Bản tin thời sự sáng 16/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cách chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Hacinco đối với ông Nguyễn Văn Thanh; kiến nghị kiểm điểm cựu Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2014 – 2018; trường học tại Hà Nội đủ điều kiện sẽ tổ chức thi học kỳ trực tuyến; hàng nghìn chứng minh nhân dân bị rao bán trên mạng…

Cách chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Hacinco đối với ông Nguyễn Văn Thanh

Các vi phạm của ông Nguyễn Văn Thanh là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cách chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Hacinco đối với ông Nguyễn Văn Thanh

Cách chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Hacinco đối với ông Nguyễn Văn Thanh

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) vừa có báo cáo UBND TP.Hà Nội về việc xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco).

Ông Nguyễn Văn Thanh đã vi phạm trong việc thực hiện quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19, làm ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch của Thành phố và sức khỏe của cộng đồng.

Ngày 15/5, Ban Tổng Giám đốc Tổng công ty đã tổ chức họp, xem xét và thống nhất nhận định các vi phạm của ông Nguyễn Văn Thanh là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch, gây bức xúc trong dư luận xã hội, uy tín và hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

Hội đồng thành viên Tổng công ty xem xét kỷ luật bằng hình thức cách chức Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội đối với ông Nguyễn Văn Thanh.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Đảng uỷ, Hội đồng thành viên Tổng công ty đã họp và thống nhất kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội đối với ông Nguyễn Văn Thanh.

Ông Nguyễn Văn Thanh (BN3634) và vợ là bà N.T.T.H (BN3633) là 2 ca bệnh Covid-19 mới được phát hiện ngày 12/5. Hai ca bệnh này có lịch sử đi lại đến Đà Nẵng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và di chuyển qua nhiều địa bàn sau khi về Hà Nội.

Đến nay sơ bộ có gần 200 F1 liên quan, rất nhiều nơi bị phong tỏa. Đây là trường hợp gây ra hậu quả có chủ động.

Kiến nghị kiểm điểm cựu Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2014 - 2018

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, có hình thức xử lý phù hợp với Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế và các phó chủ tịch thời kỳ 2014 - 2018.

Bờ kè chống xói lở ở xã Hải Dương là một trong các dự án phát hiện áp giá chỉ định thầu vượt mức quy định, vi phạm luật đấu thầu

Bờ kè chống xói lở ở xã Hải Dương là một trong các dự án phát hiện áp giá chỉ định thầu vượt mức quy định, vi phạm luật đấu thầu

Kiến nghị được đưa ra trong kết luận thanh tra về quản lý sử dụng đất đai, hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi, đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014 - 2018, vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành. Giai đoạn trên, ông Nguyễn Văn Cao giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo kết luận thanh tra, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý và sử dụng đất đai tại Thừa Thiên Huế còn nhiều thiếu sót, vi phạm. Đơn cử, tỉnh cho phép gia hạn nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất, tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn trả bảo lãnh thực hiện dự án, hoàn trả tiền đầu tư tại khu nhà đất số 73 Nguyễn Huệ cho Công ty CP Tư vấn Thiết kế Xây dựng và Thương mại Việt Thành sai quy định.

Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, UBND thành phố Huế bán chỉ định lô đất A7, thành phố Huế có diện tích 195,2 m2 thuộc quỹ đất trong kế hoạch đấu giá cho ông Huỳnh Cư, Bí thư Thành ủy Huế (nhiệm kỳ 2015 - 2020) là thể hiện sự tùy tiện, làm thất thu ngân sách nhà nước.

Kết luận thanh tra nêu, việc cấp phép khai thác mỏ cát bãi bồi Cồn Sen ở thôn 7, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc và bãi cát thôn 1, thôn 2 ở xã Hồng Quảng, huyện A Lưới, chưa được chặt chẽ, đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Khoáng sản.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, Thanh tra Chính phủ phát hiện một số dự án áp giá chỉ định thầu vượt mức quy định, vi phạm luật đấu thầu, như: Dự án Xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở khu vực bờ biển xã Hải Dương, thị xã Hương Trà….

Trường học tại Hà Nội đủ điều kiện sẽ tổ chức thi học kỳ trực tuyến

Theo Sở GD - ĐT Hà Nội, trường học nào đủ điều kiện về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến sẽ xây dựng phương án tổ chức kiểm tra định kỳ, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan quản lý.

Trường học tại Hà Nội đủ điều kiện sẽ tổ chức thi học kỳ trực tuyến

Trường học tại Hà Nội đủ điều kiện sẽ tổ chức thi học kỳ trực tuyến

Ngày 15/5, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội có văn bản chỉ đạo về việc triển khai nhiệm vụ trọng tâm cuối năm học 2020-2021 đối với các Phòng GD-ĐT, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trường học trực thuộc.

Trong đó, văn bản nêu rõ nếu trường nào đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, thì xây dựng phương án tổ chức kiểm tra định kỳ, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan quản lý.

Đối với học sinh lớp 9 và lớp 12, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường duy trì việc dạy học trực tuyến đến hết ngày 28/5; chuẩn bị điều kiện cho công tác xét tốt nghiệp THCS, đăng ký thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021; xây dựng phương án tổ chức kiểm tra định kỳ đối với các môn chưa kiểm tra, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan quản lý trực tiếp, bảo đảm hoàn thành việc kiểm tra định kỳ, đánh giá, xếp loại trước ngày 28/5.

Liên quan đến công tác thi và tuyển sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội thông báo vẫn thực hiện song song hai hình thức tuyển sinh trực tiếp và trực tuyến để tuyển sinh vào trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2021 - 2022.

Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức cho học sinh lớp 12 toàn Thành phố làm bài kiểm tra khảo sát theo hình thức trực tuyến vào cuối tháng 5/2021.

Hàng nghìn chứng minh nhân dân bị rao bán trên mạng

17 GB dữ liệu chứa ảnh chụp chứng minh nhân dân của hàng nghìn người Việt Nam đang bị rao bán với giá 9.000 USD trên diễn đàn hacker.

Một phần trong số các ảnh chụp chứng minh thư và căn cước công dân của người Việt đang bị rao bán

Một phần trong số các ảnh chụp chứng minh thư và căn cước công dân của người Việt đang bị rao bán

Các dữ liệu này được đăng bởi thành viên Ox1337xO trên diễn đàn chuyên mua bán dữ liệu của hacker từ ngày 13/5. Trong bài viết, người này khẳng định đang sở hữu lượng lớn dữ liệu KYC (Know Your Customer) - dữ liệu để xác minh thông tin người dùng.

17 GB này gồm ảnh chụp chứng minh nhân dân, căn cước công dân (mặt trước, mặt sau), ảnh/video selfie, đi kèm địa chỉ, số điện thoại và email. Trong đó, riêng một tệp tin dung lượng 1,4 GB chứa thông tin của 3,6 nghìn người.

Để chứng minh "chất lượng" nội dung, người này đã chia sẻ một số ảnh chụp màn hình, trong đó bao gồm một số giấy tờ, sổ hộ khẩu của người Việt Nam và chấp nhận mua bán qua một bên trung gian nếu người mua nghi ngờ. Các dữ liệu trên được rao bán với giá 9.000 USD (207 triệu đồng) và thanh toán bằng tiền mã hóa Bitcoin hoặc Litecoin.

Một chuyên gia bảo mật cho biết đã liên hệ với người bán và tiết lộ lượng dữ liệu đó tương đương thông tin của 8 đến 10 nghìn người Việt.

Theo các chuyên gia bảo mật, căn cước công dân (CCCD) là một trong những thông tin quan trọng của người dùng, bởi trên đó có số thẻ, đặc điểm nhận dạng, ngày tháng năm sinh và địa chỉ. Nếu kẻ xấu có được những dữ liệu này, chúng có thể sử dụng để đăng ký các tài khoản trực tuyến, tài khoản viễn thông, tài khoản vay vốn ở tổ chức tài chính có quy trình lỏng lẻo, khiến người dùng gặp nhiều rắc rối sau này...

Bắc Ninh giãn cách xã hội huyện Yên Phong từ 14h ngày 15/5

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vừa quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng đối với huyện Yên Phong từ 14h ngày 15/5.

Chốt kiểm soát thôn Phong Xá (Đông Phong, Yên Phong, Bắc Ninh)

Chốt kiểm soát thôn Phong Xá (Đông Phong, Yên Phong, Bắc Ninh)

Để ngăn chặn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vừa quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng đối với huyện Yên Phong từ 14h ngày 15/5.

Đến nay, huyện Thuận Thành vẫn là ổ dịch lớn nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh với tổng 161 ca nhiễm. Toàn tỉnh có 34 ổ dịch tại 6/8 huyện, thị xã, thành phố. Huyện Gia Bình, Quế Võ chưa có ca nhiễm.

Công tác lấy mẫu và truy vết tiếp tục được các lực lượng tỉnh Bắc Ninh thực hiện thần tốc nhằm tìm kiếm, khoanh vùng và ngăn chặn nguồn lây lan.

Hiện, toàn tỉnh Bắc Ninh theo dõi, điều trị 188 ca F0, 282 trường hợp nghi nhiễm. Tỉnh Bắc Ninh cũng đã rà soát được 2.876 trường hợp là F1 và 22.615 F2.

Công tác truy vết, rà soát các trường hợp F1,F2 tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Quế Võ) được 84 trường hợp là F1, 533 trường hợp là F2; Công ty Samsung (Khu công nghiệp Yên Phong) truy vết được 49 trường hợp là F1, 1.160 F2 ( 1.160 mẫu xét nghiệm F1,F2, cho kết quả âm tính); Công ty TNHH JOHNSON truy vết được 27 trường hợp F1, 578 F2.

Bắt thêm một giám đốc công ty tại Đà Nẵng tổ chức cho "chuyên gia" nhập cảnh trái phép

Công an TP.Đà Nẵng đã bắt tạm giam hai bị can liên quan đến đường dây tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trái phép dưới hình thức "chuyên gia", trong đó một người là giám đốc công ty.

Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Xuân Thành

Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Xuân Thành

Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Đà Nẵng vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 người liên quan đến đường dây tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trái phép dưới hình thức "chuyên gia".

Hai bị can là Lê Xuân Thành (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) và Tô My Hồng Anh (đường Phan Thanh, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng).

Theo điều tra ban đầu, Thành là giám đốc 2 công ty đóng trên địa bàn quận Sơn Trà. Từ tháng 1 - 3/2021, Thành câu kết với chủ một doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Đà Nẵng, sử dụng pháp nhân các doanh nghiệp do Thành đăng ký để bảo lãnh cho 7 người Hàn Quốc nhập cảnh dưới hình thức "chuyên gia" hoặc "nhà đầu tư" nhằm chia lợi nhuận.

Sau khi hoàn thành thời gian cách ly, những người nhập cảnh này không làm việc tại các doanh nghiệp đã bảo lãnh mà làm việc tự do tại nhiều nơi.

Tô My Hồng Anh là nhân viên của doanh nghiệp người Hàn Quốc, trực tiếp tham gia quá trình móc nối giữa doanh nghiệp này với Lê Xuân Thành để đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép.