Bản tin thời sự sáng 15/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất thu phí 1.900 đồng mỗi km vành đai 4 Hà Nội; Quảng Bình đấu giá 28 lô đất lần 2 hơn 60 tỷ đồng nhưng bất thành; Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị thi tốt nghiệp 2025 với hai môn bắt buộc; Hà Nội nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về thu hút FDI…

Đề xuất thu phí 1.900 đồng mỗi km vành đai 4 Hà Nội

Tuyến cao tốc vành đai 4 được UBND Hà Nội đặt kế hoạch khai thác từ năm 2027 và thu phí hoàn vốn dự kiến 1.900 đồng trên 1 km mỗi xe tiêu chuẩn.

Phối cảnh Dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh

Phối cảnh Dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh

UBND TP. Hà Nội vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên thống nhất mức giá và lộ trình tăng phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc cho Dự án thành phần 3 theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đây là cơ sở để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án này, trong đó có phương án tài chính, hoàn vốn cho công trình.

Theo đề xuất của Hà Nội, nhóm 1 (gồm xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) có mức phí thấp nhất mỗi km là 1.900 đồng, cao nhất là nhóm 5 (xe tải từ 18 tấn trở lên, container 40 ft) 7.220 đồng. Như vậy, xe con lưu thông trên toàn bộ Vành đai 4 dài 113 km, mức phí dự kiến khoảng 214.000 đồng, xe nhóm 5 khoảng 815.000 đồng.

Mức phí các loại phương tiện được tăng 3 năm một lần cho đến thời điểm dự án hoàn vốn. Đến năm 2054, khi gần kết thúc hoàn vốn, mức phí mỗi km cao tốc lên tới 5.400 đồng với xe nhóm 1 và 20.520 đồng với xe nhóm 5.

Theo UBND TP. Hà Nội, khung giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc Vành đai 4 có tham chiếu các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức BOT giai đoạn 2017 - 2020 và các quy định hiện hành.

Về mức giá này, lãnh đạo Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam nhận định, đề xuất của Hà Nội cơ bản phù hợp tại thời điểm năm 2027 và lộ trình tăng giá từng thời kỳ của 3 dự án cao tốc Bắc - Nam theo phương thức PPP là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Dự án thành phần 3 Vành đai 4 Hà Nội gồm xây dựng đường cao tốc 113 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Điểm đầu Dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tổng mức đầu tư 55.052 tỷ đồng. Dự án khởi động từ năm 2022, mục tiêu đưa vào khai thác từ 2027.

Quảng Bình đấu giá 28 lô đất lần 2 hơn 60 tỷ đồng nhưng bất thành

Sau các lần đấu giá các lô đất nhưng không có người tham gia, cơ quan chức năng tại Quảng Bình đã tiến hành bán ngang giá nhưng vẫn "ế ẩm".

Nhiều khu đất tại Quảng Bình đang trở nên ế ẩm, không có người tham gia đấu giá

Nhiều khu đất tại Quảng Bình đang trở nên ế ẩm, không có người tham gia đấu giá

Ngày 14/11, thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết, cơ quan này đã ra thông báo về việc giao đất không thông qua đấu giá đối với 28 lô đất đấu giá. Tuy nhiên không có người tham gia mua các lô đất này.

Những lô đất này nằm tại các xã, phường thuộc TP. Đồng Hới (Quảng Bình), tổng diện tích hơn 5.800 m2, có giá hơn 60 tỷ đồng. Trong đó, lô có giá thấp nhất là 1,2 tỷ đồng, với diện tích 200 m2, cao nhất là 7,2 tỷ đồng, diện tích 353 m2.

Được biết, sở dĩ 28 lô đất này phải giao không thông qua đấu giá vì qua 2 lần tổ chức đấu giá không có người tham gia.

Trường hợp đất được bán ngang giá vẫn không có ai mua thì phải hết năm 2023 tỉnh Quảng Bình mới tính phương án là có tiếp tục giảm hay không.

Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị thi tốt nghiệp 2025 với hai môn bắt buộc

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 gồm hai môn bắt buộc là Toán, Văn cùng hai môn tự chọn, theo kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại TP.HCM

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại TP.HCM

Nội dung trên được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong báo cáo dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Bộ này cho biết đã lấy ý kiến rộng rãi về 3 phương án thi. Trong đó, phương án 1 là thí sinh thi hai môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn (trong các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Phương án 2 gồm ba môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và hai môn tự chọn. Phương án 3 là thi bốn môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và hai môn tự chọn.

Kết quả, đa số lựa chọn phương án hai hoặc ba môn bắt buộc. Cụ thể, khi Bộ khảo sát gần 130.700 cán bộ, giáo viên cả nước về phương án 2 và 3, gần 74% lựa chọn phương án 2 - thi ba môn bắt buộc. Sau đó, Bộ khảo sát thêm gần 18.000 cán bộ, giáo viên ở TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang với cả ba phương án thì 60% chọn phương án 1 (thi hai môn bắt buộc).

Ngoài ra, Bộ lấy ý kiến 10 chuyên gia tại cuộc họp do Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp với Cục Quản lý chất lượng hôm 5/10. Kết quả, 6 chuyên gia chọn phương án thi hai môn bắt buộc.

Dựa trên đồng nhất cùng ý kiến góp ý và căn cứ theo các nguyên tắc cốt lõi trong quá trình xây dựng phương án thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm hai môn bắt buộc và hai môn lựa chọn.

Lý do được Bộ đưa ra là giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho các gia đình và cả xã hội bởi so với kỳ thi hiện tại, số môn thi giảm hai, số buổi thi giảm một.

2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp. Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 môn thi, gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Hà Nội nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về thu hút FDI

Hà Nội hiện xếp thứ 3 trên cả nước về thu hút FDI trong 10 tháng. Dự kiến 2 tháng còn lại của năm 2023, Thành phố ước thu hút FDI đạt khoảng 484,8 triệu USD.

Hà Nội hiện xếp thứ 3 trên cả nước về thu hút FDI trong 10 tháng. Ảnh minh họa

Hà Nội hiện xếp thứ 3 trên cả nước về thu hút FDI trong 10 tháng. Ảnh minh họa

Đây là thông tin tại cuộc làm việc với các sở, ngành liên quan của TP. Hà Nội về tình hình xúc tiến đầu tư, thu hút và quản lý vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 10 tháng, diễn ra ngày 14/11.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, trong 10 tháng của năm 2023, Thành phố thu hút hơn 2,6 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, có 346 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 321,1 triệu USD; 141 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 242,5 triệu USD; 273 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 544,3 triệu USD và 1 lượt giao dịch của nhà đầu tư mua cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1,5 tỷ USD. Hà Nội hiện xếp thứ 3 trên cả nước về thu hút FDI trong 10 tháng. Dự kiến 2 tháng còn lại của năm 2023, Thành phố ước thu hút FDI đạt khoảng 484,8 triệu USD.

Năm 2024, Thành phố phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 3,15 tỷ USD; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 2,15 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ khoảng 1 tỷ USD. Năm 2025, Thành phố phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 2,7 tỷ USD; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 1,5 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ đạt khoảng 1,2 tỷ USD.

TP.HCM rà soát gần 2.200 'hộp ngủ'

Sở Xây dựng TP.HCM thống kê địa bàn có 58 công trình với 2.165 "hộp ngủ" tiềm ẩn nguy cơ, khó thoát hiểm, rủi ro về tính mạng khi xảy ra sự cố cháy nổ.

Một công trình nhà ở riêng lẻ tại TP.HCM được ngăn ra thành nhiều "hộp ngủ" để cho thuê

Một công trình nhà ở riêng lẻ tại TP.HCM được ngăn ra thành nhiều "hộp ngủ" để cho thuê

Thông tin được Sở Xây dựng nêu trong báo cáo vừa gửi UBND TP.HCM, sau khi rà soát các công trình xây dựng theo kiểu hộp ngủ (sleep box) trên địa bàn.

