Bản tin thời sự sáng 15/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ông Tất Thành Cang xin giảm nhẹ hình phạt; hơn 1 triệu học sinh từ mầm non đến lớp 6 ở TP.HCM trở lại trường; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỷ đồng; Công an tỉnh Vĩnh Long bắt giám đốc làm khống hồ sơ thầu để chiếm đoạn tiền; dự kiến 60% đường Vành đai 4 Hà Nội sẽ đi trên cao…

Ông Tất Thành Cang xin giảm nhẹ hình phạt

Cho rằng có nhiều tình tiết chưa đúng, mức án 10 năm tù là quá nặng, cựu Phó Bí thư Thành ủy Tất Thành Cang đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm.

Ông Tất Thành Cang tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 1

Ông Tất Thành Cang tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 1

Ngày 14/2, TAND TP.HCM cho biết đã chuyển đơn kháng cáo của ông Tất Thành Cang và 10 người khác cùng hồ sơ vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần của Sadeco lên TAND Cấp cao tại TP.HCM, để xem xét theo thủ tục phúc thẩm. Trong đó, ông Cang cho rằng nhiều tình tiết liên quan đến ông được nêu trong bản án sơ thẩm là chưa đúng, mức án quá nặng.

Tòa cho rằng, ông Tất Thành Cang với vai trò Phó Bí thư, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Văn phòng Thành ủy (có vốn góp tại Sadeco), phải hiểu và nắm rõ các quy định về quản lý kinh doanh, sử dụng vốn của Nhà nước ra bên ngoài. Tuy nhiên, khi Văn phòng xin ý kiến về việc chuyển nhượng cổ phần tại Sadeco với giá 40.000 đồng/cổ phần, bị cáo đã không chỉ đạo thực hiện theo quy định đấu giá công khai, thẩm định giá.

Hành vi này của ông Cang, đã tạo điều kiện cho Tề Trí Dũng và đồng phạm thực hiện việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần của Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.

Ngày 8/1/2022, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt ông Cang 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Hơn 1 triệu học sinh từ mầm non đến lớp 6 ở TP.HCM trở lại trường

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, hơn 80% phụ huynh học sinh tiểu học và gần 70% phụ huynh học sinh từ 3 - 6 tuổi đăng ký cho con em đi học trực tiếp đợt này.

Hơn 1 triệu học sinh từ mầm non đến lớp 6 ở TP.HCM trở lại trường. Ảnh minh họa.

Hơn 1 triệu học sinh từ mầm non đến lớp 6 ở TP.HCM trở lại trường. Ảnh minh họa.

Sáng 14/2, hơn 1 triệu trẻ mầm non, học sinh tiểu học và lớp 6 ở TP.HCM đã chính thức đi học lại sau 9 tháng ở nhà học online để phòng, chống dịch Covid-19. Học sinh từ lớp 7 - 12 ở Thành phố đã đến trường trước đó.

Các học sinh khối mầm non, tiểu học và lớp 6 là lứa tuổi chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19, cũng là nhóm học sinh mà TP.HCM cho quay trở lại trường muộn nhất.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, hơn 80% phụ huynh học sinh tiểu học và gần 70% phụ huynh học sinh từ 3 - 6 tuổi đăng ký cho con em đi học trực tiếp đợt này. Theo kế hoạch của Sở, học sinh tiểu học tại Thành phố sẽ đi học trực tiếp trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc.

Đối với các học sinh đi học trực tiếp, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu giáo viên tổ chức hướng dẫn các hoạt động học tập theo nhóm, có giải pháp củng cố, bồi dưỡng kiến thức đối với những học sinh chưa học trực tuyến hoặc có học trực tuyến nhưng không đạt được yêu cầu về phẩm chất, năng lực. Những học sinh chưa đi học trực tiếp sẽ tiếp tục học từ xa, hoàn thành các nhiệm vụ học tập theo hướng dẫn của giáo viên.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỷ đồng

Tuyến đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117 km nếu được đầu tư sẽ có tổng nguồn vốn đầu tư theo quy mô phân kỳ xấp xỉ khoảng 22.000 tỷ đồng.

Tuyến đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột dài 117km. Ảnh minh họa

Tuyến đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột dài 117km. Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, thời gian hoàn thành vào năm 2026.

