Bản tin thời sự sáng 14/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sáng 14/8, thêm 6 ca mắc mới Covid-19 ở Hải Dương và Quảng Nam; từ 0h ngày 14/8, thành phố Hải Dương cách ly xã hội; điều hành cao tốc Bắc - Nam bằng hệ thống giao thông thông minh...

Sáng 14/8, thêm 6 ca mắc mới Covid-19 ở Hải Dương, Quảng Nam

Sáng ngày 14/8, Bộ Y tế đã công bố thêm 6 ca mắc mới Covid-19, trong đó, 3 ca ghi nhận tại Quảng Nam, 3 ca tại Hải Dương. Việt Nam có 911 bệnh nhân.

Sáng 14/8, ghi nhận thêm 3 ca tại Quảng Nam, 3 ca tại Hải Dương

Sáng 14/8, ghi nhận thêm 3 ca tại Quảng Nam, 3 ca tại Hải Dương

Tính đến 6h ngày 14/8, Việt Nam, có tổng cộng 911 ca mắc Covid-19, trong đó, 327 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 444 ca. Tính từ 18h ngày 13/8 đến 6h ngày 14/8, Việt Nam có thêm 6 ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 172.093 người. Trong đó, 5.222 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 25.799 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 141.072 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, có thêm 4 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: BN425 tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang (TP Đà Nẵng); 3 bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư (BN394, BN396, BN414). Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 31 ca. Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2 là 61 ca. Số ca tử vong là 21 ca. Số ca điều trị khỏi là 425 ca.

Từ 0h ngày 14/8, thành phố Hải Dương cách ly xã hội

Từ 0h ngày 14/8, thành phố Hải Dương cách ly xã hội trong 15 ngày; không tập trung quá hai người nơi công cộng và ngoài công sở, trường học, bệnh viện.

Hải Dương phong tỏa nhà hàng nơi bệnh nhân 867 từng làm việc

Hải Dương phong tỏa nhà hàng nơi bệnh nhân 867 từng làm việc

Người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất. Chợ dân sinh bị cấm họp, chỉ cho phép mở cửa bán lương thực, thực phẩm.

Chốt kiểm tra, kiểm dịch sẽ được lập tại các cửa ngõ thành phố trong thời gian cách ly xã hội.

Không đóng cửa hoàn toàn, thành phố cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được hoạt động. Phân xưởng, nhà máy phải đảm bảo khoảng cách an toàn cho người lao động; khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Quyết định cách ly xã hội thành phố Hải Dương được tỉnh Hải Dương đưa ra trong bối cảnh địa phương vừa phát hiện ba ca nghi nhiễm trong cộng đồng là nam thanh niên 17 tuổi, người phụ nữ 72 tuổi, phụ nữ 59 tuổi.

Toàn tỉnh Hải Dương dừng tất cả hoạt động của trường mầm non, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; không tổ chức các hoạt động dạy học trong hè với trường phổ thông; dừng dạy học tại trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống, lớp học năng khiếu.

Từ 0 giờ ngày 14/8, Hội An tiếp tục cách ly xã hội

Từ 0h ngày 14/8, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam tiếp tục cách ly xã hội, người dân hạn chế ra ngoài, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m nơi công cộng.

TP. Hội An tiếp tục thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19

TP. Hội An tiếp tục thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 13/8, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định tiếp tục cách ly xã hội đối với TP. Hội An từ 0 giờ ngày 14/8 theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Hội An thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp (cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn); làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao…

Theo quyết định này, nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.

UBND tỉnh yêu cầu, TP. Hội An tạm dừng các hoạt động giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao, lễ hội, hội thi, hội diễn, lễ kỷ niệm, triển lãm, nghi lễ tôn giáo; các khu, điểm du lịch, khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và đón mới khách du lịch; bãi tắm biển. Đồng thời, dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng….

Điều hành cao tốc Bắc - Nam bằng hệ thống giao thông thông minh

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được quản lý, điều hành bằng hệ thống giao thông thông minh.

Bộ GTVT yêu cầu triển khai hệ thống ITS tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông đảm bảo tiến độ, chất lượng - Ảnh minh họa

Bộ GTVT yêu cầu triển khai hệ thống ITS tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông đảm bảo tiến độ, chất lượng - Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống thu phí cho dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Đối với 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây chuyển đổi phương thức đầu tư sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 117/2020 của Quốc hội, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 6 khẩn trương bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hệ thống ITS của từng dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt cho các Ban QLDA 7, Thăng Long triển khai thực hiện phù hợp với dự án đầu tư.

Đối với 5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), Bộ GTVT giao Vụ Đối tác công tư chủ trì tham mưu Bộ GTVT về phương án quản lý vận hành, đầu tư hệ thống Back - End, tổ chức lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện thu phí điện tử không dừng đảm bảo thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban QLDA 7 nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Bộ GTVT về phương án đầu tư phần mềm hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống thu phí, sử dụng cho 3 dự án chuyển đổi sang đầu tư công, tiến tới sử dụng cho toàn bộ các dự án thành phần trên tuyến cao tốc phía Đông, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.…

Vinalines chính thức chuyển mô hình mới từ ngày 1/9

Ngày 13/8, Vinalines đã tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu, trước khi chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP từ 1/9/2020.

Vinalines chính thức chuyển mô hình mới từ ngày 1/9

Vinalines chính thức chuyển mô hình mới từ ngày 1/9

Ngày 13/8, Tổng công ty Hàng hải VN Vinalines đã tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu của Công ty mẹ để chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP với thương hiệu VIMC từ ngày 1/9/2020.

Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng hải VN cho biết, với nhiều nỗ lực, đầu năm 2018 phương án cổ phần hóa (CPH) Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải VN đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đến ngày 20/6/2018, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt phương án CPH. Đây là cơ sở quan trọng cho việc triển khai phiên đấu giá cổ phần lần đầu của Tổng công ty với gần 6,4 triệu cổ phần đã được bán (trên tổng số gần 490 triệu cổ phần). Trong đó, có 5,4 triệu cổ phần được bán đấu giá công khai ra công chúng.

Đại hội đã bầu 5 thành viên vào HĐQT Tổng công ty Hàng hải VN - CTCP nhiệm kỳ 2020 - 2025, bao gồm: Lê Anh Sơn, Nguyễn Cảnh Tĩnh, Nguyễn Đình Chung, Đỗ Hồng Dương, Đỗ Tiến Đức.

Trong đó, ông Lê Anh Sơn đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh được bầu giữ chức Tổng giám đốc VIMC nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, về mức 2.100 đồng/lít giúp giảm bớt khó khăn cho ngành hàng không và gián tiếp một số lĩnh vực khác như thương mại, dịch vụ, du lịch.

Chi phí xăng dầu bình quân chiếm khoảng 30 - 38% tổng chi phí hoạt động hàng không. Ảnh minh hoạ

Chi phí xăng dầu bình quân chiếm khoảng 30 - 38% tổng chi phí hoạt động hàng không. Ảnh minh hoạ

Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít được áp dụng từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít được áp dụng từ ngày 1/1/2021. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2020.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, về mức 2.100 đồng/lít, sẽ làm số thu bảo vệ môi trường giảm 72 - 80 tỷ đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, việc giảm thuế này cần thiết, giúp giảm bớt khó khăn cho ngành hàng không và gián tiếp một số lĩnh vực khác như thương mại, dịch vụ, du lịch...

Theo văn bản Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) gửi Chính phủ Việt Nam dự báo trong năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam mất trên 4 tỷ USD do ảnh hưởng của dịch Covid-19.