Đường sắt kiến nghị vay 800 tỷ đồng để tránh nguy cơ dừng hoạt động
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có kiến nghị cấp thẩm quyền xin vay 800 tỷ đồng bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị thiếu hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động.
Đoàn tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chở hàng hóa từ Việt Nam sang châu Âu. |
Nguyên nhân được VNR đưa ra là do 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, Tổng công ty dự kiến lỗ hơn 2.200 tỷ đồng, như vậy chỉ còn khoảng gần 1.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu nhưng lại ở tài sản, không phải tiền mặt. Riêng năm 2021, VNR dự kiến lỗ 942 tỷ đồng.
Theo báo cáo của VNR, trong tháng 8/2021, sản lượng vận tải hành khách của Tổng công ty chỉ hơn 8.640 lượt, đạt 24,8% kế hoạch và chỉ bằng 6,5% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hóa cũng đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí sản lượng giảm do thiếu nguồn hàng và vận chuyển khó khăn hơn.
Tổng doanh thu vận tải đường sắt trong tháng 8 chỉ đạt 114,7 tỷ đồng, đạt 89,5% kế hoạch, bằng 66,4% cùng kỳ và là mức thấp kỷ lục từ trước đến nay.
Tổng giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh cho biết, do thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, ngành đường sắt phải điều chỉnh kế hoạch, biểu đồ chạy tàu, cắt giảm nhiều mác tàu trên các tuyến. Tàu khách đã dừng toàn bộ các mác tàu, riêng tàu Thống nhất chạy hàng ngày SE8 dừng từ ngày 23/8, SE7 dừng từ ngày 25/8.
Thống kê của VNR cho thấy, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này, ngành đường sắt có hơn 5.500 lượt người lao động phải nghỉ việc đến từ các công ty vận tải đường sắt do tàu khách dừng chạy hoàn toàn từ 25/8 trên toàn mạng lưới, tàu hàng Bắc - Nam bắt đầu giảm sút.
Cục Hàng không đề xuất mở lại đường bay nội địa
Các đường bay nội địa sẽ mở lại theo 3 giai đoạn thích ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19, theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam.
Cục Hàng không đề xuất mở lại đường bay nội địa |
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, cơ quan này đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải về kế hoạch phục hồi vận tải hàng không nội địa.
Theo đó, các đường bay sẽ được khai thác với tần suất phù hợp với 3 giai đoạn. Giai đoạn một, mỗi hãng hàng không khai thác từng đường bay với tần suất không vượt quá 50% so với thời điểm tuần đầu tiên tháng 4.
Giai đoạn hai, tần suất không vượt quá 70%; và giai đoạn ba có tần suất không vượt quá thời điểm tuần đầu tiên tháng 4. Sau đó, các hãng được khai thác theo nhu cầu khi toàn bộ các tỉnh, thành dỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Với đường bay tần suất một chuyến mỗi ngày trước dịch, các hãng được phép khai thác như trước.
Hành khách đi các chuyến bay nội địa phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 72 giờ và cũng được chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn một, áp dụng thí điểm 2 tuần, cho phép hành khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19; hành khách có văn bản đồng ý di chuyển/tiếp nhận của các địa phương đi và đến; khách có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly; hoặc có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19; có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát.
Giai đoạn hai, áp dụng 2 tuần tiếp theo giai đoạn một cũng với các hành khách như trên và thêm khách có xác nhận lưu trú tại khu vực không thực hiện Chỉ thị 16 tối thiểu 14 ngày trước khi bay.
Giai đoạn ba sẽ không hạn chế về hành khách được vận chuyển.
Để triển khai đề xuất trên, Cục Hàng không Việt Nam cho phép các hãng được xây dựng lịch bay, mở bán, tiến hành khai thác theo tình hình dịch; khi thay đổi quy định giãn cách xã hội tại địa phương thì việc mở bán, khai thác sẽ thay đổi tương ứng… Sau khi được Bộ Giao thông vận tải thông qua, kế hoạch mở đường bay nội địa sẽ được áp dụng ngay.
Côn Đảo, Xuyên Mộc hoạt động du lịch trở lại từ ngày 15/9
Từ 15/9, khách nội địa được đến 4 cơ sở du lịch ở các huyện "vùng xanh" như Côn Đảo, Xuyên Mộc... với tour khép kín.