Theo đó, Dự án có tổng chiều dài hơn 117 km; trong đó đoạn qua tỉnh Khánh Hòa dài gần 32,7 km và qua tỉnh Đắk Lắk khoảng hơn 84 km. Tuyến đường bộ cao tốc này có quy mô là 4 làn xe.

Sơ bộ tổng mức đầu tư theo quy mô phân kỳ khoảng 21.935 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị ước khoảng hơn 15.600 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư, hoàn thành Dự án vào năm 2026; trong đó nhu cầu sử dụng vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 ước tính hơn 16.100 tỷ đồng, chuyển tiếp thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 khoảng hơn 5.800 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải dự kiến chia Dự án thành 3 dự án thành phần; trong đó, dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km32+000) có chiều dài khoảng 32 km cơ bản trên địa phận tỉnh Khánh Hòa, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.632 tỷ đồng sẽ do tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km69+500) có chiều dài khoảng 37,5 km trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.818 tỷ đồng, do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) có chiều dài khoảng 48,5 km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.485 tỷ đồng, do tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Công an tỉnh Vĩnh Long bắt giám đốc làm khống hồ sơ thầu để chiếm đoạn tiền

Trần Anh Tuấn (Giám đốc Công ty CP Khảo sát và xây dựng công trình Thịnh Phát), bị cáo buộc làm khống hồ sơ giám sát để công ty của mình được chỉ định thầu, chiếm đoạt hơn 167 triệu đồng.

Bị can Trần Anh Tuấn nghe đọc lệnh bắt

Bị can Trần Anh Tuấn nghe đọc lệnh bắt

Ngày 14/2, Trần Anh Tuấn bị Công an tỉnh Vĩnh Long bắt tạm giam về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ, năm 2018, công ty của Tuấn ký hợp đồng tư vấn giám sát thi công phần móng Công trình phân pha dây dẫn đường dây 110kV Vĩnh Long - Vũng Liêm với Ban Quản lý dự án lưới điện miền Nam, trị giá 417 triệu đồng.

Cơ quan điều tra cáo buộc, để công ty được chỉ định thầu, Tuấn đã sử dụng chứng chỉ hành nghề giám sát giả, làm khống hợp đồng lao động với hai cán bộ giám sát xây dựng. Quá trình thực hiện hợp đồng, Tuấn không trực tiếp giám sát mà dựa vào số liệu, hình ảnh của các đơn vị thi công cung cấp để hợp thức hoá và nghiệm thu công trình .

Đến khi bị phát hiện, công ty của Tuấn đã được quyết toán hơn 167 triệu đồng. Cơ quan chức năng xác định, do công trình không được giám sát nên bị các đơn vị thi công rút ruột, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng.

Dự kiến 60% đường Vành đai 4 Hà Nội sẽ đi trên cao

Dự án đường Vành đai 4 nằm trên địa phận TP. Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh với dự kiến 60% tuyến đường sẽ đi trên cao.

Một số thông số chính của tuyến đường Vành đai 4

Một số thông số chính của tuyến đường Vành đai 4

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, các địa phương có đường đi qua đều đồng tình chủ trương chung là đi cao, tuy nhiên xây dựng đường trên cao sẽ làm tăng tổng mức đầu tư, nên sau khi tính toán kỹ sẽ có khoảng 60% tuyến đường đi cao.

Dự án sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm (tháng 5/2022). Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Chính phủ sẽ giao các địa phương triển khai đầu tư theo từng hợp phần dự án độc lập.

Dự án Vành đai 4 có chiều dài 112,8 km, trong đó qua TP. Hà Nội 58,2 km, Hưng Yên 19 km; Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối với Quốc lộ 18 dài 9,7 km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.

Tuyến đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến trên 87.000 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2027.

Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT), trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư. UBND TP. Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh là chủ đầu tư thực hiện hợp phần dự án số 1 (bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư), số 2 (xây dựng đường đô thị, đường song hành theo hình thức đầu tư công) trên địa phận của từng địa phương.

Sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi của hợp phần dự án số 3 - xây dựng đường cao tốc theo hình thức PPP, được phê duyệt, TP. Hà Nội sẽ lập hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng để làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư.

