Bản tin thời sự sáng 16/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là toàn bộ trẻ tiểu học và lớp 6 Hà Nội đến trường từ 21/2; TP.HCM thí điểm 5 tuyến buýt điện; Hà Nội xây dựng 3 phương án tổ chức lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31; đề xuất mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3; sân bay Tân Sơn Nhất tạm đóng cửa một đường băng để sửa chữa từ 21/2…

Toàn bộ trẻ tiểu học và lớp 6 Hà Nội đến trường từ 21/2

Sau hơn 9 tháng ở nhà, hơn 400.000 học sinh từ lớp 1 - 6 ở 12 quận nội thành Hà Nội được học trực tiếp từ 21/2.

Hơn 400.000 học sinh từ lớp một đến sáu ở 12 quận nội thành Hà Nội đến trường từ 21/2

Hơn 400.000 học sinh từ lớp một đến sáu ở 12 quận nội thành Hà Nội đến trường từ 21/2

Đây là quyết định của UBND thành phố Hà Nội dựa trên đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo. Trẻ tiểu học và lớp 6 ở 12 quận nội thành là nhóm học sinh phổ thông cuối cùng ở thủ đô được trở lại trường.

Việc tổ chức học trực tiếp được thực hiện theo nguyên tắc: chỉ tổ chức dạy trực tiếp tại các địa bàn dịch cấp độ một và hai. Theo đánh giá cấp độ dịch công bố tối 11/2, toàn Thành phố không có địa bàn cấp độ ba và bốn.

Như vậy, toàn bộ 1,6 triệu học sinh phổ thông ở Hà Nội đã được cho phép học trực tiếp, sau hơn 9 tháng ở nhà học trực tuyến. Với khoảng 600.000 trẻ mầm non, Thành phố chưa công bố kế hoạch trở lại trường của các em.

Giống như các bậc học khác, lớp 1 - 6 ở nội thành chỉ học một buổi, chưa được tổ chức bán trú khi học trực tiếp.

TP.HCM thí điểm 5 tuyến buýt điện

Lãnh đạo TP.HCM chấp thuận thí điểm 5 tuyến buýt điện trên địa bàn, tuyến đầu tiên sẽ khai thác từ quý I/2022, giúp đa dạng loại hình giao thông công cộng.

TP.HCM chấp thuận thí điểm 5 tuyến buýt điện trên địa bàn

TP.HCM chấp thuận thí điểm 5 tuyến buýt điện trên địa bàn

Việc thí điểm các tuyến xe được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoà Bình đồng ý sau đề xuất từ Sở Giao thông vận tải. Thời gian thí điểm trong 24 tháng từ khi xe hoạt động. Thành phố sẽ đặt hàng đơn vị cung cấp dịch vụ và áp dụng tạm thời đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt dùng nhiên liệu sạch (CNG) cho buýt điện thời gian thí điểm.

5 tuyến buýt điện trước đó được đề xuất thí điểm gồm: VB01 (Vinhome Grand Park - Trung tâm thuơng mại Emart); VB02 (Vinhome Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất); VB03 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn); VB04 (Vinhome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới); VB05 (Vinhome Grand Park - Bến xe miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia).

Trên 5 tuyến sẽ có khoảng 77 xe được đầu tư, mỗi xe 65 - 70 chỗ (đứng, ngồi), chạy bằng điện; hoạt động 5 - 21h mỗi ngày...

Những tuyến xe trên sẽ sử dụng 6 điểm đầu cuối, trong đó, 5 điểm đang hoạt động gồm: bến xe buýt Sài Gòn (Quận 1); bãi hậu cần số 1 (đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp); sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình); bến xe buýt ký túc xá B Đại học Quốc gia và Bến xe miền Đông mới (TP. Thủ Đức). Điểm còn lại trong khu dân cư Vinhome Grand Park, nhà đầu tư xây dựng bến bãi rộng 2.000 m2, đủ cho 20 xe đậu và hạ tầng kỹ thuật kèm theo.