Loại hình hộp ngủ ban đầu là dịch vụ tại sân bay, để khách nghỉ ngơi, làm việc thời gian chờ máy bay. Tuy nhiên, từ năm 2021, loại phòng ngủ cho thuê rẻ này nở rộ tại TP.HCM. Mô hình này chưa có quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nên việc quản lý, kiểm tra còn khó khăn.

Qua rà soát, tại Thành phố có 67 nhà ở riêng lẻ tổ chức thành công trình kinh doanh hộp ngủ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng mới kiểm tra được 58 công trình với gần 2.200 hộp ngủ, 9 công trình chủ nhà đóng cửa, chưa kiểm tra được.

Trong đó, loại hình này được xây dựng nhiều nhất ở quận Gò Vấp với 15 công trình (474 hộp ngủ), quận Phú Nhuận có 9 ngôi nhà chia thành 335 hộp ngủ, quận Bình Thạnh có 243 hộp ngủ xây tại 6 công trình... Các hộp ngủ rộng 2 - 2,2 m được cho thuê giá 1,8 - 2 triệu đồng mỗi tháng. Phần lớn các công trình là nhà ở riêng lẻ cao tầng được chủ phân chia, ngăn vách thành các phòng đủ kê giường bằng gỗ, nhựa không phát sinh việc xây dựng, sửa chữa.

Sở Xây dựng đánh giá, loại hình này có số lượng người ở tập trung đông trong không gian hẹp, chưa đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC, tiềm ẩn rủi ro về tính mạng khi xảy ra sự cố cháy. Từ đó, cơ quan này kiến nghị chính quyền Thành phố chỉ đạo các quận, huyện tập trung kiểm tra, xử lý để đảm bảo an toàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Đặng Minh Nguyên, từ giữa tháng 10 đến nay, Quận đã buộc tháo dỡ 42 chuỗi kinh doanh với hàng trăm hộp ngủ trên địa bàn. Trong đó, có căn nhà 5 tầng ngăn thành 125 hộp ngủ ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Phường 14, bị đoàn kiểm tra phát hiện hàng loạt lỗi không có lối thoát nạn, thiết bị, hệ thống PCCC.

90 lô đất đấu giá ở Bắc Giang bị bỏ cọc

Trong 10 tháng năm 2023, 90 lô trúng đấu giá tại các huyện Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa của tỉnh Bắc Giang đến hạn nộp tiền nhưng khách hàng đã bỏ cọc, với số tiền lên đến gần chục tỷ đồng.

Đến hết tháng 10, Bắc Giang có 90 lô đất bỏ cọc. Ảnh minh họa

Đến hết tháng 10, Bắc Giang có 90 lô đất bỏ cọc. Ảnh minh họa

Theo Cục Thuế tỉnh Bắc Giang, 10 tháng năm nay, các địa phương trong Tỉnh tổ chức 92 phiên đấu giá đất với tổng số 2.969 lô. Tổng số thu tiền sử dụng đất toàn Tỉnh đạt 3.870 tỷ đồng, bằng gần 65% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, qua rà soát, đến nay có 90 lô đất trúng đấu giá đã đến hạn nộp tiền sử dụng đất nhưng khách hàng bỏ cọc.

Các lô bị bỏ cọc tập trung nhiều tại các huyện Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa. Tổng số tiền trúng đấu giá 90 lô là hơn 88,3 tỷ đồng, số tiền bỏ cọc gần 10 tỷ đồng.

Theo Chi cục Thuế khu vực Lạng Giang - Lục Nam, toàn Huyện có 14 lô trúng đấu giá bị bỏ cọc thuộc khu dân cư thôn Chùa, xã Xuân Hương. Số tiền trúng đấu giá của các lô đất này hơn 22 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm hơn 10 tỷ đồng. Số tiền bỏ đặt cọc hơn 1,7 tỷ đồng.

