Hoàn thành Dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh trước 30/4
Dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh, nối Quận 1 với Bình Thạnh (TP.HCM), vốn đầu tư 473 tỷ đồng hoàn thành trước lễ 30/4.
Công nhân thi công trên công trường đường Nguyễn Hữu Cảnh |
Theo ông Lê Ngọc Hùng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư), trong 3,2 km toàn Dự án, đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến cầu Thủ Thiêm dài gần 2 km đã sửa xong toàn bộ. Đoạn còn lại hơn 1 km, từ cầu Thủ Thiêm đến cầu Sài Gòn bị lún nặng được nâng nền 50 cm đến 1,2 m và lắp hệ thống thoát nước.
Nhà thầu cho biết, công việc chủ yếu hiện hoàn thiện vỉa hè, đắp nền và nâng cao mặt đường và hoàn thành trải nhựa trong nửa tháng tới. Các đơn vị cũng đang đẩy nhanh một số hạng mục như hệ thống chiếu sáng; cải tạo, trồng mới cây xanh cùng hoàn chỉnh những phần hạ tầng kỹ thuật liên quan dọc tuyến để đảm bảo mỹ quan đô thị.
Dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh thi công từ tháng 10/2019, nhằm chống ngập và ùn tắc ở khu vực. Việc nâng cao đường được yêu cầu hài hòa với các khu dân cư hai bên, phù hợp cao độ nền quy hoạch... Do làm trên đường hiện hữu, mật độ xe lớn nên để vừa thi công vừa khai thác, quá trình nâng cấp tuyến thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, xong đoạn nào tái lập đoạn đó.
Ngành đường sắt kêu cứu vì 11.000 lao động bị nợ lương
Do chưa được nhà nước giao vốn bảo trì hạ tầng, ngành đường sắt thiếu kinh phí hoạt động và nợ lương hơn 11.300 lao động.
Công nhân tuần đường làm việc trên cung đường sắt qua Hà Nội |
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có kiến nghị khẩn đến Thủ tướng về những vướng mắc liên quan đến kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Năm 2021, VNR dự kiến được nhà nước giao 2.800 tỷ đồng để duy tu đường sắt và trả lương cho hơn 11.300 lao động. Tuy nhiên, 4 tháng qua, đơn vị này vẫn chưa được giao vốn. Các doanh nghiệp đường sắt phải nợ lương công nhân và chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì. Người lao động chỉ được tạm ứng một phần lương để duy trì cuộc sống.
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR, việc nợ lương ảnh hưởng đến người lao động và nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì họ vốn là những người thu nhập thấp. Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021.
Đây không phải là lần đầu tiên VNR kêu cứu vì thiếu vốn duy tu. Đầu năm 2020, doanh nghiệp này đã không được Bộ Giao thông vận tải giao dự toán ngân sách, nên không có tiền chi trả cho các đơn vị quản lý hạ tầng và nợ lương công nhân trong nhiều tháng. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là VNR đã chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, không còn trực thuộc Bộ Giao thông vận tải nên Bộ không tiếp tục giao vốn cho đơn vị ngoài ngành.
Hiện ngành đường sắt có hơn 11.000 lao động trong khối hạ tầng, đảm bảo tuần đường gác chắn trên 1.519 đường ngang và 3.143 km đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành dọc chiều dài đất nước. Tất cả số lao động này được trả lương từ ngân sách nhà nước, thông qua Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Hà Tĩnh đề xuất đầu tư 1.540 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn qua Khu kinh tế Vũng Áng
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng ưu tiên nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn qua Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh.
Quốc lộ 1 qua địa phận thị xã Kỳ Anh, đoạn thường xuyên ngập nước |
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, Quốc lộ 1 đoạn từ Km 561+00 - Km 587+00 (đoạn qua thị xã Kỳ Anh) có chiều dài 26 km, được đầu tư nâng cấp từ năm 1998, mặt đường rộng 12m.
Sau thời gian khai thác dài, cùng với sự gia tăng nhanh của phương tiện nên tuyến đường bị mãn tải và xuống cấp nghiêm trọng. Có những đoạn thường xuyên bị ngập trong mùa mưa lũ.
Quy mô đường đô thị thứ yếu 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến 1.540 tỷ đồng.
TP. Thủ Đức và 4 quận bị cắt nước suốt 24 giờ
Hàng chục nghìn hộ dân ở TP. Thủ Đức và các Quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình (TP.HCM) sẽ bị cắt nước hoặc nước yếu ngày cuối tuần này để thay tuyến ống.
Nhà máy nước Thủ Đức 3 hoàn thành tháng 8/2015 |
Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) Trần Quang Minh cho biết, vị trí sửa chữa đường ống cách đường Nguyễn Văn Bá (phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức) khoảng 200 m nên Nhà máy nước Thủ Đức 3 phải tạm ngưng bơm nước ra mạng. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng, Sawaco phải cắt nước ở nhiều địa bàn để sửa chữa tuyến ống bêtông D1500 Bình Thái - Bình Lợi.
Cụ thể, từ 21h ngày 17/4 đến 21h ngày 18/4 nước sẽ bị cắt hoặc yếu ở TP.Thủ Đức (các phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Đông, Linh Tây, Tam Bình, Tam Phú, Bình Chiểu); Quận 12 (phường Thạnh Lộc), Bình Thạnh (Phường 11, 12, 13, 28); Gò Vấp (Phường 1); Tân Bình (Phường 2).
Ông Minh cho biết, khi cấp nước trở lại, thời gian phục hồi nước tại một số nơi xa nguồn bị chậm. Sawaco đã có phương án điều tiết hỗ trợ và theo dõi chặt diễn biến trên mạng cấp nước để điều phối nguồn nước, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến người dân.
Ngân hàng siết tín dụng liên quan giao dịch lan đột biến
Liên quan đến cơn sốt giao dịch lan đột biến giá tiền tỷ, có dấu hiệu bất thường, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hòa Bình vừa có công văn gửi các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn… siết chặt hoạt động cho vay.
Ngân hàng siết tín dụng liên quan giao dịch lan đột biến |
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hòa Bình vừa có công văn gửi các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn về việc chấn chỉnh hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hòa Bình yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ đạo các phòng, ban nghiệp vụ kiểm tra, rà soát lại các hợp đồng tín dụng của các hộ sản xuất, kinh doanh, tập trung vào địa bàn đang có phong trào trồng hoa lan và các giao dịch mua bán hoa đột biến gen...
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm cam kết Hợp đồng tín dụng, sử dụng vốn vay sai mục đích, không hiệu quả, có nguy cơ thất thoát vốn vay, áp dụng các biện pháp, chế tài xử lý phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn vốn vay ngân hàng.
Người chuyên livestream “giám sát CSGT” bị bắt vì chống người thi hành công vụ
Công an TP. Thủ Đức (TPHCM) đã bắt khẩn cấp Lê Chí Thành để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.
Lê Chí Thành (đứng giữa) yêu cầu CSGT "làm đúng" sau khi vi phạm luật giao thông |
Chiều 14/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Thủ Đức đã bắt giữ khẩn cấp đối với Lê Chí Thành để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ. Lệnh bắt khẩn cấp của Công an đã được Viện kiểm sát TP. Thủ Đức phê chuẩn.
Chiều 14/4, Công an đã khám xét nơi cư trú của Lê Chí Thành ở phường Tân Hưng Thuận, Quận 12.
Theo thông tin ban đầu, Lê Chí Thành từng là đại úy công an, làm việc tại một số trại giam ở TP.HCM, sau đó bị kỷ luật loại khỏi ngành Công an.
Thời gian gần đây, Lê Chí Thành nổi tiếng trên mạng xã hội khi thường xuyên xuất hiện và thực hiện các clip livestream giám sát CSGT đang làm nhiệm vụ trên các tuyến đường ở TP.HCM.
Mới đây, ngày 20/3, Lê Chí Thành điều khiển ô tô lưu thông vào làn đường dành cho xe hai bánh trên xa lộ Hà Nội (đoạn qua địa bàn phường Hiệp Phú, TP. Thủ Đức) thì bị Đội CSGT Rạch Chiếc yêu cầu dừng xe kiểm tra.
Lực lượng CSGT kiểm tra và lập biên bản vi phạm về lỗi "không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu; không xuất trình chứng minh nhân dân khi được yêu cầu; không có giấy đăng ký xe".
Trong lúc CSGT niêm phong, tạm giữ ô tô vi phạm thì Thành tiếp tục quay clip livestream trên mạng xã hội rồi đứng, ngồi trước đầu xe và đưa ra nhiều yêu cầu với lực lượng CSGT.