Bản tin thời sự sáng 15/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất sử dụng đất đắp từ sân bay Long Thành cho Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; từ chiều 14/7, Thừa Thiên - Huế cấm tuyệt đối tàu thuyền ra khơi; hơn 700 du khách mắc kẹt trên quần đảo Nam Du…

Đề xuất sử dụng đất đắp từ sân bay Long Thành cho Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai về đề nghị xem xét chấp thuận chủ trương cho phép thu hồi vật liệu san lấp tại một phần khu vực 187 ha quy hoạch nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 2), tạo nguồn đất đắp phục vụ thi công Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn Tỉnh.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đang thiếu hụt nguồn đất đắp phục vụ thi công

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đang thiếu hụt nguồn đất đắp phục vụ thi công

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trên cơ sở nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai và kết quả giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, trong đó có Dự án sân bay Long Thành và Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp với Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội tham mưu trình UBTVQH và Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết số 140/2024/QH15 tại Kỳ họp thứ 7 về việc thực hiện Nghị quyết số 43.

Theo đó, một trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được nêu tại Nghị quyết số 140 là đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ quản rà soát, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với việc nghiên cứu sử dụng khối lượng đất chưa sử dụng của giai đoạn 2 từ khu vực quy hoạch nhà ga T3 Sân bay Long Thành để phục vụ nhu cầu đất đắp nền cho Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi UBTVQH đề nghị xem xét chấp thuận chủ trương cho phép thu hồi vật liệu san lấp tại một phần khu vực 187 ha quy hoạch nhà ga T3 Sân bay Long Thành (giai đoạn 2), tạo nguồn đất đắp phục vụ thi công Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh.

Trong văn bản này, UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, sẽ tính toán bổ sung quy hoạch khai thác vật liệu san lấp nhằm cung cấp cho việc san lấp Dự án sân bay Long Thành khi triển khai giai đoạn tiếp theo.

Từ chiều 14/7, Thừa Thiên - Huế cấm tuyệt đối tàu thuyền ra khơi

Đến 10 giờ 30 phút, ngày 14/7, còn có 51 phương tiện/432 lao động đang hoạt động trên biển, đơn vị tỉnh đã kêu gọi, thường xuyên đôn đốc các phương tiện này vào nơi trú ẩn an toàn.

Từ chiều 14/7, Thừa Thiên - Huế cấm tuyệt đối tàu thuyền ra khơi. Ảnh minh họa

Từ chiều 14/7, Thừa Thiên - Huế cấm tuyệt đối tàu thuyền ra khơi. Ảnh minh họa

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn gây ngập úng cục bộ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhanh chóng chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, trong đó tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi từ chiều 14/7, bao gồm cả tàu bãi ngang và thuyền du lịch.

Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, Cảng vụ Hàng hải tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh, Đài Thông tin duyên hải Huế tăng cường thời lượng thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; hướng dẫn ngư dân neo đậu phương tiện đảm bảo an toàn.

Sở Du lịch chỉ đạo các cơ sở dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí ven biển, sông suối có phương án đảm bảo an toàn cho du khách.

Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình xây dựng, thủy lợi, giao thông, đặc biệt là dự án xây dựng cầu cửa biển Thuận An, đê chắn sóng Cảng Chân Mây… kiểm tra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động, phương tiện thiết bị máy móc.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đến 10 giờ 30 phút, ngày 14/7, còn có 51 phương tiện/432 lao động đang hoạt động trên biển, đơn vị tỉnh đã kêu gọi, thường xuyên đôn đốc các phương tiện này vào nơi trú ẩn an toàn.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, dự báo từ chiều tối 14 - 17/7 trên đất liền tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to và dông; trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.

Vùng biển của Tỉnh có mưa lớn và gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100 - 200 mm, có nơi trên 250 mm.

Hơn 700 du khách mắc kẹt trên quần đảo Nam Du

Do thời tiết xấu, hơn 700 du khách đang mắc kẹt trên xã đảo An Sơn (thuộc quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang).

Tàu Rạch Giá đi Phú Quốc, Nam Du đang ngưng chạy vì thời tiết xấu

Tàu Rạch Giá đi Phú Quốc, Nam Du đang ngưng chạy vì thời tiết xấu

Ngày 14/7, theo bà Trần Thị Yến Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết, khoảng 700 du khách đang bị mắc kẹt trên xã đảo này 2 ngày do tình hình thời tiết xấu, tàu ngưng chạy.

