Bản tin thời sự sáng 16/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng xuống 10%; cao tốc Tân Phú - Liên Khương dự tính khởi công sớm 6 tháng; điều tra việc 2 cán bộ CDC Quảng Trị bán kit test Covid-19 để hưởng lợi; giá vàng SJC về dưới 68 triệu đồng, thấp nhất bốn tháng…

Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng xuống 10%

Thay vì giảm từ 20% về 12% như đề xuất trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì xuống còn 10%.

Bộ Tài chính đề xuất giảm một nửa thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng nhằm đa dạng nguồn cung trong nước

Bộ Tài chính đề xuất giảm một nửa thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng nhằm đa dạng nguồn cung trong nước

Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này vừa gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về Dự án Nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 (xăng động cơ, không pha chì).

Tại Dự thảo Nghị định, thay vì đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu MFN từ 20% về 12% như trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm xuống còn 10%, tương ứng giảm một nửa so với mức thuế suất đang áp dụng.

Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo tính kịp thời trong việc ổn định, đa dạng hóa nguồn cung xăng, đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần kiềm chế sự gia tăng của giá xăng dầu trong nước, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN với mặt hàng xăng là phương án hợp lý.

Bộ này cho biết thêm, mức giảm thuế kể trên vẫn đảm bảo được dư địa để đàm phán các hiệp định thương mại tự do mới trong tương lai, đồng thời không làm phát sinh nghĩa vụ của Việt Nam trong các cam kết quốc tế.

Đối với xăng động cơ, có pha chì, Bộ Tài chính cho biết, do hiện nay gần như không có kim ngạch nhập khẩu và trong nước cũng không được phép sản xuất, sử dụng mặt hàng này nên Bộ giữ nguyên mức thuế hiện hành.

Với mặt hàng dầu, Bộ dự kiến trình Chính phủ tiếp tục áp dụng thuế nhập khẩu MFN ở mức 7% như hiện hành để không phát sinh nghĩa vụ của Chính phủ trong cam kết bảo lãnh (GGU) với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Cao tốc Tân Phú - Liên Khương dự tính khởi công sớm 6 tháng

Hai dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương được dự tính khởi công vào tháng 6/2023, hoàn thành sau ba năm, sớm hơn kế hoạch 6 tháng.

Đại diện Nhà đầu tư liên danh thuyết trình phương án đầu tư xây dựng với đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải tại TP. Bảo Lộc

Đại diện Nhà đầu tư liên danh thuyết trình phương án đầu tư xây dựng với đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải tại TP. Bảo Lộc

Nội dung trên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất sau buổi làm việc, khảo sát thực địa ngày 15/7.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương bố trí 2.000 tỷ đồng hỗ trợ Tỉnh giải phóng mặt bằng và thi công. Địa phương cam kết chi 4.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2022 - 2025.

Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66 km, được chia làm hai giai đoạn đầu tư, từ nay đến năm 2025 làm hai làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, rộng 13,5m. Từ năm 2025 đến 2035, hoàn chỉnh nền đường rộng 22 m với 4 làn ô tô và hai làn dừng khẩn cấp.

Còn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng, tỉnh Lâm Đồng cam kết chuẩn bị 10.800 tỷ đồng đối ứng, còn lại là vốn của các nhà đầu tư. Địa phương này đề nghị Trung ương hỗ trợ 2.500 tỷ đồng.

Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 73 km, chia thành hai giai đoạn xây dựng, từ năm 2022 đến 2025 làm 4 làn xe, rộng 17 m, vận tốc 80 km/h. Sau năm 2030, cao tốc mở rộng lên 8 làn, rộng gần 25 m, tốc độ khai thác 100 km/h, có làn dừng khẩn cấp.

Điều tra việc 2 cán bộ CDC Quảng Trị bán kit test Covid-19 để hưởng lợi

Công an tỉnh Quảng Trị xác nhận, đã mời 2 cán bộ ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Trị lên làm việc để điều tra liên quan đến kit test Covid-19.

Trụ sở CDC Quảng Trị

Trụ sở CDC Quảng Trị

Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, 2 cán bộ được mời lên làm việc là ông Lê Quang Việt và Đỗ Đình Phi (cùng ở Khoa Xét nghiệm thuộc CDC Quảng Trị).

Hiện ông Việt và ông Phi bị điều tra về việc trong quá trình làm công tác xét nghiệm Covid-19 tại CDC Quảng Trị, có việc tuồn các kit test Covid-19 bán ra bên ngoài để trục lợi.

Được biết, để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trong năm 2020 và 2021, CDC Quảng Trị và Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á thông qua Công ty CP Thiết bị y tế và Dược phẩm Thừa Thiên Huế với số tiền hơn 30 tỷ đồng.

