Bản tin thời sự sáng 2/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh; giá vàng miếng lên cao nhất hơn một tháng; ngành thuế lập 34 đơn vị thuế cấp tỉnh, thành; ngành điện giảm 28 công ty điện lực cấp tỉnh, thành phố; Netflix và một số dịch vụ online tăng giá tại Việt Nam…

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, lên 6,45%, Ngân hàng Nhà nước bơm hơn 90.000 tỷ trong một tuần để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của hệ thống.

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, lên 6,45%

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, lên 6,45%

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng, nơi các nhà băng vay mượn lẫn nhau, ngày 30/6 tăng lên 6,45% một năm, gần gấp 4 lần so với cách đây một tuần. Từ mức 1,62% vào ngày 24/6, lãi suất qua đêm tăng dần lên qua các phiên.

Tương tự, lãi suất các kỳ hạn dài hơn cũng đi lên. Mức lãi kỳ hạn 1 tuần từ 2,3% cách đây một tuần lên 6,53%; kỳ hạn 2 tuần từ 3,87% lên 5,62%. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng cũng tăng lên 5,18% một năm, từ mức 3,45%.

Lãi suất tăng nhanh trên thị trường liên ngân hàng thể hiện nhu cầu thanh khoản của hệ thống. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng tổng cộng hơn 90.000 tỷ đồng qua nghiệp vụ thị trường mở trong khoảng một tuần trở lại đây.

Ngày 30/6, trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 50.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày, 25.000 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày và 5.000 tỷ kỳ hạn 91 ngày. Lãi suất của các kỳ hạn này đều ở mức 4%. Có 52.904 tỷ đồng trúng thầu ở cả ba kỳ hạn. Cơ quan quản lý tiền tệ không chào thầu tín phiếu trong phiên hôm qua.

Như vậy, trong ngày cuối cùng của tháng 6, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hơn 52.900 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Cơ quan này cũng bơm ròng gần 40.000 tỷ đồng trong tuần trước.

Theo tính toán của Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng (Vira), có 143.222 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố. Ngoài ra, có khoảng 22.500 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành trên thị trường.

Giá vàng miếng lên cao nhất hơn một tháng

Giá bán ra vàng miếng SJC đạt 120,3 triệu đồng một lượng, cao nhất kể từ ngày 24/5.

Vàng miếng tại trụ sở SJC ở quận 3

Vàng miếng tại trụ sở SJC ở quận 3

Sáng 1/7, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại 118,3 - 120,3 triệu đồng một lượng, tăng 800.000 đồng so với ngày 30/6, cao nhất kể từ ngày 14/6. Bảo Tín Minh Châu, PNJ cùng các ngân hàng quốc doanh cũng bán mặt hàng này với giá tương tự. Chênh lệch giữa chiều mua và chiều bán là 2 triệu đồng một lượng.

Vàng nhẫn trơn cũng được các doanh nghiệp tăng giá. SJC niêm yết mặt hàng này tại 114 - 116,5 triệu đồng, cao hơn 500.000 đồng một lượng so với 30/6. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu niêm yết nhẫn trơn giá cao hơn, tại 115 - 118 triệu đồng một lượng.

Chiều 1/7, các công ty tiếp tục tăng giá vàng. SJC, PNJ và Bảo Tín Minh Châu tăng giá vàng thêm 500.000 đồng so với buổi sáng, niêm yết tại 118,7 - 120,7 triệu đồng một lượng, cao nhất kể từ cuối tháng 5. Mức này đã cao hơn 1,2 triệu đồng so với ngày 30/6.

Vàng nhẫn cũng được SJC tăng thêm 300.000 đồng một lượng so với sáng 1/7, đạt 114,3 - 116,8 triệu đồng một lượng. Bảo Tín Minh Châu tăng 500.000 đồng với mặt hàng này, niêm yết tại 115,5 - 118,6 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng trong nước đi lên theo thị trường quốc tế. Theo đó, giá kim loại quý này trên thế giới đạt 3.315 USD một ounce, tăng 0,43% phiên sáng 1/7.

Ngành thuế lập 34 đơn vị thuế cấp tỉnh, thành

Sau 3 tháng cơ cấu, 20 chi cục thuế khu vực vừa được sắp xếp lại thành 34 đơn vị thuế để đồng bộ theo mô hình tỉnh, thành phố.

Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành phát biểu tại hội nghị, ngày 1/7

Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành phát biểu tại hội nghị, ngày 1/7

Tại hội nghị trực tuyến cơ quan thuế toàn quốc ngày 1/7, Cục Thuế (Bộ Tài chính) công bố các quyết định về tổ chức, cán bộ nhằm triển khai mô hình tổ chức mới của ngành.

Theo quyết định quy định cơ cấu tổ chức của Cục Thuế được Bộ Tài chính ký hôm 30/6, cơ quan thuế sẽ chuyển đổi từ mô hình 20 chi cục thuế khu vực hiện nay thành 34 Thuế tỉnh, thành phố thuộc trung ương (tăng 14 đơn vị). Đồng thời, 350 đội thuế cấp huyện cũng chuyển thành 350 Thuế cơ sở, thuộc Thuế tỉnh thành phố để quản lý trên địa bàn cấp xã. Ở cấp trung ương, Cục Thuế vẫn gồm 12 đầu mối phòng, ban và tương đương.

Bộ máy mới sẽ hoạt động ngay từ 1/7, đồng bộ theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Cũng tại hội nghị, cơ quan thuế công bố quyết định bổ nhiệm 34 cấp Trưởng Thuế tỉnh, thành phố.

Cục Thuế cho biết, việc kiện toàn hệ thống thuế với 34 Thuế tỉnh, thành phố và 350 đơn vị Thuế cơ sở là dấu mốc quan trọng, nhằm nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế các cấp.

Cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, cam kết bộ máy mới sẽ "vận hành thông suốt, ổn định, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp". Ông Mai Xuân Thành đề nghị toàn ngành thuế bắt tay ngay vào công việc, tiếp cận địa bàn và tham mưu chính quyền cấp tỉnh thành để phối hợp hiệu quả.

Trước đó, từ ngày 1/3, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) chuyển đổi thành Cục Thuế, hoạt động theo mô hình 3 cấp, gồm 12 đầu mối phòng, ban và tương đương ở trung ương, 20 chi cục thuế khu vực và 350 đội thuế cấp huyện.

Ngành điện giảm 28 công ty điện lực cấp tỉnh, thành phố

Tổng công ty, công ty điện lực thuộc tỉnh, thành phố giảm 28 đơn vị từ ngày 1/7, đồng bộ theo mô hình tỉnh, thành phố.

Công nhân ngành điện đang kiểm tra đường dây.

Công nhân ngành điện đang kiểm tra đường dây.

Ngành điện sắp xếp lại các tổng công ty, công ty điện lực địa phương theo địa giới hành chính, đồng bộ với việc sắp xếp các tỉnh, thành, từ ngày 1/7. Theo đó, số lượng Điện lực địa phương giảm từ 61 xuống còn 35 đơn vị trên cả nước.

Như vậy, số công ty điện lực cấp tỉnh, thành phố giảm 28 đơn vị so với trước ngày 1/7. Khánh Hòa là địa phương duy nhất có 2 công ty điện lực cùng hoạt động song song.

Hiện, người dân, doanh nghiệp mua bán điện từ các công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trong đó, EVN nắm 100% vốn điều lệ tại 5 tổng công ty điện lực (miền Bắc, Trung, Nam, Hà Nội và TP.HCM). Các tổng công ty điện lực được phân công phụ trách tại từng vùng miền.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc (NPC) có số lượng công ty điện lực trực thuộc giảm từ 27 xuống còn 17 đơn vị. Họ cũng chuyển 262 Điện lực cấp huyện, thành phố thành các Đội quản lý điện lực khu vực tương ứng và thành lập mới một Đội quản lý khu vực đảo Bạch Long Vỹ.

Cùng với sắp xếp bộ máy, EVNNPC giải quyết chính sách nghỉ hỗ trợ trước tuổi cho gần 200 người lao động tự nguyện đăng ký, góp phần giảm áp lực điều hành, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ.

Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cũng giảm từ 13 xuống còn 8 công ty điện lực trực thuộc 7 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên. Sau khi bỏ cấp điện lực quận huyện, tổng công ty thành lập 128 đội quản lý điện tại 7 tỉnh thành phố để phục vụ hơn 4,8 triệu khách hàng.

Tỉnh Khánh Hòa mới là địa phương duy nhất của cả nước sau sáp nhập có 2 công ty điện lực cùng hoạt động song song. Theo ông Ngô Tấn Cư, Tổng giám đốc EVNCPC, sau khi tỉnh Ninh Thuận sáp nhập vào Khánh Hòa, EVNCPC tiếp nhận Công ty Điện lực Ninh Thuận từ Tổng công ty Điện lực miền Nam.

Tuy nhiên, Công ty CP Điện lực Khánh Hòa hoạt động theo mô hình cổ phần trong lĩnh vực phân phối điện (EVNCPC nắm 51% cổ phần). Do đó, Công ty Điện lực Ninh Thuận không sáp nhập với Công ty CP Điện lực Khánh Hòa.

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) hình thành 8 công ty điện lực mới trên cơ sở sáp nhập 21 công ty điện lực tỉnh, thành và bàn giao Điện lực Ninh Thuận cho EVNCPC.

Hà Nội và TP.HCM vẫn theo mô hình tổng công ty điện lực, trực thuộc EVN.

Hiện, ngành điện có gần 30 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, 574.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, 1,98 triệu khách hàng sản xuất, 719.000 khách hàng hành chính sự nghiệp.

Netflix và một số dịch vụ online tăng giá tại Việt Nam

Netflix tăng giá gói cao nhất 273.000 đồng, cao hơn 13.000 đồng so với trước, do thay đổi thuế từ 1/7.

Giao diện Netflix trên điện thoại

Giao diện Netflix trên điện thoại

Từ cuối tháng 6, nhiều người dùng Netflix tại Việt Nam nhận được thông báo từ nhà cung cấp, cho biết giá dịch vụ sẽ được điều chỉnh từ 1/7.

Theo giá mới, Netflix hiện khởi điểm từ 74.000 đồng cho gói dùng trên di động và độ phân giải 480p, 114.000 đồng cho gói 720p, 231.000 đồng cho Full HD và 273.000 đồng cho gói hỗ trợ xem video 4K. Trong khi trước đây, giá của bốn gói lần lượt là 70.000, 108.000, 220.000, và 260.000 đồng, tức tăng khoảng 5%.

Trong email gửi người dùng, nhà cung cấp dịch vụ phim trực tuyến cho biết việc thay đổi giá liên quan đến thuế. Theo Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 có hiệu lực từ 1/7, dịch vụ được các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam cung cấp cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam qua kênh thương mại điện tử và các nền tảng số, có mức thuế suất 10%, thay vì 5% như trước.

Ngoài Netflix, người dùng một số dịch vụ trực tuyến khác từ các công ty nước ngoài như Meta, Google cũng nhận được thông báo tăng giá dịch vụ, đặc biệt là những người chạy quảng cáo trên các nền tảng này.

Với người dùng cá nhân, một số dịch vụ của Google như Google One, YouTube Premium chưa thông báo thay đổi. Tuy nhiên, giá của các dịch vụ này phần lớn chưa bao gồm thuế.

Từ 1/7, nhiều bệnh mạn tính được cấp thuốc đến ba tháng

Bộ Y tế cho phép 252 loại bệnh, chủ yếu là mạn tính, được bác sĩ kê đơn thuốc trên 30 ngày đến ba tháng nhằm giảm gánh nặng cho người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi hoặc sống ở vùng xa.

Bác sĩ khám bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cơ sở 2

Bác sĩ khám bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cơ sở 2

Thay đổi này được đưa vào thông tư mới về quy định kê đơn thuốc hóa dược và sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, có hiệu lực từ 1/7. Đây được xem là bước đột phá, giải quyết những bất tiện kéo dài nhiều năm qua.

Danh mục được áp dụng gồm 16 nhóm bệnh như: nhiễm trùng, ký sinh trùng, rối loạn máu, bệnh tâm thần, nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa. Các bệnh phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, rối loạn lo âu và trầm cảm đều nằm trong danh sách này.