TP.HCM hiện có 126 tuyến xe buýt, gồm 90 tuyến trợ giá và 36 tuyến không trợ giá. Thành phố trước đó đã thí điểm các tuyến buýt điện dưới 15 chỗ ở khu trung tâm và huyện Cần Giờ nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, khách tham quan, du lịch...

Hà Nội xây dựng 3 phương án tổ chức lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31

Lễ khai mạc SEA Games 31 diễn ra vào 20 giờ ngày 12/5/2022 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình và lễ bế mạc diễn ra vào 20 giờ ngày 23/5/2022 tại Cung Điền kinh Hà Nội.

Biểu trưng Cánh chim bay lên-bàn tay chữ V và linh vật (Sao La) của SEA Games 31.

Biểu trưng Cánh chim bay lên-bàn tay chữ V và linh vật (Sao La) của SEA Games 31.

Để đảm bảo tổ chức thành công lễ khai mạc, lễ bế mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) năm 2022 tại Hà Nội, UBND Thành phố xây dựng 3 phương án tổ chức, bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19.

Ba phương án được đặt ra tùy vào cấp độ phòng độ dịch.

Phương án 1 (trong điều kiện Thành phố đang ở dịch bệnh cấp độ 1) sẽ tổ chức lễ khai mạc, bế mạc trong trạng thái bình thường song vẫn đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Phương án 2 (trong điều kiện Thành phố đang ở dịch bệnh cấp độ 2, cấp độ 3) sẽ tổ chức lễ khai mạc, bế mạc có khán giả (không quá 50% cơ số ghế của Sân vận động và Cung Điền kinh trong nhà)…

Phương án 3 (trong điều kiện Thành phố dịch bệnh cấp độ 4), tổ chức lễ khai mạc, bế mạc “trong cơ chế bong bóng khép kín". Kịch bản, phương án các tình huống diễn biến dịch bệnh sẽ do Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố Hà Nội và Tiểu ban y tế và kiểm tra doping phối hợp xây dựng cụ thể, báo cáo Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức SEA Games 31 phê duyệt.

Đề xuất mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3

6 bộ cùng đề xuất dỡ bỏ mọi biện pháp kiểm soát đi lại, cho phép du khách đủ điều kiện được nhập cảnh vào Việt Nam.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng đã cùng thống nhất đề xuất với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án mở cửa hoàn toàn du lịch.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương triển khai các giải pháp để mở lại hoạt động du lịch và giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục xây dựng hướng dẫn chi tiết, kịp thời báo cáo Chính phủ.

Theo đề xuất này, hoạt động du lịch quốc tế và nội địa được mở trở lại hoàn toàn từ 15/3 bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển. Các biện pháp kiểm soát đi lại từ khi bùng dịch được dỡ bỏ, thay vào đó thực kiện 5K ở mọi khâu, mọi lúc...

Du khách quốc tế đến Việt Nam không cần đăng ký tour. Họ chỉ cần chứng nhận tiêm đủ vaccine Covid-19 hoặc chứng nhận khỏi bệnh. Kết quả xét nghiệm âm tính là bắt buộc, song được phép xét nghiệm nhanh. Trẻ em trên 12 tuổi đến Việt Nam được yêu cầu tiêm 2 mũi vaccine.

Đại diện các bộ cũng đề xuất Việt Nam miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ, như trước dịch.

Khách quốc tế nhập cảnh bằng đường hàng không có triệu chứng Covid-19 phải xét nghiệm tại sân bay. Khách nhập cảnh qua đường bộ được xét nghiệm tại cửa khẩu. Du khách phải cài ứng dụng quản lý y tế theo quy định và bật liên tục trong thời gian đi du lịch. Đề xuất cũng yêu cầu có bảo hiểm chi trả Covid-19. Nếu khách dương tính được cách ly, quản lý và điều trị như người Việt Nam.

Sân bay Tân Sơn Nhất tạm đóng cửa một đường băng để sửa chữa từ 21/2

Đường băng 25R/07L sân bay Tân Sơn Nhất đóng từ 21/2 - 15/3, để đảm bảo an toàn bay khi thi công hạng mục cuối Dự án nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay.

Sân bay Tân Sơn Nhất tạm đóng cửa đường băng 25R/07L để sửa chữa từ 21/2. Ảnh minh họa

Sân bay Tân Sơn Nhất tạm đóng cửa đường băng 25R/07L để sửa chữa từ 21/2. Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, từ 14 giờ ngày 21/2 đến 14 giờ ngày 15/3/2022, đường băng đường 25R/07L Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ tạm đóng cửa để sửa chữa, nâng cấp.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đóng cửa từng phần để thi công kết nối các nhánh đường lăn song song đang thi công với đường băng theo phương án đã được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt.

Để phục vụ thi công Dự án, giai đoạn từ 21/2 - 30/4/2022, Cục Hàng không đã điều chỉnh tham số điều phối đường hạ cất cánh tại Tân Sơn Nhất xuống còn 30 chuyến/giờ; tham số điều phối nhà ga nội địa đi là 24 chuyến/giờ; tham số điều phối nhà ga nội địa đến 20 chuyến/giờ.

Công trình nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất tổng mức đầu tư 2.015 tỷ đồng, triển khai cùng lúc với Dự án đường băng Nội Bài (Hà Nội) từ đầu tháng 7/2020. Hai dự án được thực hiện theo lệnh khẩn cấp nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của sân bay sau thời gian dài khai thác.

Mở đường xuyên rừng quốc gia ở Lâm Đồng và Đắk Lắk khi chưa được phép

Ban Quản lý dự án 46 được cho tự ý mở đường Trường Sơn Đông qua nhiều diện tích rừng quốc gia ở Lâm Đồng và Đắk Lắk, gây thiệt hại nhiều cây đặc dụng.

Đường Trường Sơn Đông đi qua rừng Bidop - Núi Bà.

Đường Trường Sơn Đông đi qua rừng Bidop - Núi Bà.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, đơn vị này vừa kiểm tra và báo cáo UBND Tỉnh về diện tích rừng tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà bị dự án của Ban Quản lý dự án 46 chặt hạ để làm đường khi chưa xin chuyển đổi mục đích sử dụng.

Tuyến đường mới mở rộng 4 m, dài hơn 3 km, thuộc các tiểu khu 22, 26 tại xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương. Trong đó, gần 4.300 m2 diện tích đường thuộc đất rừng. Ngoài ra, còn 2 vị trí san ủi làm mố cầu, đường diện tích khoảng 1.000 m2 đất rừng. Đất rừng bị đào bới, san lấp, cây cối hư hại 100%.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) chỉ đạo Ban Quản lý dự án 46 đình chỉ thi công tuyến đường đoạn còn lại đi qua Tỉnh trên diện tích rừng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Tương tự, trước đó 3 ngày, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản gửi Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Ban Quản lý dự án 46 đình chỉ thi công đường Trường Sơn Đông trên đất rừng (đoạn qua Đắk Lắk) khi chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Tại hiện trường, chủ đầu tư dự án đã làm được 7 km đường rừng, thuộc khoảnh 9, tiểu khu 1383 và các khoảnh 1, 2, 5, 6 tiểu khu 1402. Toàn bộ cây rừng đã bị đào xới nham nhở, san lấp và dọc theo tuyến đường, một số cây khác bị đất đá san lấp chôn vùi để lộ ra phần ngọn.

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, diện tích rừng bị phá nằm trong phạm vi đã được phê duyệt làm dự án đường Trường Sơn Đông. Tuy nhiên chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục pháp lý mà triển khai thi công là trái luật.

Dự án đường Trường Sơn Đông dài khoảng 670 km, tổng đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng.