Bản tin thời sự sáng 14/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Y tế khuyến cáo phòng viêm gan bí ẩn; TP.HCM dự kiến đấu giá đất dọc Vành đai 3 thu ít nhất 30.000 tỷ đồng; đề xuất cấp phép cho hãng bay chở hàng của ông Johnathan Hạnh Nguyễn; nhiệt điện Thái Bình 2 hoà lưới điện tổ máy số 1; Ga Nha Trang sẽ thành không gian bảo tàng sau 2030…

Bộ Y tế khuyến cáo phòng viêm gan bí ẩn

Bộ Y tế ngày 13/5 khuyến cáo các biện pháp trước mắt để phòng bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân là vệ sinh cá nhân, giám sát biên giới, xét nghiệm phát hiện sớm ca nghi nhiễm...

Hình ảnh dưới kính hiển vi của virus viêm gan chưa xác định. Ảnh:Sky News

Hình ảnh dưới kính hiển vi của virus viêm gan chưa xác định. Ảnh:Sky News

Đây là lần thứ ba trong hơn nửa tháng qua Bộ Y tế cảnh báo về bệnh viêm gan bí ẩn. Lần đầu, Bộ yêu cầu các địa phương giám sát ca viêm gan không rõ nguyên nhân. Ba ngày sau, Bộ đề nghị các địa phương lấy mẫu tất cả trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân để xét nghiệm. Lần này, Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, Sở y tế các địa phương tăng cường giám sát và khuyến cáo người dân phòng bệnh.

Các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp viêm gan cấp tính, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 16 tuổi, phải khám, xác định nguyên nhân.

Người dân được khuyên phòng bệnh bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi hắt hơi. Cách này còn phòng một số bệnh truyền nhiễm phổ biến khác.

Việt Nam chưa ghi nhận ca viêm gan bí ẩn, tuy nhiên Bộ Y tế không loại trừ khả năng bệnh có thể xâm nhập trong thời gian tới.

Bệnh viêm gan bí ẩn được ghi nhận lần đầu ở Anh và Scotland vào đầu tháng 4, với khoảng 70 trẻ từ một tháng đến 16 tuổi, trong đó phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh sau đó lan rộng hơn 20 nước với gần 300 ca. Châu Á ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại Nhật Bản vào ngày 25/4. Đến nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận 9 trường hợp tử vong ở các nước.

Hiện, nguyên nhân gây bệnh chưa được tìm ra. Các cuộc điều tra và nghiên cứu về bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đang được WHO tiến hành.

TP.HCM dự kiến đấu giá đất dọc Vành đai 3 thu ít nhất 30.000 tỷ đồng

Hơn 500 ha đất công dọc Vành đai 3 qua TP.HCM được tính toán đấu giá thu gần 30.000 tỷ đồng, góp phần đầu tư tuyến huyết mạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Toàn tuyến Vành đai 3 hiện chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc Bình Dương) hoàn thành

Toàn tuyến Vành đai 3 hiện chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc Bình Dương) hoàn thành

Thông tin được Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết ngày 13/5, khi đề cập giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai Vành đai 3 - tuyến đường mang vai trò chiến lược của khu vực Đông Nam Bộ.

Vành đai 3 đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, với tổng chiều dài gần 92 km. Giai đoạn một, tuyến được đầu tư dài hơn 76 km, tổng kinh phí hơn 75.300 tỷ đồng. Giai đoạn này, đường làm trước 4 làn cao tốc ở giữa, vận tốc 80 km/h. Hai bên tuyến xây đường song hành nhưng không liên tục mà bố trí qua các đô thị, khu dân cư có nhu cầu kết nối giao thông, kinh tế...

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, trước đó khi TP.HCM được giao chủ trì nghiên cứu Vành đai 3 đã tính vấn đề khai thác quỹ đất dọc bên đường nhằm có thêm nguồn lực đầu tư. Hiện, khoảng 514 ha đất nằm dọc tuyến do Nhà nước quản lý sau khi rà soát. Khi chưa có hạ tầng kỹ thuật trên đất, các khu này dự kiến đấu giá mang về gần 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dọc tuyến qua địa bàn Thành phố còn có gần 1.900 ha người dân sử dụng, dự tính thu hồi để đấu giá.

Tương tự tại Đồng Nai, địa phương hiện xác định khoảng 214 ha có thể đấu giá mang về hơn 4.300 tỷ đồng. Phía Bình Dương và Long An đang rà soát để có con số cụ thể.

Trong kế hoạch phối hợp thực hiện Dự án, các địa phương đặt mục tiêu khởi công Vành đai 3 vào tháng 12/2023, cơ bản hoàn thành, thông xe kỹ thuật cuối năm 2025 và xong toàn bộ một năm sau đó.

Đề xuất cấp phép cho hãng bay chở hàng của ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa đề nghị Chính phủ cho phép cơ quan này cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hoá cho IPP Air Cargo.

IPP Air Cargo muốn khai thác 5 máy bay chở hàng trong năm đầu tiên. Ảnh minh họa

IPP Air Cargo muốn khai thác 5 máy bay chở hàng trong năm đầu tiên. Ảnh minh họa

Theo báo cáo do Bộ GTVT gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Công ty IPP Air Cargo đã đảm bảo đầy đủ các điều kiện đối với việc thành lập hãng hàng không mới kinh doanh vận chuyển hàng hóa.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, việc xem xét đồng ý cấp phép cho doanh nghiệp Việt Nam thành lập hãng bay mới chuyên chở hàng hoá năm nay là phù hợp.

