Bản tin thời sự sáng 15/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ưu tiên vốn đầu tư đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ; hàng trăm thương nhân Trung Quốc đăng ký thu mua vải thiều Bắc Giang; Lâm Đồng kiểm điểm nhiều lãnh đạo vì giải ngân vốn đầu tư công thấp; giá USD tăng ghi nhận một tuần đi lên…

Ưu tiên vốn đầu tư đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ

Đồng bằng sông Cửu Long được ưu tiên bố trí vốn đầu tư các tuyến cao tốc, trong đó chú trọng Dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ.

Hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

Hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

Thông tin được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra ở buổi tiếp xúc cử tri tại TP. Cần Thơ, ngày 14/5.

Đường sắt tốc độ cao nối Đông Nam Bộ với thủ phủ miền Tây được quy hoạch 10 năm trước, dài 174 km, đi qua Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Điểm đầu tuyến ở ga An Bình (TP. Dĩ An, Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (quận Cái Răng). Dự án được nghiên cứu với tổng đầu tư 9 tỷ USD, khổ đường 1.435 mm, tốc độ thiết kế lớn nhất 190 km/h. Gần đây, Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh thành mà tuyến đi qua khởi động trở lại Dự án.

Thủ tướng cho biết, sau khi Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thực hiện, Chính phủ đã đàm phán với các đối tác, ưu tiên triển khai dự án trên. Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long còn có hai tuyến đường cao tốc chính được đẩy nhanh triển khai gồm: TP.HCM - Cà Mau (một số đoạn được khởi công vào tháng 6) và cao tốc trục Đông - Tây từ Sóc Trăng qua Cần Thơ, Hậu Giang đến An Giang.

Theo Lãnh đạo Chính phủ, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược được đẩy mạnh thực hiện, bên cạnh hoàn thiện thể chế và đào tạo nguồn nhân lực. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã bố trí khoảng 400.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông, gấp 3 - 4 lần nhiệm kỳ trước. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được ưu tiên để thực hiện dự án giao thông trọng điểm.

Hàng trăm thương nhân Trung Quốc đăng ký thu mua vải thiều Bắc Giang

Với điều kiện thời tiết thuận lợi, các trà vải thiều sinh trưởng khỏe mạnh và phát triển tốt cho dự kiến thu hoạch trên 180.000 tấn, đến thời điểm này, hơn 200 thương nhân Trung Quốc đã đăng ký đến Bắc Giang khảo sát, ký kết hợp đồng thu mua vải thiều.

Người dân chuyển vải thiều đến các đại lý thu mua tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

Người dân chuyển vải thiều đến các đại lý thu mua tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Bắc Giang (Sở Công Thương Bắc Giang) cho biết, sau 2 đợt phê duyệt hồ sơ, đến nay, hơn 200 thương nhân Trung Quốc đã đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam và đến Bắc Giang giám sát vùng nguyên liệu, ký kết các hợp đồng thu mua vải thiều.

Danh sách các thương nhân Trung Quốc đã được Công an tỉnh Bắc Giang gửi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) để làm các thủ tục cấp phép nhập cảnh.

Dự kiến, cuối tháng 5, các thương nhân Trung Quốc sẽ bắt đầu nhập cảnh sang Bắc Giang để tham gia tiêu thụ vải thiều chín sớm.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế vào thị trường Mỹ, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn Tỉnh sinh trưởng, phát triển tốt, dự báo sản lượng vải toàn Tỉnh năm 2023 đạt trên 180.000 tấn (sản lượng vải sớm khoảng 60.000 tấn; vải chính vụ 120.000 tấn).

Trong đó, vải dự kiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ với 17 mã số vùng trồng (được Mỹ cấp mã số IRADS), diện tích là 205 ha, sản lượng đạt 1.500 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 20/5/2023, vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6/2023 đến ngày 30/7/2023.

Lâm Đồng kiểm điểm nhiều lãnh đạo vì giải ngân vốn đầu tư công thấp

5 đơn vị sở, ngành và 6 địa phương ở Lâm Đồng có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mặt bằng chung của toàn Tỉnh, bị buộc giải trình kiểm điểm trách nhiệm.