Côn Đảo, Xuyên Mộc hoạt động du lịch trở lại từ ngày 15/9 |
UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vừa cho phép một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Côn Đảo hoạt động lại từ 15/9.
Đối với hoạt động du lịch tại 4 huyện nói trên, Tỉnh thí điểm các khách sạn có dịch vụ khép kín được đón khách nội địa là Khu phức hợp Hồ Tràm Strips, Khách sạn Melia Hồ Tràm, Khu du lịch suối nước nóng Bình Châu (đều ở huyện Xuyên Mộc) và Khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo ở huyện Côn Đảo.
Theo đó, khách sạn tham gia thí điểm phải có dịch vụ khép kín, có khu vực giao nhận hàng hóa, khu vực cách ly riêng biệt... Nhân viên phục vụ phải được tiêm 2 liều vaccine hoặc 1 liều vaccine tối thiểu 14 ngày trước khi vào làm việc. Ngoài ra, nhân viên phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ (xét nghiệm lặp lại sau mỗi 72 giờ), đảm bảo "3 tại chỗ", cam kết làm việc xuyên suốt trong khách sạn; được tập huấn các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Đối với du khách, trước khi đến khách sạn phải được xét nghiệm SARS-CoV-2; tiêm đủ 2 liều vaccine, thời gian đã tiêm liều cuối phải được ít nhất 14 ngày nhưng không quá 12 tháng. Mỗi khách phải được kiểm tra định kỳ khi lưu trú tại khách sạn. Đối với khách ở một tuần, kiểm tra PCR vào ngày đầu tiên và ngày thứ 6. Đối với khách ở 2 tuần, kiểm tra PCR vào ngày đầu tiên, ngày thứ 6 và ngày thứ 13.
Tiêm liều hai thử nghiệm vaccine Covivac tại Thái Bình từ 15/9
375 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Covivac giai đoạn hai sẽ tiếp tục tiêm liều hai bắt đầu từ ngày 15 - 20/9.
Người tình nguyện tiêm thử nghiệm vaccine Covivac giai đoạn hai tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình |
Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, các tình nguyện viên đã tiêm liều một an toàn. Một số phản ứng phụ thường gặp sau tiêm gồm sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp... Số ít buồn nôn và gặp phản vệ độ ba, song đã được chăm sóc y tế và hồi phục.
Covivac là vaccine Covid-19 do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển, là vaccine có một liệu trình gồm hai liều tiêm, cách nhau 28 ngày. Vaccine đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai trên 375 người tại 3 xã gồm Minh Lãng, Việt Hùng và Bách Thuận của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Các tình nguyện viên chia làm 3 nhóm gồm 18 - 39 tuổi, từ 40 - 59 tuổi và từ 60 tuổi trở lên. Mỗi nhóm khoảng 125 người, tỷ lệ nam nữ tương đối cân bằng.
Theo đề cương thử nghiệm, giai đoạn hai nhằm tiếp tục xác định tính an toàn, một phần tính sinh miễn dịch và tìm ra mức liều tối ưu để đưa vào thử nghiệm giai đoạn ba.
Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện IVAC, cho biết nhóm nghiên cứu cũng đang xây dựng đề cương thử nghiệm vaccine giai đoạn ba. Trong đó, nhóm dự định sẽ thực hiện trên 4.000 người ở các tỉnh Khánh Hoà, Bắc Ninh và Thái Bình, so sánh với nhóm tiêm vaccine đã được cấp phép là AstraZeneca. Dự kiến, giai đoạn ba bắt đầu vào tháng 12 năm nay.
Covivac là ứng viên vaccine Covid-19 tiềm năng thứ hai tại Việt Nam. Ứng viên vaccine Covid-19 thứ nhất là Nanocovax, hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, bước vào quá trình đánh giá giữa kỳ để xin cấp phép khẩn cấp. Ứng viên thứ ba là ARCT-154, hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một tại Hà Nội.
