Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu siết quy chuẩn an toàn chung cư mini
Nhà ở nhiều tầng, căn hộ để bán, cho thuê, nhiều người ở phải áp quy chuẩn an toàn như nhà chung cư, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Chung cư mini bị cháy nằm trong khu vực chật hẹp, không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy |
Tại dự thảo Nghị định về Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng tách riêng nhà ở riêng lẻ kết hợp với cho thuê, ở nhiều người thành một chương riêng để quản chặt việc bán, cho thuê.
Nhưng tại cuộc họp về dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều Luật Nhà ở, ngày 13/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, loại hình này "phải áp dụng quy chuẩn an toàn như nhà chung cư".
Quy định hiện nay, chung cư phải bảo đảm các quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, khai thác, sử dụng. Các quy định này nhằm bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Nhà ở nhiều tầng, căn hộ được bán, cho thuê thường được biết tới là chung cư mini. Thời gian qua, nhiều địa phương có tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra và không xử lý kịp thời sai phạm với loại hình này. Điều này dẫn tới hệ lụy, gây quá tải về hệ thống hạ tầng đô thị, các tiện ích phục vụ sinh hoạt và tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Thực tế đã xảy ra một số vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Do đó, việc siết lại điều kiện xây loại nhà ở này, theo các chuyên gia, sẽ khắc phục những bất cập hiện nay, bảo đảm nguồn cung cho thị trường khi đây là loại hình giải quyết nhu cầu nhà ở cho hàng triệu người.
Ngoài siết quản lý chung cư mini, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đơn giản quy trình phân hạng chung cư. Việc này sẽ khuyến khích doanh nghiệp làm chung cư xanh, thông minh, thay vì chỉ tập trung vào công năng sử dụng. Các quy định mới cũng cần làm rõ trách nhiệm ban quản lý, cách thức thu, quản lý quỹ bảo trì, vận hành nhà chung cư.
Với nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị, cơ quan soạn thảo thiết kế điều khoản về dành nguồn lực nhà nước phát triển phân khúc này cho người nghèo, đối tượng chính sách, tương tự nhà công vụ.
Cùng đó, dự thảo Nghị định cũng cần bổ sung quy định về lập quỹ phát triển nhà ở xã hội từ nguồn vốn Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.
Hiện cả nước có 503 dự án nhà xã hội đang triển khai, tăng 4 dự án so với cách đây 2 tháng. Trong đó, 75 dự án hoàn thành với gần 40.000 căn, tăng 3 dự án với hơn 1.700 căn so với 2 tháng trước.
Bộ Quốc phòng tìm khách hàng mua đất dự án của Tập đoàn Phúc Sơn
Khách hàng đã mua đất Dự án Khu Trung tâm đô thị thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang của Tập đoàn Phúc Sơn được đề nghị liên hệ với cơ quan điều tra.
Sân bay Nha Trang cũ ở trung tâm thành phố |
Ngày 13/6, Cơ quan điều tra hình sự Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) cho biết, việc đề nghị cung cấp thông tin nhằm phục vụ điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Khánh Hòa. Sai phạm cụ thể của cá nhân, tổ chức liên quan chưa được công bố bởi đang trong giai đoạn thu thập tài liệu.
Số lượng khách hàng đã mua đất Dự án Khu Trung tâm đô thị thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang tại sân bay Nha Trang cũ chưa được xác định cụ thể "nhưng lên đến cả nghìn người" ngụ tại Hà Nội, Khánh Hòa, TP.HCM... Quá trình rà soát thông tin khách hàng, cơ quan điều tra gặp khó khăn do địa chỉ hoặc số điện thoại của họ đã cũ, không liên hệ được; có người thiếu thông tin về ngày tháng năm sinh. Vì vậy, cơ quan này cần tìm các bị hại để có đầy đủ thông tin.
Theo đó, khách hàng có thể cung cấp thông tin cho Cơ quan điều tra hình sự Quân chủng Phòng không - Không quân qua chỉ dẫn này.
Sân bay Nha Trang cũ rộng hơn 186 ha, nằm gần trung tâm Thành phố. Cuối năm 2009, một phần sân bay Nha Trang được giao cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền tỉnh Khánh Hòa sau đó sử dụng quỹ đất này để thanh toán cho các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) và trong việc thực hiện Dự án Khu Trung tâm đô thị thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang. Công trình tọa lạc tại mặt tiền đường biển Trần Phú, tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, được quy hoạch trên khu đất 185 ha. Dự án do Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư.
Đến tháng 6/2021, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng đối với 6 dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang. Cơ quan này đã chỉ ra các vi phạm như các dự án BT đã không hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào khoảng cuối năm 2017.
Agribank bán vàng trực tuyến từ tuần sau
Sau Vietcombank, Agribank cho biết đang chuẩn bị hạ tầng công nghệ để bán vàng trực tuyến từ tuần sau.
Người dân mua vàng ở Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, TP.HCM |
Theo đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), khách mua vàng của ngân hàng này sẽ được đặt trước trên kênh trực tuyến, thay vì đến mua các điểm bán như hiện nay.
Ngân hàng dự kiến bán vàng online từ tuần tới, sau khi chuẩn bị xong hạ tầng công nghệ. Như vậy, Agribank là ngân hàng thứ hai sẽ bán vàng trực tuyến, sau Vietcombank.
Việc này được 2 ngân hàng triển khai nhằm giải quyết tình trạng khách phải xếp hàng chờ lấy số mua vàng tại các điểm bán.
Tuy vậy, trước nhu cầu cao từ phía khách hàng, hệ thống đăng ký mua online của Vietcombank hết lượt đặt chỗ chỉ sau vài phút. Một số khách hàng thông báo gặp tình trạng lỗi khi đăng nhập và không kịp đặt trước.
Trước đó, từ ngày 3/6 - thời điểm 4 ngân hàng quốc doanh và SJC bán vàng cho người dân, tình trạng hàng dài người xếp hàng chờ lấy số diễn ra. Điều này do mỗi điểm bán của các nhà băng chỉ nhận từ 20 - 40 khách mua một ngày, trong khi thời gian giao dịch ít, quy trình xác minh với những khách mua số lượng lớn mất nhiều thời gian. Vì thế, không ít khách hàng túc trực từ 4 - 5h sáng để chờ lấy số.
Theo Vietcombank, với dịch vụ đặt mua trực tuyến, khách hàng không mất thời gian xếp hàng chờ lấy số, Ngân hàng sử dụng thông tin đăng ký để giao dịch, nên tiết kiệm thời gian.
Chủ tịch huyện Nhơn Trạch bị mất 170 tỷ đồng từng kê khai tài sản không trung thực
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai phát hiện bà Nguyễn Thị Giang Hương có khuyết điểm, vi phạm về việc kê khai tài sản không trung thực.
UBND huyện Nhơn Trạch, nơi bà Giang Hương đang làm việc |
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai đã xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Vị Chủ tịch huyện này từng bị lừa mất hơn 170 tỷ đồng.
Qua kiểm điểm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai nhận thấy, bà Nguyễn Thị Giang Hương có khuyết điểm, vi phạm việc Kê khai tài sản không trung thực, vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; Luật Phòng, chống tham nhũng và Quy định 69-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã xem xét, kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai quyết định thi hành kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương theo thẩm quyền.
Bà Nguyễn Thị Giang Hương (SN 1973) hiện giữ chức Phó bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Trước đó, tại cuộc họp báo quý I do Bộ Công an tổ chức ngày 26/3, đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thông tin về vụ nữ Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) bị lừa mất khoảng 170 tỷ đồng.
Hải Phòng bắt đầu di dời bến cảng 150 tuổi từ tháng 9
Khi cầu Nguyễn Trãi khởi công vào tháng 9, cảng Hoàng Diệu sẽ dừng khai thác ba bến và phân kỳ di chuyển máy móc theo tiến độ thi công Dự án.
Cảng Hoàng Diệu, nằm bên bờ sông Cấm, là cảng biển lâu đời nhất TP. Hải Phòng |
Theo kế hoạch của UBND TP. Hải Phòng, Dự án xây dựng cầu Nguyễn Trãi nối quận Ngô Quyền với huyện Thủy Nguyên sẽ khởi công vào tháng 9/2024. Trong số 33 tổ chức và 180 hộ dân trong diện thu hồi đất để thực hiện Dự án, cảng Hoàng Diệu có hơn 300.000 m2 đất. Việc thu hồi đất cảng đã được UBND quận Ngô Quyền ban hành, dự kiến hoàn thành tháng 30/12.
Là một trong 5 cảng thuộc Công ty CP Cảng Hải Phòng và cũng là cảng lâu đời nhất thành phố, cảng Hoàng Diệu hiện có gần 1.000 công nhân cùng rất nhiều máy móc, thiết bị phục vụ cho việc tiếp nhận hàng hóa.
Trước chủ trương thu hồi đất, lãnh đạo Công ty CP Cảng Hải Phòng đề nghị, Thành phố xem xét trợ cấp ngừng việc cho người lao động, phân kỳ thu hồi đất, di dời các cầu cảng, đồng thời có thời gian nâng cao khả năng tiếp nhận tàu, hàng hóa của các cảng trực thuộc khi di dời cảng Hoàng Diệu.
Hiện nay, các đơn vị liên quan đã làm thủ tục để di dời thiết bị, lộ trình đến khi cầu Nguyễn Trãi khởi công, các bến số 1, 2, 3 của cảng Hoàng Diệu sẽ dừng khai thác để di dời. 8 bến còn lại sẽ di dời dần theo tiến độ Dự án.
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã đồng ý lùi thời điểm phê duyệt phương án hỗ trợ người lao động mất việc để doanh nghiệp hoàn thành thủ tục sắp xếp; yêu cầu cảng Hải Phòng phối hợp với quận Ngô Quyền bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, nhất là mặt bằng khởi công trong tháng 9.
Cảng Hoàng Diệu nằm bên sông Cấm, cách cửa biển khoảng 16 km, được người Pháp xây dựng từ năm 1874 với 6 nhà kho lớn, nên hay được gọi là bến Sáu Kho. Cảng dài 1.717 m, tổng diện tích kho hàng 31.320 m2, bãi hàng 163.000 m2 cùng hệ thống công trình phụ trợ...
Trùng tu thành cổ hơn 230 tuổi ở Khánh Hòa
Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia thành cổ Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) sẽ được tu bổ, tôn tạo với kinh phí gần 167 tỷ đồng.
Toàn cảnh thành cổ Diên Khánh |
Ngày 13/6, Ban Quản lý các dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa (chủ đầu tư) cho biết, việc tu bổ thành cổ chia làm 12 hạng mục.
Các hạng mục được trùng tu, bảo tồn nguyên gốc gồm: tuyến thành đất dài 2.500 m, đỉnh thành rộng hơn 4 m, lối đi lát gạch rộng 2,6 m... Các công trình sẽ xây mới là đường dài 2.000 m, rộng 6 m, chạy sát chân thành, cầu vòm bắc qua hào nước, các tiểu công viên, chỉnh trang cầu tại các cổng thành...
Để thực hiện dự án tôn tạo, cơ quan chức năng sẽ giải tỏa khoảng 55.000 m2 đất thành cổ, hơn 39.000 m2 đất cơ quan đoàn thể, hơn 100.000 m2 đất do các hộ dân đang sử dụng.
Hồi tháng 5, UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận thực hiện khu đô thị hành chính huyện Diên Khánh với kinh phí trên 2.000 tỷ đồng. Các cơ quan hành chính của huyện nằm trong thành cổ sẽ được di dời tới đây.
Thành cổ Diên Khánh được xây dựng năm 1793, trên diện tích 3,5 ha, chiều dài thành 2.600 m, tường thành cao 3,5 m. Công trình này là trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh Khánh Hoà từ năm 1802 đến 1945. Năm 1988, thành cổ được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.