Bản tin thời sự sáng 16/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn vận hành bình thường trở lại; Hòa Bình đề nghị được hỗ trợ sau khi trung tâm đăng kiểm duy nhất dừng hoạt động; thay thế nhà thầu chậm, đẩy tiến độ 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam; Lào Cai thu hồi 5 khu đất với tổng số 3.305 m2…

Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn vận hành bình thường trở lại

Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã kết thúc việc khắc phục sự cố kỹ thuật sớm một ngày, giúp Nhà máy vận hành 100% công suất từ chiều 15/1.

Một góc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn

Một góc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn

Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn, đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cho biết, nhà máy này đã đẩy nhanh sửa chữa sự cố kỹ thuật tại phân xưởng cracking xúc tác tấng sôi (RFCC) và hoàn thành công việc này sớm một ngày so với kế hoạch, tức vào chiều 13/1. Phân xưởng RFCC sau đó được khởi động lại và tới chiều 15/1, Nhà máy vận hành trở lại đạt 100% công suất.

Sau khi hoạt động ổn định ở mức này, Lọc dầu Nghi Sơn sẽ tăng công suất trong nửa sau tháng 1 và các tháng tiếp theo để bù lại lượng sản phẩm sụt giảm vì sự cố kỹ thuật từ cuối tháng 12/2022.

Ông Lê Quốc Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHNN Lọc hoá dầu Nghi Sơn cam kết, Nhà máy sẽ bảo đảm cung ứng đủ lượng xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023. Lọc dầu Nghi Sơn sẽ tăng công suất cao nhất trước kỳ bảo dưỡng tổng thể lần đầu (từ 25/8 tới) để bù đắp sản lượng trong thời gian bảo dưỡng.

Lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố rò rỉ tại khớp nối giãn nở nhiệt giữa tháp tái sinh xúc tác tầng 1 và 2 của phân xưởng RFCC (cracking xúc tác tầng sôi) từ cuối tháng 12/2022, khiến nhà máy này giảm công suất vận hành xuống 85%. Riêng sản lượng xăng dầu cung ứng từ Nhà máy giảm khoảng 20 - 25% so với kế hoạch trong tháng 1, tương đương gần 200.000 m3 (kế hoạch ban đầu là 800.000 m3 và hiện giảm về 600.000 m3), ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu.

Năm ngoái, Lọc dầu Nghi Sơn cũng từng phải giảm công suất vì thiếu tiền. Tính chung, công suất trung bình cả năm 2022 của nhà máy này gần 88%, tương ứng 33 chuyến dầu thô (8,9 triệu tấn). Tổng lượng hàng sản xuất và cung cấp ra thị trường 7,4 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó có 7,7 triệu m3 xăng dầu cho thị trường nội địa.

Hòa Bình đề nghị được hỗ trợ sau khi trung tâm đăng kiểm duy nhất dừng hoạt động

Ngày 15/1, UBND tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị hỗ trợ nhân sự thực hiện việc đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn.

Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S tỉnh Hòa Bình dừng hoạt động từ sáng 9/1.

Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S tỉnh Hòa Bình dừng hoạt động từ sáng 9/1.

Văn bản nêu rõ, từ ngày 9/1, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S (địa chỉ tại xóm Khoang Xanh, phường Thống Nhất, TP. Hòa Bình) thuộc Sở GTVT Hòa Bình tạm thời dừng hoạt động kiểm định xe cơ giới, do thiếu nhân sự thực hiện nhiệm vụ.

Nguyên nhân của sự việc trên do Giám đốc, Phó Giám đốc và các đăng kiểm viên đang được Công an tỉnh Hòa Bình mời làm việc phục vụ công tác điều tra.

UBND tỉnh Hòa Bình nhận định, trong thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cận kề và dự báo số lượng phương tiện đến thời hạn kiểm định trên địa bàn trong tháng 1 - 2/2023 là khoảng 3.000 phương tiện. Ngoài ra, việc không có cơ sở thực hiện việc kiểm định kịp thời sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa phát triển kinh tế - xã hội.

Sở GTVT Hoà Bình không có nhân sự đảm bảo đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện công tác kiểm định phương tiện xe cơ giới theo quy định.

Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Hoà Bình định hướng cần duy trì hoạt động ít nhất 1 dây chuyền kiểm định để đáp ứng nhu cầu kiểm định xe cơ giới trên địa bàn Tỉnh và các địa phương lân cận.

Vì vậy, UBND tỉnh Hoà Bình đề nghị Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam xem xét, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu điều động, biệt phái 4 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất 1 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.

Đối với 1 đăng kiểm viên bậc cao sẽ đảm nhận chức vụ lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S.

Thay thế nhà thầu chậm, đẩy tiến độ 3 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam

Các Ban quản lý dự án (QLDA) được đề nghị xem xét, thay thế nhà thầu chậm, đảm bảo tiến độ về đích 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP.

Các Ban QLDA được đề nghị xem xét, thay thế nhà thầu chậm, đảm bảo tiến độ về đích 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Các Ban QLDA được đề nghị xem xét, thay thế nhà thầu chậm, đảm bảo tiến độ về đích 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Cập nhật về tình hình triển khai 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tính đến ngày 11/1/2023, sản lượng thực hiện tại Dự án đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đạt 35,46% giá trị hợp đồng, tiến độ cơ bản đáp ứng kế hoạch.

Xác định hạng mục quyết định đến tiến độ Dự án đang tập trung ở công tác đào nền đường; công tác đắp nền đường; các hạng mục cầu Km56, cầu Km60, Cục Quản lý đầu tư xây dựng yêu cầu Ban QLDA 85 phối hợp với chủ đầu tư, chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung máy móc, thiết bị, tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ thi công.

Cơ quan quản lý chuyên ngành thuộc Bộ GTVT đề nghị, trường hợp cần thiết, chủ đầu tư có giải pháp bổ sung, thay thế nhà thầu chậm tiến độ nhưng không có chuyển biến hoặc chuyển biến chậm.

Theo kế hoạch, Dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5/2024. Dự án đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tiến độ hoàn thành vào cuối tháng 4/2024. Dự án đoạn Nha Trang - Cam Lâm sẽ hoàn thành vào đầu tháng 9/2023.

Đáng lo ngại nhất hiện tại là tiến độ triển khai Dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Theo báo cáo, tính đến ngày 11/1, sản lượng thi công Dự án đạt 23,12% giá trị hợp đồng, chậm 4,04% so với kế hoạch.

Dự án tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ, các hạng mục (xử lý đất yếu, hầm Thần Vũ, cầu Xuân Dương 1 và 2, cầu Hưng Đức) quyết định tiến độ dự án tiếp tục chậm tiến độ. Cục Quản lý đầu tư xây dựng yêu cầu thời gian tới, nếu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án tiếp tục để chậm tiến độ, Ban QLDA 6 căn cứ các quy định hợp đồng BOT đã ký kết, kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn diện khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng BOT, đề xuất giải pháp xử lý theo quy định.

Lào Cai thu hồi 5 khu đất với tổng số 3.305m2

UBND tỉnh Lào Cai quyết định thu hồi 5 khu đất với tổng số 3.305 m2, trong đó có nhiều khu “đất vàng”.

Lào Cai thu hồi 5 khu đất với tổng số 3.305m2. Ảnh minh hoạ

Lào Cai thu hồi 5 khu đất với tổng số 3.305m2. Ảnh minh hoạ

Các quyết định do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hài ký ban hành. Đây đều là những khu đất trước đây được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt cho thuê với mục đích là cơ sở sản xuất kinh doanh của Công ty CP Thương mại tỉnh Lào Cai và Công ty Vật tư Nông nghiệp tổng hợp tỉnh Lào Cai.

Cụ thể, UBND tỉnh Lào Cai quyết định thu hồi 3 khu đất thương mại dịch vụ của Công ty CP Thương mại tỉnh Lào Cai gồm: 260 m2 tại thôn Ngải Chồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát; 495 m2 tại thôn Can Hồ, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa; 1.713,9 m2 tại đường Hoàng Diệu, phố mới (nay là phường Lào Cai), TP.Lào Cai.

Thu hồi 2 khu đất thương mại, dịch vụ của Công ty Vật tư Nông nghiệp tổng hợp tỉnh Lào Cai gồm: 611,2 m2 tại số 631, đường Lê Thanh, phường Bắc Cường, TP. Lào Cai; 224,9 m2 tại số 058, đường Thanh Niên, phường Cốc Lếu, TP. Lào Cai.

UBND tỉnh Lào Cai giao Trung tâm tư vấn và Dịch vụ tài chính (Sở Tài chính tỉnh Lào Cai) phối hợp cùng chính quyền địa phương nơi có diện tích đất bị thu hồi quản lý chặt chẽ quỹ đất này để bố trí sử dụng đúng quy định.

Kiến nghị nâng cấp Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời liên quan đến kiến nghị quan tâm chủ trương xây dựng sân bay Phù Cát thành sân bay quốc tế.

Nếu tần suất các chuyến bay quốc tế ổn định, Bộ GTVT sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép chuyển CHK Phù Cát thành CHK quốc tế

Nếu tần suất các chuyến bay quốc tế ổn định, Bộ GTVT sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép chuyển CHK Phù Cát thành CHK quốc tế

Bộ GTVT vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định đề nghị quan tâm chủ trương xây dựng Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế.

Theo Bộ GTVT, Cảng hàng không (CHK) Phù Cát có cấp sân bay 4C, kết cấu hạ tầng khu bay bảo đảm khai thác các loại tàu bay code C (như A320/321 và tương đương), nhà ga hành khách được mở rộng năm 2018 đáp ứng công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm.

Sản lượng hành khách thông qua CHK Phù Cát tăng trưởng tương đối tốt trong một vài năm gần đây và đã thực hiện khai thác một số chuyến bay quốc tế không thường lệ.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, quá trình nghiên cứu xây dựng Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, trên cơ sở quy định của ICAO và kết quả nghiên cứu kinh nghiệm các nước trên thế giới, hồ sơ quy hoạch đã xây dựng định hướng chuyển CHK quốc nội thành CHK quốc tế.

Cụ thể, các cảng hàng không quốc nội được khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ. Để bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống cảng hàng không, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm tính linh hoạt và tính mở của quy hoạch, khi các hãng hàng không có nhu cầu mở các chuyến bay quốc tế thường lệ và có cơ sở hạ tầng đảm bảo, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển thành cảng hàng không quốc tế.

Từ đây, Bộ GTVT đề nghị địa phương nghiên cứu, kêu gọi, khuyến khích các hãng hàng không khai thác thêm các đường bay quốc tế không thường lệ đi/đến CHK Phù Cát nhằm mục đích phát triển thị trường bay quốc tế.

Ưu tiên đầu tư PPP cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

Liên quan tới kiến nghị về việc sớm đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku để phát triển kinh tế xã hội, Bộ GTVT cho biết, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài 180 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.

Theo Quy hoạch, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài 180 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030. Ảnh minh họa

Theo Quy hoạch, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài 180 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030. Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Định nghiên cứu phương án đầu tư Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, trong đó ưu tiên phương án đầu tư theo phương thức đối tác công tư để huy động tối đa mọi nguồn lực.

Đồng thời, thống nhất với các cơ quan, đề xuất phương án đầu tư (tiến trình đầu tư, hình thức đầu tư, cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư) báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình nghiên cứu phương án đầu tư tuyến cao tốc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để sớm triển khai Dự án theo quy định.

Đầu tư 42 tỷ đồng xây dựng cầu vượt ven biển đầu tiên ở Đà Nẵng

Cầu vượt bộ hành cao 11 m, dài hơn 140 m, bắc qua đường Nguyễn Tất Thành ven vịnh Đà Nẵng, được khởi công sáng ngày 15/1.

Phối cảnh cầu vượt bộ hành qua đường Nguyễn Tất Thành.

Phối cảnh cầu vượt bộ hành qua đường Nguyễn Tất Thành.

Tổng diện tích mặt sàn của cầu vượt là 655 m2, kinh phí 42 tỷ đồng, do một doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư để phục vụ cộng đồng. Dự kiến công trình hoàn thành tháng 5/2023.

Cầu làm theo phong cách kiến trúc Nhật Bản. Lối dẫn lên cầu mô phỏng nút thắt trong nghệ thuật đan dây của người Nhật Bản, thể hiện tình bền chặt của hai nền văn hóa Việt - Nhật.

Hình dáng cây cầu lấy cảm hứng từ những con sóng biển, những đường cong được làm bằng gỗ. Bên ngoài hai đài vọng cảnh có cầu thang xoắn bằng thép và thang máy tạo thuận lợi cho người khuyết tật có thể lên cầu.

Đây là cầu vượt đầu tiên trên tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành dài gần 13 km và là cầu bộ hành ven biển đầu tiên của Đà Nẵng (tuyến Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp, Trường Sa dài khoảng 18 km chưa có cầu bộ hành nào).

Ông Odaka Yoshimune, Chủ tịch Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản), khẳng định cầu vượt không phục vụ riêng cho khu du lịch mà dành cho người dân sử dụng.

Đề xuất tăng phí sát hạch lái xe

Bộ Tài chính vừa đề xuất tăng phí sát hạch lái xe từ 10 - 20% (tuỳ từng hạng xe). Nếu áp dụng mức phí mới như đề xuất, tổng số tiền người dự sát hạch phải đóng để hoàn thành đợt thi sát hạch cấp bằng lái ôtô (hạng từ B1 đến F) tăng từ 450.000 đồng lên 630.000 đồng.

Bộ Tài chính đề xuất tăng phí sát hạch lái xe từ 450.000 đồng lên 630.000 đồng. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính đề xuất tăng phí sát hạch lái xe từ 450.000 đồng lên 630.000 đồng. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe, lệ phí cấp bằng, chứng chỉ hoạt động trên các phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng.

Theo đó, phí sát hạch lái xe dự kiến tăng 10.000 - 50.000 đồng (tương ứng từ 10 - 15%) tùy hạng xe. Cụ thể, đối với thi sát hạch lái xe mô tô (hạng xe A1, A2, A3, A4), sát hạch lý thuyết tăng từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng, sát hạch thực hành từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng.

Đối với thi sát hạch lái xe ô tô (hạng B1, B2, C, D, E, F), sát hạch lý thuyết tăng từ 90.000 đồng lên 100.000 đồng, sát hạch thực hành trong hình tăng từ 300.000 đồng lên 350.000 đồng, sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng tăng từ 60.000 đồng lên 80.000 đồng. Ngoài ra, dự thảo bổ sung khoản phí mới là sát hạch lái xe ô tô bằng mô phỏng các tình huống giao thông 100.000 đồng.

Nếu áp dụng mức phí mới như nội dung dự thảo, tổng số tiền người dự sát hạch phải đóng để hoàn thành một đợt thi sát hạch cấp bằng lái ô tô các hạng từ B1 đến F sẽ tăng từ 450.000 đồng lên thành 630.000 đồng.