Lâm Đồng chưa xem xét đề xuất dự án khách sạn 5 sao ven hồ Xuân Hương
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thống nhất chưa xem xét phương án kiến trúc khách sạn 5 sao gồm 7 tầng cao và 4 tầng hầm tại số 11 Trần Quốc Toản, Phường 1, TP. Đà Lạt của Công ty Mount A.
Khu đất số 11 Trần Quốc Toản (trong ô màu đỏ) tại trung tâm TP. Đà Lạt mà Công ty Mount A đề xuất xây khách sạn 5 sao |
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có ý kiến thống nhất với đề xuất của Sở Xây dựng là chưa xem xét phương án ý tưởng kiến trúc của Công ty CP Thương mại Mount A (Công ty Mount A) tại khu đất số 11 Trần Quốc Toản.
Khu đất "vàng" này rộng hơn 6.360 m2 nằm ven hồ Xuân Hương, đoạn vòng xoay Bùi Thị Xuân - Trần Quốc Toản, cách các địa điểm nổi tiếng như sân golf Đồi Cù, chợ Đà Lạt, khu Hòa Bình, quảng trường Lâm Viên, vườn hoa Thành phố, đảo Bích Câu… chỉ vài trăm mét đến dưới 2 km.
Theo đề xuất của Công ty Mount A, tại đây sẽ xây dựng khách sạn 5 sao với quy mô 7 tầng nổi cùng 4 tầng hầm. Mật độ xây dựng phần nổi là 60% khu đất và phần ngầm là 90%. Khi hoàn thành, công trình có thể trở thành một điểm nhấn của TP. Đà Lạt.
Về chỉ tiêu xây dựng, khu đất vàng này chỉ có mật độ xây dựng 40%. Trong phạm vi khoảng lùi dưới 20m thì không xây dựng công trình, khoảng lùi từ 20 - 30 m chỉ được xây cao tối đa 2 tầng, khoảng lùi 30 - 40 m chỉ được xây tối đa 3 tầng, khoảng lùi từ 40 m trở lên thì được xây tối đa 5 tầng.
Do vậy, ý tưởng đề xuất của Công ty Mount A là chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị được duyệt.
Ngoài ra, theo quy định quản lý kèm theo Quy hoạch chung TP. Đà Lạt thì các công trình điểm nhấn được xác định trong các đồ án quy hoạch phân khu. Tuy nhiên, khu đất số 11 Trần Quốc Toản hiện chưa có quy hoạch phân khu được duyệt. Từ đó, Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chưa xem xét đề xuất của Công ty Mount A.
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu doanh nghiệp này khẩn trương thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng, tập trung nguồn lực đưa đất vào sử dụng đúng mục đích theo quy định.
Hiện Công ty Mount A là đơn vị quản lý, sử dụng khu đất 11 Trần Quốc Toản theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 27/8/2018, cập nhật ngày 18/11/2021.
TP.HCM chấn chỉnh hoạt động 61 sàn giao dịch bất động sản
Các sàn giao dịch chỉ được giới thiệu cho khách các bất động sản đủ điều kiện, chịu trách nhiệm về thông tin đã cung cấp cho khách hàng và các dịch vụ phải được thực hiện bằng hợp đồng.
Các sàn giao dịch bất động sản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin cung cấp cho khách hàng |
Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản chấn chỉnh hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) trên địa bàn Thành phố.
Trước đó, từ tháng 10 đến tháng 12/2022, Sở Xây dựng TP.HCM đã tiến hành kiểm tra tình hình chấp hành quy định pháp luật của 61 sàn giao dịch BĐS. Đây là những sàn được đăng ký thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng TP.HCM từ năm 2017 đến tháng 10/2022.
Một số sàn giao dịch BĐS nằm trong kế hoạch kiểm tra như: Goland (Quận 1); Wonderland (Quận 3); Winning Access (Quận 4); Tpland, TNT, Cosmo City (Quận 7); Gs Shop Realty (Quận 10); Uniland, Saigonred (quận Bình Thạnh); Kho Nhà Đất (quận Gò Vấp); Viettinland, Nhà Xinh Property (quận Bình Tân)…
Sau đợt kiểm tra, Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị 36 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS chấp hành nghiêm quy định thành lập sàn giao dịch, công khai thông tin về BĐS đưa vào kinh doanh, đảm bảo BĐS đưa lên sàn giao dịch đủ điều kiện.
