kWh mỗi năm.
Công trình nhà máy điện năng lượng mặt trời dưới chân núi Cấm |
Nhà máy toạ lạc dưới chân núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên. Công trình có tổng thời gian thi công chưa đầy một năm với khoảng 1.200 - 2.000 cán bộ, kỹ sư và lao động làm việc xuyên suốt.
Trong đó, giai đoạn I, công suất 104 MWp, đóng điện vào tháng 6/2019. Giai đoạn II, công suất 106 MWp được đấu nối vào ngày 2/12/2020.
Nhà máy sử dụng hơn 553.000 tấm pin năng lượng mặt trời, được lắp ráp trên 112.000 trụ đỡ cao 1,8 m, 77 Inverter (biến tần), kết nối với trên 1,6 triệu mét cáp.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, địa phương có nhiều tìm năng phát triển điện năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo. Riêng dự án này hoàn thành góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người dân và đóng góp ngân sách địa phương khoảng 120 tỷ đồng tiền thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hải Dương: Bắt 14 xe rơ-mooc chở 300 tấn hàng nhập lậu về Hà Nội tiêu thụ
Chiều 13/1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hải Dương phát hiện đường dây buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu với số lượng lớn về Hà Nội tiêu thụ.
Công an tỉnh Hải Dương phát hiện đường dây buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu với số lượng lớn về Hà Nội tiêu thụ |
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế phát hiện một số đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu với số lượng lớn về Hà Nội tiêu thụ. Trên đường vận chuyển, các phương tiện dừng nghỉ tại trạm dịch vụ V52 Hải Dương, Km52, cao tốc Hải Phòng - Hà Nội (thuộc địa phận huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) thì bị lực lượng Cảnh sát kinh tế tiến hành kiểm tra, bắt giữ.
Kết quả, 14 xe mang biển kiểm soát 89C-218.33 kéo rơ-mooc 15R- 15099; 14C- 10761 kéo rơ- mooc 14R-01362; 29C-29018; 14C-18765 kéo rơ-mooc 14R-01009 ; 19C-07358; 89C-22316; 14C-15411; 14C-21531; 14C-27321 kéo rơ-mooc 39R-09800; 14C-19194 kéo rơ-mooc 14R-01126; 14C-29000 kéo rơ-mooc 14R-01167; 14H-00349 kéo rơ-mooc 14R-01411; 14C-12824 kéo rơ-mooc 14R- 01430; 15C- 34228 kéo rơ-mooc 15R-04912 vận chuyển hàng hóa do Trung Quốc sản xuất gồm các mặt hàng giầy dép, quần áo, hàng tiêu dùng các loại... Tổng khối lượng khoảng hơn 300 tấn hàng.