Giá vàng SJC về dưới 68 triệu đồng, thấp nhất bốn tháng

Thị trường kim loại quý thế giới lao dốc kéo giá vàng miếng trong nước giảm mạnh, về dưới 68 triệu đồng/lượng, thấp nhất trong bốn tháng qua.

Giá vàng SJC ngày 15/7 giảm tổng cộng 250.000 đồng/lượng so với mức đóng cửa ngày 14/7

Giá vàng SJC ngày 15/7 giảm tổng cộng 250.000 đồng/lượng so với mức đóng cửa ngày 14/7

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ngày 15/7 nhiều lần điều chỉnh giá vàng đi xuống trong biên độ hẹp, mỗi lần khoảng 50.000 - 100.000 đồng.

Lúc 14h, công ty này thông báo giá mua vào còn 67,35 triệu đồng và bán ra 67,95 triệu đồng, giảm tổng cộng 250.000 đồng/lượng so với mức đóng cửa hôm 14/7. Đây là mức thấp nhất trong vòng bốn tháng qua.

Một số đơn vị kinh doanh vàng miếng khác có mức điều chỉnh tương tự, hiện giao dịch quanh 67,3 - 67,9 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn đứng yên với mức bán ra 53 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới hiện giao dịch quanh 1.704 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá trong nước vẫn cao hơn thế giới 19,4 triệu đồng/lượng.

Khởi tố vụ gộp mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Thanh Hóa

Cơ quan điều tra cáo buộc, Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) gộp mẫu khi xét nghiệm Covid-19 nhưng lại thu tiền với giá mẫu đơn, hưởng lợi phần chênh lệch.

Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) bị cáo buộc gộp mẫu khi xét nghiệm Covid-19 nhưng lại thu tiền với giá mẫu đơn
Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) bị cáo buộc gộp mẫu khi xét nghiệm Covid-19 nhưng lại thu tiền với giá mẫu đơn

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn để làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan hành vi trục lợi khi làm xét nghiệm Covid-19.

Theo cơ quan chức năng, từ 15/8/2021 đến 16/10/2021, lãnh đạo Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn cho cấp dưới thu tiền, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 theo hình thức PCR mẫu đơn và mẫu đôi với những người vào hoặc đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, chủ yếu là lái xe đường dài.

Nhà chức trách nghi vấn Trung tâm thỏa thuận với Công ty CP Nghiên cứu khoa học xét nghiệm công nghệ cao Hợp Lực thực hiện xét nghiệm gộp 5 mẫu song vẫn thu tiền như xét nghiệm mẫu đơn. Hơn 11.000 mẫu đã được thực hiện.

Nhà chức trách đã xác minh, liên hệ được với hơn 1.000 người. Hiện còn hơn 9.500 mẫu, chủ yếu của lái xe đường dài, ở nhiều địa phương, song công an chưa làm việc được với những người này.

Công an tỉnh Thanh Hóa thông báo tìm bị hại là những người đã nộp tiền, lấy mẫu xét nghiệm PCR trong thời gian từ 15/8/2021 đến 16/10/2021 khi đi qua thị xã Nghi Sơn.

Hai cựu cảnh sát giao thông An Giang bị bắt vì can thiệp để cấp biển số đẹp

Ông Nguyễn Hoài Ân và ông Võ Chí Linh bị cáo buộc đã can thiệp vào phần mềm hệ thống quản lý để cấp biển số đẹp theo "đơn đặt hàng" khi còn làm cảnh sát giao thông Công an An Giang.

Hai cựu cảnh sát giao thông An Giang bị cáo buộc đã can thiệp vào phần mềm hệ thống quản lý để cấp biển số đẹp theo "đơn đặt hàng". Ảnh minh họa

Hai cựu cảnh sát giao thông An Giang bị cáo buộc đã can thiệp vào phần mềm hệ thống quản lý để cấp biển số đẹp theo "đơn đặt hàng". Ảnh minh họa

Ngày 15/7, ông Nguyễn Hoài Ân và ông Võ Chí Linh bị Công an tỉnh An Giang bắt tạm giam về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Ân trước đó là Đội phó Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Ông Linh là cấp dưới của ông Ân, đã xuất ngũ cuối năm ngoái. Khám xét nhà ông Ân, cơ quan điều tra thu giữ 11 biển số mô tô đẹp, một cặp biển số ô tô và các tài liệu khác.

Động thái này được đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra ông Nguyễn Bá Quận, cựu Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh An Giang, đã bị bắt 3 tháng trước về cùng hành vi.

Cơ quan điều tra cáo buộc, ông Quận, Ân và Linh đã lợi dụng nhiệm vụ được phân công, cố ý can thiệp vào hệ thống đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để cấp biển số ô tô theo yêu cầu cho người dân và doanh nghiệp nhằm trục lợi.

Tin cùng chuyên mục