Bản tin thời sự sáng 1/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng ngày 1/6 có thể lên 31.000 đồng một lít; 30 container điều mất kiểm soát được trả cho doanh nghiệp Việt; thu ngân sách 5 tháng đầu năm tăng tốt; nghiên cứu di dời tượng Trần Nguyên Hãn về lại trước chợ Bến Thành…

Giá xăng ngày 1/6 có thể lên 31.000 đồng một lít

Giá thế giới đạt mức cao nhất 2 tháng qua nên các doanh nghiệp đầu mối dự báo giá xăng ngày 1/6 có thể lên 31.000 đồng một lít.

Nhân viên điều chỉnh giá tại cây xăng trên Xa lộ Hà Nội, TP. Thủ Đức (TP.HCM)

Nhân viên điều chỉnh giá tại cây xăng trên Xa lộ Hà Nội, TP. Thủ Đức (TP.HCM)

Theo quy định, kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo là vào ngày 1/6.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 26/5 với RON 92 là 139,75 USD một thùng, còn RON 95 là 147,93 USD một thùng, tăng so với chu kỳ trước.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM, giá xăng dầu thế giới tiếp tục xu hướng tăng trong tuần qua. Tính chung cả tuần, giá dầu thô Brent đã tăng tới 6%, chạm mức cao nhất 2 tháng qua và giá dầu thô WTI tăng 1,5%. Do đó, kỳ điều hành này giá xăng và dầu sẽ điều chỉnh tăng lần thứ 5 liên tiếp. Nếu không sử dụng và trích thêm Quỹ bình ổn, xăng có thể tăng trong khoảng 200 - 700 đồng một lít, còn dầu tăng khoảng 400 đồng.

Vị này cho rằng, giá dầu thế giới vẫn tiếp tục leo thang nên kỳ điều hành tới, nếu nhà điều hành trích Quỹ thì giá sản phẩm này vẫn tăng nhưng trong khoảng 300 - 400 đồng một lít.

Đồng quan điểm, lãnh đạo doanh đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho biết, so với 10 ngày trước, giá bán lẻ của các loại xăng trong nước đang thấp hơn giá bán xăng thành phẩm trên thị trường Singapore. Do đó, kỳ này nhà điều hành sẽ để giá xăng cán mốc trên 31.000 đồng.

30 container điều mất kiểm soát được trả cho doanh nghiệp Việt

30/35 container hạt điều mất kiểm soát đầu tháng 3 đều đã được tòa phán quyết trả lại cho công ty Việt Nam.

Các container điều được tạm giữ tại cảng Genoa (Italy)

Các container điều được tạm giữ tại cảng Genoa (Italy)

Theo ông Nguyễn Đức Thanh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy, trong số 35 container mất bộ chứng từ gốc, đã giải quyết được 30 container đưa về Việt Nam. Số hàng này sau đó được bán luôn cho các nước khác và đưa vào Italy.

Hiện còn 5 container nằm lại tại cảng Italy của 3 công ty không có đủ khả năng chuyển tiền đặt cọc để bảo lãnh ngân hàng cho các hãng tàu. Họ sẽ phải chờ phán quyết trả lại sở hữu cho Việt Nam.

Đến 30/5, 3 công ty này đã nhận được phán quyết của Tòa án dân sự Larino và Công tố TP. Napoli đã trả lại quyền sở hữu của 3 container của nhóm công ty lừa đảo nằm trong phạm vi tố tụng của tòa này. 2 container còn lại hãng tàu Cosco chưa đồng ý trả do chưa có đặt cọc và cũng chưa có phán quyết tương ứng của tòa khu vực.

Theo Thương vụ Italy, nhà chức trách và các bên liên quan đang yêu cầu các hãng tàu phải trả lại các khoản tiền đặt cọc để bảo lãnh ngân hàng (từ 18 tháng đến 6 năm thời hạn) cho các công ty xuất khẩu Việt Nam đã phải nộp trước đó khi chưa có phán quyết của tòa.

35 container mất kiểm soát bắt đầu được phát hiện từ đầu tháng 3 khi 5 doanh nghiệp xuất khẩu nhận thấy nhiều dấu hiệu lừa đảo khi gửi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ. Số SWIFT (mã riêng của từng ngân hàng được sử dụng trong các giao dịch liên ngân hàng trên toàn cầu) bị thay đổi nhiều lần. Doanh nghiệp Việt chưa nhận được tiền, còn người mua, bằng cách nào đó, đã lấy được bộ chứng từ gốc.

Thu ngân sách 5 tháng đầu năm tăng tốt

Thu ngân sách do ngành thuế quản lý tăng gần 17% so với cùng kỳ 2021, riêng tại TP.HCM, thu dầu thô đã vượt dự toán cả năm.

Thu ngân sách do ngành thuế quản lý tăng gần 17% so với cùng kỳ 2021

Thu ngân sách do ngành thuế quản lý tăng gần 17% so với cùng kỳ 2021

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách 5 tháng đầu năm ước đạt gần 672.900 tỷ đồng, bằng 57% so với dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng tháng 5 thu khoảng 99.100 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu ngân sách tăng, theo lý giải của cơ quan thuế là nhờ kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong những tháng qua, hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát. Tổng cục Thuế dẫn chứng, số doanh nghiệp gia nhập và quay lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ quan thuế cũng cho rằng, cầu tiêu dùng nội địa những tháng cuối năm ngoái và đầu năm 2022 tăng khá đã tạo đà cho nền kinh tế duy trì nhịp tăng trưởng những tháng vừa qua.

Ngoài ra, thu từ dầu thô 5 tháng đầu năm cũng được hưởng lợi khi giá dầu thế giới vẫn duy trì ở mức cao.

Riêng tại "đầu tàu" kinh tế TP.HCM - nơi đóng góp lớn nhất cho ngân sách, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước luỹ kế 5 tháng đầu năm tăng gần 20% so với cùng kỳ, đạt hơn 209.800 tỷ đồng. Trong đó, các khoản thu liên quan đến bất động sản tăng gấp 2,1 lần, dầu thô tăng 82,5%.

Nghiên cứu di dời tượng Trần Nguyên Hãn về lại trước chợ Bến Thành

Tượng Trần Nguyên Hãn đang được tính toán đưa về đặt lại trước chợ Bến Thành, sau hơn 7 năm di dời về công viên Phú Lâm để phục vụ mặt bằng thi công tuyến Metro số 1.

Tượng đài Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành lúc chưa di dời

Tượng đài Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành lúc chưa di dời

Sau khi mặt bằng ga ngầm Bến Thành được bàn giao sau 7 năm thi công, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa giao sở, ngành đề xuất phương án quy hoạch xây dựng lại bùng binh trước chợ Bến Thành (cần thiết di dời tượng Trần Nguyên Hãn về vị trí cũ).

Bên cạnh việc di dời, lãnh đạo TP.HCM giao các đơn vị đề xuất phương án làm mới tượng Trần Nguyên Hãn bằng chất liệu bền vững hơn. Tỷ lệ kích thước bệ tượng và tượng cũng được nghiên cứu đảm bảo phù hợp, hài hòa với tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành.

Tượng đài Trần Nguyên Hãn được xây dựng từ trước năm 1975 ở trung tâm thành phố đã trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân. Cuối năm 2014, tượng Trần Nguyên Hãn được di dời về công viên Phú Lâm (Quận 6) để phục vụ dự án xây dựng nhà ga Bến Thành, thuộc tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Sạt lở bờ biển tại Cà Mau đe dọa 120.000 ha đất nông nghiệp

Gần 190 km bờ biển Cà Mau đang bị sạt lở, ăn sâu vào đất liền 20 - 50 m và cuốn trôi 300 - 400 ha rừng phòng hộ mỗi năm, đe dọa 120.000 ha đất nông nghiệp.

Rừng phòng hộ tại xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân mất dần do sóng biển tàn phá

Rừng phòng hộ tại xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân mất dần do sóng biển tàn phá

Thông tin được đề cập trong báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau vừa gửi Đoàn công tác Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

Theo đó, địa phương này có 189 km trong tổng số 254 km bờ biển Đông và Tây đang sạt lở nghiêm trọng. Kết quả quan trắc cho thấy, bờ biển Tây (dài 147 km) bình quân sạt lở 20 - 25 m, có nơi lên đến 50 m mỗi năm; bờ biển Đông (107 km) bình quân sạt lở 45 - 50 m mỗi năm.

Trong 10 năm qua, 52 km đê biển Tây được đầu tư, nâng cấp bằng bê tông, cốt thép nằm trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và U Minh... Còn bờ biển Đông đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng đê.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết, tình trạng sạt lở trên địa bàn ngày càng phức tạp khiến nhiều đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét, thậm chí có nơi mất hết. Sóng biển uy hiếp trực tiếp lên thân đê, đe dọa đời sống hàng chục nghìn hộ dân sinh sống ven biển và hàng trăm nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp bên trong.

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, hiện có khoảng 23 km đê biển Tây từ sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) đến Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) xuống cấp, sạt lở nặng. Tỉnh ước tính cần 700 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp đoạn đê này nhưng vượt quá khả năng của địa phương.

Đào tạo gần 400 nhân viên vận hành Metro số 1 TP.HCM

Ngoài 58 nhân sự lái tàu, 319 nhân viên nhà ga và kỹ thuật viên điều độ được đào tạo để chuẩn bị khai thác tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Học viên vào lớp học lái tàu Metro Số 1

Học viên vào lớp học lái tàu Metro Số 1

Việc mở lớp đào tạo nhân sự vận hành tuyến metro được Liên danh NJPT (tư vấn chung của Dự án) ký hợp đồng với Cao đẳng Đường sắt, ngày 31/5. Công tác này nhằm chuyển giao kiến thức, công nghệ để khi Metro số 1 hoàn thành các nhân viên có thể chủ động vận hành, khai thác.

Tại Cao đẳng Đường sắt, các học viên lái tàu được đào tạo trong 11 tháng, do từ năm 2020 họ đã học 9 trong tổng 19 môn trước khi bị gián đoạn quá trình giảng dạy. Ngoài lái tàu, những người còn lại thuộc các vị trí kỹ thuật viên điều độ, nhân viên nhà ga - bộ phận trực tiếp vận hành tuyến metro cũng được sắp xếp đào tạo trong đợt này tại trường.

Bà Văn Thị Hữu Tâm, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (đơn vị sẽ vận hành Metro số 1) cho biết, số nhân sự trên chiếm hơn 50% người của Công ty. Ngoài ra, đơn vị này cũng phối hợp Ban Quản lý đường sắt đô thị cùng các nhà thầu đào tạo, chuyển giao công nghệ bảo trì, vận hành các hệ thống thiết bị khác, dự kiến tuyển dụng thêm 200 người.

Metro số 1 có 17 đoàn tàu, hiện đã nhập về toàn bộ chuẩn bị chạy thử. Đây là tuyến tàu điện đầu tiên của TP.HCM, sử dụng công nghệ Nhật Bản. Trong quá trình đào tạo, ngoài học các quy định về Luật Đường sắt, các học viên sẽ được chuyển giao công nghệ, chia sẻ kỹ thuật vận hành, khai thác...