Bản tin thời sự sáng 14/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hải Phòng có thêm hai bến cảng nước sâu 7.000 tỷ đồng ở Lạch Huyện; hợp long cầu hơn 680 tỷ đồng nối Ninh Bình - Nam Định; TP.HCM sắp giải tỏa 2.682 căn nhà để làm 2 dự án hơn 16.000 tỷ đồng; nguyên Cục trưởng An toàn thực phẩm Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong bị bắt…

Hải Phòng có thêm hai bến cảng nước sâu 7.000 tỷ đồng ở Lạch Huyện

Dự án bến cảng số 3 và 4 Lạch Huyện, huyện Cát Hải (TP. Hải Phòng) có tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua đến 1,50 triệu TEU một năm.

Một góc bến cảng nước sâu số 3 và 4 Lạch Huyện, Hải Phòng

Một góc bến cảng nước sâu số 3 và 4 Lạch Huyện, Hải Phòng

Hai bến cảng mới tại Lạch Huyện được khánh thành, đưa vào vận hành chiều 13/5. Dự án có tổng chiều dài hai bến 750 m, độ sâu -16 m, đủ khả năng tiếp nhận tàu mẹ 165.000 DWT (14.000 TEUs) và tàu 200.000 DWT giảm tải, cùng bến sà lan và hệ thống thiết bị xếp dỡ hiện đại. Dự án giúp nâng tổng công suất xếp dỡ của Cảng Hải Phòng thêm 1,35 - 1,5 triệu TEU một năm.

Hai bến cảng nước sâu mới được Công ty CP Cảng Hải Phòng đầu tư, vận hành theo mô hình cảng xanh - thông minh khi đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, tiết kiệm năng lượng và ứng dụng công nghệ tự động.

Việc đưa vào khai thác Bến cảng số 3 và 4 tạo thành hệ thống 6 bến cảng tại Lạch Huyện, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của Hải Phòng, khu vực phía Bắc.

Ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng cho biết, Thành phố tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp tục xây dựng, khai thác các bến cảng tại Lạch Huyện, Cảng Nam Đồ Sơn, cũng như dịch vụ logistics hiện đại theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng tăng 12 - 15% một năm. Năm ngoái, khoảng 194 triệu tấn hàng hóa được thông qua cảng này và dự kiến tăng lên 212 triệu tấn năm nay.

Riêng khu Bến cảng Lạch Huyện được quy hoạch có chức năng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, gồm các bến container, hàng rời, hàng lỏng/khí... Khu cảng này có khả năng đón nhận tàu container đến 18.000 TEU; tàu tổng hợp, hàng rời và hàng lỏng, khí lần lượt tới 100.000 tấn và 150.000 tấn.

Hợp long cầu hơn 680 tỷ đồng nối Ninh Bình - Nam Định

Cầu vượt sông Đáy nối hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) được UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hợp long, ngày 13/5.

Cầu vượt sông Đáy nối Ninh Bình và Nam Định

Cầu vượt sông Đáy nối Ninh Bình và Nam Định

Theo thiết kế, Dự án cầu sông Đáy dài 1,2 km với mặt cắt ngang rộng 12 m và phần đường dẫn hai đầu cầu dài hơn 2 km, vận tốc thiết kế 80 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư hơn trên 680 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương.

Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình, đại diện chủ đầu tư cho biết, hiện khối lượng thi công Dự án đạt khoảng 85% với giá trị gần 500 tỷ đồng. Cầu sông Đáy đến nay đã hoàn thành phần lao lắp toàn bộ 22 nhịp cầu, bắt đầu vào giai đoạn hoàn thiện phần mặt cầu, lan can. Phần đường dẫn cũng đã xong công đoạn đắp nền đường, hệ thống cống thoát nước ngang, đang hoàn thiện các công đoạn còn lại.

