4 ngân hàng chỉ bán, không mua lại vàng miếng từ người dân
4 ngân hàng quốc doanh sẽ bán vàng miếng SJC để bình ổn thị trường, nhưng không thu mua lại từ người dân.
Vàng miếng được bán tại một cửa hàng của SJC tại Hà Nội |
Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cho biết, từ 3/6 sẽ bán vàng miếng bình ổn ra thị trường tại một số chi nhánh ở Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, nhà băng này chỉ bán vàng ra, không thực hiện chiều mua lại từ người dân. Nếu muốn bán vàng, người dân có thể đến các doanh nghiệp kinh doanh như SJC, DOJI, PNJ...
Tương tự, đại diện hai ngân hàng trong nhóm Big 4 cũng cho biết sẽ không mua lại vàng miếng từ người dân và chỉ triển khai ở hai thành phố lớn nhất nước. Việc mở rộng mạng lưới phân phối tại các tỉnh, thành khác sẽ được triển khai sau.
Ngoài các doanh nghiệp, nhiều ngân hàng cũng có giấy phép kinh doanh vàng miếng song thời gian qua, không phải lúc nào họ cũng thu mua lại từ người dân. Việc mua lại tùy thuộc vào nhu cầu dự trữ vàng từng thời điểm, cũng như thế mạnh về kinh doanh kim loại quý của từng ngân hàng.
Một chuyên gia trong ngành lý giải, không dễ để các ngân hàng thực hiện nghiệp vụ thu mua vàng miếng. Nếu mua lại vàng miếng từ dân, ngân hàng sẽ phải đầu tư hẳn một mảng kinh doanh mới, bao gồm hệ thống và nhân sự chuyên về vàng. Đây là bài toán khó trong bối cảnh nhiều năm qua các ngân hàng gần như không còn thực hiện nghiệp vụ kinh doanh vàng.
Lâu nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) vẫn thu mua lại vàng miếng dù khách hàng không có hoá đơn hoặc không mua trực tiếp từ họ. Kể cả miếng vàng hư hỏng bao bì nhưng nếu vàng được kiểm định đạt chất lượng, SJC vẫn thu mua theo đúng giá niêm yết, không xảy ra tình trạng "ép giá".
Phương thức bán vàng bình ổn được cơ quan quản lý đưa ra sau các phiên đấu thầu nhằm tăng cung không hiệu quả, chênh lệch giá trong nước và thế giới chưa được thu hẹp như kỳ vọng. Theo đó, tuần tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 nhà băng có vốn nhà nước, để họ phân phối cho người dân.
Khánh Hòa có 772 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 5.813 tỷ đồng
Tính đến giữa tháng 5/2024, Khánh Hòa có 772 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 5.813 tỷ đồng.
Khánh Hòa đang tập trung thu hút đầu tư |
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, từ ngày 1/1 - 15/5/2024, toàn tỉnh Khánh Hòa có 772 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 3,26% so cùng kỳ năm trước, với tổng số vốn đăng ký là 5.813 tỷ đồng, tăng 67,46%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới tính đến nay đạt 7,5 tỷ đồng.
Tính đến 15/5/2024, toàn Tỉnh có 384 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 20,17% so cùng kỳ năm trước; 1.326 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 22,21%; 118 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 13,46%.
Riêng từ 1 - 15/5/2024, toàn Tỉnh có 94 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 892 tỷ đồng, tăng 5,62% về số doanh nghiệp và gấp 3,16 lần về vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa nhận định, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 5/2024 tăng cả về số lượng đăng ký thành lập mới và vốn đăng ký.
Cùng thời điểm trên, toàn Tỉnh có 20 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 45,95% so cùng kỳ năm trước; 75 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 66,67%; 22 doanh nghiệp đã giải thể, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Ví điện tử Moca bất ngờ thông báo dừng hoạt động từ 1/7
Moca cho biết, sẽ ngừng cung cấp dịch vụ ví điện tử Moca từ ngày 1/7, doanh nghiệp cũng sẽ tiến hành hoàn tiền cho người dùng vẫn còn số dư trong tài khoản.
Từ ngày 1/7, Moca sẽ tiến hành hoàn tiền cho người dùng vẫn còn số dư trong tài khoản |
Theo thông báo mới nhất từ Công ty CP Công nghệ và Dịch vụ Moca (Moca), Công ty đã có những đánh giá cẩn trọng và đưa ra quyết định thực hiện chiến lược tái cấu trúc nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững. Theo đó, Công ty sẽ ngừng cung cấp dịch vụ ví điện từ Moca từ ngày 1/7 trên ứng dụng Moca và Grab.
Moca cho biết, khách hàng nếu còn số dư trong ví có thể chi tiêu cho các dịch vụ hoặc rút tiền về tài khoản/thẻ ngân hàng liên kết còn hoạt động từ nay đến hết ngày 30/6. Từ ngày 1/7, Moca sẽ tiến hành hoàn tiền cho người dùng vẫn còn số dư trong tài khoản. Việc hoàn tiền sẽ được hệ thống thực hiện tự động, dự kiến hoàn tất chậm nhất vào ngày 31/7.
Sau thời gian này, đối với một số trường hợp chưa thể hoàn tiền tự động, Moca sẽ thông báo và cung cấp các hướng dẫn cần thiết để tiếp tục phối hợp hoàn tất việc hoàn trả số dư còn lại cho người dùng.
Trước đó, Moca đã thông báo từ ngày 31/5 ngừng cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn trên ứng dụng Grab, đồng thời ngừng cung cấp 2 dịch vụ thanh toán hóa đơn và nạp tiền điện thoại trên ứng dụng Moca.
Ông Nguyễn Xuân Việt Bình, Giám đốc Moca cho biết, quyết định này được đưa ra sau khi doanh nghiệp đã có những cân nhắc và đánh giá rất cẩn thận. Với việc tái cấu trúc danh mục dịch vụ, doanh nghiệp có thể tập trung vào các lĩnh vực mang lại giá trị tốt hơn cho người dùng, đồng thời thúc đẩy Công ty tăng trưởng hiệu quả.
"Doanh nghiệp đang phối hợp với các đối tác ngân hàng để đảm bảo việc hoàn trả số dư trên ví điện tử Moca", ông Bình nhấn mạnh.
Chủ chuỗi lẩu nướng Gogi, Kichi-Kichi bị truy thu thuế hơn 1,3 tỷ đồng
Công ty CP Tập đoàn Golden Gate bị Cục Thuế TP. Hà Nội truy thu và xử phạt hành chính tổng cộng hơn 1,32 tỷ đồng do vi phạm hàng loạt nghĩa vụ về thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân.
Golden Gate là chủ sở hữu hàng loạt chuỗi dịch vụ ẩm thực trên cả nước |
Cục Thuế TP. Hà Nội vừa có quyết định xử phạt vi phạm thuế đối với Golden Gate.
Cụ thể, Golden Gate đã có hành vi kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào đối với một số khoản chi phí không có đầy đủ hóa đơn chứng từ, một số hóa đơn mua hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh; kê khai thiếu thuế VAT đầu ra của quà tặng khách hàng; thực hiện chưa đúng quy định của Luật Xúc tiến thương mại dẫn đến kê khai thiếu giá trị tính thuế VAT.
Bên cạnh đó, Golden Gate cũng hạch toán vào chi phí một số khoản chi phí không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định; trích lập dự phòng đầu tư tài chính không đúng quy định; hạch toán thiếu một số khoản thu nhập khác; điều chỉnh thu nhập chịu thuế TNDN không đúng… dẫn đến thiếu số tiền thuế TNDN phải nộp.
Về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), công ty này cũng kê khai quyết toán thuế TNCN không đúng quy định dẫn đến thiếu nghĩa vụ thuế phải nộp.
Với các vi phạm trên, Golden Gate bị truy thu và xử phạt hành chính tổng cộng hơn 1,32 tỷ đồng. Trong đó, khoản truy thu hơn 967 triệu đồng, tiền phạt thuế gần 200 triệu đồng và tiền chậm nộp gần 155 triệu đồng.
Golden Gate được biết đến là một trong những "ông lớn" ngành dịch vụ ẩm thực (F&B) với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Ashima, Kichi-Kichi, Gogi House, iSushi, Vuvuzela... Hiện Công ty đang sở hữu 23 thương hiệu và hơn 450 cửa hàng trên khắp 40 tỉnh, thành, phục vụ khoảng 18 triệu lượt khách mỗi năm.
Năm 2023, Golden Gate ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 6.300 tỷ đồng, tương đương bình quân hơn 17 tỷ đồng mỗi ngày, giảm gần 10% so với năm 2022.
Tại thời điểm 31/12/2023, Golden Gate có tổng tài sản gần 2.900 tỷ đồng, giảm hơn 2% so với đầu năm. Đáng chú ý, chủ sở hữu chuỗi lẩu nướng GoGi House, Manwah, Kichi-Kichi... đã tăng vay nợ dài hạn từ gần 65 tỷ đồng lên 110 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là hơn 1.360 tỷ đồng.
Hà Nội sẽ khởi công dự án gần 500 tỷ đồng mở rộng Quốc lộ 1A trong quý IV/2024
Huyện Thường Tín (TP. Hà Nội) đang đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để khởi công Dự án mở rộng Quốc lộ 1A dài 1,6 km, vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng trong quý IV/2024.
Dự án mở rộng Quốc lộ 1A dài 1,6 km, vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng |
Ông Phan Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, từ năm 2019 - 2022, huyện Thường Tín đã hoàn thành thi công khoảng 6 km mở rộng Quốc lộ 1A giai đoạn 1.
Đến cuối năm 2023, Thành phố tiếp tục phê duyệt và giao cho huyện Thường Tín cùng sở, ngành chuyên môn hoàn thiện hồ sơ thi công Dự án mở rộng Quốc lộ 1A giai đoạn 2.
Theo ông Tùng, để sớm triển khai Dự án, UBND huyện Thường Tín đã giao nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan chuyên môn của huyện cùng UBND thị trấn Thường Tín, xã Hà Hồi và các xã liên quan tiến hành rà soát, lập phương án chi tiết để giải phóng mặt bằng và chuẩn bị phương án bố trí cho các gia đình đủ điều kiện được tái định cư theo quy định.
Cụ thể, trong 3 tháng qua, thị trấn Thường Tín và xã Hà Hồi đã tổ chức nhiều buổi họp tuyên truyền, vận động 250 gia đình phối hợp giải phóng mặt bằng Dự án.
Đến nay, UBND huyện đã ban hành 97 thông báo thu hồi đất làm căn cứ để kiểm đếm tài sản, đất đai của các gia đình, lập phương án chi trả, bồi thường. Đồng thời, đang thẩm tra 50 hồ sơ khác.
"Các hộ dân đang tích cực phối hợp triển khai giải phóng mặt bằng Dự án theo quy định. Đây là cơ sở để huyện quyết tâm khởi công Dự án trong quý IV/2024", ông Tùng nhấn mạnh.
Trước đó, tháng 12/2023, Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Km191+700 đến Km193+300 qua thị trấn Thường Tín và xã Hà Hồi (huyện Thường Tín). Dự án được giao UBND huyện Thường Tín làm Chủ đầu tư.
Về quy mô, tuyến đường có chiều dài 1,6 km, thiết kế 1/2 mặt cắt ngang còn lại theo quy hoạch 19 m với 4 làn xe. Cùng với đó còn có công trình cầu Thường Tín tại Km193+60,46, bề rộng mặt cầu 18 m.
Dự án có tổng mức đầu tư 499 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện Thường Tín. Trong đó, chi phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư hơn 346 tỷ đồng; chi phí xây dựng gần 107 tỷ đồng và các chi phí khác. Tiến độ thực hiện Dự án từ năm 2023 - 2025.
Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh
Từ chỗ cao nhất thế giới, gần đây, giá gạo Việt Nam quay đầu giảm về thấp nhất trong top 6 nước xuất khẩu gạo hàng đầu.
Gạo được đưa lên tàu để xuất khẩu |
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, chốt phiên ngày 30/5, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tiếp tục giảm 4 USD so với phiên trước đó xuống 574 USD/tấn - thấp nhất trong top 6 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Theo số liệu từ Seasia Stats - trang thống kê về các nước Đông Nam Á, năm 2023, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Mỹ, Trung Quốc là những quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới.
Hiện mỗi tấn gạo Việt thấp hơn hàng trăm USD so với gạo Mỹ, 46 USD so với Thái Lan và thấp hơn 19 USD so với gạo Pakistan, Myanmar.
Trong đợt đấu thầu gạo cung ứng cho Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia (Perum Bulog) vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đã trúng thầu 100.000 tấn gạo trên tổng số 300.000 tấn. Mức giá trúng thầu là 563 USD/tấn, thấp hơn 16 USD so với giá chào ban đầu (579 USD).
Ngoài Lộc Trời, các doanh nghiệp xuất khẩu khác cho biết, giá gạo xuất khẩu đang có xu hướng giảm không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí, gạo có thể còn giảm thêm nếu Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại.
Nhận xét về mức giá xuất khẩu hiện nay, các doanh nghiệp cho rằng đang phản ánh đúng nhu cầu thị trường. Khi chi phí đầu vào hạ nhiệt, giá gạo cũng sẽ tự động điều chỉnh.
Riêng với đợt đấu thầu gạo gần đây của Bulog, Lộc Trời đã bỏ giá thấp hơn so với giá chào bán ban đầu, theo các doanh nghiệp là chuyện bình thường.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,6 triệu tấn, kim ngạch 2,3 tỷ USD, tăng 11% về lượng và tăng 34,8% về giá trị. Hiện nhu cầu gạo trên thị trường thế giới vẫn duy trì ở mức cao, tạo cơ hội cho gạo Việt Nam.
Khởi tố Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình
Công an tỉnh Hòa Bình vừa ra quyết định khởi tố 2 Phó Chủ tịch và nguyên Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình.
Từ phải qua trái, các bị can Trần Văn Thành, Đinh Thị Ngọc Hoa, Trịnh Ngọc Thủy. Ảnh: Công an tỉnh Hòa Bình |
Ngày 31/5, thông tin từ Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Thành (Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình, nguyên Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình); ông Trịnh Ngọc Thuỷ và bà Đinh Thị Ngọc Hoa (đều là Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình) theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo Công an tỉnh Hòa Bình, năm 2018 và 2019, trong quá trình tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ quản lý Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình, các bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để rút ngắn thời gian học, nhưng vẫn lập hồ sơ quyết toán các khoản tiền chế độ cho học viên như dự toán được phê duyệt, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, quyền lợi, lợi ích hợp pháp của cá nhân tham gia các lớp học.
Hiện vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình tiếp tục điều tra mở rộng, xử lý theo quy định của pháp luật.
Khởi tố, bắt tạm giam thêm 2 công chức Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam thêm 2 bị can là công chức hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để điều tra mở rộng vụ án buôn lậu dầu FO, DO.
Lực lượng chức năng kiểm tra, khám xét phương tiện liên quan |
Điều tra mở rộng vụ án buôn lậu dầu FO, DO do Lê Tấn Hòa cùng đồng phạm thực hiện, ngày 31/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) - Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam thêm 2 bị can là công chức hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bị can Đỗ Thị Ngọc Quỳnh (công chức hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ) và Ngô Trung Hiếu (công chức hải quan Đội kiểm soát hải quan cùng thuộc Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị bắt vì liên quan đến vụ án buôn lậu xăng dầu.
Liên quan đến vụ án, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có các quyết định tạm đình chỉ công tác với Đỗ Thị Ngọc Quỳnh và Ngô Trung Hiếu.
Trước đó, tháng 3/2024, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án buôn lậu xăng dầu và nhận hối lộ xảy ra tại TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để xác minh, làm rõ trách nhiệm liên quan đến lô hàng xăng dầu tạm nhập tái xuất của Công ty TNHH Vận tải Sài Gòn Transco (Saigon Transco).
Qua điều tra, Công an Thành phố đã khởi tố, bắt tạm giam Hồ Việt Tân và Bùi Huỳnh Bá Phước cùng là cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ về tội “Nhận hối lộ.”
Đây cũng kết quả của quá trình điều tra, mở rộng vụ án buôn lậu dầu FO, DO do Lê Tấn Hòa cùng đồng phạm thực hiện.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, nhóm này hoạt động núp bóng pháp nhân Saigon Transco thực hiện các hợp đồng vận chuyển dầu FO, DO (thuộc diện tạm nhập, tái xuất) từ Tổng kho xăng dầu Nhà Bè giao cho các tàu quốc tế (đang neo đậu tại khu vực sông Đồng Nai, cảng Phú Mỹ - Vũng Tàu, cảng Lotus…), móc nối với các thuyền trưởng/máy trưởng mua lại một phần dầu FO, DO thuộc lô hàng vận chuyển cho tàu nước ngoài.
Theo điều tra ban đầu, từ năm 2022 đến hết năm 2023 (khoảng 24 tháng), Lê Tấn Hòa đã chỉ đạo buôn lậu trót lọt hàng triệu lít dầu có nguồn gốc từ hàng tạm nhập tái xuất, trị giá lên tới hàng chục tỷ đồng.