Đối với các sàn giao dịch BĐS, Sở Xây dựng TP.HCM yêu cầu phải công khai thông tin về BĐS đưa vào kinh doanh, có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ pháp lý của BĐS trước khi đưa vào kinh doanh tại sàn.
BĐS đủ điều kiện mới được giới thiệu cho khách hàng. Chịu trách nhiệm trước khách hàng và trước pháp luật về thông tin đã cung cấp cho khách hàng. Các hoạt động dịch vụ phải được thực hiện thông qua hợp đồng…
“Phù phép” 28 tài liệu, hợp đồng để đấu thầu, Giám đốc Công ty VN11 bị bắt giam
Do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình VN11 (Công ty VN11) không đủ năng lực để tham gia đấu thầu các gói thầu tại tỉnh Hà Tĩnh nên Nguyễn Hữu Hoàng đã chỉ đạo 2 nhân viên căn cứ vào mẫu hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư, nâng khống doanh thu về hoạt động xây dựng của Công ty VN11 và làm giả 28 tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Hoàng - nguyên Giám đốc Công ty VN11 |
Thông tin từ Công an Hà Tĩnh cho biết, đơn vị này vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Công ty VN11; khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Hoàng Mạnh - nhân viên Công ty VN11 và Hoàng Thị Thủy - kế toán Công ty VN11 về tội "Làm giả, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Công ty VN11 được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 2901361069, do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cấp lần đầu ngày 28/2/2011. Nguyễn Hữu Hoàng là Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty.
Năm 2018, 2019, do Công ty VN11 không đủ năng lực để tham gia đấu thầu các gói thầu tại tỉnh Hà Tĩnh nên Nguyễn Hữu Hoàng đã chỉ đạo Nguyễn Hoàng Mạnh và Hoàng Thị Thủy căn cứ vào mẫu hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư, nâng khống doanh thu về hoạt động xây dựng của Công ty VN11 và làm giả các tài liệu như: báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính; thông báo xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của cơ quan thuế và các hợp đồng tương tự với các chủ đầu tư. Ngoài ra, để đủ điều kiện tham gia đấu thầu và được chủ đầu tư cho tạm ứng tiền khi thực hiện hợp đồng, Nguyễn Hữu Hoàng đã thuê người làm giả thư bảo lãnh của các ngân hàng.
Căn cứ kết quả điều tra xác định Nguyễn Hữu Hoàng đã chỉ đạo Nguyễn Hoàng Mạnh, Hoàng Thị Thủy làm giả 28 tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Tiền Giang xây dựng 5 dự án điện gió tại vùng ven biển
Nhằm bổ sung nguồn điện cho lưới điện quốc gia và tạo nguồn thu ngân sách, tỉnh Tiền Giang đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện nhiều dự án điện gió ở vùng ven biển.
Một trong 5 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã phát điện |
Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, hiện Tỉnh có 5 dự án điện gió đã triển khai xây dựng tại địa bàn ven biển thuộc huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Trong đó, Dự án Điện gió Tân Phú Đông 1 đã hoàn thành và Chủ đầu tư Dự án đã ký kết hợp đồng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đấu nối điện lên lưới quốc gia. Dự án này có công suất 100 MW, cung cấp khoảng 307 triệu kWh/năm; tổng mức đầu tư khoảng 4.464 tỷ đồng.
Dự án Điện gió Tân Phú Đông 2 cũng đã hoàn thành và đưa vào vận hành phát điện từ ngày 30/10/2021 với công suất 100 MW, tổng sản lượng điện phát ra đến nay khoảng 191 triệu kWh.
Tỉnh Tiền Giang còn 3 dự án điện gió khác tại địa bàn xã Tân Điền, xã Tân Thành và xã Phước Trung (huyện Gò Công Đông) với tổng công suất 882 MW đang được xem xét bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Tỉnh Tiền Giang có bờ biển dài khoảng 32 km dọc theo 2 huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông nên có nhiều thuận lợi trong phát triển các dự án điện gió. UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản trình Bộ Công Thương xem xét thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung 4 dự án điện gió với tổng công suất 1.032 MW vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong những năm tới.
