Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy - 3C thông qua công ty gia đình
Cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp tục bị đề nghị truy tố trong vụ mua chế phẩm xử lý nước hồ Redoxy - 3C, với vai trò chủ mưu, gây thiệt hại hơn 36 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo xử lý nước hồ khi còn làm Chủ tịch UBND TP. Hà Nội |
Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại UBND TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Trong vụ án này, 3 bị can cùng bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ Arktic Nguyễn Trường Giang; Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng.
Theo kết luận, năm 2016, UBND TP. Hà Nội có chủ trương xử lý nước ô nhiễm tại các sông, hồ, mương trên địa bàn. Sau đó, UBND TP. Hà Nội thống nhất thử nghiệm, mua chế phẩm Redoxy - 3C từ Công ty Watch Water (Đức) để làm sạch nước. Việc thực hiện được giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội.
Chế phẩm này do Công ty Watch Water sản xuất đặc biệt theo đơn đặt hàng của TP. Hà Nội. Ông Chung chỉ đạo mua Redoxy - 3C của Arktic thay vì mua trực tiếp từ Watch Water.
Arktic có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, C03 xác định, cả 2 người sở hữu cổ phần Công ty đều đứng tên thay bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung). Công ty Arktic là doanh nghiệp của gia đình ông Chung, có trụ sở chính tại Siêu thị Minh Hoa, cũng thuộc sở hữu của gia đình ông Chung.
Theo chỉ đạo của cựu Chủ tịch Hà Nội, Arktic được độc quyền phân phối chế phẩm Redoxy - 3C. Từ năm 2016 đến 2019, Arktic đã ký 15 hợp đồng bán tổng cộng 489 tấn chế phẩm làm sạch nước cho Công ty Thoát nước Hà Nội.
Arktic mua chế phẩm Redoxy - 3C từ hãng Watch Water với giá 115 tỷ đồng, sau đó bán lại với giá 151 tỷ đồng, hưởng lợi 36,1 tỷ đồng. C03 xác định 36,1 tỷ đồng là hậu quả thiệt hại của vụ án. Kế hoạch móc nối này giúp Arktic - doanh nghiệp của gia đình ông Chung được hưởng lợi 36,1 tỷ đồng.
C03 đã ra lệnh kê biên tài sản đối với 3 nhà, đất của ông Nguyễn Đức Chung, gồm: nhà, đất tại 88 phố Trung Liệt (Đống Đa, Hà Nội); 2 căn hộ chung cư tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Thí điểm điều trị F0 tại nhà ở TP.HCM từ ngày 16/8
Bộ Y tế cho biết, chương trình điều trị tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0 tại nhà và cộng đồng được triển khai thí điểm tại TP.HCM từ ngày 16/8.
Nhân viên y tế điều trị F0 tại bệnh viện dã chiến ở TP.HCM |
Chương trình được triển khai với 3 hoạt động chính: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng; cung cấp hộp thuốc home-based care cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe, đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng, chống dịch Covid-19; cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.
Bộ Y tế cũng cung cấp Tài liệu hướng dẫn chi tiết đối với các F0, giúp họ tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ.
Việc cung cấp và sử dụng thuốc cho F0 trong chương trình được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, ghi nhận và đánh giá bởi các chuyên gia, cán bộ y tế.
F0 điều trị tại nhà và cộng đồng thông qua cuộc gọi được lập trình từ hệ thống do Bộ Y tế quản lý, lấy phiếu chấp thuận tự nguyện tham gia chương trình. Họ sẽ được theo dõi hàng ngày việc dùng thuốc, tình trạng sức khỏe và các tác dụng phụ có thể có, bằng cách sử dụng Nhật ký bệnh nhân điện tử.
Dự kiến ngày 15/8, các chuyên gia của Bộ Y tế trực tiếp vào TP.HCM phối hợp triển khai chương trình thí điểm điều trị F0 tại nhà.
Lãnh đạo TP.HCM cũng đã chuẩn bị thực hiện mô hình điều trị F0 tại nhà. Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, năng lực tiếp cận và điều trị của hệ thống y tế đã quá tải trong khi tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Chủ trương điều trị F0 tại nhà được Bộ Y tế đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam, gây quá tải cho các cơ sở y tế.
Hà Nội sẽ hỗ trợ người dân 15% tiền sử dụng nước sạch
Một số cơ sở và đối tượng chính sách được hỗ trợ 100%, các trường hợp còn lại được giảm 15% hóa đơn tiền nước sinh hoạt trong 4 tháng cuối năm 2021.
Người dân Thủ đô sẽ được hỗ trợ một phần tiền nước sinh hoạt trong 4 tháng cuối năm 2021 |
UBND TP. Hà Nội có tờ trình gửi Thường trực HĐND Thành phố về việc hỗ trợ tiền sử dụng nước sinh hoạt cho các hộ dân và một số nhóm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, tất cả hộ dân trên địa bàn Thành phố sẽ được giảm 15% trên tổng hóa đơn tiền nước sinh hoạt trong 4 tháng cuối năm (tháng 9, 10, 11, 12).
Một số nhóm được hỗ trợ giảm 100% là các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid 19; các hộ nghèo, cận nghèo...
Tổng kinh phí thành phố dành hỗ trợ giảm giá nước sạch sinh hoạt dự kiến là 165 tỷ đồng.
Trước đó, TP. Hà Nội cũng ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ 10 nhóm bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 chưa được quy định tại Nghị quyết 68 của Chính phủ (gói 26.000 tỷ đồng); đồng thời, Thành phố bổ sung 500 tỷ đồng để người lao động, người sử dụng lao động được vay vốn phục hồi kinh tế.
Hà Nội dự kiến có trên 324.000 trường hợp được hỗ trợ chính sách đặc thù, với tổng kinh phí trên 345 tỷ đồng.
Thêm 1 triệu liều vaccine Vero Cell do Sapharco nhập khẩu về đến TP.HCM
Lô vaccine này nằm trong 5 triệu liều được Công ty Dược Sài Gòn (Sapharco) nhập khẩu với sự cấp phép của Bộ Y tế.
Vaccine Vero Cell được nhập khẩu để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19 |
Chuyến bay từ Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đưa khoảng 1 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm về đến Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào sáng 14/8.
Trước đó, ngày 31/7, khoảng 1 triệu vaccine Vero Cell cũng đã về đến TP.HCM. Ngày 10/8, Bộ Y tế có văn bản đồng ý cho Thành phố sử dụng 1 triệu liều vaccine này.
Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 2 triệu liều vaccine Vero Cell trong tổng số 5 triệu liều trên về đến Việt Nam.
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 13/8, Thành phố đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 93.993 người. Trong đó, 17.916 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm đã được tiêm.
Vaccine Vero Cell được nhập khẩu để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phải đáp ứng các điều kiện đi kèm việc phê duyệt vaccine của Bộ Y tế.
Đà Nẵng dừng tất cả các hoạt động trong 7 ngày, bắt đầu từ 16/8
TP. Đà Nẵng dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn, người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà… bắt đầu từ 8 giờ ngày 16/8 đến 8 giờ ngày 23/8.
TP. Đà Nẵng sẽ thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu ở đó” |
Quyết định này được TP. Đà Nẵng đưa ra trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp trên địa bàn.
Theo đó, toàn TP. Đà Nẵng sẽ thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu ở đó,” người dân không được ra khỏi nhà, thực hiện cách ly tuyệt đối nhà với nhà. Cơ quan, công sở, đơn vị giảm tối đa số lượng người làm việc tại trụ sở, chỉ cử người ở lại làm những công việc thật sự cần thiết (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch).
Các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao được phép hoạt động và chỉ được duy trì tối đa 30% số lượng người lao động tại đơn vị.
Tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải đảm bảo tổ chức “3 tại chỗ” (làm việc tại chỗ - ăn uống tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ).
Trong thời gian 7 ngày áp dụng biện pháp nêu trên, Thành phố yêu cầu Sở Y tế xây dựng và triển khai kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả trên diện rộng, có độ bao phủ toàn Thành phố để tìm và nhanh chóng đưa các bệnh nhân mắc Covid-19 ra khỏi cộng đồng.
Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo các ngành và địa phương xây dựng phương án cụ thể, hiệu quả nhằm bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu….
Chính quyền thành phố cũng đề nghị người dân không tập trung đông người để mua sắm dự trữ quá nhiều, dễ có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho chính mình và cộng đồng.
Dự phòng 150 xe taxi tháo ghế tại Hà Nội để vận chuyển bệnh nhân Covid-19 nặng khi cần
Để chủ động trong công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có xe vận chuyển bệnh nhân, Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa đề nghị các hãng taxi bố trí xe làm nguồn dự phòng để vận chuyển bệnh nhân khi cần.
Các hãng taxi được kêu gọi, huy động nguồn xe dự phòng gồm: Taxi Mai Linh, G7 Taxi và Taxi Group |
Cụ thể, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc trong cộng đồng vẫn ở mức cao và chưa rõ nguồn gốc lây, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn khi chủng vi rút Delta có tốc độ lây nhiễm rất cao, ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Thành phố.
Sở GTVT Hà Nội đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của Thành phố bằng việc bố trí xe dự phòng để vận chuyển bệnh nhân.
Các hãng taxi được kêu gọi, huy động nguồn xe dự phòng gồm: Taxi Mai Linh, G7 Taxi và Taxi Group. Nguồn xe được kêu gọi bố trí dự phòng ban đầu từ 100 - 150 xe. Trong đó có 100 xe dưới 5 chỗ và 50 xe từ 5 chỗ đến dưới 9 chỗ.
Đối với xe taxi 5 chỗ, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, sẽ dự phòng để vận chuyển các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể đi lại được. Đối với xe từ trên 5 chỗ đến dưới 9 chỗ khi tham gia nguồn xe dự phòng cần tháo dỡ ghế để vận chuyển các trường hợp F0 không tự đi được.
Bình Dương dỡ bỏ bê tông chắn Quốc lộ 1
Khối bê tông chắn Quốc lộ 1 để phòng dịch đã được TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương) di dời sau khi gây kẹt xe 4 km ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM.
Quốc lộ 1 đoạn qua phường An Bình, TP. Dĩ An ùn tắc 4 km do Bình Dương dùng bê tông chắn ngang đường |
Chủ tịch UBND TP. Dĩ An Lê Thành Tài cho biết, các khối bê tông được tháo dỡ vào chiều 14/8, xe đã qua lại bình thường.
Trước đó, TP. Dĩ An đã dùng ba khối bê tông dài khoảng 8 m chắn ngang Quốc lộ 1, đoạn qua phường An Bình để kiểm soát chặt chẽ ô tô 5 - 7 chỗ lén lút đưa công nhân, người dân về quê dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Việc này khiến nhiều xe tải, container, trong đó có xe thuộc "luồng xanh" khi chạy đến đây phải cua gấp sang làn khác gây kẹt xe kéo dài 4 km trong nhiều giờ.
Trong văn bản hoả tốc gửi các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, việc địa phương này lập dải phân cách chặn ngang Quốc lộ 1 khi chưa trao đổi với TP.HCM đã gây "bị động" cho Thành phố. Việc này gây ùn tắc trên Quốc lộ 1 - trục huyết mạch vốn có lưu lượng xe đông.
Đồng thời, tại chốt kiểm soát khu vực cổng Khu công nghiệp Sóng Thần, TP. Dĩ An, các lực lượng cũng yêu cầu dừng và kiểm tra toàn bộ xe qua, bao gồm cả ô tô có mã QR, gây ra ùn tắc giao thông ở khu vực này và kéo dài trên Quốc lộ 1. Điều này chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tạo thuận lợi vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong khu vực đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.