Cầu vượt sông Đáy là công trình giao thông cấp một với kết cấu nhịp chính sử dụng dầm liên tục, thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng nhịp, trên nền móng cọc khoan nhồi. Hạng mục này nằm trên tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Ninh Bình dài gần 20 km, tổng mức đầu tư toàn tuyến hơn 2.200 tỷ đồng. Dự án được khởi công năm 2023, dự kiến hoàn thành cuối năm nay.

TP.HCM sắp giải tỏa 2.682 căn nhà để làm 2 dự án hơn 16.000 tỷ đồng

TP.HCM sẽ giải tỏa 2.682 căn nhà để cải tạo bờ Bắc kênh Đôi (Quận 8) và cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh), với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng.

Nhà dân hai bên bờ kênh Đôi (Quận 8)

Nhà dân hai bên bờ kênh Đôi (Quận 8)

Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi (Quận 8) dự kiến khởi công vào dịp Quốc khánh 2/9/2025.

Với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng, Dự án sẽ thu hồi hơn 5,85 ha đất tại các phường 8, 9, 10, 11, 12 và 14 của Quận 8.

Tổng cộng có 1.617 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 1.020 hộ sẽ bị giải tỏa trắng và 597 hộ bị giải tỏa một phần.

Đến nay, UBND Quận 8 đã tiếp xúc với 1.497/1.617 trường hợp, trong đó có 961 hộ đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn còn 536 trường hợp chưa chấp thuận, chủ yếu do chưa thống nhất về xác minh nguồn gốc đất và đơn giá bồi thường.

Dự án sẽ xây dựng hơn 4,3 km bờ kè dọc kênh Đôi, nạo vét một phần lòng kênh nhằm cải thiện dòng chảy và vệ sinh môi trường. Hai tuyến đường ven kênh là Hoài Thanh và Nguyễn Duy sẽ được mở rộng lên 20 m, giúp tăng khả năng kết nối giao thông nội khu.

Ngoài ra, Dự án còn bao gồm nhiều hạng mục hạ tầng quan trọng: xây dựng tuyến đường Nguyễn Duy nối dài (rộng 16 m, từ hẻm 157 Hưng Phú đến cầu Chữ Y), cầu Hiệp Ân 2,…

Dự kiến đến năm 2028, toàn bộ Dự án sẽ hoàn thành, góp phần giảm ngập úng, ô nhiễm và mang lại diện mạo mới cho Quận 8.

Cùng với kênh Đôi, rạch Văn Thánh - con rạch ô nhiễm lâu năm tại Bình Thạnh cũng sắp được cải tạo với tổng mức đầu tư dự kiến 8.614 tỷ đồng.

Dự án đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đang được trình Hội đồng thẩm định TP.HCM.

Công trình sẽ cải tạo tuyến chính rạch Văn Thánh dài 2 km (từ đường Võ Oanh đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) và một nhánh rạch dài 275 m.

Các hạng mục chính bao gồm: xây dựng bờ kè bê tông hai bên rạch, nạo vét lòng rạch rộng 25 - 50 m, sâu 3 m; xây đường ven rạch rộng 6 - 20 m; xây mới cầu Phú An rộng 17 m; nâng cấp, mở rộng đường Ngô Tất Tố lên 25 m.

Tổng diện tích đất phải thu hồi là hơn 7,47 ha, với khoảng 1.065 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, 772 hộ sẽ bị giải tỏa trắng. Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chiếm phần lớn - khoảng 6.870 tỷ đồng.

Dự án được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2025 - 2026 sẽ tập trung lập dự án và giải phóng mặt bằng, cần bố trí khoảng 6.887 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 sẽ triển khai xây dựng và quyết toán với kinh phí khoảng 1.727 tỷ đồng.

Nguyên Cục trưởng An toàn thực phẩm Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong bị bắt

Ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng An toàn thực phẩm Bộ Y tế, cùng 4 người bị khởi tố với cáo buộc nhận hối lộ trong vụ sản xuất hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả.

Ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng an toàn thực phẩm Bộ Y tế

Ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng an toàn thực phẩm Bộ Y tế

Ngày 13/5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 Bộ Công an) khởi tố ông Phong cùng 4 cán bộ của Cục An toàn thực phẩm là Đinh Quang Minh (Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm), Nguyễn Thị Minh Hải (Phó giám đốc Trung tâm), Lê Thị Hiên (chuyên viên) và Cao Văn Trung (Phó phòng Giám sát ngộ độc) để điều tra về tội Nhận hối lộ.

Trong số này, bà Hải được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, 4 người còn lại bị tạm giam.

Ông Phong làm Cục trưởng trong hai nhiệm kỳ, từ năm 2015 đến cuối 2024. Cục An toàn thực phẩm là đơn vị tham mưu, giúp Bộ trưởng Y tế quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Việc khởi tố 5 người nằm trong diễn biến mở rộng điều tra vụ án làm giả hàng trăm tấn thực phẩm chức năng do Nguyễn Năng Mạnh (Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MEDIUSA - trụ sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) và đồng phạm thực hiện.

C03 xác định để tiêu thụ thực phẩm chức năng giả trên thị trường, Mạnh và đồng phạm đã thống nhất chi tiền cho cán bộ đoàn kiểm tra của Cục An toàn thực phẩm trong việc thẩm định, hậu kiểm và cấp phép công bố sản phẩm. Việc này nhằm để được giảm số lỗi khi thẩm định, hướng dẫn cách khắc phục hoặc cho thời gian để khắc phục lỗi.

5 cán bộ của Cục An toàn thực phẩm đã có sai phạm trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp 4 giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt cho nhà máy MediPhar và nhà máy MEDIUSA. Đơn vị này còn cấp 20 giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm cho nhóm 9 công ty của Mạnh.

Trước đó, Nguyễn Năng Mạnh (Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MEDIUSA, Hà Nội), Đỗ Mạnh Hoàng (Giám đốc Công ty MediPhar), Khúc Minh Vũ (Giám đốc Công ty Việt Đức), Phạm Thị Hường (kế toán phụ trách 4 công ty), Lê Thị Toan (thủ quỹ 6 công ty) bị C03 khởi tố, tạm giam về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm hoặc Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Số tiền nợ thuế hơn 83.000 tỷ đồng, cơ quan thuế thu được gần 5.000 tỷ đồng

Cơ quan thuế đã ban hành gần 61.500 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là hơn 83.000 tỷ đồng và thu được gần 5.000 tỷ đồng của 7.309 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh.

Cơ quan thuế đã ban hành 61.492 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 83.028 tỷ đồng

Cơ quan thuế đã ban hành 61.492 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 83.028 tỷ đồng

Theo thông tin từ Cục Thuế (Bộ Tài chính), đến nay, cơ quan thuế các cấp đã ban hành 61.492 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 83.028 tỷ đồng. Trong đó, 36.646 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền nợ thuế là 13.407 tỷ đồng.

Cơ quan thuế đã thu được 4.955 tỷ đồng của 7.309 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh. Trong đó, 2.694 người nộp với số tiền là 256 tỷ đồng của người nộp thuế đang bỏ địa chỉ kinh doanh.

Theo Cục Thuế, vẫn còn tồn tại một bộ phận người nộp thuế cố tình chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Một số trường hợp sau khi phát sinh nghĩa vụ thuế lớn hoặc có dấu hiệu vi phạm đã tìm cách xuất cảnh ra nước ngoài nhằm né tránh trách nhiệm.

Cục Thuế và Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) sắp tới sẽ phối hợp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin tạm hoãn xuất cảnh bằng hình thức điện tử. Cục Thuế đồng thời phối hợp với Kho bạc Nhà nước và hệ thống các ngân hàng thương mại để truyền - nhận thông tin nộp thuế theo hình thức điện tử, nhằm rút ngắn thời gian xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế, gỡ bỏ kịp thời lệnh tạm hoãn xuất cảnh, tạo điều kiện cho người nộp thuế.

Chủ siêu dự án khu tứ giác Bến Thành tăng vốn thêm 16.000 tỷ đồng

Saigon Glory - chủ đầu tư dự án tại khu tứ giác Bến Thành vừa tăng vốn từ 7.000 tỷ lên 23.000 tỷ đồng, tương ứng trên 900 triệu USD.

Dự án tại khu tứ giác Bến Thành

Dự án tại khu tứ giác Bến Thành

Theo bản đăng ký thông tin doanh nghiệp mới nhất, vốn điều lệ của Công ty TNHH Saigon Glory tăng thêm 16.000 tỷ đồng, lên mức 23.000 tỷ. Người được uỷ quyền đại diện phần vốn này vẫn là Chủ tịch HĐQT Saigon Glory Trần Thanh Tú.

Chủ đầu tư của siêu dự án tại khu tứ giác Bến Thành tăng vốn lên hơn 900 triệu USD sau khoảng nửa năm Bitexco hoàn thành thoái vốn tại công ty này. Hồi tháng 10/2024, toàn bộ phần vốn góp của Bitexco tại Saigon Glory đã được chuyển sang cho Công ty Phương Đông Hà Nội. Đây là doanh nghiệp được thành lập tháng 5/2019, trụ sở tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trong khi đó, Saigon Glory thành lập từ tháng 6/2018 là chủ đầu tư siêu dự án One Central HCM. Dự án phức hợp rộng 8.600 m2 tại khu tứ giác Bến Thành, đối diện chợ Bến Thành (Quận 1, TP HCM). Đây là một trong những vị trí đắc địa nhất Sài Gòn khi sở hữu 4 mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão - Calmette - Lê Thị Hồng Gấm - Phó Đức Chính.

Sau khi xây dựng phần hầm giai đoạn 2012-2013, dự án ngừng thi công. Đến giữa năm 2020, The Spirit of Saigon được khởi động lại và xây các tầng tháp. Đây cũng là thời điểm Saigon Glory liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu.

Tuy nhiên, sang đầu năm 2021, Dự án đổi sang Masterise Homes phát triển với tên gọi mới One Central HCM. Công trình tiếp tục được xây thêm vài tầng tháp. Đến tháng 8/2022, Viva Land thế chỗ Masterise Homes và đổi tên dự án thành Pearl. Nhưng đến tháng 11, cái tên này biến mất và Dự án lại ngừng thi công.

Đường vừa nâng cấp ở quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) bị sụp xuống sông

Tuyến đường hơn 4km ở quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) đang được cải tạo, nâng cấp bị sạt lở đoạn dài dọc sông, uy hiếp nhiều nhà dân, chia cắt giao thông khu vực.

Khu vực sạt lở ở phường Long Hưng, quận Ô Môn, ngày 13/5

Khu vực sạt lở ở phường Long Hưng, quận Ô Môn, ngày 13/5

46m đường giao thông nông thôn liên khu vực nằm ven sông Bằng Tăng ở phường Long Hưng, quận Ô Môn sạt lở nghiêm trọng vào sáng 13/5. Trong đó, 30m bị sạt lở hoàn toàn, 16m còn lại bị nứt, sụp lún. Đoạn sạt lở ăn sâu vào đất liền 4 - 5m, sụp gần toàn bộ mặt đường với độ sâu 0,5 - 2m, chia cắt đi lại của người dân địa phương qua khu vực.

Tại hiện trường tiếp tục xuất hiện các vết nứt mới, có nguy cơ sạt lở trong thời gian tới. Ông Lê Võ Tâm, Chủ tịch UBND phường Long Hưng cho biết, sự cố lúc vắng người và xe nên không xảy ra thương vong. Địa phương đã giăng dây, đặt biển báo cảnh báo nguy hiểm và huy động lực lượng làm đường tạm vòng qua khu vực này để kết nối giao thông.

