Bản tin thời sự sáng 15/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khoảng 1,1 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin có thể bị khóa hai chiều từ 15/4; đề nghị kỷ luật 13 cán bộ công an, viện kiểm sát ở An Giang; Đền Hùng dự kiến đón 6 triệu khách dịp Giỗ Tổ; TP.HCM mỗi tháng thu 1 triệu USD từ xuất khẩu cá cảnh…

Khoảng 1,1 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin có thể bị khóa hai chiều từ 15/4

Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến ngày 13/4 vẫn còn hơn 1,2 triệu thuê bao bị khóa một chiều do chưa chuẩn hóa thông tin cá nhân. Do đó, số SIM này có thể bị khóa hai chiều từ ngày 15/4 theo quy định.

Đã có 473.000 thuê bao chuẩn hóa lại thông tin cá nhân sau khi bị khóa 1 chiều

Đã có 473.000 thuê bao chuẩn hóa lại thông tin cá nhân sau khi bị khóa 1 chiều

Ngày 14/4, Cục Viễn thông cho biết, sau ngày 31/3, đã có 1,67 triệu SIM bị khóa 1 chiều (chiều gọi đi).

Lũy kế đến ngày 13/4, đã có 473.000 thuê bao chuẩn hóa lại thông tin cá nhân trùng khớp Cơ sở dữ liệu quốc gia của Bộ Công an, đạt 28,3% tổng số thuê bao bị khóa. Như vậy, vẫn còn hơn 1,2 triệu SIM bị khóa 1 chiều do chưa chuẩn hóa thông tin cá nhân. Trong ngày 13/4, đã có 25.000 thuê bao chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã khẳng định, đến ngày 15/4, các thuê bao không tiến hành chuẩn hóa lại sẽ bị khóa hai chiều.

Ông Nhã cho biết thêm, đến ngày 15/5, các thuê bao bị khóa 2 chiều vẫn không cập nhật thông tin sẽ bị nhà mạng thu hồi số. Với tiến độ đăng ký chuẩn hóa thông tin như những ngày qua, có thể đến ngày 15/4 sẽ có khoảng 1,1 - 1,2 triệu SIM bị khóa hai chiều theo quy định.

Đề nghị kỷ luật 13 cán bộ công an, viện kiểm sát ở An Giang

8 lãnh đạo công an huyện cùng 5 viện trưởng, viện phó viện kiểm sát (VKS) cấp huyện ở An Giang bị đề nghị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang

Thông tin trên được đưa ra tại Kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang diễn ra chiều 14/4. Những người này bị xác định vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt.

Ba người bị đề nghị cảnh cáo gồm: Nguyễn Thanh Hải, Chánh thanh tra Công an tỉnh; Lý Thanh Vũ, nguyên Trưởng Công an huyện An Phú; Hà Minh Đấu, nguyên Trưởng Công an TP. Châu Đốc.

Tám người bị đề nghị kỷ luật khiển trách là: Trần Hữu Tài, Viện trưởng VKS TP. Châu Đốc; Lê Hoàng Anh, Viện trưởng VKS huyện Thoại Sơn; Lương Quốc Danh, Phó VKS huyện Thoại Sơn; Ngô Minh Tư, Phó VKS TP. Châu Đốc; Nguyễn Trần Tuyền Trinh, Phó VKS thị xã Tân Châu; Phạm Thành Mỹ, nguyên Trưởng Công an TP. Châu Đốc; Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Trưởng Công an huyện Thoại Sơn; Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Công an huyện Thoại Sơn; Nguyễn Đức Hậu, nguyên Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh.

Riêng ông Hồ Văn Tấn, nguyên Trưởng Công an huyện An Phú bị xác định mức độ vi phạm rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thi hành kỷ luật.

Hồi tháng 11/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hàng loạt lãnh đạo Công an, Tòa án, VKS, Biên phòng, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan tỉnh An Giang vì để xảy ra nhiều vi phạm.

Đền Hùng dự kiến đón 6 triệu khách dịp Giỗ Tổ

Đền Hùng dự kiến đón khoảng 6 triệu khách tới tham quan vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay do trùng với lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Ban tổ chức Lễ hội đền Hùng sẽ tổ chức nhiều hoạt động ở khu trung tâm lễ hội

Ban tổ chức Lễ hội đền Hùng sẽ tổ chức nhiều hoạt động ở khu trung tâm lễ hội

Theo ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng, con số 6 triệu khách là mục tiêu lớn được ban tổ chức đặt ra trong Lễ hội đền Hùng năm nay. Năm 2022, trong 3 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, khu di tích này đón khoảng 1 triệu lượt khách. Năm 2019, con số ghi nhận là 4,5 triệu lượt khách; năm 2018 là khoảng 3 triệu lượt khách.

Ban tổ chức Lễ hội đền Hùng sẽ tổ chức nhiều hoạt động ở khu trung tâm lễ hội như hội trại văn hóa, biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian, hội chợ ẩm thực để du khách tham gia. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng bố trí người hướng dẫn du khách đến tham quan thêm các khu vực khác như đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, đền Mẫu Âu Cơ (thuộc khu di tích đền Hùng) để tránh cho khu trung tâm lễ hội đền Hùng bị quá tải.

Năm nay, Ban tổ chức bố trí lực lượng chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, đảm bảo không xảy ra tình trạng chặt chém hay các tệ nạn kinh doanh khác. Số điện thoại đường dây nóng sẽ được đặt ở khắp nơi để người dân có thể liên hệ phản ánh.

TP.HCM mỗi tháng thu 1 triệu USD từ xuất khẩu cá cảnh

Bốn tháng đầu năm, TP.HCM xuất khẩu hơn 4,12 triệu con cá cảnh, thu về 4,28 triệu USD, tức trung bình mỗi tháng thu khoảng 1 triệu USD.

Cơ sở nuôi cá cảnh xuất khẩu với thương hiệu Discus House

Cơ sở nuôi cá cảnh xuất khẩu với thương hiệu Discus House

Ông Lê Tôn Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) cho biết, cá cảnh là một trong 6 ngành chủ lực của Thành phố.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng cung ứng có sự sụt giảm. Cụ thể, số lượng cá cảnh sản xuất 4 tháng qua là 37,4 triệu con, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số lượng cá cảnh xuất khẩu hơn 4,12 triệu con, tương ứng giá trị 4,28 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân khiến sản lượng giảm, theo ông Cường là nhiều hộ nuôi ở TP.HCM thu hẹp diện tích do ảnh hưởng của lạm phát, sức mua yếu, kinh tế toàn cầu suy thoái. Ngoài ra, một số loại cá cảnh nuôi phổ biến (cá chép, cá bảy màu, cá chuột) được chuyển đổi sang nuôi ở các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Long An.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, tổng diện tích nuôi cá cảnh toàn Thành phố hiện khoảng 90 ha, với gần 300 cơ sở và hộ nuôi.

Cá cảnh của TP.HCM xuất khẩu đi 50 quốc gia, trong đó EU chiếm khoảng 60%, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ, Trung Đông và Nam Phi.

Cần Thơ đã tìm đủ 3,5 triệu m3 cát san lấp cho 2 dự án cao tốc

Chiều 14/4, thông tin về vật liệu cát san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP. Cần Thơ cho biết, nhu cầu cát san lấp cho các công trình là rất lớn, trên dưới 5 triệu m3.

Cát san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm ở TP. Cần Thơ cơ bản đã được giải quyết

Cát san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm ở TP. Cần Thơ cơ bản đã được giải quyết

Trong đó, 2 tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Bắc - Nam đoạn qua TP. Cần Thơ cần khoảng 3,5 triệu m3.

Ông Lê Tiến Dũng cho biết, để giải quyết vấn đề cát san lấp, Cần Thơ đã làm việc với tỉnh An Giang và tỉnh này đã thống nhất dành cho Cần Thơ và Hậu Giang 2 mỏ cát với sản lượng khai thác 7 triệu m3.

Với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, riêng Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài hơn 37,65 km, tổng mức đầu tư 10.370 tỷ đồng. Trong đó, chiều dài tuyến nối 9,2 km, đoạn thuộc địa bàn Cần Thơ dài 0,6 km. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư trong quý II/2023.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ dài 37,42 km, vốn đầu tư dự kiến là 9.725 tỷ đồng sẽ khởi công vào cuối tháng 6 tới. Hiện Dự án đã hoàn thành lập và thẩm tra hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng để trình thẩm định dự kiến vào ngày 20/4.

Chính phủ đề xuất hỗ trợ 20 tỷ đồng/huyện giảm sau sáp nhập

Ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ một lần cho các địa phương với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi huyện được giảm và 500 triệu đồng cho mỗi xã được giảm sau khi sáp nhập.

Việc hỗ trợ nhằm giải quyết khó khăn của các địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh minh họa

Việc hỗ trợ nhằm giải quyết khó khăn của các địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh minh họa

Ngày 14/4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký tờ trình của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Để giải quyết khó khăn của các địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, dự thảo nghị quyết quy định kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh, thành sẽ do ngân sách địa phương bảo đảm.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất, ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các địa phương nhận bổ sung cân đối với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2030.

Số ngân sách này dùng để hỗ trợ trong việc thực hiện xây dựng phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tổ chức tuyên truyền, vận động; tổ chức lấy ý kiến cử tri; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính…

Theo tổng kết của Bộ Nội vụ, giai đoạn 2019 - 2021, cả nước đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 8 huyện; sắp xếp 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 563 xã. Từ đó tinh giản 361 cán bộ, công chức cấp huyện và 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách nhà nước hơn 2.008 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số lượng đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định vẫn còn nhiều. Hiện chỉ có 18/63 đơn vị hành chính cấp tỉnh; 127/705 đơn vị hành chính cấp huyện; 2.438/10.599 đơn vị hành chính cấp xã đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Giảm tải trọng xe được phép lưu thông qua phà Bình Khánh

Từ 18h ngày 17/4 đến 5h ngày 18/4, bến phà Bình Khánh, TP.HCM chỉ vận chuyển xe có tổng trọng tài từ 10 tấn trở xuống để phục vụ công tác duy tu, sửa chữa định kỳ bến nổi thuộc hệ cầu 30 tấn (bờ huyện Cần Giờ).

Từ 18h ngày 17/4 đến 5h ngày 18/4, bến phà Bình Khánh chỉ vận chuyển xe có tổng trọng tài từ 10 tấn trở xuống

Từ 18h ngày 17/4 đến 5h ngày 18/4, bến phà Bình Khánh chỉ vận chuyển xe có tổng trọng tài từ 10 tấn trở xuống

UBND huyện Cần Giờ vừa có thông báo về việc thi công thay bến nổi thuộc hệ cầu dẫn 30 tấn tại bến phà Bình Khánh (phía bờ huyện Cần Giờ).

Theo đó, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (đơn vị vận hành phà Bình Khánh) sẽ triển khai công tác duy tu, sửa chữa định kỳ bến nổi thuộc hệ cầu 30 tấn, bờ huyện Cần Giờ trong thời gian từ 18h ngày 17/4 đến 5h ngày 18/4.

Trong thời gian thi công, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong sẽ thực hiện giảm tải trọng xe được phép lưu thông qua phà Bình Khánh. Cụ thể, thời gian giảm tải từ 18h ngày 17/4 đến 5h ngày 18/4.

Trong thời gian giảm tải như trên, bến phà Bình Khánh chỉ vận chuyển xe có tổng trọng tải từ 10 tấn trở xuống (tổng trọng tải bao gồm trọng tải hàng hóa chở thực tế và trọng lượng bản thân của xe theo sổ đăng kiểm).

Từ 5h ngày 18/4, các phương tiện lưu thông qua bến phà Bình Khánh bình thường trở lại.

Grab bị phạt 60 triệu đồng vì dùng bản đồ vi phạm chủ quyền

Công ty Grab bị cơ quan chức năng phạt 60 triệu đồng vì sử dụng bản đồ trên ứng dụng không thể hiện đầy đủ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Công ty Grab bị cơ quan chức năng phạt vì sử dụng bản đồ vi phạm chủ quyền. Ảnh minh họa

Công ty Grab bị cơ quan chức năng phạt vì sử dụng bản đồ vi phạm chủ quyền. Ảnh minh họa

Chiều 14/4, bà Võ Thị Thu Sương, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt Công ty Grab theo Điều 102 Nghị định số 15/2020 về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện công ty này cho biết, do hợp tác với một đơn vị thứ 3 cung cấp dữ liệu bản đồ mã nguồn mở chạy trên ứng dụng Grab nhưng không rà soát, theo dõi thường xuyên dẫn đến khi cập nhật đã xuất hiện thông tin sai lệch nghiêm trọng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Bà Sương cho biết thêm, Sở Thông tin và Truyền thông đã nhắc nhở phía Công ty phải xây dựng biện pháp ngăn ngừa để không xảy ra sự việc tương tự.

Trước đó, trong hai ngày 8 - 9/4, người dùng ứng dụng đặt xe trực tuyến Grab phát hiện bản đồ tại trung vực quần đảo Trường Sa chỉ thể hiện tên tiếng Việt đối với đảo Sơn Ca và Sinh Tồn.

Nhiều đảo, quần đảo và khu vực khác thể hiện bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, trong đó có nhiều tên bị ghi trái phép cho các khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ngoài ra, một số đảo khác thuộc chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông cũng bị chú thích sai lệch.