Tương tự, huyện Tân Yên tổ chức 12 phiên đấu giá, với 513 lô có quyết định trúng đấu giá. Trong đó, có 378 lô khách hàng đã nộp tiền sử dụng đất đúng thời gian quy định; 64 lô đã quá hạn song người trúng đấu giá chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Một số lô còn lại chưa hết hạn nộp tiền trúng đấu giá. Số tiền bỏ cọc ở Tân Yên hơn 6,5 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm, theo kế hoạch, các huyện có những lô bỏ cọc sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá để tăng thu tiền sử dụng đất.

Hai doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bị xử phạt hành chính 340 triệu đồng

Do vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp, Công ty CP Tập đoàn Liên kết Việt Nam và Công ty TNHH Seacret đã bị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xử phạt với số tiền 340 triệu đồng.

Xử phạt vi phạm hành chính đối với Vinalink Group với số tiền 185 triệu đồng

Xử phạt vi phạm hành chính đối với Vinalink Group với số tiền 185 triệu đồng

Đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia vừa có thông báo về việc xử phạt hành chính đối với hai doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Tập đoàn liên kết Việt Nam (Vinalink Group) (Lô C16/D21 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phố Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) với số tiền 185 triệu đồng.

Cụ thể, Công ty đã có các hành vi như: không thực hiện đúng quy tắc hoạt động đã đăng ký; không thực hiện đúng trách nhiệm đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định pháp luật; chỉ định đào tạo viên không đáp ứng điều kiện viên để thực hiện đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp và không giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để đảm bảo người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện đúng quy tắc hoạt động của Công ty.

Đối với Công ty TNHH Seacret (địa chỉ trụ sở chính tại SH05, Khu đô thị căn hộ cao cấp Dự án One Verandah, số 2 đường Bát Nàn, Phường Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Đức, TP.HCM), Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp này với số tiền 155 triệu đồng, do không thực hiện đúng trách nhiệm sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; không thực hiện đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp và không thực hiện đúng trách nhiệm báo cáo của doanh nghiệp.

Như vậy, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính với hai doanh nghiệp trên là 340 triệu đồng.

TP.HCM mở đợt tổng kiểm tra tài xế uống rượu bia

CSGT tuần tra, kiểm soát cơ động tại các đường tập trung quán nhậu, vũ trường, quán bar, nhằm ngăn chặn tài xế uống rượu bia nguy cơ gây tai nạn.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn tài xế trên xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức

CSGT kiểm tra nồng độ cồn tài xế trên xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức

Sáng 14/11, Công an TP. Thủ Đức cùng Phòng CSGT TP.HCM ra quân tổng kiểm soát, xử lý người uống rượu bia lái xe ở địa bàn TP. Thủ Đức, với sự tham gia của công an 34 phường, bốn đội CSGT Cát Lái, Bình Triệu, Rạch Chiếc và Hàng Xanh.

Việc kiểm tra kéo dài đến 31/12. Cảnh sát chia các tổ tuần tra, kiểm soát cơ động tại khu vực, tuyến đường tập trung tụ điểm ăn chơi, nhà hàng, quán nhậu, bar... nhằm ngăn chặn người uống rượu bia lái xe, hạn chế tai nạn.

Theo thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó phòng CSGT TP.HCM, ngoài TP. Thủ Đức, các đội phụ trách ở quận, huyện cũng kiểm tra liên tục vào mỗi tối đối với vi phạm nồng độ cồn. "Việc này để ngăn ngừa người dân thường tiệc tùng dịp cuối năm, dùng rượu bia mà lái xe tiềm ẩn nguy cơ tai nạn", ông Bình nói.

Việc tổng kiểm tra của Công an TP.HCM diễn ra trong bối cảnh tài xế uống bia rượu, vi phạm luật giao thông còn phổ biến. Hôm 12/11, tài xế Phạm Cao Trí sau khi nhậu với nhóm bạn đã chạy ôtô tông một loạt xe, khiến nữ sinh 18 tuổi tử vong. Người này sau đó bị Công an TP. Thủ Đức bắt tạm giam để điều tra.

9 tháng đầu năm 2023, CSGT TP.HCM phát hiện 93.507 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Trong đó có 421 xe ôtô và 93.086 xe máy; 93.500 người bị tước bằng lái.