Ngoài ra, viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, suy giáp, suy tuyến yên, Parkinson, Alzheimer, sa sút trí tuệ cũng được áp dụng. Một số bệnh về máu và miễn dịch như Thalassemia, xơ cứng cột bên teo cơ, và một số bệnh phụ khoa ở tuổi vị thành niên được kê đơn dài ngày.

Bác sĩ sẽ quyết định số ngày sử dụng thuốc dựa trên tình trạng lâm sàng và mức độ ổn định của bệnh nhân, với thời gian tối đa không quá 90 ngày.

TS.BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, danh mục này được lấy ý kiến từ hơn 20 bệnh viện tuyến cuối thuộc nhiều chuyên khoa và thẩm định qua các hội đồng chuyên môn. Tuy nhiên, không phải cứ mắc bệnh trong danh mục là đương nhiên được cấp thuốc 90 ngày.

"Việc kéo dài thời gian kê đơn cần thận trọng. Bác sĩ sẽ đánh giá từng trường hợp cụ thể để quyết định số ngày cấp thuốc, có thể là 30, 60 hoặc tối đa 90 ngày", TS. Dương cho hay. Nếu bệnh có diễn biến bất thường hoặc không thể tái khám đúng hẹn, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám lại và điều chỉnh phác đồ.

Metro Bến Thành - Suối Tiên tăng tần suất chạy tàu

Tàu điện tăng chuyến từ 1/7 đến 15/8 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao, nhất là khi TP.HCM bắt đầu tiếp nhận cán bộ, người lao động vào trung tâm làm việc sau sáp nhập.

Khách chờ đi metro Bến Thành - Suối Tiên

Khách chờ đi metro Bến Thành - Suối Tiên

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Xây dựng TP.HCM), trong thời gian trên, metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ hoạt động từ 5h đến 22h, khai thác 11 đoàn tàu với 226 chuyến mỗi ngày, tăng 26 chuyến so với lịch hiện nay. Thời gian giãn cách giữa các chuyến cũng dày hơn, trung bình 7 - 12 phút có một đoàn tàu đón khách. Dịp cuối tuần, mỗi ngày sẽ có 9 đoàn tàu đưa vào vận hành, giãn cách giữa các chuyến 8 - 12 phút.

Hiện tuyến metro mỗi ngày vận hành 9 đoàn tàu, hành trình từ ga cuối Suối Tiên đến Bến Thành khoảng 30 phút. Việc tăng tần suất chạy tàu là một trong những giải pháp TP.HCM đưa ra nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao, đồng thời hỗ trợ cán bộ, công chức, người lao động từ Bình Dương vào khu trung tâm làm việc hàng ngày.

Trước đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng cho biết cán bộ, người lao động từ Bình Dương có thể sử dụng phương tiện giao thông cộng để ra vào trung tâm thành phố. Cụ thể, từ Trung tâm hành chính Bình Dương hiện có các tuyến buýt 61-05 và 61-77, lộ trình kết nối đến Bến xe Miền Đông mới. Đây là khu vực sát nhà ga metro Bến Thành - Suối Tiên, khi tới địa điểm này khách có thể đi tàu điện vào trung tâm thành phố.

Là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, Metro Bến Thành - Suối Tiên tổng chiều dài gần 20 km, kết nối trung tâm thành phố về cửa ngõ phía Đông. Trên tuyến có 3 ga ngầm, 11 ga trên cao, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, đưa vào khai thác tháng 12/2024. Đến nay, tuyến tàu điện này đã phục vụ hơn 10 triệu lượt khách.

Ngoài tăng chuyến metro, TP.HCM cũng bắt đầu tổ chức xe đưa đón cán bộ, công chức, người lao động từ Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đến Trung tâm hành chính thành phố làm việc. Công ty CP Xe khách Phương Trang FutaBusline là đơn vị phối hợp, các chuyến xe chở miễn phí với lịch trình mỗi ngày 3 lượt đi và 3 lượt về.

