Bản tin thời sự sáng 16/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội đóng cửa quán ăn đường phố, cà phê từ 0h ngày 16/2; khoảng 5 triệu liều vaccine Covid-19 sẽ nhập về cuối tháng 2; ngày mùng 5 Tết, thị trường ổn định, nhiều siêu thị, cửa hàng đã hoạt động trở lại; cách ly xã hội 15 ngày toàn tỉnh Hải Dương…

Hà Nội đóng cửa quán ăn đường phố, cà phê từ 0h ngày 16/2

Quán ăn đường phố, trà đá, cà phê, điểm di tích, đền chùa sẽ đóng cửa từ 0h ngày 16/2 để ngăn nguy cơ Covid-19 lây lan.

Hà Nội đóng cửa quán ăn đường phố, cà phê từ 0h ngày 16/2

Hà Nội đóng cửa quán ăn đường phố, cà phê từ 0h ngày 16/2

Yêu cầu trên được Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng đưa ra tại cuộc họp chiều 15/2.

Phó chủ tịch Thành phố giao CDC Hà Nội (Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố) lên phương án xét nghiệm mẫu ngẫu nhiên ở các khu công nghiệp (nhất là điểm có người từ 12 tỉnh, thành có dịch trở về, những nơi có chuyên gia nước ngoài làm việc) để sàng lọc.

Về việc yêu cầu người dân quay trở lại Hà Nội sau Tết phải khai báo y tế, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh giải thích sẽ có hàng triệu người trở lại Hà Nội sau Tết, gồm cả từ Quảng Ninh, Hải Dương, TP.HCM... Để kiểm soát việc này, Hà Nội yêu cầu xã, phường, thị trấn triển khai ngay lực lượng, phối hợp công an, các đoàn thể nắm toàn bộ di biến trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ nhà trọ sinh viên, công nhân, khu công nghiệp.

Việc đóng cửa quán ăn đường phố, quán cà phê, trà đá là biện pháp mạnh tiếp theo của Hà Nội sau khi phát hiện ca bệnh người Nhật. Trước đó, từ ngày 1/2, Hà Nội đã đóng cửa quán bar, vũ trường, karaoke, dừng các lễ hội. Người dân được khuyến cáo chỉ ra đường trong trường hợp cần thiết và tuân thủ yêu cầu phòng dịch khi ra khỏi nhà.

Khoảng 5 triệu liều vaccine Covid-19 sẽ nhập về cuối tháng 2

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho hay, gần 4,9 triệu liều vaccine viện trợ và hơn 100.000 liều mua sẽ về Việt Nam cuối tháng này.

Khoảng 5 triệu liều vaccine Covid-19 sẽ nhập về cuối tháng 2

Khoảng 5 triệu liều vaccine Covid-19 sẽ nhập về cuối tháng 2

Thông tin trên được ông Cường báo cáo tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, chiều 15/2.

Theo Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường, Bộ đã cơ bản làm xong thủ tục tiếp nhận vaccine của chương trình Covax; đồng thời chủ động đàm phán, nhập khẩu vaccine. Nếu các chuyến bay sắp xếp kịp thời và các thủ tục xong, với cả hai nguồn Covax (4,88 triệu liều) và nhập khẩu (117.000 liều), chúng ta có khoảng 5 triệu liều vào cuối tháng này.

Với số lượng vacccine trên, ngay đợt đầu có thể tiêm rộng rãi cho 5 triệu người mũi thứ nhất và sau 3 tháng sẽ tiếp tục tiêm mũi thứ hai. Theo phương án Bộ Y tế đề xuất Chính phủ, có từ 2 - 5 triệu trường hợp thuộc diện ưu tiên - những người trên các tuyến đầu phòng, chống dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ. Ông yêu cầu tiếp tục khẩn trương nhập khẩu, sớm đưa về phục vụ người dân, thúc đẩy nhanh nghiên cứu trong nước. Trong tháng 2 phải có vaccine từ nguồn viện trợ của Liên hợp quốc và nguồn mua, đồng thời đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Người đứng đầu chính phủ cho biết, nhiều địa phương và doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp kinh phí để mua, dự kiến ngày 17/2 phương án cuối cùng sẽ được Chính phủ xem xét, thông qua.

Ngày mùng 5 Tết, thị trường ổn định, nhiều siêu thị, cửa hàng đã hoạt động trở lại

Theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), các chợ dân sinh ngày mùng 5 Tết (ngày 16/2) tiếp tục mở hàng bán; đồng thời, nhiều siêu thị hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm sáng mồng 5 Tết của người dân sẽ chưa nhiều, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng rau quả, thực phẩm tươi sống; giá cả hàng hóa dự báo không có biến động.

Hàng hóa tại siêu thị Hà Nội đang được bầy bán khá phong phú, giá cả ổn định

Hàng hóa tại siêu thị Hà Nội đang được bầy bán khá phong phú, giá cả ổn định

Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp nhất là đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống như: thịt lợn, thịt gia cầm, thủy hải sản.

Nhu cầu mua sắm của người dân trong 3 ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu chưa nhiều, thường tập trung vào buổi sáng. Tại một số siêu thị như: Aeon, Big C, BRG, Saigon Co.opMart, chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K, Family Mart, B’s mart, 24h Cheers..., hàng hóa trên các kệ đầy ăm ắp, giá không điều chỉnh so với trước Tết. Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam, kho hàng của Big C miền Bắc đã được chuẩn bị đầy đủ cả hàng tươi và hàng đông lạnh phục vụ nhu cầu mua sắm sau Tết của người dân.

Cách ly xã hội 15 ngày toàn tỉnh Hải Dương

Hải Dương cách ly xã hội toàn tỉnh từ 0h ngày 16/2, sau hơn nửa tháng bùng phát Covid-19.

Nhân viên y tế khử trùng tại Bệnh viện dã chiến số 3, TP. Chí Linh

Nhân viên y tế khử trùng tại Bệnh viện dã chiến số 3, TP. Chí Linh

Ông Nguyễn Viết Hải, Chánh văn phòng Tỉnh uỷ Hải Dương cho biết, toàn Tỉnh cách ly xã hội trong 15 ngày, theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Thực hiện nguyên tắc huyện cách ly với huyện, xã các ly với xã, khu dân cư cách ly với khu dân cư, hạn chế tụ tập đông người và chính quyền sẽ hạn chế giao thông qua Tỉnh, chỉ phương tiện phục vụ mục đích thiết yếu mới được vào.

Ông Vũ Hồng Khiêm, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Dương cho biết, công nhân, người dân ngoài Tỉnh về quê ăn Tết sẽ không được trở lại Hải Dương trong thời gian cách ly xã hội này.

Các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội bố trí cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà. Ai có công việc thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới làm việc tại công sở (không quá 50% số người đến làm việc); tổ chức họp trực tuyến để giải quyết công việc.

Hải Dương diện tích hơn 1.600 km2, dân số hơn 1,7 triệu người, phía đông giáp Hải Phòng, phía tây giáp tỉnh Hưng Yên, phía nam giáp tỉnh Thái Bình và phía bắc giáp tỉnh Bắc Giang.

Đường hoa Nguyễn Huệ kéo dài thêm một ngày

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu 2021 sẽ đón khách thêm một ngày để nhiều người có thể đến tham quan thay vì đóng cửa vào mùng 4 Tết như kế hoạch.

Người dân đeo khẩu trang tham quan đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu

Người dân đeo khẩu trang tham quan đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu

Quyết định được UBND TP.HCM đưa ra chiều 15/2, nhằm tạo điều kiện để nhiều người dân và du khách có thể đến tham quan đường hoa. Nguyên nhân vì thời gian mở cửa đường hoa năm nay bị giới hạn từ 8h đến 17h và số lượng người tham quan bị hạn chế để phòng Covid-19.

Để duy trì diện mạo đường hoa thêm một ngày, Ban tổ chức đã cho bố trí hoa thay thế; các bộ phận kỹ thuật, hậu cần, bảo vệ, công nhân cũng sẽ tiếp tục nhiệm vụ để đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ người dân. Bảy ngày qua, đường hoa đã đón hơn 76.000 lượt khách đến tham quan.

Trước đó, để phòng chống dịch TP.HCM đã không tổ chức lễ khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu vào đêm 28 Tết như mọi năm. Đường hoa cũng chỉ mở cửa đón khách tham quan vào ban ngày, ngưng hoạt động từ 17h.

Du khách tham quan cũng được yêu cầu không tháo khẩu trang để chụp ảnh và thực hiện đúng theo hướng dẫn phòng dịch ngay cổng đường hoa, duy trì khoảng cách khi xếp hàng và trong suốt thời gian tham quan. Mọi người tháo khẩu trang chụp ảnh sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt theo quy định.

Sơn La muốn xây sân bay Nà Sản ngay trước năm 2030

UBND tỉnh Sơn La vừa đề nghị bổ sung Dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản, tỉnh Sơn La vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2030.

Sơn La muốn xây sân bay Nà Sản ngay trước năm 2030

Sơn La muốn xây sân bay Nà Sản ngay trước năm 2030

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lê Hồng Minh vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa Cảng hàng không Nà Sản vào Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

Tại Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đơn vị tư vấn đề xuất đưa Cảng hàng không Nà Sản ra khỏi quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030.

Nguyên nhân được cho là do dự báo nhu cầu vận tải đạt thấp (đạt 0,5 triệu HK/năm vào năm 2030). Do vậy, nếu chỉ xét riêng độc lập Cảng hàng không Nà Sản thì tính hiệu quả về kinh tế chưa cao; khó khăn trong kinh phí đầu tư...

Về đề xuất này, UBND tỉnh Sơn La cho rằng, Cảng hàng không Nà Sản nằm ở trung tâm khu vực Tây Bắc, là sân bay chính trọng yếu trong chiến lược phòng thủ Quốc gia, sẵn sàng cơ động xử lý các tình huống khẩn nguy về quốc phòng cũng như công tác tìm kiếm cứu nạn của khu vực.

Để thực hiện các quy hoạch nêu trên, thời gian qua UBND tỉnh Sơn La đã chủ động phối hợp với ngành hàng không Việt Nam tích cực nghiên cứu, kêu gọi và đề xuất các phương án xây dựng Cảng hàng không Nà Sản.

Từ đây, UBND tỉnh Sơn La đề nghị Bộ GTVT quan tâm đưa Cảng hàng không Nà Sản vào Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, đồng thời đề nghị bổ sung Dự án vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 với tổng mức đầu tư khoảng 2.295 tỷ đồng sử dụng kết hợp các nguồn vốn: ngân sách trung ương, vốn doanh nghiệp nhà nước (ACV), vốn địa phương (để GPMB) và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Chuyển điểm cách ly hơn 1.800 công nhân Poyun

Chính quyền thành phố Chí Linh (Hải Dương) trong chiều và đêm 15/2 đã chuyển toàn bộ hơn 1.800 công nhân Công ty TNHH Điện tử Poyun sang điểm cách ly mới.

Công nhân công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam tại khu cách ly Trường Trung cấp Nghề Việt Nam - Canada

Công nhân công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam tại khu cách ly Trường Trung cấp Nghề Việt Nam - Canada

Ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh, giải thích những ngày qua trong khu cách ly tập trung của các công nhân này xuất hiện nhiều trường hợp mắc Covid-19. Vì vậy, khả năng nhiễm chéo có thể sẽ cao. Trước đây, khu cách ly tập trung khoảng 800 - 1.000 công nhân, nay sẽ dàn ra các địa điểm khoảng 200 công nhân một khu và các điểm cách ly cũ sẽ được khử khuẩn để đảm bảo an toàn, dự phòng trường hợp cần huy động thêm địa điểm cách ly.

Thành phố Chí Linh sẽ chia công nhân ra làm ba nhóm. Nhóm nguy cơ thấp; nhóm xét nghiệm lần một dương tính, nhưng lần 2 và lần 3 âm tính và nhóm những người mới xét nghiệm.

Công nhân sẽ được di chuyển đến 153 phòng tại 5 điểm cách ly mới gồm: trường Trung cấp Nghề Việt Nam - Canada, trường Tiểu học Chu Văn An, THPT Chí Linh, THCS Trần Phú, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố.

Việc cách ly thực hiện theo nguyên tắc 10 người có nguy cơ thấp ở chung một phòng, 6 người có nguy cơ cao ở chung một phòng để bảo đảm giãn cách. Mỗi địa điểm cách ly đều có lực lượng quản lý, điều hành, xây dựng nội quy.

Chiều mùng 4 Tết, các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô ùn tắc kéo dài

Khoảng 17 giờ chiều 15/2 (mùng 4 Tết Tân Sửu), cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn tắc kéo dài nhiều km từ nút giao với đường Vành đai 3 tới xã Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì).

Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ ùn tắc

Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ ùn tắc

Ngày 15/2 (mùng 4 Tết Tân Sửu), mặc dù chưa phải ngày nghỉ Tết cuối cùng, người dân từ các tỉnh, thành phố đã bắt đầu đổ về Hà Nội, khiến lưu lượng giao thông tại các tuyến đường ở khu vực cửa ngõ Thủ đô bất ngờ tăng cao, gây ùn tắc kéo dài.

Khoảng 17 giờ, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn tắc kéo dài nhiều km từ nút giao với đường Vành đai 3 tới xã Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì).

Bên cạnh đó, tại tuyến đường Giải Phóng - Ngọc Hồi, nơi có hai bến xe lớn là Giáp Bát và Nước Ngầm, nhiều người dân đổ về cùng một thời điểm, khiến trục đường này cũng xảy ra ùn tắc cục bộ.

Đáng chú ý, trên Quốc lộ 5 (đoạn qua địa phận huyện Gia Lâm), lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cũng tăng đột biến theo hướng về trung tâm Hà Nội. Đặc biệt, sau khi tỉnh Hải Dương có thông báo triển khai các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh kể từ 0 giờ ngày 16/2/2021, vào trưa cùng ngày (15/2), lượng phương tiện mang biển kiểm soát thuộc tỉnh Hải Dương đổ về Hà Nội tăng cao, gây tắc nghẽn giao thông.

Tương tự trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, lượng phương tiện từ Hải Dương tham gia lưu thông tăng cao, tại trạm thu phí phía đường hướng vào Hà Nội xuất hiện tình trạng ùn ứ, xe ôtô phải nối đuôi nhau để qua trạm.

Tin cùng chuyên mục