"Hiện tại, du khách bị kẹt lại trên đảo được chủ các nhà nghỉ hỗ trợ chỗ nghỉ ngơi và ăn uống, giảm một nửa giá tiền phòng và giá thuê xe. Tùy vào tình hình thời tiết tàu sẽ chạy đưa du khách về đất liền", bà Oanh nói.

Trước đó, phà từ Rạch Giá, Hà Tiên đi Phú Quốc, Nam Du đã tạm ngưng hoạt động do thời tiết xấu.

Theo Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông nên một số tỉnh, thành khu vực ven biển có mưa, mưa dông kéo dài nhiều ngày qua.

Riêng TP. Phú Quốc sáng 14/7 mưa rất to, lực lượng chức năng cũng đã tập trung sơ tán, cứu hộ người dân và tài sản tại điểm bị ngập lụt sâu đến nơi an toàn.

Xã đảo An Sơn thuộc quần đảo Nam Du, nằm về phía đông Nam đảo Phú Quốc, cách bờ biển Rạch Giá 115 km.

Việt Nam đối mặt với 252 vụ điều tra phòng vệ thương mại

252 vụ điều tra phòng vệ thương mại của các nước nhắm vào hàng Việt chủ yếu liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, theo Bộ Công Thương.

Việt Nam đối mặt với 252 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa

Việt Nam đối mặt với 252 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa

Bộ Công Thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các mặt hàng nằm trong diện cảnh báo, có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại như đĩa giấy, thép, thép không gỉ cán nguội... Cụ thể, Mỹ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với đĩa giấy; Canada với dây thép và đinh ốc; Hàn Quốc với thép không gỉ cán nguội.

Tính chung nửa đầu năm, hàng xuất khẩu Việt Nam đối diện với 252 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Mức này tăng 21 vụ so với cùng kỳ 2023, tương đương 9%. Các vụ điều tra 6 tháng đầu năm chủ yếu là chống bán phá giá (138 vụ), tự vệ (50), chống lẩn tránh (37) và chống trợ cấp (27).

Cơ quan chức năng cho biết, nguyên nhân chính khiến các nước tăng điều tra phòng vệ thương mại với hàng Việt do Việt Nam đã tận dụng các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và gia tăng quy mô xuất khẩu. Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, sự gia tăng về lượng và quy mô hàng hóa Việt Nam đã gây sức ép cạnh tranh với sản xuất nội địa của các nước nhập khẩu. Do đó, các nước này tăng điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Tuy vậy, việc cảnh báo sớm và hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam mang lại kết quả tích cực, theo Bộ Công Thương. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã chứng minh không vi phạm, giúp họ tránh hoặc chỉ bị áp thuế ở mức thấp, từ đó giữ vững và mở rộng thị trường.

Với thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết cũng đẩy mạnh điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước nguy cơ hàng nhập khẩu bán phá giá và trợ cấp. Bộ đã khởi xướng 28 vụ điều tra phòng vệ thương mại và áp dụng 22 biện pháp với hàng nhập khẩu.

Bộ Công Thương đang áp dụng 4 biện pháp phòng vệ với sản phẩm thép nhập khẩu và 1 biện pháp với vật liệu hàn. Cơ quan này cũng đang rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội và thép phủ màu, dự kiến có kết quả trong tháng 10.

Thịt nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam

5 tháng đầu năm, lượng thịt và các sản phẩm từ thịt vào Việt Nam tăng 29% so với cùng kỳ, bình quân 46.000 đồng một kg.

Thịt nhập khẩu đông lạnh nhập vào Việt Nam

Thịt nhập khẩu đông lạnh nhập vào Việt Nam

Theo số liệu mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 5, Việt Nam đã nhập khẩu 76.120 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 140 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 32,1% về lượng và 28,6% về trị giá. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 5 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu 304.850 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với tổng trị giá 597 triệu USD (hơn 14.000 tỷ đồng), tăng 29% về lượng và 25,2% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi kg thịt và sản phẩm từ thịt nhập khẩu có giá trung bình 46.000 - 47.000 đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 41 thị trường, trong đó Ấn Độ, Mỹ, Nga, Ba Lan và Brazil là những nhà cung cấp lớn nhất. Các loại thịt được nhập khẩu nhiều gồm thịt heo đông lạnh, thịt bò, gà... Đặc biệt, nhập khẩu thịt heo từ Brazil và Mỹ tăng mạnh, trong khi nhập khẩu từ Nga, Đức và Hà Lan giảm.

Ghi nhận ở TP.HCM cho thấy thịt heo đông lạnh nhập khẩu có giá rẻ hơn 30 - 40% so với hàng trong nước. Giá ba chỉ heo dao động từ 70.000 - 90.000 đồng một kg, sườn non khoảng 100.000 đồng một kg, nạc dăm, thịt mông và thịt vai từ 65.000 - 75.000 đồng một kg.

Xuất khẩu da giày năm 2024 dự kiến đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD

Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) dự báo, kim ngạch xuất khẩu ngành năm 2024 sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD.

Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường EU

Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường EU

Để đạt mục tiêu trên, trong năm 2024 này, ngành da giày Việt Nam tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường, đồng thời chú trọng duy trì thị trường truyền thống như Mỹ, EU do sức mua và dung lượng thị trường lớn, đặc biệt, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường có các FTA.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đang liên tục tuyển dụng công nhân trở lại để đẩy nhanh tiến độ sản xuất sau giai đoạn phải cắt giảm. Với phân khúc sản phẩm, Việt Nam được đánh giá có thể sản xuất được những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và sản phẩm có độ khó cao.

Sắp tới, ngành giày dép không định hướng sản xuất sản phẩm có giá trị thấp bởi lợi nhuận thấp, lãng phí nguồn lực mà sẽ tiếp tục tập trung vào phân khúc sản phẩm trung và cao cấp.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt trên 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo bà Xuân, đối với thị trường xuất khẩu, ngành da giày vẫn tập trung vào 5 thị trường chính. Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 35%, tiếp đến là EU 26%, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Riêng Trung Quốc hiện chiếm 9% tỷ trọng và kim ngạch ngày một lớn, đây cũng là thị trường giúp ngành da giày có dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 1.000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu nhân công, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước.

Kiến nghị miễn phí dịch vụ cảng biển cho hàng hóa tại Hải Phòng

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục kiến nghị miễn phí cơ sở hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa, container vận tải bằng đường thủy nội địa đến cảng biển Hải Phòng.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị miễn phí dịch vụ cảng biển Hải Phòng

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị miễn phí dịch vụ cảng biển Hải Phòng

Theo Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, hiện hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa về khu vực cảng biển Hải Phòng chiếm 15 - 20% tổng lượng hàng thông qua cảng. Tuy nhiên, tỷ lệ đảm nhận của vận tải container bằng đường thủy nội địa tại khu vực cảng biển Hải Phòng chỉ khoảng 1,5 - 1,8%. Trong khi đó, tại khu vực cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, hàng hóa không bị thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ… nên tỷ lệ hàng vận chuyển container bằng đường thủy nội địa đạt 70 - 80%.

Mặc dù HĐND TP. Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết về việc giảm 50% mức thu phí đối với hàng hóa của đối tượng nộp phí khi vào cảng và dời cảng, bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy từ 1/1/2023. Tuy nhiên, việc duy trì mức thu phí hạ tầng cảng biển như hiện nay với phương tiện thủy nội địa đã làm tăng đáng kể chi phí vận tải.

"Việc hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy phải đóng thêm phí này làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, nảy sinh tình trạng phí chồng phí, giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải đường thủy", Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho hay.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị Bộ GTVT tiếp tục kiến nghị miễn phí cơ sở hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa, container vận tải bằng đường thủy nội địa đến cảng biển Hải Phòng.

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam, việc Hải Phòng và TP.HCM đang thu phí hạ tầng cảng biển với mức từ 2,2 - 4,8 triệu đồng/container loại 20 - 40 feet đang là gánh nặng không nhỏ với các doanh nghiệp. Theo ông Hiệp, trên thực tế mỗi năm các địa phương chỉ thu được khoảng 3.000 tỷ đồng từ phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển.

Ông Hiệp cho rằng, nếu được cơ quan có thẩm quyền miễn phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển sẽ giảm giá thành vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa, tác động tích cực đến mục tiêu chuyển đổi cơ cấu vận tải, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, vượt qua giai đoạn khó khăn.