Dừng chạy tàu cho công chức đi làm chặng Đồng Hới - Đông Hà

Công ty CP Vận tải đường sắt quyết định dừng đôi tàu DH1/DH2 giữa ga Đồng Hới (Quảng Bình cũ) và ga Đông Hà (Quảng Trị) do lượng người đi ít.

Ga Đông Hà, tỉnh Quảng Trị

Ga Đông Hà, tỉnh Quảng Trị

Theo đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt, ngày 30/6 đơn vị nhận thông báo từ Sở Xây dựng Quảng Trị cho biết, chỉ có 5 cán bộ, công chức, viên chức từ 10 cơ quan trực thuộc tỉnh đăng ký đi tàu hàng ngày, 41 người muốn đi tàu đi trong tuần. Bộ phận bán vé ga Đông Hà cho biết trong ngày 30/6 chỉ bán được một vé tàu đi Đồng Hới ngày 1/7.

Do số lượng người đăng ký đi lại quá ít nên Công ty CP Vận tải đường sắt quyết định dừng đôi tàu chở khách hàng ngày giữa Đồng Hới và ga Đông Hà từ sáng 1/7 như dự kiến.

Trước đó, theo đề nghị của tỉnh Quảng Trị, ngành đường sắt đã lập đôi tàu khách DH1/DH2 phục vụ công chức đi làm, chạy hàng ngày từ 1/7 trên tuyến đường sắt quốc gia Bắc Nam từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Tàu DH2 xuất phát từ ga Đông Hà lúc 5h30, đến ga Đồng Hới lúc 7h25; tàu DH1 từ ga Đồng Hới lúc 17h45, về đến ga Đông Hà lúc 19h45.

Khoảng cách từ ga Đông Hà đến ga Đồng Hới hơn 100 km. Việc mở tuyến tàu nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của khoảng 1.300 công chức, viên chức trong bối cảnh hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình được sáp nhập. Tỉnh mới mang tên Quảng Trị, trung tâm hành chính đặt tại TP. Đồng Hới.

Xuất khẩu cà phê lập kỷ lục

Giá cà phê liên tục lao dốc trên cả thị trường trong nước và quốc tế, nhưng xuất khẩu mặt hàng này vẫn lập kỷ lục với 5,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2025.

Thu hoạch cà phê muộn ở Gia Lai

Thu hoạch cà phê muộn ở Gia Lai

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5,5 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 2,7 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, đồng thời vượt xa con số 5,4 tỷ USD của cả năm 2024. Đây là lần đầu tiên ngành cà phê đạt được mức này trong nửa đầu năm và hoàn thành sớm mục tiêu cả năm nay.

Giá cà phê nội địa có nhiều biến động. Ngày 30/6, giá nhân xô tại Tây Nguyên giảm còn 94.500 đồng một kg, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Trước đó, giá từng đạt đỉnh 135.400 đồng một kg vào tháng 3.

Trên sàn London, giá cà phê Robusta giao tháng 7 giảm 30,9%, còn 3.661 USD một tấn; hợp đồng giao tháng 9 giảm 31,6%, xuống 3.593 USD một tấn. Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng hơn một năm qua.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại tăng mạnh nhờ giá trị đơn hàng lớn từ các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng thành công này đến từ việc đẩy mạnh xuất khẩu các dòng cà phê chế biến sâu, cà phê đặc sản và cà phê hòa tan - những phân khúc có giá trị gia tăng cao.

Đặc biệt, mùa thu hoạch cà phê rơi vào cuối năm (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau), nên lượng hàng nửa đầu năm chủ yếu từ tồn kho và nguồn dự trữ. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt đã chủ động lên kế hoạch sản xuất và tiếp cận thị trường từ sớm.

Với đà này, Bộ dự báo kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt 7,5 tỷ USD vào cuối năm 2025, tăng gần 37% so với năm 2024. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh thị trường quốc tế nhiều biến động.

Thị trường Mỹ vẫn là điểm tựa lớn nhất cho cà phê chế biến sâu của Việt Nam, nhất là dòng cà phê hòa tan và cà phê đặc sản. Tuy nhiên, Bộ cũng cảnh báo một số đối tác tại Mỹ đang tìm nguồn cung thay thế, đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tin cùng chuyên mục