Bản tin thời sự sáng 16/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là dự kiến khởi công Dự án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn cuối tháng 8/2025; quy hoạch sân golf, nhà ở trên đất cảng Hoàng Diệu; gói 120.000 tỷ đồng cho nhà xã hội vẫn ế dù 4 lần giảm lãi vay; cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có thể được đầu tư theo phương thức PPP…

Dự kiến khởi công Dự án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn cuối tháng 8/2025

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng đề nghị sớm hoàn thiện các thủ tục để chấp thuận thi công Dự án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Dự kiến cuối tháng 8/2025, công trình sẽ được khởi công.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua địa phận tỉnh Quảng Trị và thành phố Huế. Tuyến đường dài hơn 98 km, tổng mức đầu tư giai đoạn I gần 7.700 tỷ đồng.

Tháng 10/2024, Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 6.488 tỷ đồng, chiều dài tuyến hơn 98 km. Hướng tuyến bám theo tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang khai thác. Điểm đầu (Cam Lộ) tại Km0+000, kết nối với điểm cuối Dự án đường bộ cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Điểm cuối (La Sơn) tại khoảng Km102+200, kết nối với điểm đầu Dự án La Sơn - Hòa Liên thuộc địa phận xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, thành phố Huế.

Dự án đầu tư mở rộng nền, mặt đường và các công trình trên tuyến từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe. Đây là dự án nhóm A, đầu tư theo hình thức đầu tư công. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng đề nghị sớm hoàn thiện các thủ tục, chấp thuận thi công Dự án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Đồng thời, đề xuất thực hiện các thủ tục cần thiết của dự án này theo trình tự, thủ tục xây dựng công trình khẩn cấp.

“Về tuyến thì đơn giản hơn, trước đây hơn 98 km hai làn xe, nhiều chỗ đã mở rộng để tránh xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh. Bây giờ mở rộng đều hết 4 làn xe hoàn chỉnh. Mặt bằng thì trước đây đã giải phóng xong cơ bản, bây giờ tập trung các nhánh nút giao hoàn chỉnh bổ sung nên sẽ không nhiều, sẽ thuận lợi hơn, không phải mất thời gian như dự án ban đầu”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thông tin.

Quy hoạch sân golf, nhà ở trên đất cảng Hoàng Diệu

Gần 140.000 m2 đất hiện thuộc cảng Hoàng Diệu (TP. Hải Phòng) được đưa vào kế hoạch đấu giá làm sân golf, nhà ở thương mại và công trình thương mại dịch vụ.

Cảng Hoàng Diệu nằm ven sông Cấm, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng

Cảng Hoàng Diệu nằm ven sông Cấm, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng

Đây là diện tích đất nằm trong 8 khu vực được đưa vào kế hoạch đấu giá đất trong năm 2025, theo UBND quận Ngô Quyền.

Trong đó, sân golf có diện tích 45.568 m2, ở gần cầu Nguyễn Trãi. Khu đất rộng 94.400 m2 từ Trung tâm hội nghị TP. Hải Phòng đến cầu Nguyễn Trãi (ven sông Cấm) được chia làm 6 phần làm nhà ở và đất thương mại dịch vụ. Diện tích còn lại của khu đất ven sông này được quy hoạch làm hạ tầng giao thông, công viên cây xanh.

Cảng Hoàng Diệu nằm bên sông Cấm, cách cửa biển khoảng 16 km, được người Pháp xây dựng từ năm 1874. Cảng dài 1.717 m, tổng diện tích kho hàng 31.320 m2, bãi hàng 163.000 m2 cùng hệ thống công trình phụ trợ, chủ yếu tiếp nhận hàng rời phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng của các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Theo quy hoạch, cảng Hoàng Diệu đang trong lộ trình di dời để xây cầu Nguyễn Trãi (khởi công tháng 12/2024) và chỉnh trang đô thị.

Ngoài việc đấu giá đất ở khu vực cảng Hoàng Diệu, UBND quận Ngô Quyền cũng lên danh sách đấu giá 46 khu đất nhỏ hẹp, xen kẹt ở các phường Đằng Giang, Lạch Tray, Gia Viên; khu đất 72 Lạch Tray; số 20A Lê Hồng Phong; 42 Lê Lai; 4B Trần Phú để làm đất ở, dự án nhà ở thương mại.

Gói 120.000 tỷ đồng cho nhà xã hội vẫn ế dù 4 lần giảm lãi vay

Lãi vay gói 120.000 tỷ đồng giảm hơn 2% sau hai năm triển khai nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp, theo Bộ Xây dựng.

Một khu nhà ở xã hội tại Hải Phòng.

Một khu nhà ở xã hội tại Hải Phòng.

Thông tin trên được Bộ Xây dựng nêu trong báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề, chất vấn gửi tới Quốc hội.

Triển khai từ tháng 4/2023, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân được kỳ vọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây một triệu căn nhà ở xã hội đến 2030. Lãi suất của gói này thấp hơn 1,5 - 2% so với mức bình quân trung và dài hạn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước tại từng thời kỳ, theo Nghị quyết 33.

Kể từ thời điểm triển khai đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi vay gói 120.000 tỷ đồng. Cụ thể, từ tháng 7 - 12/2023, lãi suất cho vay người mua nhà và chủ đầu tư lần lượt 8,2% và 8,7%.

Nửa đầu năm 2024, lãi suất cho vay gói này giảm còn 7,5 - 8%, sau đó giảm thêm 1% vào nửa cuối năm. Từ đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất gói vay còn 6,6% với chủ đầu tư và 6,1% với người mua nhà.

Như vậy, kể từ khi triển khai, lãi suất cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã giảm tổng hơn 2%. Hiện mức này đã thấp hơn lãi suất cho vay người mua nhà xã hội theo Nghị định 100 (khoảng 6,6% một năm).

Quy mô chương trình cho vay cũng đã tăng lên 145.000 tỷ đồng bởi có thêm 5 ngân hàng đăng ký tham gia với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng, gồm HDBank, TPBank, VPBank, MBBank và Techcombank, bên cạnh 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân gói tín dụng vẫn ì ạch. Bộ Xây dựng cho biết, đến nay có 97 dự án nhà xã hội của 38/64 tỉnh, thành được công bố đủ điều kiện vay vốn.

Số tiền giải ngân từ gói tín dụng này ước đạt khoảng 3.400 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ giải ngân hơn 2%. Trong số này, khoảng 2.940 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 21 dự án, còn lại là người mua nhà. Riêng 4 tháng đầu năm nay, số tiền giải ngân đạt hơn 550 tỷ đồng.

Cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có thể được đầu tư theo phương thức PPP

Cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Hướng tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt

Hướng tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt

Theo đề xuất của tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng, tuyến đường dài 80,8 km, quy mô 4 làn xe, trung bình suất đầu tư khoảng 233 tỷ đồng/km. Dự án có thể triển khai trước năm 2030; ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và chấp thuận phương án đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương.

Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng đánh giá, đầu tư Dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo hình thức đối tác công tư PPP sẽ huy động được nguồn lực xã hội, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Bộ Xây dựng đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 với mức vốn khoảng 1,6 triệu tỷ đồng để triển khai một số dự án quan trọng như mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Việc cân đối vốn cho Dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt từ nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn là khó khả thi.

Trường hợp được hỗ trợ phần vốn nhà nước tham gia từ nguồn ngân sách trung ương thì Dự án đủ điều kiện để triển khai theo hình thức PPP, tiến trình đầu tư cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sẽ được triển khai trước năm 2030.