Trung tâm Nước sạch và Môi trường nông thôn Cần Thơ cũng bố trí nhân công thực hiện nối đường ống cung cấp nước sạch cho người dân.

Đại diện Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất quận Ô Môn (chủ đầu tư Dự án) cho biết, đường xảy ra sự cố dài 4,15km, đang được nâng cấp mở rộng với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Khu vực sạt lở đã được nhà thầu thi công hoàn thiện từ cuối năm 2024. Đơn vị cùng ngành chức năng đang phối hợp kiểm tra, tìm nguyên nhân để đưa ra phương án khắc phục.

Năm 2024, địa bàn TP. Cần Thơ xảy ra 27 điểm sạt lở, làm thiệt hại 14 căn nhà, sụt lún một nhà kho và ảnh hưởng 35 căn khác, tổng thiệt hại hơn 15 tỷ đồng. Địa phương đã xây dựng, khắc phục 12 trong tổng số 27 điểm sạt lở nguy hiểm, với tổng chiều dài xử lý hơn 2,1km, tổng mức đầu tư gần 170 tỷ đồng.

Hồi tháng 4, TP. Cần Thơ đã triển khai xây dựng kè chống sạt lở khẩn cấp sông Ô Môn, đoạn 650m qua địa bàn phường Thới An với tổng kinh phí đầu tư 130 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026.

TP.HCM kiến nghị phương án gỡ vướng cho 20% quỹ đất nhà ở xã hội

TP.HCM đề xuất cho các chủ đầu tư nhà ở thương mại được đóng tiền tương đương thay vì bố trí 20% quỹ đất dự án làm nhà ở xã hội.

Dự án nhà ở xã hội tại phường Long Trường, TP. Thủ Đức

Dự án nhà ở xã hội tại phường Long Trường, TP. Thủ Đức

UBND TP.HCM vừa kiến nghị Ban Thường vụ Đảng ủy UBND Thành phố chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng, cho phép chủ đầu nhà ở thương mại không phải bố trí quỹ đất 20% của dự án để xây nhà ở xã hội. Thay vào đó các chủ đầu tư được đóng tiền tương đương tổng giá trị quỹ đất trên hoặc bố trí nhà ở xã hội tại các vị trí khác.

Quy định trên cho các dự án có một số đặc thù như: quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 của dự án không có đất ở là chung cư; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án chỉ có một khối chung cư hoặc nhiều khối nhưng chung khối đế; diện tích 20% đất dành cho nhà ở xã hội trong dự án không đủ để tách thành dự án độc lập.

Lý giải nguyên nhân đề xuất, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 100/2024 đã cho phép ba hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội, gồm bố trí quỹ đất trong dự án, bố trí quỹ đất tại khu vực khác, hoặc đóng tiền. Việc lựa chọn phương án cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định. Hiện nay đã không còn quy định quy mô dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ đất ở phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, là đô thị loại đặc biệt, TP.HCM chỉ phát triển nhà ở xã hội theo loại hình chung cư, không có nhà ở riêng lẻ. Do đó, việc không bố trí quỹ đất 20% trong các dự án thương mại được đánh giá là phù hợp.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đề xuất gỡ vướng cho 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội trong các dự án thương mại. Theo HoREA, việc triển khai nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án nhà thương mại cao cấp sẽ khó khả thi vì giá bán có thể lên rất cao, vượt khả năng tài chính của nhóm mua nhà ở xã hội.

Theo chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội được Chính phủ giao, đến năm 2030, TP.HCM phải hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội. Đến nay, Thành phố mới hoàn thành 6 dự án với quy mô 2.745 căn hộ.

Nhằm đạt chỉ tiêu đã đăng ký, năm 2025, TP.HCM phải hoàn thành 3 dự án với quy mô 2.316 căn; dự kiến khởi công 8 dự án quy mô 8.000 căn và chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 dự án quy mô khoảng 20.000 căn.

Tin cùng chuyên mục