Công ty Cổ phần IPP Air Cargo có vốn tối thiểu 300 tỷ đồng, trong đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) góp 210 tỷ đồng (70%), còn Công ty TNHH Thương mại Duy Anh, bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu - vợ và con ông Johnathan Hạnh Nguyễn - mỗi bên góp 10%.

Hãng này muốn khai thác 5 máy bay chở hàng trong năm đầu tiên, sau đó tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 5. Hãng dự kiến khai thác các loại máy bay B737, B777 hoặc tương đương.

Bộ GTVT đánh giá đội tàu bay chở hàng hóa 8 - 10 chiếc trên là phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên các cơ sở này, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xem xét, cho phép Bộ cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hoá cho IPP Air Cargo.

Theo quy trình, sau khi được Thủ tướng đồng ý về chủ trương, Bộ GTVT sẽ cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng bằng hàng không cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể cất cánh, các hãng bay vẫn cần có thêm giấy chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC - Aircraft Operator Certificate) và một số thủ tục liên quan.

Nhiệt điện Thái Bình 2 hoà lưới điện tổ máy số 1

Ngày 13/5, Tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 - một trong 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương đã hoà lưới điện quốc gia, vượt 7 ngày so với kế hoạch.

Bảng điện tử thể hiện Tổ máy 1 Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 hoà lưới điện quốc gia.

Bảng điện tử thể hiện Tổ máy 1 Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 hoà lưới điện quốc gia.

Đây là mốc tiến độ quan trọng để hướng tới các mốc tiếp theo, trong đó có mốc đốt than lần đầu vào ngày 16/6 tới. Với tiến độ này, dự kiến Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ hoạt động thương mại trong năm nay.

Sau mốc hoà lưới điện tổ máy số 1, khối lượng công việc còn lại của Dự án này khá lớn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Hoàng Quốc Vượng yêu cầu Ban Quản lý dự án, tổng thầu và các nhà thầu tâp trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp đặt và chạy thử nghiệm Dự án; xử lý các vấn đề khó khăn để đưa Dự án về đích đúng hạn.

Hiện tiến độ tổng thể Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đạt hơn 93%, thiết kế 99,9% và mua sắm hoàn thành hơn 97%. Việc chạy thử hoàn thành khoảng 40%.

Với tổng công suất 1.200 MW, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có quy mô công suất lớn nhất khu vực miền Bắc, với tổng mức đầu tư gần 2 tỷ USD. Dự án từng nằm trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương và trong 10 năm triển khai gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thời điểm rơi vào bế tắc do liên quan tới những vấn đề pháp lý.

Nhiệt điện Thái Bình 2 sau khi hoàn thành, dự kiến cung cấp trên 7,2 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội.

Ga Nha Trang sẽ thành không gian bảo tàng sau 2030

Trong tương lai, ga Nha Trang được quy hoạch thành không gian bảo tàng, công viên, đường đi bộ, công trình phục vụ mục đích công cộng.

Ga Nha Trang là di tích lịch sử nằm vị trí đắc địa trung tâm TP. Nha Trang

Ga Nha Trang là di tích lịch sử nằm vị trí đắc địa trung tâm TP. Nha Trang

Định hướng này được đề cập trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040, vừa được Sở Xây dựng (chủ đầu tư), đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đơn vị tư vấn), báo cáo.

Theo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc di dời Ga Nha Trang, trước mắt vẫn duy trì ga hành khách, còn ga hàng hóa sẽ được xây dựng mới tại xã Vĩnh Trung (TP. Nha Trang) nhằm thay thế ga hiện hữu.

Sau năm 2030, UBND tỉnh Khánh Hòa ưu tiên định hướng quy hoạch khu vực ga Nha Trang thành không gian bảo tàng (giữ lại công trình kiến trúc nhà ga Nha Trang để tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan kết nối với Công viên 23 Tháng 10); công viên, đường đi bộ, công trình phục vụ mục đích công cộng (tuy nhiên chỉ chiếm tối thiểu 60% diện tích khu vực ga Nha Trang được chuyển đổi).

Ngoài ra, không gian này sẽ kết hợp với các hoạt động thương mại, dịch vụ và bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng trong khu vực ga hiện hữu.

Xây cầu Bến Rừng nối Hải Phòng với Quảng Ninh

Cầu Bến Rừng bắc qua sông Đá Bạch, nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) được khởi công xây dựng vào sáng 13/5.

Phối cảnh cầu Bến Rừng dài 1,9 km, mặt cầu rộng 21,5 m, với 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp

Phối cảnh cầu Bến Rừng dài 1,9 km, mặt cầu rộng 21,5 m, với 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp

Cầu Bến Rừng được thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực, dài 1,9 km, mặt cầu rộng 21,5 m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Tổng mức đầu tư Dự án gần 1.940 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 1.100 tỷ đồng; ngân sách TP. Hải Phòng hơn 835 tỷ đồng; ngân sách tỉnh Quảng Ninh 5,5 tỷ đồng.

Cầu được xây dựng tại xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên, cách bến phà Rừng hơn 3,7 km, cách Quốc lộ 10 khoảng 5 km. Công trình dự kiến hoàn thành tháng 5/2024. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, sẽ rút ngắn thời gian thi công còn 19 tháng.

Bến Rừng là cầu thứ ba kết nối Hải Phòng với Quảng Ninh, sau cầu Đá Bạc và Bạch Đằng. Công trình hoàn thành sẽ giúp người dân huyện Thủy Nguyên và thị xã Quảng Yên qua lại nhanh chóng, không phải chờ phà Rừng mất 30 - 60 phút, hoặc phải đi 40 km sang Quốc lộ 18 rồi vòng ra Quốc lộ 10.

Tin cùng chuyên mục