Bản tin thời sự sáng 16/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10/2025; Chính phủ muốn xin gia hạn khoản vay 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines; Lâm Đồng chỉ đạo làm rõ dự án sân golf để mất hơn 37 ha rừng; xây kè biển 300 tỷ đồng bảo vệ bờ đảo Phú Quý…

Đề xuất sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10/2025

Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ sửa đổi vào năm 2025 theo đúng lộ trình đã báo cáo Chính phủ và được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ Tài chính đề xuất sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10 năm sau. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính đề xuất sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10 năm sau. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026.

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, khi thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công, cá nhân được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định…, số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, cá nhân phát sinh thu nhập chịu thuế thì mới phải nộp thuế theo quy định.

Luật Thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ 1/1/2009) quy định, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 (áp dụng từ 1/7/2013) quy định, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020). Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Chính phủ muốn xin gia hạn khoản vay 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines

Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét gia hạn trả nợ 4.000 tỷ đồng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines tại kỳ họp tới.

Máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài

Máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài

Ngày 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận báo cáo chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, khai mạc ngày 20/5.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tình hình tài chính của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) rất khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Do vậy, tại kỳ họp tới đây, Chính phủ xin bổ sung nội dung trình Quốc hội về gia hạn trả nợ khoản vay 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines.

Đây là khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng cho hãng hàng không quốc gia. Ông Sơn nói nội dung này "rất quan trọng, cấp bách, cần xin ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp".

Trước đó, năm 2020, Quốc hội thông qua gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho hãng này. Trong đó, khoản vay 4.000 tỷ đồng, có lãi suất 0%. Còn 8.000 tỷ để tăng vốn điều lệ qua phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Gói hỗ trợ này được đưa ra trong bối cảnh hãng hàng không quốc gia bên bờ vực phá sản, nợ phải trả quá hạn khoảng 6.240 tỷ đồng.

Giai đoạn xảy ra dịch Covid-19 (2020 - 2022), ngành hàng không, trong đó có Vietnam Airlines, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của thị trường. Năm 2022, hãng này lỗ sau thuế hơn 11.220 tỷ đồng.

Tình hình cải thiện hơn vào 2023, khi số lỗ giảm một nửa, tương đương hơn 5.700 tỷ đồng. Nhưng do số lỗ các năm trước lớn, nên đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của Hãng âm gần 17.000 tỷ đồng và lỗ lũy kế vượt 40.000 tỷ đồng.

Thị trường hàng không, du lịch hồi phục giúp Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu, lợi nhuận lớn trong quý đầu năm nay. Theo đó, hãng này lãi trước thuế khoảng 1.500 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí.

Ngoài ra, nhờ ghi nhận khoản thu nhập khác trên 3.630 tỷ đồng do xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của hãng là hơn 4.528 tỷ. Đây cũng là mức lãi lớn nhất lịch sử của doanh nghiệp này.

Lâm Đồng chỉ đạo làm rõ dự án sân golf để mất hơn 37 ha rừng

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, rà soát, làm rõ việc hơn 37 ha rừng bị mất tại Dự án The Dàlat at 1200 (hay gọi là Dự án sân golf Đạ Ròn) ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Dự án sân golf Đạ Ròn thuộc địa bàn xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng

Dự án sân golf Đạ Ròn thuộc địa bàn xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng

Dự án sân golf Đạ Ròn thuộc địa bàn xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2007, sau đó liên tục cấp lại và cấp lần thứ 4 vào năm 2016.

Ngoài sân golf 18 đến 36 lỗ, Dự án còn được kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, biệt thự, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch. Dự án có tổng diện tích hơn 830 ha, trong đó chủ yếu là đất có rừng và mặt nước 183 ha. Năm 2018, hạng mục sân golf 18 lỗ đã được chủ đầu tư là Công ty TNHH Acteam International đưa vào hoạt động.

Quá trình rà soát, so sánh biến động trạng thái rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng xác định có 37,5 ha rừng tự nhiên của Dự án bị mất. Thời gian xảy ra mất rừng kể từ khi thực hiện Dự án đến khoảng năm 2017. Trong khi đó, chủ đầu tư Dự án khẳng định hồ sơ kiểm kê tài nguyên rừng có sai sót, không chính xác.

