Hàng trăm dự án thủy điện nhỏ bị loại khỏi quy hoạch
Gần 490 dự án thủy điện nhỏ, 8 dự án thủy điện bậc thang bị nhà chức trách loại khỏi quy hoạch sau rà soát do chiếm nhiều đất, hiệu quả kinh tế kém.
Công nhân ngành điện sửa chữa lưới điện trung áp |
Thông tin trên được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền Thủ tướng, báo cáo Quốc hội về thực hiện chất vấn, nghị quyết từ đầu nhiệm kỳ.
Theo Bộ trưởng, qua rà soát, kiểm tra các công trình thủy điện, cơ quan quản lý đã loại bỏ 8 dự án thủy điện bậc thang, 486 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng ra khỏi quy hoạch. "Đây là các dự án chiếm nhiều đất, ảnh hưởng tới môi trường - xã hội hoặc hiệu quả kinh tế thấp", ông Diên cho hay. Các dự án còn lại trong quy hoạch hầu hết đã được rà soát kỹ, cập nhật vào Quy hoạch điện VIII để đầu tư tiếp.
Bộ Công Thương đánh giá về tổng thể các hồ, đập vận hành an toàn, ổn định tại thời điểm kiểm tra trước mùa lũ. Nhưng một số công trình có hiện tượng phát sinh trong vận hành như lở, sạt trượt bờ hồ, hạ lưu đập tràn; hay thấm thân đập chưa được xử lý triệt để, hư hỏng thiết bị quan trắc.
Tồn tại lớn nhất sau thanh, kiểm tra tại các hồ đập liên quan tới điều chỉnh quy mô, thay đổi thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công so với hồ sơ thiết kế công trình thủy điện. Tuy nhiên, Bộ này cho hay, việc điều chỉnh thiết kế của một số dự án thủy điện vừa qua chủ yếu là điều chỉnh cục bộ kết cấu các hạng mục công trình, không làm thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ trong quy hoạch.
TP.HCM dự kiến thí điểm cán bộ làm việc tại nhà
Cán bộ Thành phố công tác ở các vị trí không tiếp xúc người dân có thể đăng ký làm việc tại nhà nếu đáp ứng yêu cầu công tác.
Cán bộ UBND TP. Thủ Đức trong giờ làm việc |
Đó là nội dung được nêu trong dự thảo Đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030 vừa được UBND Thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì, hoàn tất cuối năm nay.
Đề án đặt mục tiêu các cơ quan hành chính Thành phố đảm đương khối công việc của đô thị hơn 10 triệu dân và hơn 300.000 doanh nghiệp; cải thiện môi trường công vụ đủ hấp dẫn và giữ chân nhân lực chất lượng cao.
Ngoài tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động, TP.HCM sẽ nghiên cứu thí điểm cán bộ làm việc tại nhà với tỷ lệ phù hợp. Điều này áp dụng với cán bộ làm ở các vị trí không tiếp xúc người dân, đảm bảo điều kiện công tác như điện thoại, máy vi tính, máy in, Internet...
Làm việc tại nhà hay từ xa cho phép người lao động thực hiện công việc khi ở ngoài văn phòng của đơn vị thông qua máy tính hoặc phương tiện khác kết nối Internet. Mô hình này được nhiều tổ chức áp dụng khi công nghệ phát triển mạnh, đặc biệt lúc Covid-19 xuất hiện. Tuy nhiên, hình thức này đặt ra thử thách cho người quản lý vốn quen thuộc với cách làm việc truyền thống.
Đến cuối năm 2022, TP.HCM có tổng cộng 19.059 cán bộ, công chức, viên chức làm việc các cơ quan. Thành phố chưa có số liệu thống kê cán bộ, nhân viên làm việc ở vị trí không tiếp xúc người dân.
Trong dự thảo đề án nói trên, TP.HCM sẽ thí điểm mô hình thuê nhân sự quản lý nhằm giảm áp lực cho cán bộ làm những nhiệm vụ chuyên môn chính được giao.
Nhiều hồ thủy lợi, thủy điện tại Quảng Nam đã tích đầy nước
Ông Trương Xuân Tý, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Quảng Nam cho biết, do lượng mưa lớn nên các hồ thủy lợi, thủy điện đã tích đầy nước.
Lưu lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục tăng. Ảnh minh họa |
Các ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có mưa to đến mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 70 - 160 mm, có nơi lớn hơn như: Nông Sơn 242 mm, Thăng Bình 319 mm, Giao Thủy 344 mm, Ái Nghĩa 351 mm...
Ông Trương Xuân Tý, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Quảng Nam cho biết, do lượng mưa lớn nên các hồ thủy lợi, thủy điện đã tích đầy nước. Cụ thể, đối với 17 hồ chứa do Công ty Thủy lợi Quảng Nam quản lý đã có 4 hồ tích đầy: hồ Nước Rôn, Đá Vách, Phú Lộc, Hương Mao; 2 hồ tích đạt từ trên 70 - 90%: hồ Khe Tân, Thạch Bàn; các hồ còn lại tích dưới 50%. Đối với 56 hồ chứa do địa phương quản lý đã có 4 hồ tích đầy, còn lại các hồ đạt dưới tràn từ 0 - 1 m. Đồng thời, mức nước các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Đak Mi 4, Sông Tranh 2 đều ở dưới cao trình mực nước đón lũ.
Lâm Đồng yêu cầu điều tra, xác minh vụ khai thác cao lanh trái phép
UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công an Tỉnh chỉ đạo Phòng nghiệp vụ chủ trì, phối hợp với Công an huyện Đức Trọng, Công an huyện Lâm Hà điều tra, xác minh vụ việc khai thác, vận chuyển cao lanh tại 2 địa phương này.
Lâm Đồng yêu cầu điều tra, xác minh vụ khai thác cao lanh trái phép. Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa thay mặt UBND Tỉnh yêu cầu UBND huyện Lâm Hà và Đức Trọng kiểm tra, xác minh thông tin và làm rõ việc khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản (cao lanh) trái phép, không rõ nguồn gốc tại khu vực xã Bình Thạnh và khu vực xã Tân Văn, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà theo phản ánh của báo chí để kịp thời xử lý nghiêm, dứt điểm theo quy định của pháp luật; xác định trách nhiệm cá nhân, địa phương buông lỏng quản lý trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản theo Luật Khoáng sản. Kết quả báo cáo UBND Tỉnh trước ngày 30/10/2023.
UBND huyện Lâm Hà và Đức Trọng thông báo công khai số điện thoại của cơ quan quản lý để người dân liên hệ, giám sát và kịp thời phản ánh tình hình khai thác, tập kết, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu, chính quyền 2 huyện này chủ động chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra khu vực nêu trên, triển khai lắp đặt camera giám sát tại những khu vực thường xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trái phép, chịu trách nhiệm trước UBND Tỉnh, Chủ tịch UBND Tỉnh nếu để xảy ra sai phạm tại địa phương, gây dư luận không tốt trong nhân dân, để báo chí tiếp tục phản ánh.
UBND Tỉnh cũng đề nghị Công an Tỉnh chỉ đạo Phòng nghiệp vụ chủ trì, phối hợp với Công an huyện Đức Trọng, Công an huyện Lâm Hà điều tra, xác minh vụ việc; nếu đủ điều kiện thì khởi tố hình sự theo quy định của pháp luật. Kết quả báo cáo UBND Tỉnh trước ngày 31/10/2023.
Đề nghị điều chỉnh thời gian xây đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc gần 1.500 tỷ đồng đến hết năm 2024
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính về việc điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc.
Dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc có vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng |
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi nhận được Tờ trình của Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông Tỉnh (Chủ đầu tư) về việc thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc. Trong đó, Chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2024.
Để có cơ sở tổng hợp tham mưu trình UBND Tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính có ý kiến về nguồn vốn và kế hoạch vốn bố trí cho Dự án và có văn bản gửi Sở trước ngày 18/10/2023 để tổng hợp, trình UBND Tỉnh xem xét, quyết định.
Được biết, Dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1509/QĐ-UBND ngày 31/8/2018 với tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng.
Quy mô dự án gồm 19 khoang cống, 4 tràn piano, 2 đường cá đi, cầu giao thông 974 m, đường trên đảo Ngọc 320m.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện Dự án, khởi công xây dựng công trình từ tháng 7/2019. Đến nay, công trình đã hoàn thành được 86% giá trị hợp đồng (tính đến ngày 26/9/2023).
Trước đó, vào tháng 8/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện công trình có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện. Trong lúc chờ khắc phục vi phạm, Quảng Ngãi lại gặp khó khăn về ngân sách, cùng với dịch Covid-19 nên phải tạm dừng thi công.
Theo đó, Dự án đập dâng sông Trà Khúc bị “điểm danh” vì điều chỉnh vốn lớn, quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn, xác định tổng mức đầu tư thiếu chính xác.
Cụ thể, Dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 lần từ 60,648 tỷ đồng lên 1.498 tỷ đồng (gấp hơn 24 lần).
Hậu Giang đề nghị bổ sung dự án điện gió vốn 3.464 tỷ đồng vào quy hoạch
Vị trí quy hoạch các trụ tuabin điện gió của Dự án đặt tại khu vực xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, diện tích khoảng 9,89 ha.
Hậu Giang đề nghị bổ sung dự án điện gió vốn 3.464 tỷ đồng vào quy hoạch. Ảnh minh họa |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa vừa ký công văn gửi Bộ Công Thương về việc đề nghị bổ sung Dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2, tỉnh Hậu Giang vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại công văn nêu trên, UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, vị trí quy hoạch các trụ tuabin điện gió của Dự án đặt tại khu vực xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, diện tích khoảng 9,89 ha. Khu vực này đã được UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất về chủ trương cho Công ty Envision Energy Limited (Hong Kong) khảo sát đo gió và nghiên cứu Dự án.
Diện tích của Dự án không chồng lấn với các dự án khác, không nằm trong rừng phòng hộ…
Về vị trí đấu nối Dự án, Nhà máy điện gió Long Mỹ 2 sẽ được đấu nối vào TBA 220 kV điện gió Long Mỹ 1, chiều dài khoảng 10 km bằng các đường dây trung áp 35 kV.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh Hậu Giang là vùng có gió mạnh, ổn định, ít chịu ảnh hưởng của bão, là điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án điện gió. Dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2, tổng công suất 100 MW được xây dựng sẽ đáp ứng nhu cầu nguồn điện tại chỗ của Tỉnh, giảm bớt lượng điện truyền tải từ nơi khác về Tỉnh, đảm bảo an toàn cung ứng điện nội bộ và nguồn cấp điện cho nhu cầu đang tăng cao của huyện Long Mỹ, TP. Vị Thanh và khu vực lân cận…
Do đó, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2, tỉnh Hậu Giang vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; làm cơ sở để tỉnh triển khai thực hiện.
Kiến nghị tạm dừng thi công hồ chứa nước 500 tỷ ở Lâm Đồng
Đồng thời với việc kiến nghị tạm dừng thi công hồ Đông Thanh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng còn đề xuất công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gần hồ này để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân.
Tình trạng trượt đất xảy ra cả phía thượng lưu và hạ lưu hồ chứa nước Đông Thanh |
Sở NN&PTNT Lâm Đồng vừa có văn bản đề xuất UBND Tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà) để khắc phục triệt để sự cố. Vụ tai biến địa chất này xảy ra sát khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh (có vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng).
Cụ thể, Sở NN&PTNT đề nghị Tỉnh xem xét chấp thuận cho UBND huyện Lâm Hà lập dự án khẩn cấp khắc phục sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại đây; trước mắt được chỉ định đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý sự cố.
Đồng thời, Sở đề xuất UBND Tỉnh chấp thuận tạm dừng thi công công trình hồ chứa nước Đông Thanh cho đến khi UBND huyện Lâm Hà thực hiện xong việc xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý sự cố. Mục đích tạm dừng thi công nhằm đảm bảo tích nước an toàn, ổn định lâu dài trong giai đoạn thi công cũng như khi quản lý vận hành.
UBND huyện Lâm Hà tiếp tục theo dõi, báo cáo kịp thời diễn biến sự cố; đồng thời triển khai các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và các lực lượng có liên quan khác cũng như đảm bảo an toàn công trình hồ chứa nước Đông Thanh.
Trước đó, đầu tháng 7 vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện tại khu vực sườn đồi vai phải đập, sát với khu vực thi công xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh xuất hiện một số vết nứt có chiều rộng từ 20 - 30 cm, ngang qua khu vực sản xuất và sinh sống của một số hộ. Các vết nứt ngày càng rộng thêm dẫn đến tình trạng sạt trượt, sụt lún đất.