TP.HCM lên phương án cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình chỉ đạo các ngành liên quan tiến hành cải tạo, chỉnh trang lại chợ Bến Thành. Nguồn kinh phí được dùng cho việc thiết kế từ nguồn vốn xã hội hóa.

Chợ Bến Thành sẽ được cải tạo lại

Chợ Bến Thành sẽ được cải tạo lại

Cụ thể, ông Lê Hòa Bình đã cơ bản thống nhất với ý tưởng cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành theo đề xuất của Công ty TA Landscape (đơn vị tư vấn thiết kế); giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế triển khai ý tưởng chi tiết hơn, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 28/2.

Giao UBND Quận 1 phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thành phố, đơn vị tư vấn triển khai thực hiện phương án thiết kế chi tiết.

Trong quá trình thực hiện cần lấy ý kiến của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Công Thương và Trung tâm Bảo tồn di tích (Sở Văn hóa và Thể thao) để hoàn thiện phương án, gửi Sở Xây dựng trước ngày 28/2 để tổng hợp báo cáo trình thường trực UBND Thành phố xem xét.

Đối với Sở Xây dựng, ông Lê Hòa Bình giao thẩm định về công tác kiểm định kết cấu, chất lượng hiện trạng công trình và hồ sơ thiết kế cải tạo chỉnh trang chợ Bến Thành, tổng hợp báo cáo đề xuất, trình Thường trực UBND Thành phố xem xét thông qua phương án thiết kế chi tiết trước ngày 8/3.

Chợ Bến Thành là một trong những biểu tượng của TP.HCM, nơi du khách, nhất là khách nước ngoài ghé thăm, mua sắm. Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912, với diện tích 13.056 m2.

Nam Định đề xuất làm cao tốc 19.000 tỷ bằng vốn Nhà nước thay vì PPP

Tỉnh Nam Định đề xuất bố trí toàn bộ số vốn hơn 19.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để xây cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng thay cho phương án PPP.

Cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng sẽ đấu nối với trục cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Ảnh minh họa

Cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng sẽ đấu nối với trục cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Nam Định vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về việc đầu tư tuyến cao tốc ven biển Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng theo hình thức đầu tư công, sử dụng vốn từ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình).

Văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị ký nêu rõ tổng mức đầu tư Dự án là 19.080 tỷ đồng. Trong đó, 31 km đi qua Nam Định tốn 8.800 tỷ đồng.

Qua nghiên cứu, UBND Tỉnh khẳng định việc đầu tư Dự án theo phương thức đối tác công tư PPP là khó khả thi. Điều kiện ngân sách của Nam Định cũng rất khó khăn, không cân đối được nguồn vốn cho Dự án.

Do đó, Tỉnh kiến nghị Chính phủ chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án sang đầu tư công 100%, sử dụng nguồn vốn từ Chương trình và ngân sách Trung ương.

UBND tỉnh Nam Định đề xuất Thủ tướng giao cho 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình làm chủ đầu tư đoạn đi qua địa phương mình. Trong đó, Nam Định làm chủ đầu tư thực hiện đoạn tuyến 31 km trên địa bàn gồm 2 cầu vượt sông Đáy và sông Hồng.

Lâm Đồng đề xuất chuyển đổi 486 ha rừng làm cao tốc

Để giải phóng mặt bằng xây dựng cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng dự kiến chuyển đổi 486 ha rừng sang mục đích khác.

Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc sẽ được triển khai trước

Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc sẽ được triển khai trước

Ngày 14/2, UBND tỉnh Lâm Đồng thẩm định hiện trạng rừng ở TP. Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Di Linh và Đức Trọng để lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng.

Dự kiến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương khởi công cuối năm nay ảnh hưởng 486 ha rừng. Trong tổng diện tích rừng bị vướng, hơn 8 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, hơn 477 ha đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Ngoài đất nằm trên địa bàn bốn địa phương, còn có diện tích rừng do Nông trường 78 (Học viện Lục quân) và Công ty CP Tập đoàn giấy Tân Mai quản lý.

Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (nối TP. Bảo Lộc với cao tốc Liên Khương - Prenn) dài 73 km, quy mô bốn làn xe với nền đường 17 m, giai đoạn hoàn chỉnh dài 24,75 m. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ 11.300 tỷ đồng, theo phương thức PPP, dự kiến xây dựng trong 24 tháng, thông xe trong năm 2025.