Về sơ bộ tổng mức đầu tư và suất đầu tư của Dự án, Bộ Xây dựng cho rằng, sơ bộ tổng mức đầu tư như đề xuất của UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ bản phù hợp, khuyến nghị tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan cập nhật suất vốn đầu tư đã được Bộ công bố để đánh giá.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng xác định khả năng cân đối vốn và bố trí vốn nhà nước tham gia Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt.

Ba cựu cán bộ bị kỷ luật vì sai phạm tại sân golf Đồi Cù Đà Lạt

Ba cựu cán bộ thuộc Sở Xây dựng Lâm Đồng bị kỷ luật vì sai phạm khi tham mưu cấp phép công trình tại sân golf Đồi Cù, TP. Đà Lạt.

Tòa nhà bên trong sân golf Đồi Cù

Tòa nhà bên trong sân golf Đồi Cù

Quyết định kỷ luật đối với ba cựu cán bộ thuộc Phòng Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng vừa được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng đưa ra tại Kỳ họp thứ 28.

Ông Trần Đức Lộc, nguyên Trưởng phòng bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy biểu quyết kỷ luật khiển trách do vi phạm Luật Di sản văn hóa khi kiểm tra, rà soát quy hoạch khu vực bảo vệ thuộc diện tích danh lam thắng cảnh quốc gia đối với công trình tòa nhà câu lạc bộ golf của Công ty CP Hoàng Gia ĐL (chủ đầu tư). Tuy nhiên, do hết thời hiệu nên ông Lộc không bị thi hành kỷ luật.

Ông Phạm Văn Thắng, chuyên viên, là người kiểm tra, thẩm định hồ sơ và tham mưu lãnh đạo phòng trình ký cấp phép xây dựng tầng hầm khối dịch vụ golf 1 thuộc tòa nhà câu lạc bộ golf đồi Cù. Quá trình này được xác định đã vi phạm quy định của Luật Xây dựng, Luật Di sản văn hóa và Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Còn ông Phan Văn Trung, nguyên Trưởng phòng Quy hoạch - Kiến trúc, bị xác định có trách nhiệm trong việc tham mưu để lãnh đạo Sở ký các văn bản liên quan đến công trình xây dựng tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù. Việc này vi phạm quy định của Luật Xây dựng năm 2014.

Ông Thắng và ông Trung bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng thi hành kỷ luật khiển trách.

Hồi tháng 3/2023, chính quyền TP. Đà Lạt kiểm tra, phát hiện dự án nằm sát hồ Xuân Hương xây không phép, sai phép diện tích hơn 20.000 m2 nên yêu cầu dừng thi công. Chủ đầu tư bị xử phạt 240 triệu đồng.

Giữa năm 2024, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng thu hồi giấy phép đối với một phần hạng mục tầng hầm diện tích xây dựng 2.639 m2, thuộc tòa nhà câu lạc bộ golf. Việc thu hồi do chủ đầu tư không khắc phục xây dựng sai giấy phép.

Một tháng sau, UBND TP. Đà Lạt đã tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm, song phải dừng lại do chủ đầu tư đưa ra các văn bản của tòa án "áp dụng biện pháp khẩn cấp cấm thay đổi hiện trạng tòa nhà do tranh chấp hợp đồng thi công".

Đồi Cù rộng hơn 62 ha, nằm cạnh thắng cảnh hồ Xuân Hương. Năm 1920, người Pháp thiết kế nơi đây thành sân golf, một thời gian nơi này được sử dụng vào mục đích khác. Đến năm 1994, địa điểm này trở thành sân golf.

Khu du lịch làng Mông Cổ Ninh Thuận xây trái phép

Khu Tanyoli theo phong cách làng Mông Cổ Ninh Thuận thuộc Khu du lịch Hồ Ba Bể bị xác định xây trái phép nên thanh tra kiến nghị thu hồi toàn bộ dự án.

Khu Tanyoli theo phong cách làng Mông Cổ tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

Khu Tanyoli theo phong cách làng Mông Cổ tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

Theo kết luận vừa được công bố, thanh tra Ninh Thuận kiến nghị UBND Tỉnh chấm dứt chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Ba Bể (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) của Công ty CP Sơn Hải gồm cả khu vực chưa giao đất và đã giao đất; thu hồi 3,79 ha đã được UBND Tỉnh cho thuê. Chủ đầu tư cũng phải ngừng toàn bộ hoạt động tại Dự án.

Lý do, sau hơn 15 năm từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư bị xác định "thiếu năng lực tài chính, không có khả năng huy động vốn và thiếu am hiểu về pháp luật đầu tư, đất đai, xây dựng", nên đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục liên quan Dự án. Ngoài ra, Công ty đã xây dựng khu Tanyoli trái phép.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Ba Bể được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2009. Ban đầu, Dự án có tổng diện tích 20 ha, gồm 3 khu: chân núi, đỉnh núi và vịnh biển. Sau nhiều lần điều chỉnh, quy mô Dự án tăng lên 47,7 ha.

Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty CP Sơn Hải không thực hiện ngay thủ tục đất đai và các thủ tục khác để triển khai Dự án, mà có văn bản xin tăng quy mô nhưng không được Tỉnh chấp thuận. Sau khi được Nhà nước cho thuê 3,79 ha trên tổng số 20 ha, Công ty cũng không thực hiện các thủ tục triển khai hoàn thành Dự án.

Cùng đó, khi thấy tuyến đường ven biển bắt đầu thi công, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sơn Hải bị xác định đã liên hệ, thỏa thuận chuyển nhượng đất của người dân hơn 10 ha ngoài ranh giới Dự án, rồi tự ý đầu tư xây dựng khu Tanyoli, vi phạm Luật Đất đai.

Theo Thanh tra Ninh Thuận, để xảy ra những vi phạm trên còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu trong giai đoạn đầu đã báo cáo tình hình Dự án chưa rõ ràng, gây nhầm lẫn về kết quả thực hiện.

Cụ thể, sở này từng báo cáo: "Đến nay, Công ty đã hoàn thành 80% khối lượng tại khu chân núi, gồm các hạng mục: khu trượt cỏ, sân bóng đá, đường chính, san lấp khu khách sạn...". Nhưng thực tế đây là các hạng mục trái phép làm trên khu đất ngoài ranh giới Dự án. Trong khi khu đất được Nhà nước giao chưa có hạng mục nào được xây dựng.

Từ đó, dẫn đến việc UBND Tỉnh quyết định chấp thuận điều chỉnh Dự án. Đến lần thứ 4, quy mô Dự án tăng lên hơn gấp đôi so với ban đầu. Trong đó có việc hợp nhất vào Dự án hơn 10 ha tại chân núi xây dựng trái phép khu Tanyoli.

Công bố sạt lở khẩn cấp trên cồn Hô giữa sông Cổ Chiên

Tỉnh Trà Vinh công bố tình huống khẩn cấp sạt lở tuyến đê bao khu vực cồn Hô, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long để triển khai ngay các biện pháp ứng phó.

Đê bao cồn Hô bị sạt lở nghiêm trọng

Đê bao cồn Hô bị sạt lở nghiêm trọng

Động thái trên được đưa ra sau khi địa phương ghi nhận tuyến đê bao trên cồn Hô bị sạt lở với tổng chiều dài khoảng 680 m tính từ đầu năm. Nghiêm trọng nhất là đợt triều cường đầu tháng 4 (vượt mức báo động III) đã làm vỡ 8 đoạn đê với chiều dài khoảng 100 m, gây ngập toàn bộ khu vực cồn Hô từ 1 - 1,5 m, ảnh hưởng toàn bộ 25 ha cây ăn trái, thủy sản, gia cầm và nhà ở của 29 hộ dân tại đây.

Hiện sạt lở ăn sâu vào đê, bề rộng mặt đê từ 3 m nay chỉ còn 0,5 - 1 m, mất toàn bộ mái taluy. Tuyến đê không còn đáp ứng yêu cầu ngăn triều cường, bảo vệ đời sống, sản xuất của người dân khu vực. Nếu không khắc phục sớm, khả năng vỡ đê bao, gây thiệt hại rất lớn.

UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu, huyện Càng Long và đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố sạt lở gây ra.

Theo Nghị định 66/2021 của Chính phủ, tình huống khẩn cấp về thiên tai là tình trạng thiên tai đã hoặc đang xảy ra gây nguy hại trực tiếp an toàn tính mạng, sức khỏe của nhiều người và các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang sử dụng. Tình huống khẩn cấp được công bố bằng quyết định của chủ tịch UBND cấp tỉnh, bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Cồn Hô rộng 25 ha, nằm giữa sông Cổ Chiên, tại khu vực tiếp giáp ba tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre. Cồn có lịch sử khai khẩn khoảng 100 năm. Ban đầu người dân chủ yếu đánh bắt cá quanh cồn. Khoảng thập niên 1940, họ bắt đầu khai hoang cồn để trồng trọt. Hình dạng của cồn giống một con cá hô đang bơi hướng ra biển nên được người dân địa phương gọi là cồn Hô.

Theo UBND xã Đức Mỹ, do thường xuyên chịu tác động bởi triều cường và dòng chảy mạnh nên cồn bị sạt lở nghiêm trọng, diện tích từ 30 ha giảm còn 25 ha. Chính quyền địa phương đã nhiều lần huy động lực lượng, phương tiện gia cố đê bao.

TP.HCM tổ chức lại giao thông trên cầu Phú Mỹ

Xe trọng tải nặng và ôtô loại nhỏ được tách làn riêng biệt khi qua cầu Phú Mỹ để giảm tai nạn, nhưng sau lễ 30/4 xe tăng cao nên nhiều thời điểm ùn ứ.

Cầu Phú Mỹ bắc qua sông Sài Gòn nối quận 7 với TP. Thủ Đức

Cầu Phú Mỹ bắc qua sông Sài Gòn nối quận 7 với TP. Thủ Đức

Phương án phân luồng giao thông qua cầu mới được Thành phố áp dụng nhằm hạn chế nguy cơ tai nạn, nhất là đoạn đổ dốc theo hướng từ Quận 7 sang TP. Thủ Đức. Khu vực này nhiều năm qua bị xem là "dốc tử thần" khi đã xảy ra nhiều vụ ôtô va chạm liên hoàn.

Theo đó, hướng từ Quận 7 sang TP. Thủ Đức, làn đường ôtô sát dải phân cách giữa dành riêng cho các loại xe tải trên 5 tấn, xe container chạy. Làn đường kế tiếp dành cho ôtô 4 - 9 chỗ, xe khách, ôtô tải từ 5 tấn trở xuống. Riêng phần đường phía ngoài dành cho xe 2 - 3 bánh không thay đổi so với trước.

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM, phương án phân luồng mới giúp ôtô loại nhỏ và xe tải nặng không đi chung làn, an toàn hơn. Ngoài ra, việc phân làn cũng nhằm phù hợp với tốc độ các loại xe qua cầu. Các đơn vị đã lắp đặt thêm biển chỉ dẫn và sẽ bổ sung camera để kiểm soát tình hình giao thông qua cầu.

Cầu Phú Mỹ dài hơn 2 km bắc qua sông Sài Gòn, thông xe năm 2009 với mức đầu tư gần 2.100 tỷ đồng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Công trình được thiết kế dây văng, tĩnh không 45 m - cao nhất trong các cầu ở TP.HCM hiện nay.

Cầu nằm trên tuyến Vành đai 2, kết nối các đường Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công ra vào cảng Cát Lái, Phú Hữu nên mật độ xe rất đông. Mỗi ngày, bình quân có gần 30.000 lượt ôtô qua cầu, đa phần là xe trọng tải lớn.

Tin cùng chuyên mục