Bản tin thời sự sáng 14/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đường nối cao tốc xuống biển Nam Phan Thiết thông xe trước 30/4; Cảnh sát biển điều tàu cấp nước cho dân đảo Hòn Chuối; lãnh đạo Đồng Nai yêu cầu cách chức cán bộ đùn đẩy công việc; thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID từ 22/4…

Đường nối cao tốc xuống biển Nam Phan Thiết thông xe trước 30/4

Đường Hàm Kiệm - Tiến Thành (tỉnh Bình Thuận) dài gần 8 km nối cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết xuống các khu du lịch ven biển phía Nam Phan Thiết sẽ được đưa vào khai thác trước lễ 30/4.

Toàn cảnh đường Hàm Kiệm - Tiến Thành hướng từ biển nối lên cao tốc

Toàn cảnh đường Hàm Kiệm - Tiến Thành hướng từ biển nối lên cao tốc

Thông tin trên được ông Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Thuận (Chủ đầu tư) cho biết ngày 13/4.

Hiện khối lượng thi công đường Hàm Kiệm - Tiến Thành đã đạt hơn 75% hợp đồng. Các nhà thầu đang tăng cường xe, máy móc, thiết bị, nhân lực, đẩy nhanh tiến độ để kịp đưa vào khai thác trước dịp lễ 30/4.

Dự án đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành (đoạn từ Quốc lộ 1 đến Tỉnh lộ 719B) có tổng mức đầu tư gần 420 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, khởi công từ tháng 11/2021. Tuyến dài 7,7 km, mặt đường mỗi bên 8 m, dải phân cách giữa 9 m, lề đường mỗi bên 6 m.

Công trình này nối Đường tỉnh 719B tại xã Tiến Thành (Phan Thiết) lên Quốc lộ 1 tại xã Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam) - nơi có sẵn đường dẫn 2,5 km nối lên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo tại nút giao Ba Bàu.

Khi tuyến đường hoàn thành, du khách từ phía Nam và TP.HCM ra, nếu có nhu cầu đi thẳng đến các khu du lịch ở phía Nam Phan Thiết (Tiến Thành, Hò Giồ, Kê Gà, La Gi) không phải vào Phan Thiết rồi vòng ra hướng Tiến Thành như trước, rút ngắn được quảng đường gần 20 km.

Cảnh sát biển điều tàu cấp nước cho dân đảo Hòn Chuối

Tàu của Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4 chở 350 khối nước ngọt cấp miễn phí cho người dân đảo tiền tiêu Hòn Chuối ở Cà Mau, ngày 13/4.

Cảnh sát biển cấp nước ngọt miễn phí cho người dân trên đảo Hòn Chuối

Cảnh sát biển cấp nước ngọt miễn phí cho người dân trên đảo Hòn Chuối

Tàu thuộc Hải đội 401 từ TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang chở hơn 350 khối nước ngọt để cấp cho người dân, các lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo Hòn Chuối, phương tiện đang hoạt động trong khu vực. Nước được lực lượng bơm trực tiếp lên các tàu cá gần bờ hoặc dẫn ống chuyển đến các hộ dân.

Theo Chỉ huy Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4, việc cấp nước ngọt nhằm chia sẻ khó khăn với người dân trong thời điểm hạn hán, bảo đảm cho nhu cầu sinh hoạt.

Hòn Chuối có diện tích khoảng 7 km2, là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng hướng biển của Tổ quốc. Đảo thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cách cửa biển Sông Đốc 17 hải lý về phía Tây. Trên đảo có 39 hộ dân đăng ký hộ khẩu thường trú, hiện 25 hộ thường xuyên có mặt và sinh sống, còn lại đi làm ăn xa; nguồn nước ngọt phụ thuộc vào nước mưa.

Trước đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 sử dụng 3 tàu tải trọng 60 - 200 tấn mang hơn 1.600 m3 nước sạch cấp miễn phí cho người dân thiếu nước sạch ở 2 huyện Thới Bình và U Minh, tỉnh Cà Mau.

Theo thống kê từ ngành chức năng, hiện toàn tỉnh Cà Mau có hơn 2.600 hộ bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán. Trong đó, hơn 1.700 hộ đặc biệt khó tiếp cận nguồn nước do không khai thác được nước ngầm, kênh rạch khô cạn, đường bị sụt lún, giao thông bị chia cắt...

Lãnh đạo Đồng Nai yêu cầu cách chức cán bộ đùn đẩy công việc

Trước việc chậm giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu cách chức cán bộ đùn đẩy công việc, ảnh hưởng tiến độ Dự án.

Đoạn cao tốc qua khu vực giáp ranh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cuối tháng 1

Đoạn cao tốc qua khu vực giáp ranh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cuối tháng 1

Yêu cầu trên được đưa ra trong cuộc họp với các sở, ngành về công tác giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua TP. Biên Hòa và huyện Long Thành sáng 13/4.

Dự án bị đánh giá chậm tiến độ so với kế hoạch, nguyên nhân chính ở khâu bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhiều gói thầu thuộc Dự án thành phần 1 và 2 không thể thi công, chỉ làm cầm chừng ở mặt bằng đã được bàn giao "nhỏ giọt".

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài gần 54 km (tổng mức đầu tư 17.800 tỷ đồng), đi qua địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, đoạn qua Đồng Nai dài hơn 34 km. Để thực hiện Dự án, Đồng Nai phải thu hồi gần 290 ha đất thuộc địa bàn TP. Biên Hòa và huyện Long Thành với hơn 3.400 hộ dân bị ảnh hưởng, có hơn 2.400 hộ dân thuộc diện phải bố trí tái định cư.

Đến nay, đoạn Dự án thành phần 3 qua Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành hình, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2025, còn đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn rất chậm do vướng mặt bằng.

Trước thông tin các sở, ngành, địa phương đùn đẩy công việc phê duyệt hồ sơ, thẩm định nguồn gốc đất, xác định chủ đất... tại phường Phước Tân, TP. Biên Hòa, ông Đức yêu cầu Thanh tra Sở Nội vụ ngay đầu tuần tới tổ chức thanh kiểm tra công vụ với UBND phường này.

"Nếu phát hiện tình trạng cố tình không làm việc, đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thì báo cáo để cách chức, điều chuyển chủ tịch phường, đưa người khác về làm", ông Đức nói.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị các đơn vị cần nỗ lực, làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ lễ để kịp thời giải quyết các thủ tục liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ Dự án trước ngày 30/6 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID từ 22/4

Từ 22/4, người dân tại Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, không còn phải đến trực tiếp Sở Tư pháp.

Người dân tại Hà Nội xếp hàng từ sáng sớm đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp

Người dân tại Hà Nội xếp hàng từ sáng sớm đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp

Ông Phạm Quang Đại, Phó Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia cho biết, Bộ Công an đã hoàn thiện, đưa vào kiểm thử phần mềm đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID. Phần mềm này kết nối với hệ thống thông tin thủ tục hành chính các địa phương và phần mềm quản lý tư pháp của Bộ Tư pháp.

Cán bộ, công chức Hà Nội và Thừa Thiên Huế đã được tập huấn về cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến.

Trước tình trạng người dân phải xếp hàng đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp tại các thành phố lớn, ông Đại cho biết "không được lạm dụng" loại giấy tờ này.

Về lâu dài, Bộ Tư pháp đang tính toán để người dân được lựa chọn hình thức đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp phù hợp như qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến, thay vì phải đến trực tiếp các sở tư pháp như hiện nay.

Trước đó, tại Nghị quyết số 74/NĐ-CP ngày 7/5/2023, Chính phủ giao Bộ Công an và Bộ Tư pháp phối hợp thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.

Bởi đầu tháng 4/2023, số người đến xác minh lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp Hà Nội tăng đột biến, dẫn đến quá tải, phải xếp hàng dài vài chục mét chờ đến lượt.