Hai cổ phiếu "họ" FLC bị đình chỉ giao dịch ngay khi được niêm yết trên UPCoM
Hai cổ phiếu "họ" FLC là AMD và GAB được chấp thuận niêm yết trên UPCoM nhưng đồng thời cũng bị đình chỉ giao dịch.
Công ty CP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC hoạt động trong các lĩnh vực: bất động sản - nghỉ dưỡng, quản lý tài sản, năng lượng tái tạo, vận tải hàng không, khai khoáng và vật liệu xây dựng. Ảnh minh họa |
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch hai cổ phiếu "họ" FLC là AMD và GAB. Cụ thể, HNX chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (mã chứng khoán AMD) được đăng ký giao dịch hơn 163,5 triệu cổ phiếu AMD, với ngày giao dịch đầu tiên là 19/7 và mức giá tham chiếu chào sàn 1.100 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trong cùng ngày, HNX cũng có quyết định đưa cổ phiếu AMD vào diện đình chỉ giao dịch từ 19/7.
Tương tự, HNX cũng chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (mã chứng khoán GAB) được đăng ký giao dịch hơn 14,9 triệu cổ phiếu với ngày giao dịch đầu tiên là 19/7 và giá tham chiếu chào sàn 196.400 đồng/cổ phiếu. Nhưng cổ phiếu GAB cũng bị đình chỉ giao dịch kể từ 19/7.
Lý do, các tổ chức đăng ký giao dịch trên là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch, các công ty trên phải gửi văn bản cho HNX giải trình nguyên nhân, đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị đình chỉ giao dịch.
Như vậy, dù 2 cổ phiếu "họ" FLC được niêm yết trên UPCoM nhưng vẫn bị đình chỉ giao dịch, tương tự các cổ phiếu khác trong hệ sinh thái này như FLC, ROS...
TP.HCM sẽ tăng thêm 52 phó chủ tịch cấp huyện, xã
TP. Thủ Đức, ba huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và 48 xã, phường, thị trấn có trên 50.000 dân sẽ có thêm phó chủ tịch UBND để giải quyết tình trạng quá tải công việc.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ khu vực 2 TP. Thủ Đức thường xuyên kín người |
Nội dung này được đề cập trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM do Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi vừa ký.
Theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, TP.HCM được hưởng cơ chế đặc thù về tổ chức bộ máy. Cụ thể, các huyện ở Thành phố được có 3 phó chủ tịch UBND; xã, phường, thị trấn dân số trên 50.000 dân được có 3 phó chủ tịch UBND.
TP.HCM hiện có 5 huyện, trong đó có 2 huyện loại 1 là Bình Chánh và Củ Chi đã có 3 phó chủ tịch UBND theo quy định. Còn 3 huyện loại 2 là Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ hiện chỉ có 2 phó chủ tịch. Riêng TP. Thủ Đức (thành lập năm 2020) được Quốc hội cho phép có 4 phó chủ tịch UBND và 2 phó chủ tịch HĐND.
Đối với cấp xã, qua khảo sát có 48 xã, phường, thị trấn có trên 50.000 dân. Các đơn vị hành chính này hiện chỉ có 2 phó chủ tịch UBND theo quy định. Do đó, khi triển khai Nghị quyết 98, TP.HCM sẽ được tăng thêm 4 phó chủ tịch UBND cấp huyện và 48 phó chủ tịch UBND cấp xã.
Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu Sở Nội vụ trình kế hoạch bổ sung các phó chủ tịch UBND cho TP. Thủ Đức, 3 huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và 48 xã, phường, thị trấn có trên 50.000 dân ngay trong tháng 7 này.
Giá gạo xuất khẩu cao nhất 10 năm
Nguồn cung gạo trên thế giới giảm, El Nino khiến nhiều quốc gia đua nhập gạo Việt, đẩy giá lên cao nhất 10 năm.
