Bản tin thời sự sáng 14/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hơn 15 triệu người bị sai thông tin tiêm vaccine Covid-19 trên hệ thống; Lai Châu xin xây dựng sân bay theo phương thức PPP; tái khởi động cao tốc Bến Lức - Long Thành vào quý III/2022; cựu Phó Chủ tịch huyện Đắk G’long biến đất rừng thành của riêng…

Hơn 15 triệu người sai thông tin tiêm vaccine Covid-19 trên hệ thống

Theo Bộ Y tế, hiện khoảng 14 triệu mũi tiêm vaccine Covid-19 chưa được cập nhật lên hệ thống và hơn 15 triệu người sai thông tin (họ tên, ngày sinh...) so với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Khoảng 14 triệu mũi tiêm vaccine Covid-19 chưa được cập nhật lên hệ thống. Ảnh minh họa

Khoảng 14 triệu mũi tiêm vaccine Covid-19 chưa được cập nhật lên hệ thống. Ảnh minh họa

Bộ Y tế vừa có văn bản đôn đốc thực hiện cập nhật, “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19. Văn bản được gửi đến UBND tỉnh, thành và các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Bộ Y tế; y tế bộ, ngành.

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 5/8, cả nước đã tiêm được 247.339.252 mũi tiêm. Tuy nhiên, hệ thống mới ghi nhận 233.747.367 mũi tiêm. Hiện khoảng 14 triệu mũi tiêm chưa được cập nhật lên hệ thống và 15.330.708 đối tượng có thông tin CCCD/CMND nhưng sai thông tin (họ tên, ngày sinh, thông tin khác...) so với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo cơ sở tiêm chủng trên địa bàn quản lý; các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Bộ Y tế... khẩn trương cập nhật dữ liệu các mũi tiêm đã thực hiện lên hệ thống. Đối với các mũi tiêm mới, Bộ yêu cầu 100% cơ sở tiêm chủng cập nhập dữ liệu đầy đủ, chính xác, hoàn thành ngay trong ngày.

Bộ cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc hướng dẫn quy trình “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và ký xác nhận “hộ chiếu vaccine” theo hướng dẫn tại Công văn số 1908/BYT-CNTT ngày 15/4.

Bộ Y tế cho biết, đến ngày 13/8, Việt Nam đã cấp gần 42 triệu hộ chiếu vaccine cho người dân sau gần 4 tháng triển khai ký xác nhận hộ chiếu vaccine.

Lai Châu xin xây dựng sân bay theo phương thức PPP

UBND tỉnh Lai Châu vừa kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng sân bay nội địa công suất 0,5 triệu hành khách/năm theo phương thức PPP.

Sân bay Lai Châu đã được xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không năm 2018. Ảnh minh họa

Sân bay Lai Châu đã được xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không năm 2018. Ảnh minh họa

Theo UBND tỉnh Lai Châu, hiện nay đã có một số nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu xây dựng sân bay trên địa bàn Tỉnh. Để đảm bảo cơ sở pháp lý, thuận lợi trong quá trình cắm mốc quy hoạch, giải phóng mặt bằng, Tỉnh kiến nghị được đầu tư sân bay theo phương thức PPP, giao Tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.

Tỉnh Lai Châu cho biết, đã chủ động nguồn lực để triển khai quy hoạch sử dụng đất và giải phóng mặt bằng. Sân bay sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.

Sân bay Lai Châu đã được xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không năm 2018. Cụ thể, đến năm 2030, Lai Châu là sân bay dân dụng cấp 3C và quân sự cấp III; công suất 0,5 triệu hành khách mỗi năm; diện tích sử dụng đất 167 ha tại thị trấn Tân Uyên.

Hiện miền núi Tây Bắc mới có sân bay Điện Biên. Theo đề xuất quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải, đến năm 2030, khu vực này có 4 sân bay nội địa là Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa (Lào Cai), Nà Sản (Sơn La).

Tái khởi động cao tốc Bến Lức - Long Thành vào quý III/2022

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, hiện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành - đã được Quốc hội thông qua phương án bố trí vốn, dự kiến cuối năm nay sẽ tái khởi động các gói thầu sau nhiều năm đình trệ vì khó khăn nguồn vốn.

Một số gói thầu thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành đã dừng thi công nhiều năm nay dẫn tới Dự án chậm tiến độ

Một số gói thầu thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành đã dừng thi công nhiều năm nay dẫn tới Dự án chậm tiến độ

Bộ GTVT cho hay, Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành chia thành 3 đoạn, có tính chất độc lập tương đối, sử dụng các khoản vay từ nhà tài trợ vốn khác nhau. Thời gian thực hiện ban đầu dự kiến trong giai đoạn 2015 - 2020.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có một số thay đổi về cơ chế chính sách dẫn đến VEC không được bố trí vốn, đa số gói thầu phải dừng thi công từ năm 2019 tới nay.

Đến nay, Bộ Chính trị và Quốc hội đã thông qua chủ trương tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vốn của VEC và Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Bộ GTVT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ hoàn thiện thủ tục để bố trí vốn cho Dự án.

Bộ GTVT dự kiến các gói thầu thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ thi công trở lại trong quý III/2022.

Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do VEC làm chủ đầu tư, có chiều dài gần 58 km, đi qua Long An, TP.HCM và Đồng Nai. Dự án có tổng mức đầu tư trên 31.320 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ADB, JICA và vốn đối ứng trong nước.

Dự án thành phần 2 thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chủ đầu tư

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ vừa thống nhất giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Thành phố làm chủ đầu tư thực hiện Dự án thành phần 2 (đoạn qua Cần Thơ) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được chia thành 4 dự án thành phần. Ảnh minh họa

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được chia thành 4 dự án thành phần. Ảnh minh họa

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Thành phố khẩn trương phối hợp với Sở GTVT và các đơn vị có liên quan tiếp nhận hồ sơ và triển khai các thủ tục tiếp theo đảm bảo đúng quy định; đồng thời kiện toàn tổ chức, nhân sự đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, đi qua địa bàn các tỉnh/thành phố gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư của Dự án là 44.691 tỷ đồng.

Nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng hơn 1.200 ha, gồm: đất trồng lúa 860 ha; đất dân cư (đất ở) 24 ha; đất trồng cây lâu năm 127 ha; đất trồng cây hàng năm 65 ha; đất nuôi trồng thủy hải sản 10 ha và đất công cộng 119 ha.

Về tiến độ, chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 1 (An Giang) dài hơn 57 km, vốn đầu tư 13.799 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 (Cần Thơ) dài hơn 37 km, vốn đầu tư 9.845 tỷ đồng; Dự án thành phần 3 (Hậu Giang) dài gần 37 km, vốn đầu tư 9.927 tỷ đồng; Dự án thành phần 4 (Sóc Trăng) dài gần 57 km, vốn đầu tư 11.120 tỷ đồng.

Cựu Phó Chủ tịch huyện Đắk G’long biến đất rừng thành của riêng

Khi còn đương chức, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông) Phạm Đặng Quang đã ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho hai cá nhân trên diện tích 1.305 m2 đất quy hoạch 3 loại rừng. Tuy nhiên, chỉ 8 ngày sau đó, 2 thửa đất này được sang tên cho vợ ông Quang để xây dựng cây xăng.

Nhà “mọc” trên đất được cấp GCNQSDĐ không đúng quy định tại huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông)

Nhà “mọc” trên đất được cấp GCNQSDĐ không đúng quy định tại huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông)

Thanh tra tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về đất đai, quản lý xây dựng trên địa bàn xã Đắk Som, huyện Đắk G’long giai đoạn 2015 - 2021.

Qua thanh tra phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng và đề nghị Cơ quan công an vào cuộc điều tra vụ việc ông Phạm Đặng Quang (cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long) có vi phạm khi ký cấp GCNQSDĐ với tổng diện tích hơn 1.305 m2 đất quy hoạch 3 loại rừng cho 2 hộ dân K’Têu và Thào Seo Pao (cùng trú xã Đắk Som).

Cụ thể, ngày 7/5/2015, ông Quang đã ký GCNQSDĐ cho 2 hộ dân nói trên. Đến ngày 15/5 (8 ngày sau), 2 thửa đất này được sang tên cho bà Phan Thị Liễu, vợ ông Quang.

Thanh tra Tỉnh nêu rõ, ông Quang đã trực tiếp ký cấp lại để hợp thức hóa 2 thửa đất trên sang tên vợ mình nhằm xây dựng Cửa hàng xăng dầu Quang Phước. Việc làm trên có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo Khoản 1, Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015, và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.