Lao động tại Hà Nội không có tạm trú được hỗ trợ 500.000 đồng
Người phải dừng việc, mất việc, sinh viên khó khăn khi Hà Nội cách ly xã hội, chưa được hỗ trợ có thể nhận 500.000 đồng từ Mặt trận Tổ quốc Thành phố.
Lao động tại Hà Nội không có tạm trú được hỗ trợ 500.000 đồng |
Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, cơ quan này đã có văn bản đề nghị mặt trận cơ sở cấp quận, huyện, tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố rà soát lao động khó khăn để hỗ trợ.
Chính sách dành cho người lao động bị dừng việc, mất việc làm trong thời gian Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, tính từ ngày 23/7 đến hết giãn cách xã hội. Điều kiện là lao động khó khăn nhưng không đủ điều kiện nhận hỗ trợ gói 26.000 tỷ đồng hay các nhóm lao động đặc thù của Thành phố, không phân biệt người có hộ khẩu hay chưa làm đăng ký tạm trú. Ngoài ra, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang thuê trọ; người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn Hà Nội gặp khó khăn, có nhu cầu cũng sẽ được hỗ trợ.
Lãnh đạo cơ quan này lý giải thêm, thời gian qua đã hỗ trợ cho hàng trăm nghìn người dân, lao động, sinh viên khó khăn ảnh hưởng bởi dịch trong thời gian Thành phố áp dụng Chỉ thị 16. Song qua phản ánh của nhân dân, nhiều người gặp khó khăn không đủ điều kiện nhận hỗ trợ của Chính phủ hoặc Thành phố.
Tính đến 12/9, Hà Nội đã hỗ trợ gần 138.000 lao động tự do theo Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng); gần 284.000 người thuộc 10 nhóm đặc thù của Thành phố; cung cấp nhu yếu phẩm cho gần 700.000 lượt người khó khăn.
Đồng Nai lên kế hoạch mở cửa “vùng xanh” sau ngày 15/9
Đồng Nai dự kiến mở cửa từng bước "vùng xanh" sau ngày 15/9 và tùy tình hình kiểm soát dịch để tiến tới khôi phục tất cả hoạt động ở Tỉnh giữa tháng 10.
Đồng Nai lên kế hoạch mở cửa “vùng xanh” sau ngày 15/9 |
UBND tỉnh Đồng Nai có dự thảo kế hoạch mở cửa, hoạt động kinh tế xã hội trong tình trạng bình thường mới với 2 giai đoạn: Giai đoạn một (15/9 - 15/10) sẽ đánh giá tỷ lệ tiêm vaccine và mức nguy cơ các địa phương để từng bước mở cửa "vùng xanh". Giai đoạn hai (sau 15/10) từ thực tế giai đoạn một sẽ khôi phục hoàn toàn các hoạt động ở Tỉnh, đảm bảo an toàn phòng dịch.
Hiện Đồng Nai có 75 xã, phường "vùng xanh", tập trung chủ yếu ở huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và TP. Long Khánh. Tính đến 15/9, toàn Tỉnh trải qua gần 70 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo đó, sau ngày 15/9, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu ở "vùng xanh" được mở cửa khi người lao động tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (trên 14 ngày). Các điểm kinh doanh chỉ bán mang về, 1 người bán và 1 người mua cùng thời điểm...
Người dân tại "vùng xanh" đã tiêm 2 mũi vaccine và người đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng được ra đường thực hiện các công việc thiết yếu. Những hoạt động kinh doanh, ra đường diễn ra từ 6h đến 18h hàng ngày.
Các doanh nghiệp "3 tại chỗ" được thay đổi lao động để duy trì sản xuất nhưng đảm bảo không có F0, tổ chức xe đưa đón lao động hàng ngày. Người lao động được hoán đổi phải ở khu vực "vùng xanh" tại địa phương, tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (sau 14 ngày)…
Các doanh nghiệp không thực hiện "3 tại chỗ" muốn hoạt động lại, người lao động phải từ "vùng xanh", được tiêm ít nhất 1 mũi (sau 14 ngày); xét nghiệm RT-PCR âm tính (trước 3 ngày) và test nhanh âm tính trong ngày vào làm việc.
Ở dự thảo kế hoạch "bình thường mới", Đồng Nai còn cho phép các công trình xây dựng tại "vùng xanh" hoạt động.