Thông xe tuyến đường gần 200 tỷ đồng kết nối Hà Nội với Bắc Giang

Tuyến đường 4,2 km nối Hà Nội với Bắc Giang chính thức thông xe, giúp tăng tính kết nối, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương và các vùng lân cận.

Tuyến đường kết nối huyện Sóc Sơn, Hà Nội với huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang dài 4,2 km, mức đầu tư gần 200 tỷ đồng

Tuyến đường kết nối huyện Sóc Sơn, Hà Nội với huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang dài 4,2 km, mức đầu tư gần 200 tỷ đồng

Tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu (cầu Xuân Cẩm) đến nút giao Bắc Phú của tuyến Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên chính thức thông xe vào ngày 13/4.

Công trình được phê duyệt tháng 6/2022 với tổng mức đầu tư khoảng 195 tỷ đồng. Tuyến đường có tổng chiều dài 4,2 km bao gồm 1 tuyến chính và 2 tuyến nhánh. Trong đó, tuyến chính nối từ cầu Xuân Cẩm đi nút giao Bắc Phú của tuyến Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên có chiều dài 3,3 km, được thiết kế theo đường cấp 3 đồng bằng, chiều rộng nền đường là 12 m.

Trước đó, vào đầu năm 2024, hai huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và Sóc Sơn (Hà Nội) đã phối hợp tổ chức thông xe kỹ thuật cầu Xuân Cẩm. Đến thời điểm này, toàn bộ Dự án cầu Xuân Cẩm và đường dẫn lên cầu ở hai bờ sông Cầu đã cơ bản hoàn thành.

Nguyên Trưởng Công an thành phố Phú Quốc bị bắt

Ông Lê Văn Mót - nguyên Trưởng Công an TP. Phú Quốc - bị bắt tạm giam để điều tra vì có liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra năm 2022.

Ông Lê Văn Mót, nguyên Trưởng Công an TP. Phú Quốc

Ông Lê Văn Mót, nguyên Trưởng Công an TP. Phú Quốc

Ngày 13/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, đã bắt tạm giam nguyên Trưởng Công an TP. Phú Quốc Lê Văn Mót.

Ông Lê Văn Mót (sinh năm 1966) bị khởi tố vì có vai trò đồng phạm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Phú Quốc năm 2022.

Cùng ngày, cơ quan công an đã tiến hành khám xét nơi ở của bị can Mót, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra.

Ông Mót giữ chức Trưởng Công an TP. Phú Quốc từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2023. Đầu năm 2023, ông Mót được điều động giữ chức vụ Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Kiên Giang. Ông Mót nhận quyết định nghỉ hưu vào đầu năm 2024.

Hưng Yên bắt quả tang tàu hút 200 m3 cát trái phép trên sông Hồng

Tổ công tác đã phát hiện phương tiện tàu thủy mang số hiệu NĐ-3299 đang neo đậu tại bên tả sông Hồng, đoạn qua xã Tân Hưng, TP. Hưng Yên, có hành vi hút cát trái phép.

Tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn qua xã Tân Hưng, TP. Hưng Yên

Tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn qua xã Tân Hưng, TP. Hưng Yên

Chiều 13/4, thông tin từ Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông và Công an xã Tân Hưng (TP. Hưng Yên) phát hiện, bắt quả tang một phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn qua TP. Hưng Yên.

Cụ thể, vào 5 giờ cùng ngày, Tổ công tác đã phát hiện phương tiện tàu thủy mang số hiệu NĐ-3299 do anh B.V.T (trú tại xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) làm thuyền trưởng, đang neo đậu tại bên tả sông Hồng, đoạn qua xã Tân Hưng có hành vi hút cát trái phép.

Tổ công tác đã yêu cầu chủ phương tiện chấm dứt ngay hoạt động khai thác cát, giữ nguyên vị trí, hiện trạng phương tiện và tiến hành lập biên bản vụ việc, tạm giữ phương tiện hàng hóa vi phạm. Theo ước tính ban đầu, khối lượng cát hút trái phép khoảng 200 m3.

Hiện lực lượng chức năng tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.