Lũy kế 6 tháng, giá gạo xuất khẩu ước đạt 539 USD/tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2022 - mức cao nhất 10 năm qua |
Số liệu mới nhất từ Hải quan cho thấy, nửa đầu năm, xuất khẩu gạo đạt hơn 4,2 triệu tấn, trị giá 2,26 tỷ USD, tăng trên 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo tính toán, trong tháng 6, giá gạo xuất khẩu đạt bình quân 650 USD một tấn, tăng 9,4% so với tháng 5 và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, giá gạo xuất khẩu ước đạt 539 USD một tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2022 - mức cao nhất 10 năm qua.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân khiến giá gạo tăng mạnh là nguồn cung gạo trên thế giới sụt giảm so với cùng kỳ 2022. El Nino xuất hiện buộc nhiều quốc gia tăng mua để dự trữ.
Tại Philippines, Bộ Nông nghiệp nước này dự báo El Nino trở lại, nguy cơ ảnh hưởng nặng nề tới sản lượng lương thực nội địa. Nước này dự kiến nhập 2 triệu tấn gạo trong năm nay bất chấp giá gạo liên tục tăng.
Thống kê cho thấy 5 tháng đầu năm, các thị trường chính là Philippines và Trung Quốc đều tăng trưởng mạnh ở mức 2 con số. Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang một số thị trường mới như Indonesia, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Senegal... ghi nhận mức tăng đột biến từ 1.100 - 16.000% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đến 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường ngày càng đa dạng, chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng chất lượng, giá trị gia tăng cao, thâm nhập được vào nhiều thị trường gạo cao cấp.
Công ty TNG bị phạt gần 370 triệu đồng vì xả nước thải vượt quy chuẩn
Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Vũ Tuấn Anh vừa ký quyết định xử phạt gần 370 triệu đồng đối với Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG do loạt vi phạm xả nước thải vượt quy chuẩn.
Một số nhà máy của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG vi phạm xả nước thải vượt quy chuẩn |
Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG xả nước thải có thông số NO3-N = 73.1mg/l, vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải tại Nhà máy May TNG Đồng Hỷ.
Nhà máy TNG Đại Từ xả nước thải có thông số TDS = 1,533mg/l, vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 3,1 lần trong trường hợp thải lượng nước thải 95 m3/ngày đêm, đồng thời xả nước thải có thông số Fe=1.116 mg/l vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần từ xưởng in.
Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG còn bị phát hiện bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Nhà máy phụ trợ TNG Sông Công, chưa có ô lưu giữ vỏ bao bì cứng bằng nhựa nhiễm thành phần nguy hại, không có thiết bị lưu giữ chất thải y tế…
Từ các hành vi vi phạm nêu trên, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Vũ Tuấn Anh đã ký quyết định xử phạt doanh nghiệp này tổng số tiền gần 370 triệu đồng.
Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG được thành lập từ năm 1979 với tiền thân là Xí nghiệp May Bắc Thái.
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dệt may, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG còn tham gia lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư khu đô thị, hạ tầng công nghiệp.
Đồng bộ hơn 2 triệu hồ sơ dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức
Các bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ dữ liệu trên 2 triệu hồ sơ về cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG).
Các bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ dữ liệu trên 2 triệu hồ sơ về cán bộ, công chức, viên chức |
Đây là thông tin được Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Nội vụ đưa ra trong kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Cụ thể, về cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước đã có 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với CSDLQG về cán bộ, công chức, viên chức (33 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố).
Trong đó có 54 bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ 100% dữ liệu, 25 bộ, ngành, địa phương đồng bộ trên 90% dữ liệu. Tổng số dữ liệu được đồng bộ đạt 2.073.460 hồ sơ (trong đó bộ, ngành là 125.746 hồ sơ; địa phương là 1.947.714 hồ sơ).
Bộ Nội vụ cũng cho biết, các cơ quan đã phối hợp triển khai hạ tầng truyền dẫn để kết nối từ bộ, ngành, địa phương đến Trung ương và thống nhất phương án, hỗ trợ khai thác trên mạng truyền số liệu chuyên dùng cho người dùng cuối (end-user) tại các bộ, ngành, địa phương để truy cập, sử dụng CSDLQG về cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời, các đơn vị của Bộ Nội vụ đã làm việc với Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện kết nối giữa CSDL cán bộ, công chức, viên chức ở cấp cơ sở đến CSDLQG về cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; đồng thời thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL cán bộ, công chức, viên chức ở cấp cơ sở với CSDLQG về cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ quản lý.