Dự án xây dựng sân vận động Đà Lạt bị chậm tiến độ thời gian dài

Dự án xây dựng sân vận động Đà Lạt bị chậm tiến độ thời gian dài

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa thống nhất với báo cáo của Sở Nội vụ về kết quả kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân tại 5 sở, ngành và 6 địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thấp hơn mặt bằng chung toàn Tỉnh.

Năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh này đạt 78,6%; trong đó, 5 sở ngành với 21 dự án và 6 địa phương với 42 chương trình - công trình - dự án có tiến độ giải ngân thấp hơn mặt bằng chung toàn Tỉnh.

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 9 dự án, Sở Giáo dục và Đào tạo 7 dự án, Sở Xây dựng và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng có 2 dự án, Ban Quản lý khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm 1 dự án.

Đối với các địa phương, UBND TP. Bảo Lộc có tới 18 công trình, dự án có tiến độ giải ngân thấp. Kế đến là UBND huyện Đạ Tẻh với 9 dự án; UBND huyện Lạc Dương 5 chương trình, dự án; UBND huyện Cát Tiên có 4 công trình, dự án; UBND huyện Đơn Dương và UBND huyện Đức Trọng cùng có 3 công trình, dự án.

Trong đó, Dự án Đầu tư hạ tầng khu thể thao thuộc Trung tâm Văn hóa Thể thao Tỉnh triển khai rất chậm, kéo dài nhiều năm, nhất là hạng mục xây dựng sân vận động Đà Lạt.

Theo lý giải của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, cũng như việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện phụ thuộc vào các đơn vị liên quan, thời gian giải quyết kéo dài…

Bắc Giang phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp rộng hơn 150 ha

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam (tỷ lệ 1/2.000).

Công nhân sản xuất trong khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang

Công nhân sản xuất trong khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang

Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính xã Yên Sơn, huyện Lục Nam. Ranh giới cụ thể được giới hạn phía Bắc giáp khu dân cư xã Yên Sơn và đình chùa thôn Nội Đông; phía Nam giáp đường quy hoạch Vành đai 5; phía Đông giáp đất quy hoạch khu nhà ở sinh thái; phía Tây giáp đường nối TL293 và TL299B (đi chùa Vĩnh Nghiêm).

Quy mô nghiên cứu khảo sát khoảng 186 ha, diện tích lập quy hoạch Khu công nghiệp khoảng 155 ha. Quy mô số lao động từ 20.000 - 22.000 người.

Về tính chất, Khu công nghiệp Yên Sơn là khu công nghiệp xanh, có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đây là khu công nghiệp tập trung, đa ngành, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Khu công nghiệp Yên Sơn tập trung các lĩnh vực sản xuất, chế tạo thiết bị điện, điện tử, điện lạnh, các sản phẩm công nghệ, kỹ thuật cao phục vụ các ngành điện tử, công nghệ thông tin, chế tạo cơ khí, chế tạo máy móc, thiết bị, hàng tiêu dùng.

USD ghi nhận một tuần tăng giá

Giá USD đồng loạt tăng trong tuần qua khi nhiều nhà đầu tư gia tăng lựa chọn tài sản trú ẩn an toàn.

Giá USD sáng 14/5 ghi nhận một tuần tăng

Giá USD sáng 14/5 ghi nhận một tuần tăng

Sáng 14/5, giá USD tại các ngân hàng thương mại ghi nhận một tuần đi lên. Chẳng hạn, Eximbank mua vào còn 23.230 đồng, bán ra 23.610 đồng, tăng 10 đồng so với cuối tuần trước. Tương tự, Vietcombank tăng 20 đồng ở cả hai chiều, đưa giá mua lên 23.270 đồng và bán ra lên 23.640 đồng... Giá USD tự do giao dịch ở mức 23.415 - 23.465 đồng, tăng thêm 10 - 15 đồng sau một tuần.

Ngược lại, giá Euro kết tuần đi xuống như Eximbank giảm 132 - 238 đồng, đưa giá mua vào xuống 25.249 đồng, bán ra xuống 25.937 đồng.

Giá USD quốc tế trong tuần qua liên tục đi lên và chỉ số USD-Index đạt 102, 68 điểm, tăng 1,42 điểm so với cuối tuần trước đó. Đồng bạc xanh trong tuần qua tăng vọt so với nhiều đồng tiền khác khi các nhà đầu tư tăng cường lựa chọn tài sản trú ẩn an toàn sau một loạt dữ liệu kinh tế không mấy khả quan. Dù nhiều báo cáo cho thấy, lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Điều đó khiến nhiều ý kiến cho rằng có thể Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa thể cắt giảm lãi suất.

Xây dựng Bestcon ra điều kiện tỉnh Quảng Nam phải trả 54,6 tỷ đồng để trả lại dự án

Vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam có công văn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, tham mưu UBND Tỉnh giải quyết đề nghị của Công ty CP Xây dựng Bestcon.

Khu vực triển khai dự án Khu dân cư Làng chài Điện Dương

Khu vực triển khai dự án Khu dân cư Làng chài Điện Dương

Trước đó, Công ty CP Xây dựng Bestcon gửi công văn về việc trả lại Dự án Khu dân cư Làng chài Điện Dương (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đến UBND tỉnh Quảng Nam.

Theo công văn, Dự án Khu dân cư Làng chài Điện Dương được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chuyển giao nhiệm vụ chủ đầu tư và chấp thuận chủ đầu tư đối với Công ty CP Beton 6 miền Trung (nay là Công ty CP Xây dựng Bestcon).

Dự án được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch; phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; UBND thị xã Điện Bàn đã ban hành các thông báo thu hồi đất để chủ đầu tư thực hiện Dự án…

Theo Công ty CP Xây dựng Bestcon, đến thời điểm này, doanh nghiệp đã bỏ ra hơn 54,6 tỷ đồng để chi các khoản tiền thực hiện Dự án, như tiền giải phóng mặt bằng hơn 29,7 tỷ đồng; san nền và xây dựng hạ tầng hơn 3,9 tỷ đồng; thiết kế và quy hoạch hơn 2,2 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 2,9 tỷ đồng; công tác chuẩn bị đầu tư hơn 657 triệu đồng. Bên cạnh đó là chi phí lãi vay ngân hàng từ năm 2016 đến nay hơn 15 tỷ đồng.

Công ty trên cho biết, qua rà soát pháp lý Dự án, đơn vị nhận thấy trình tự thủ tục đầu tư Dự án có sử dụng đất chưa đảm bảo theo quy định. Cụ thể, chưa đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Vì vậy, Công ty CP Xây dựng Bestcon sẽ trả lại Dự án Khu dân cư Làng chài Điện Dương để đấu thầu hoặc đấu giá theo quy định, với điều kiện UBND Tỉnh ghi nhận và giải quyết trả lại toàn bộ chi phí mà Công ty đã chi trả trong thời gian qua.

Cửa khẩu Móng Cái không còn cảnh du khách phải chen lấn

Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) mỗi ngày vẫn đón hàng nghìn lượt người xuất nhập cảnh, nhưng hiện không còn cảnh du khách phải chen lấn như trước.

Trung bình mỗi ngày có khoảng 5.000 người làm thủ tục xuất nhập cảnh

Trung bình mỗi ngày có khoảng 5.000 người làm thủ tục xuất nhập cảnh

Ngày 14/5, thông tin từ Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Quảng Ninh cho biết, trung bình mỗi ngày đơn vị làm thủ tục cho khoảng 5.000 người xuất nhập cảnh.

Thời gian gần đây, lượng du khách làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc giảm hơn so với dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nên không có tình trạng người dân chen lấn, xếp hàng như trước. Tuy vậy, thời gian làm thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc vẫn khá lâu, thường mất vài giờ.

Theo UBND TP. Móng Cái, nguyên nhân là do phía TP. Đông Hưng (Trung Quốc) bố trí cư dân biên giới, khách du lịch trong ngày làm thủ tục chung 1 luồng dẫn đến thời gian kéo dài. Để nhập cảnh vào Trung Quốc, du khách Việt Nam cần phải dùng cài đặt ứng dụng Wechat để quét mã kiểm dịch y tế.

Hiện, tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái không có quá đông khách du lịch, phần lớn là cư dân biên giới qua lại để "đánh hàng" dạng xách tay.

Hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới tại Quảng Ninh đang được thực hiện qua các cửa khẩu, lối mở tại: Cửa khẩu quốc tế Móng Cái; Cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) và lối mở Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, Quảng Ninh). Nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu là hoa hồi, vỏ quế, cói, thủy sản…