Bộ Tài chính tính giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường với xăng
Bộ Tài chính dự kiến đề xuất, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu.
Thông tin này được Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi đề cập như một trong các phương án góp phần kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.
Trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước liên tục tăng cao, Bộ Tài chính cho biết đang phối hợp các cơ quan nghiên cứu phương án tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Dựa trên diễn biến tình hình gần đây, cơ quan này đánh giá thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước.
Trước đó, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương... về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi - trong đó có phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi xăng từ 20% xuống 12%. Phương án này tuy không "hạ nhiệt" được giá xăng dầu nhưng về lâu dài sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu trong nước, tránh phụ thuộc nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN - hai thị trường hiện có thuế nhập khẩu ưu đãi.
Từ 1/4 năm nay, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu cũng đã được điều chỉnh giảm 50% cho đến hết năm. Thuế bảo vệ môi trường theo đó còn 2.000 đồng mỗi lít xăng và 1.000 đồng với dầu diesel, madut, dầu nhờn (chưa VAT)...
Bên cạnh giảm thuế bảo vệ môi trường, tại phiên chất vấn ở Quốc hội mới đây, đại biểu cũng đặt vấn đề giảm thêm các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT... khi giá xăng dầu liên tiếp lập kỷ lục. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ đánh giá tác động để tham mưu Chính phủ, trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giảm thêm thuế với mặt hàng này.
TP.HCM khởi động chiến dịch tiêm nhắc lại vaccine Covid-19
Từ ngày 14/6 đến cuối tháng, TP.HCM mở chiến dịch cao điểm tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 cho trẻ em, người từ 50 tuổi, người từ 18 tuổi suy giảm miễn dịch, nhân viên tuyến đầu thuộc nhóm nguy cơ cao.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân phường Phú Hữu, TP Thủ Đức |
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, ngoài các điểm tiêm cố định còn tổ chức tiêm ở khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, khu vực đông dân cư, bệnh viện, tiêm tại nhà cho người khó di chuyển... nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận vaccine.
Theo bác sĩ Hưng, mục tiêu chiến dịch nhằm tiếp tục kiểm soát ổn định dịch bệnh Covid-19, nhất là bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, trẻ em, nhân viên làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ tái nhiễm. Hiện chưa rõ số lượng người cần tiêm trong chiến dịch này.
Thành phố hiện ghi nhận khoảng 30 - 50 ca mắc mới mỗi ngày, số bệnh nhân cần nằm viện còn khoảng 200. Bác sĩ Hưng cho rằng, điều này cho thấy số ca nhiễm tuy đã giảm rất sâu nhưng mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm vẫn có thể xảy ra nếu không tiếp tục duy trì những giải pháp tối thiểu song rất quan trọng, là V+2K (tiêm vaccine, khử khuẩn, mang khẩu trang).
Trong chiến dịch lần này, ngành y tế kêu gọi phụ huynh cho trẻ 5 - 18 tuổi tiêm mũi một nếu chưa tiêm và tiêm mũi hai khi đến lịch. Người suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh mạn tính (tiểu đường, cao huyết áp, hen phế quản, ung thư...) cần tiêm nhắc lại (mũi ba, mũi bốn) hoặc tiêm mũi một nếu chưa tiêm. Người vì lý do sức khỏe không thể đến các điểm tiêm vaccine có thể liên hệ trạm y tế địa phương để được tiêm tại nhà.
Giao 52 lô đất trái quy định, nguyên Chủ tịch Công ty Dâu tằm tơ Mộc Châu bị khởi tố
Trong thời gian đương chức, ông Bùi Mạnh Hùng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP Dâu tằm tơ Mộc Châu đã giao 52 lô đất trái pháp luật cho hàng chục hộ gia đình.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sơn La thi hành Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam đối với Bùi Mạnh Hùng |
Ngày 14/6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Bùi Mạnh Hùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, theo Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Theo cơ quan điều tra, trong thời gian giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP Dâu tằm tơ Mộc Châu, ông Hùng đã ký, ban hành quyết định giao 52 lô đất trái pháp luật cho 52 hộ gia đình, với diện tích 5.200 m2. Đồng thời, thực hiện việc thanh lý tài sản có gắn với diện tích đất trái pháp luật cho các hộ gia đình sử dụng để ở lâu dài với diện tích 2022,7 m2.
Theo Công an tỉnh Sơn La, việc giao đất trên của ông Hùng không đúng với mục đích sử dụng đất theo Quyết định giao đất số 121/QĐ-UBND ngày 4/4/1992 và Quyết định số 2038/QĐ-UBND ngày 29/7/2004 của UBND tỉnh Sơn La.
Do đó, hành vi của ông Bùi Mạnh Hùng bị xác định đã vi phạm Luật Đất đai năm 2003 và các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản công, gây thiệt hại tài sản Nhà nước; căn cứ kết quả định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng tỉnh Sơn La xác định hậu quả do hành vi sai phạm của ông Hùng gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.
Không lắp làn thu phí không dừng ở BOT Quốc lộ 51
Trạm BOT Quốc lộ 51 (qua Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) dự kiến thời gian thu phí còn dưới 3 năm nên không lắp đặt hệ thống thu phí không dừng.
Trạm BOT Quốc lộ 51 thời gian thu phí còn dưới 3 năm nên không lắp đặt hệ thống thu phí không dừng |
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về đề nghị triển khai thu phí không dừng thuộc Dự án Quốc lộ 51 đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là tuyến giao thông huyết mạch có lưu lượng phương tiện lớn.
Dự án BOT Quốc lộ 51 dài hơn 72 km, quy mô 6 làn xe, 2 làn hỗn hợp, tốc độ thiết kế hơn 80 km/h, có tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng, đã khai thác từ tháng 4/2013. Theo hợp đồng, thời gian thu phí dự kiến khoảng 20 năm 6 tháng và kết thúc vào ngày 12/1/2030.
Theo phương án tài chính, dự kiến năm 2018 sẽ có cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chạy song hành Quốc lộ 51, lưu lượng xe của Dự án sẽ phân lưu sang cao tốc khoảng 60%. Tuy nhiên, đến nay cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chưa triển khai, dẫn đến lưu lượng xe thực tế trên Quốc lộ 51 cao hơn so với phương án tài chính ban đầu, thời gian thu phí của dự án kết thúc sớm hơn so với hợp đồng đã ký.
Theo Bộ Giao thông vận tải, chi phí đầu tư hệ thống thiết bị thu phí không dừng với 30 làn sẽ mất khoảng 80 - 90 tỷ đồng, tuổi thọ tối thiểu 5 năm, trong khi thời gian thu phí của Dự án Quốc lộ 51 còn không nhiều, dự kiến dưới 3 năm. Việc đầu tư chi phí lớn, thời gian sử dụng ngắn có thể gây lãng phí. Bộ đã báo cáo Chính phủ và quyết định chưa triển khai thu phí không dừng tại dự án này.
Giám đốc dự án 'ma' bị cáo buộc lừa hơn 550 tỷ đồng
Phạm Thị Tuyết Nhung, bị cáo buộc cùng đồng phạm lập 9 dự án "ma" bán cho hàng trăm khách hàng chiếm đoạt hơn 550 tỷ đồng.
Bà Nhung (trái) lúc bị bắt giam |
Hành vi của Nhung; Nguyễn Ngọc Hoàng (cùng là Giám đốc, đại diện Công ty Angel Lina, Công ty Đất Vàng Hoàng Gia) và hai nhân viên Kiên Minh Tuấn và Lý Văn Sinh được nêu trong cáo trạng VKSND TP.HCM vừa hoàn tất, chuyển hồ sơ qua tòa truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, Phạm Thị Tuyết Nhung làm ăn chung với bà Trần Thị Mỹ Hiền (Giám đốc đại diện Công ty Đất Vàng Hoàng Gia). Hai người đã tìm mua những thửa đất có diện tích lớn, mục đích sử dụng khác tại Quận 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Sau khi chuyển một phần tiền cọc, họ viện nhiều lý do để kéo dài thời hạn thanh toán nhưng vẫn thuê người thiết kế, lập bản vẽ 9 dự án.
Những dự án không có thật này được đặt tên khu dân cư: Nguyễn Thị Tú, Triều An, Liên khu 5-6, Tây Lân, Bùi Thanh Khiết, Hiệp Thành, Xuân Thới Thượng, Làng đại học (Làng đại học phường Linh Trung) và Đỗ Xuân Hợp.
Để có pháp nhân thực hiện ký kết hợp đồng, từ tháng 10/2017 đến tháng 6/2018, bà Hiền chỉ đạo Phạm Thị Tuyết Nhung và Hoàng đứng tên làm giám đốc và đại diện pháp luật Công ty Đất Vàng Hoàng Gia. Tiếp đó, Nhung thành lập Công ty Angel Lina, nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Đất Vàng Hoàng Gia từ bà Hiền và thuê người đứng tên Giám đốc.
Nhà chức trách xác định, các khu đất này chưa hoàn tất việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng, chuyển đổi mục đích sang đất ở; không được cơ quan có thẩm quyền cấp duyệt dự án nhưng Nhung và đồng phạm vẫn tổ chức quảng cáo, chào bán tổng cộng 558 nền đất cho 413 cá nhân, chiếm đoạt hơn 550 tỷ đồng.
Trong đó, Nhung trực tiếp ký 510 hợp đồng với 388 khách hàng, chiếm đoạt hơn 520 tỷ; bà Hiền ký 37 hợp đồng, chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng của với 36 bị hại. Còn Hoàng, Sinh và Tuấn được xác định là có vai trò giúp sức cho Nhung, Hiền trong việc ký kết 12 hợp đồng, chiếm đoạt 10 tỷ đồng.
Phố gần sông Tô Lịch tại Hà Nội bị sụt lún
Đoạn đường phố Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân, bị sụt lún khoảng một mét trong quá trình thi công cống gom nước thải trên sông Tô Lịch.
Đoạn đường bị sụt lún, chiều 14/6 |
14h ngày 14/6, đoạn đường đối diện số nhà 415 Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) bị sụt dài khoảng 23 m, sâu 1 m so với mặt đường cũ. Một đoạn vỉa hè sát cửa nhà dân cũng bắt đầu có hiện tượng nứt.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, sụt lún do thi công cống gom trên sông Tô Lịch thuộc Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Cơ quan này đã lập biên bản, yêu cầu Công ty Xây dựng Tekken (Nhật Bản) dừng thi công công trường. Việc tạm dừng sẽ chỉ kết thúc khi sự cố được khắc phục hoàn toàn.
Công ty Tekken đã cho máy móc tới đóng một số cọc nhằm tránh phần sụt lún trôi xuống sông Tô Lịch. Hiện dãy nhà từ số 403 tới số 425 Vũ Tông Phan bị phong tỏa tạm thời, phương tiện phải đi vòng đường khác.
Phố Vũ Tông Phan nằm sát sông Tô Lịch. Người dân cho biết, đoạn phố qua số nhà 415 Vũ Tông Phan từng bị sụt và đã được xử lý.