Việc này, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có ý kiến chỉ đạo kiểm tra, rà soát, xác định rõ nguyên nhân mất rừng và xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương xác định, làm rõ số lượng mất, nguyên nhân mất; xem xét trách nhiệm các đơn vị, đặc biệt là quản lý địa bàn là UBND huyện Đơn Dương. Đồng thời, giao Ủy ban kiểm tra làm việc với huyện Đơn Dương và Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xác định trách nhiệm, báo cáo Ban Thường vụ trong thời gian sớm nhất.

Xây kè biển 300 tỷ đồng bảo vệ bờ đảo Phú Quý

Dự án kè dài gần 2 km chống xâm thực, bảo vệ bờ biển phía bắc đảo Phú Quý tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng được HĐND tỉnh Bình Thuận thông qua sáng 15/5.

Bờ biển phía bắc đảo Phú Quý dự kiến xây kè dài gần 2 km với tổng 300 tỷ đồng

Bờ biển phía bắc đảo Phú Quý dự kiến xây kè dài gần 2 km với tổng 300 tỷ đồng

Công trình được xây tại xã Long Hải, phía bắc đảo Phú Quý. Trong đó, đoạn một dài 560 m và đoạn hai dài 1.340 m. Dọc tuyến kè có bố trí hệ thống tiêu nước, đường quản lý trên đỉnh kè, đường kết nối giao thông trong khu vực, bậc lên xuống và các hạng mục phụ trợ khác.

Bờ kè có chức năng ngăn xâm thực gây sạt lở bờ biển, làm mất đất thu hẹp diện tích đảo; bảo đảm an toàn cho người dân, di tích văn hóa lịch sử trên đảo; đồng thời tạo thuận lợi cho người dân và du khách đi lại, vui chơi, ngắm cảnh. Dự án được thực hiện từ nay đến 2028, bằng ngân sách Trung ương và vốn đầu tư công của Tỉnh.

Đảo Phú Quý cách Phan Thiết 56 hải lý (hơn 103 km). Các tháng gió mùa Tây Nam, sóng biển cấp 6 - 7 thường xuyên tác động vào bờ đảo gây mức sạt lở. Đoạn dự kiến xây kè tại thôn Quý Hải và thôn Tân Hải có chiều dài khoảng 2 km đang hứng chịu mức độ xâm thực khá mạnh.

Hơn chục năm nay, biển ăn sâu vào khoảng 12 - 15 m, làm mất hơn một dãy nhà, sát tuyến đường Lê Hồng Phong. Để bảo vệ phần đất còn lại, người dân phải tự đầu tư kè chắn bằng ống đúc xi măng, rọ đá, bao cát, song không thể giải quyết triệt để tình trạng sạt lở.

Đề xuất lùi thời gian hoàn thành cầu Đại Ngãi đến năm 2027

Bộ Giao thông vận tải đề xuất thời gian hoàn thành xây dựng cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu vào năm 2027, lùi một năm so với kế hoạch ban đầu.

Phối cảnh cầu Đại Ngãi 1 bắc qua sông Hậu

Phối cảnh cầu Đại Ngãi 1 bắc qua sông Hậu

Dự án cầu Đại Ngãi nằm trên Quốc lộ 60, nối tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện từ năm 2022 đến hết năm 2026. Dự án gồm 2 cầu chính với 4 làn xe.

Trong đó, cầu Đại Ngãi 1 qua luồng Định An dài hơn 2,5 km, rộng 19 m. Phần cầu chính dạng dây văng có 2 trụ tháp cao 110 m tính từ mặt cầu, nhịp chính 450 m, lớn thứ hai Việt Nam sau cầu Cần Thơ, khổ thông thuyền 300 m. Cầu Đại Ngãi 2 dài 862 m, dạng đúc hẫng cân bằng qua luồng Trần Đề, mặt cầu 17,5 m.

Theo Bộ Giao thông vận tải, cầu Đại Ngãi 2 và công trình trên tuyến đã được khởi công tháng 10/2023, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành vào cuối năm 2025, kết nối TP. Sóc Trăng với huyện Cù Lao Dung.

Riêng cầu Đại Ngãi 1 là công trình cấp đặc biệt, cầu chính dạng dây văng nhịp lớn có khẩu độ nhịp giữa 450 m, dầm chủ dùng dầm thép liên hợp. Công trình xây dựng gần cửa biển, có chế độ gió và điều kiện địa chất phức tạp nên việc khảo sát, thiết kế kỹ thuật cần được thực hiện kỹ lưỡng.

Đơn vị thực hiện Dự án phải xây dựng mô hình để tổ chức thí nghiệm hầm gió ở nước ngoài (do phòng thí nghiệm trong nước không thực hiện được), mất nhiều thời gian hơn cầu thông thường. Đến cuối tháng 5, cầu này mới hoàn thành thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu xây lắp và khởi công vào tháng 8.

Với lý do trên, Bộ Giao thông vận tải tính toán thời gian thi công cầu dây văng Đại Ngãi 1 cần tối thiểu 42 tháng, tức đến cuối năm 2027 mới hoàn thành. Vì vậy, Bộ đề xuất Thủ tướng lùi mốc hoàn thành Dự án đến năm 2027. Việc điều chỉnh này không làm tăng tổng mức đầu tư và nội dung khác.

Cầu Đại Ngãi là công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng từ ngân sách, tổng chiều dài hơn 15 km, điểm đầu giao Quốc lộ 54 (xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh); điểm cuối giao Quốc lộ Nam Sông Hậu (xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).

Xuất khẩu than tăng 130 lần

Xuất khẩu than tháng 4 đạt hơn 109.000 tấn, tương đương giá trị 29,4 triệu USD, tăng lần lượt 160 và 130 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu than tháng 4 đạt hơn 109.000 tấn

Xuất khẩu than tháng 4 đạt hơn 109.000 tấn

Cơ quan hải quan cho biết, đây là tháng mà xuất khẩu than hay còn gọi là "vàng đen" có mức tăng trưởng kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước và tăng trên 100 lần so với tháng trước đó.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt 112.112 tấn, tương đương 30,27 triệu USD, tăng 30 lần về lượng và tăng 23 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn nhất của than Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với 53.404 tấn, tương đương 12,43 triệu USD, tăng mạnh 146 lần về lượng và 9,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái - chiếm 41% thị phần.

Tiếp đến là Hà Lan, Nam Phi cũng tăng trưởng ấn tượng, gấp nhiều lần. Đặc biệt, giá xuất khẩu sang các thị trường này cao hơn nhiều so với Nhật Bản và đạt trên 315 USD một tấn. Hiện, giá xuất khẩu bình quân của than chỉ đạt 270 USD một tấn, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng thị trường trọng điểm Nhật Bản, giá giảm tới 34%.

Nguyên nhân khiến các nước gia tăng nhập than là vì nhu cầu sản xuất nhiệt điện tăng cao, trong khi thủy điện gặp khó do El Nino. Thống kê của tổ chức thế giới, cho thấy tình hình nước về các hồ thủy điện của nhiều quốc gia vẫn thấp so với trung bình nhiều năm.

Ngoài Nhật Bản, các thị trường khác cũng chứng kiến mức tăng trưởng mạnh như Thái Lan, Philippines, Malaysia. Họ đều tăng cường nhập khẩu than cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là nhiệt điện.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, khả năng huy động than của Việt Nam tăng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đạt 43 - 47 triệu tấn than thương phẩm một năm, sau đó giảm dần vào giai đoạn 2035 - 2045. Dự báo, nhu cầu than sẽ ngày càng tăng cao đến năm 2035 từ 94 - 127 triệu tấn một năm, chủ yếu do sự gia tăng nhu cầu cho sản xuất điện và các ngành kinh tế như xi măng, luyện kim, hóa chất, sau đó sẽ giảm dần còn từ 73 - 76 triệu tấn vào năm 2045.

Tổng cục Thống kê cho hay, trữ lượng than đá tại Việt Nam có khoảng 50 tỷ tấn. Quảng Ninh là mỏ than quan trọng nhất tại Việt Nam.

Dùng vệ tinh giám sát nguồn gây ô nhiễm sông Bắc Hưng Hải

Dữ liệu ảnh từ vệ tinh sẽ được khai thác để giám sát các nguồn phát thải gây ô nhiễm sông Bắc Hưng Hải - công trình thủy lợi từng lớn nhất miền Bắc.

Kênh Kim Sơn chảy qua huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên

Kênh Kim Sơn chảy qua huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên

Sáng 15/5, ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Cục đang lên kế hoạch giám sát các nguồn phát thải cao, nguy cơ gây ô nhiễm trên toàn hệ thống Bắc Hưng Hải thông qua dữ liệu trực tiếp thu về từ trạm viễn thám Vnredsat-1, Spot 6 và các loại dữ liệu phụ trợ khác.

Dữ liệu từ trạm vệ tinh sẽ có nhiều trường thông tin, Cục Viễn thám quốc gia bóc tách về nguồn ô nhiễm và tình trạng ô nhiễm, cùng với thông số từ các trạm quan trắc để dự báo, cảnh báo và xử lý vi phạm.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng năm 1958, gồm sông, đập dài hơn 230 km, trạm bơm, đê điều phục vụ tưới tiêu, thoát úng cho bốn tỉnh thành là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương.

Những năm gần đây, hệ thống thủy lợi này ô nhiễm, nhiều thời điểm chất lượng nguồn nước không đạt yêu cầu tối thiểu cho tưới nông nghiệp. Theo kết quả quan trắc tháng 2/2024 của Viện Nước, tưới tiêu và môi trường, 9 - 12 vị trí quan trắc có chất lượng ở mức rất xấu.

Việc giải quyết ô nhiễm ở Bắc Hưng Hải đã được đặt ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên chưa đạt hiệu quả. Nguyên nhân chính là nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề, cụm công nghiệp không được thu gom, xử lý mà vẫn xả thẳng ra song…

Quảng Ngãi kiến nghị giao cơ quan chức năng điều tra làm rõ sai phạm vụ vận chuyển đá

Liên quan đến việc Công ty TNHH Lý Tuấn (Quảng Ngãi) vận chuyển 167.000 m3 đá tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi tập kết tại Cảng quân sự Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam để bán thương mại, ngày 15/5, Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh đã có văn bản nêu rõ nguồn gốc đá, đồng thời đề nghị UBND Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nếu vi phạm thì xử lý nghiêm.

Khối lượng lớn đá do Công ty TNHH Lý Tuấn ở Quảng Ngãi tập kết sai quy định tại cảng Kỳ Hà, Quảng Nam

Khối lượng lớn đá do Công ty TNHH Lý Tuấn ở Quảng Ngãi tập kết sai quy định tại cảng Kỳ Hà, Quảng Nam

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, việc Công ty TNHH Lý Tuấn vận chuyển 167.399,5 m3 đá từ bãi Phi Long thuộc Khu du lịch Thiên Đàng (đá có nguồn gốc trong quá trình hạ độ cao thực hiện dự án của Công ty Hòa Phát Dung Quất) tập kết tại Cảng Quân sự Kỳ Hà, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam với mục đích để xuất bán là không đúng quy định của pháp luật, có dấu hiệu vận chuyển, kinh doanh, mua bán và sử dụng tài sản thuộc quyền quản lý của Nhà nước khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định.

Bãi đá Phi Long có 363.177 m3 đá, số đá này không thuộc khối lượng đá vật liệu xây dựng thông thường. Hiện tại, UBND tỉnh Quảng Ngãi chưa cho phép tổ chức, cá nhân nào được phép khai thác, vận chuyển, kinh doanh, mua bán và sử dụng.

Về vấn đề Công ty TNHH Lý Tuấn vận chuyển 167.399,5 m3 đá từ bãi Phi Long ra tập kết tại Cảng Quân sự Kỳ Hà vượt quá thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường. Vì vậy, Sở đề nghị UBND Tỉnh xem xét, giao cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh để làm rõ các nội dung liên quan nêu trên, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…

Tạm hoãn xuất cảnh 5 lãnh đạo doanh nghiệp ở Bà Rịa- Vũng Tàu

Chi cục Thuế khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo đã có văn bản thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với 5 lãnh đạo doanh nghiệp nợ hàng chục tỷ đồng tiền thuế.

Chi cục thuế khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo

Chi cục thuế khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo

Theo đó, thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Đặng Hoàng T. (Giám đốc Công ty CP Du lịch quốc tế H.H, TP Vũng Tàu). Lý do tạm hoãn xuất cảnh do cá nhân là người đại diện pháp luật của công ty đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Ngoài ra, các ông Hoàng Văn T. (Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại - Kỹ Thuật Dầu khí T.A); ông Trình Quốc H. (người đứng đầu chi nhánh Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ an ninh T.B); ông Trương Văn S. (Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế - Xây dựng Z.); ông Lê Duy H. (Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí PV H.H) cũng được thông báo tạm hoãn xuất cảnh.

Những giám đốc, người chịu trách nhiệm này bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Chi cục Thuế khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo đã ban hành thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, công ty chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 8/5 đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Được biết, số tiền các doanh nghiệp trên nợ thuế lên tới 60 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục