Bản tin thời sự sáng 16/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là VKS yêu cầu điều tra lại vụ Cục phó Trần Hùng bị cáo buộc nhận hối lộ; người Hà Nội có thể ngồi ở nhà làm thủ tục cấp hộ chiếu; không dừng thanh toán BHYT dịch vụ dùng máy mượn; xin cơ chế đặc thù khai thác khoáng sản làm cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương…

VKS yêu cầu điều tra lại vụ Cục phó Trần Hùng bị cáo buộc nhận hối lộ

VKSND Tối cao trả hồ sơ lần thứ hai, yêu cầu điều tra lại vụ ông Trần Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội, bị cáo buộc nhận 300 triệu đồng khi bao che sản xuất sách giáo khoa giả.

Ông Trần Hùng khi bị bắt.

Ông Trần Hùng khi bị bắt.

VKS muốn làm rõ thêm việc nhận hối lộ, môi giới hối lộ liên quan thế nào tới vụ án sản xuất, buôn bán, tiêu thụ hàng triệu cuốn sách giả tại Công ty In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty Phú Hưng Phát.

Trước đó, VKS đã trả hồ sơ một lần và ông Hùng vẫn tiếp tục bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ. Ban đầu, cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội bị khởi tố về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, và 3 tháng sau tội danh được thay đổi.

Trong 33 bị can còn lại bị đề nghị truy tố về ba tội (Sản xuất, buôn bán hàng giả, Môi giới hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ), có nhiều người là cấp dưới của ông Hùng.

Theo kết luận điều tra, ông Trần Hùng làm Trưởng tổ công tác 304, có thẩm quyền chỉ đạo các Cục nghiệp vụ Bộ Công thương và các Cục Quản lý thị trường triển khai các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Tháng 7/2020, tổ này phát hiện và thu hơn 27.000 quyển sách giáo khoa giả tại Công ty Phú Hưng Phát do Cao Thị Minh Thuận làm Giám đốc.

Tuy nhiên, ông Hùng không báo cáo với Tổng cục trưởng Quản lý thị trường mà trực tiếp chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra, xử lý.

Cảnh sát xác định, bà Thuận nhờ Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) liên hệ với ông Hùng để xin "chỉ đạo xử lý nhẹ" với giá 400 triệu đồng (gồm 300 triệu đưa trước và 100 triệu sau khi xong việc). Tiền được Hải đưa tại phòng làm việc của ông Hùng hôm 15/7/2020.

Chỉ tính riêng năm 2021, doanh nghiệp này đã sản xuất, buôn bán số lượng sách giáo khoa giả, ước tính trị giá khoảng 140 tỷ đồng.

Người Hà Nội có thể ngồi ở nhà làm thủ tục cấp hộ chiếu

Từ 15/5, người dân Hà Nội chỉ cần truy cập Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an để làm thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông mà không cần đến tận nơi như hiện nay.

Công an hướng dẫn người dân đăng ký cấp hộ chiếu qua mạng.

Công an hướng dẫn người dân đăng ký cấp hộ chiếu qua mạng.

Từ 15/5, Cục Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp cùng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Hà Nội thí điểm cấp hộ chiếu "điện tử". Sau Hà Nội, dự kiến từ 1/6, hình thức này sẽ triển khai trên toàn quốc.

Đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết, đây là cách làm mới hoàn toàn so với quy định hiện hành bởi công dân có thể chủ động khai tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu qua mạng vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào mà không phải đến cơ quan xuất nhập cảnh để xếp hàng nộp tờ khai, chụp ảnh.

Việc triển khai "hồ sơ số hóa" sẽ giảm áp lực giấy tờ lên cơ quan nhà nước, giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp với cán bộ; từ đó hạn chế tiêu cực, phiền hà.

Thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông qua dịch vụ công trực tuyến nhằm thực hiện đề án của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, công dân sẽ giảm thiểu số lần đi lại, thời gian chờ đợi nộp hồ sơ, nhận kết quả.

Không dừng thanh toán BHYT dịch vụ dùng máy mượn

Việc thanh toán BHYT cho bệnh nhân đối với dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán sử dụng máy đặt, máy mượn vẫn áp dụng như trước, chỉ bãi bỏ một công văn cũ ban hành năm 2018, theo thông cáo của Bộ Y tế.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thực hiện xét nghiệm trên hệ thống

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thực hiện xét nghiệm trên hệ thống

Theo thông cáo ngày 15/5 của Bộ Y tế, cơ quan này sẽ làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để thống nhất hướng dẫn nội dung cụ thể cho các đơn vị thực hiện. Trường hợp vượt thẩm quyền, hai bên sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết theo quy định.

Như vậy, việc thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn đang được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 6807 ngày 9/11/2018 của Bộ Y tế; bãi bỏ Công văn số 2009 ngày 12/4/2018. Nội dung này giải thích rõ hơn thông báo hôm 9/5 của Bộ về việc dừng thanh toán bảo hiểm đối với dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy, thiết bị được đặt, mượn tại cơ sở khám chữa bệnh.

Theo Bộ Y tế, trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu về trang thiết bị của các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là rất lớn trong khi nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vốn viện trợ, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các đơn vị... còn rất hạn chế và không đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có hình thức đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất mang máy đến đặt hoặc cho mượn máy.

Để bảo đảm thanh toán BHYT đối với hình thức này, Bộ Y tế có Công văn số 2009 gửi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên máy mượn, máy đặt. Tiếp theo đó, ngày 2/10/2018, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thống nhất thanh toán tiếp tục chi phí khám, chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy do đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt theo kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và hợp đồng đã ký.

Xin cơ chế đặc thù khai thác khoáng sản làm cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương

Cơ chế đặc thù để giải bài toán về vật liệu xây dựng này chỉ áp dụng riêng cho Dự án xây dựng đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.

Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng xin cơ chế đặc thù để giải bài toán vật liệu xây dựng phục vụ Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương

Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng xin cơ chế đặc thù để giải bài toán vật liệu xây dựng phục vụ Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo gửi UBND Tỉnh về nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) phục vụ Dự án xây dựng đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.

Theo đó, Sở này đề nghị UBND Tỉnh chỉ đạo cho phép vận dụng Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 của Chính phủ để đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục hành chính trong việc cấp phép, nâng công suất khai thác/năm của các tổ chức để cung cấp đủ, kịp thời VLXD theo tiến độ triển khai Dự án. Phê duyệt các khu vực khoáng sản làm VLXD thông thường đã có trong quy hoạch khoáng sản, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công Dự án đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Sở TN-MT cũng đề xuất UBND Tỉnh giao đơn vị căn cứ kết quả rà soát các điểm mỏ do liên danh nhà đầu tư đề xuất, báo cáo Tỉnh xem xét bổ sung cục bộ 8 điểm mỏ (cát, đá) tại địa bàn các huyện vào quy hoạch, thăm dò, khai thác chung của Tỉnh và khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm cơ sở để cấp giấy phép, phục vụ xây dựng đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.

Đối với các khu vực cấp phép khai thác khoáng sản VLXD cho công ty để thực hiện dự án cao tốc, sau khi khai thác đủ khối lượng cung cấp cho dự án phải thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ...

Theo nhà đầu tư, nhu cầu khối lượng VLXD phục vụ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương trong mỗi năm gồm: 402.565 m3 đá xây dựng, khoảng 2.043.291 m3 đất san lấp và 12.500 m3 cát xây dựng.

TP.HCM tái khởi động Dự án nâng cấp đường Lương Định Của

Dự án nâng cấp, cải tạo đường Lương Định Của ở Quận 2 (nay là TP. Thủ Đức) có tổng mức đầu tư 826 tỷ đồng vừa được tái khởi động vào trung tuần tháng 5/2022...

Đường Lương Định Của được khởi công nâng cấp cải tạo vào tháng 4/2015 và đến nay sau 7 năm vẫn còn nhếch nhác, dang dở...

Đường Lương Định Của được khởi công nâng cấp cải tạo vào tháng 4/2015 và đến nay sau 7 năm vẫn còn nhếch nhác, dang dở...

Dự án có chiều dài 2,5 km, từ ngã tư Trần Não - Mai Chí Thọ đến đường Nguyễn Thị Định, mở rộng từ 8 m hiện hữu lên 30 m với 6 làn xe, bị ngừng lại do vướng mặt bằng. Chủ đầu tư trước đó đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị chính quyền TP. Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ bồi thường bàn giao mặt bằng.

Sau 7 năm triển khai, công trình còn gần 100 trường hợp chưa giải quyết xong công tác đền bù, giải toả. Vừa qua, chính quyền TP. Thủ Đức đã đẩy nhanh triển khai công tác bồi thường, áp dụng cưỡng chế di dời và giao một phần diện tích đất khu vực cho Dự án thi công trở lại.

Dự án gồm 5 gói thầu xây lắp, theo kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành sau 2 năm thi công (kể từ tháng 4/2015).

Sở Giao thông vận tải TP.HCM mới đây đã đề nghị Chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) khẩn trương khắc phục các chỗ hư hỏng, đọng nước, ổ gà… trên tuyến đường thi công dang dở Lương Định Của, có biện pháp khắc phục hoặc xây dựng hệ thống thoát nước tạm, không để ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Tác động do đại dịch và giá nhiên liệu khiến nhiều tài xế taxi bỏ nghề

Bị tác động của đại dịch Covid-19, giá nhiên liệu tăng mạnh, lượng khách ít nên nhiều tài xế taxi đã không cầm cự nổi và bỏ nghề.

Các hãng taxi lâm vào cảnh khốn đốn khi hàng loạt tài xế bỏ nghề vì chi phí tăng cao, thu nhập giảm

Các hãng taxi lâm vào cảnh khốn đốn khi hàng loạt tài xế bỏ nghề vì chi phí tăng cao, thu nhập giảm

Tại bãi đỗ xe của nhiều hãng taxi trên địa bàn TP. Hà Nội, taxi "đắp chiếu" nằm la liệt, không hoạt động bởi rất nhiều tài xế của hãng đã xin nghỉ việc.

Những trường hợp bỏ việc hay sẽ bỏ việc ngày càng nhiều ở Hà Nội, khiến các doanh nghiệp (DN) taxi lâm cảnh khó khăn chưa từng có. Số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có 1.000 DN taxi, với hơn 67.000 xe, thấp hơn nhiều so với năm 2019 (hơn 79.000 xe) và năm 2020 (75.000 xe).

Tính riêng tại địa bàn TP. Hà Nội, theo ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, qua 20 năm phát triển, Thành phố mới có hơn 17.000 taxi. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm dịch Covid-19, hơn 7.000 taxi tại đây không có tài xế, phải dừng hoạt động cả năm qua.

Theo đại diện Taxi Mai Linh, hiện hãng có 1.300 taxi nhưng có khoảng 500 xe không có tài xế (chiếm khoảng 40%). Việc thiếu lái xe khiến hãng chỉ phục vụ được 60 - 70% nhu cầu đặt xe của khách hàng.