Bản tin thời sự sáng 16/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hơn 390.000 lượt khách đi metro Nhổn - ga Hà Nội trong tuần đầu vận hành; thống nhất thí điểm thời gian mở cửa khẩu Bắc Luân 2 từ ngày 1/9; nợ 10.000 giấy phép lái xe, Long An ra tối hậu thư với nhà thầu chây ì cung cấp phụ kiện; Hà Nội sắp chi gần 225 tỷ đồng xén dải phân cách, vỉa hè…

Hơn 390.000 lượt khách đi metro Nhổn - ga Hà Nội trong tuần đầu vận hành

Metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao thu hút 390.000 lượt khách trong một tuần vận hành, gấp 2,3 lần so với tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Người dân xếp hàng đi tàu điện tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội

Người dân xếp hàng đi tàu điện tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội

Ngày 15/8, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro, đơn vị quản lý, vận hành hai tuyến metro ở Hà Nội cho biết, từ ngày 8 - 14/8, metro Nhổn - ga Hà Nội chạy 1.370 chuyến, mỗi ngày 200 chuyến (trừ ngày đầu 170 chuyến).

Tổng số lượt khách vận chuyển hơn 390.000, trong đó, Chủ nhật 11/8 cao nhất 115.000 lượt. Trong cùng thời gian trên, tuyến Cát Linh - Hà Đông vận chuyển 166.000 lượt khách.

Do đang trong giai đoạn miễn phí, phần lớn hành khách đi trải nghiệm tàu Nhổn - ga Hà Nội sau 15 năm xây dựng. Một người có thể đi vài lượt trong ngày.

Dự án đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài là 12,5 km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó, đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5 km, đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4 km. Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng sau nhiều lần lùi tiến độ, đoạn trên cao chạy thương mại từ ngày 8/8, đoạn ngầm và toàn tuyến hoàn thành năm 2027.

Metro Nhổn - ga Hà Nội có 10 đoàn tàu, vận tốc tối đa 80 km/h, vận tốc khai thác trung bình 35 km/h. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở 236 hành khách, mỗi chuyến chở khoảng 950 khách.

Thống nhất thí điểm thời gian mở cửa khẩu Bắc Luân 2 từ ngày 1/9

Móng Cái (Quảng Ninh) và Đông Hưng (Trung Quốc) thống nhất thông quan cả ngày lễ, ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật (trừ ngày Tết) trong thời gian 3 tháng để đánh giá hiệu quả.

Các xe trung chuyển (xe điện) chở khách du lịch xuất cảnh đi qua vạch phân quảng cầu Bắc Luân 2.

Các xe trung chuyển (xe điện) chở khách du lịch xuất cảnh đi qua vạch phân quảng cầu Bắc Luân 2.

Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã tăng cường nhiều hoạt động hội đàm, trao đổi công tác với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động thương mại qua các cặp cửa khẩu, lối mở trên địa bàn thành phố Móng Cái.

Hai địa phương thống nhất thí điểm thời gian mở cửa khẩu Bắc Luân 2 từ 7 - 20 giờ (theo giờ Việt Nam) từ ngày 1/9; thông quan cả ngày lễ, ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật (trừ ngày Tết) trong khoảng thời gian 3 tháng để đánh giá hiệu quả.

Thành phố Móng Cái đề nghị chính quyền nhân dân thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) giảm chi phí thông quan cho doanh nghiệp; tăng hiệu suất, thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng; áp dụng linh hoạt cơ chế kiểm soát hàng hóa tương đồng với các cặp cửa khẩu khác trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai địa phương giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu hạn chế ùn tắc, tăng lưu lượng hàng hóa, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều (Việt Nam - Trung Quốc), giảm chi phí phát sinh lưu hàng hóa tại cửa khẩu.

Hai bên cũng đã trao đổi các vấn đề liên quan đến xây dựng công trình qua biên giới (cầu Sắt tại khu vực Km3+4 Hải Yên) để kết nối hạ tầng giao thông. Từ đó, từng bước nâng cấp thành cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế khi đây là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của hai nước Việt Nam-Trung Quốc và hai địa phương Móng Cái - Đông Hưng…

Nợ 10.000 giấy phép lái xe, Long An ra tối hậu thư với nhà thầu chây ì cung cấp phụ kiện

Đơn vị trúng thầu giao nhỏ giọt phụ kiện in, Long An phải mượn tạm từ các tỉnh nhưng còn nợ người dân hơn 10.000 giấy phép lái xe (GPLX).

Sở GTVT Long An đang xin UBND tỉnh cho phép tạm thời mua trực tiếp phụ kiện in GPLX từ Bộ Công an

Sở GTVT Long An đang xin UBND tỉnh cho phép tạm thời mua trực tiếp phụ kiện in GPLX từ Bộ Công an

Ông Đặng Hoàng Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Long An thông tin, Tỉnh hiện đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH MTV Máy tính Kết Nối, địa chỉ ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, phải đảm bảo tiến độ cung cấp phụ kiện in GPLX theo hợp đồng đấu thầu để đảm bảo cho người dân thuận lợi trong tham gia giao thông.

Đầu năm 2024, Sở GTVT tỉnh Long An thực hiện hợp đồng với Cục Đường bộ Việt Nam để được cung cấp phôi GPLX và màng dán bảo vệ. Riêng phần phụ kiện in (gồm mực, phim trung gian, thẻ làm sạch máy in) thực hiện đấu thầu công khai.

Ngày 4/7, sau khi đấu thầu, Sở đã ký kết gói thầu mua sắm phụ kiện in GPLX gồm 64 cuộn mực, 96 cuộn phim trung gian và 48 thẻ làm sạch với công ty nêu trên. Số phụ kiện này tương ứng in được 48.000 GPLX.

Tuy nhiên, đơn vị này chỉ mới giao được 1 cuộn mực và 1 cuộn phim trung gian. Trong khi trong hợp đồng trúng thầu, sau 41 ngày đơn vị này phải bắt đầu vận chuyển giao hàng.

Giải quyết vấn đề cấp bách, Sở GTVT Long An đã phải mượn thêm nguồn phụ kiện từ các tỉnh khác nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu in GPLX cho người dân đã qua sát hạch.

Ông Tuấn cho biết, theo quy định thời gian cấp GPLX chậm nhất không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch, 5 ngày từ lúc nhận đủ hồ sơ theo đúng quy định. Tuy nhiên, từ ngày 5/5 đến nay, Sở vẫn còn nợ hơn 10.000 GPLX chưa in.

Sở đã có văn bản yêu cầu công ty này cung cấp ngay lập tức lượng phụ kiện theo hợp đồng tương ứng với 30% số tiền tạm ứng và các chứng từ, chứng nhận chất lượng, xuất xứ hàng hóa trước ngày 31/8. Đồng thời, có văn bản gửi về Sở trước ngày 20/8 tới nêu rõ thời gian, tiến độ giao hàng, số lượng hàng hóa cung cấp trong từng đợt như đã cam kết và theo hợp đồng.

Quá thời hạn nêu trên, Sở GTVT Long An tiến hành thu hồi tạm ứng và báo cáo cấp có thẩm quyền để tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội sắp chi gần 225 tỷ đồng xén dải phân cách, vỉa hè

Sở GTVT TP. Hà Nội vừa trình UBND Thành phố thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường để giảm thiểu ùn tắc.

Tuyến đường Lê Văn Lương sẽ được xén bớt dải phân cách, vỉa hè mở rộng lòng đường cho lưu thông

Tuyến đường Lê Văn Lương sẽ được xén bớt dải phân cách, vỉa hè mở rộng lòng đường cho lưu thông

Theo Sở GTVT Hà Nội, Dự án cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường để giảm thiểu ùn tắc giao thông (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư dự kiến là gần 225 tỷ đồng, nguồn từ ngân sách UBND TP. Hà Nội. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 188 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án năm 2024 - 2027.

Theo đó, sẽ điều chỉnh kích thước vỉa hè, dải phân cách, tổ chức giao thông tại một số nút giao trên 7 tuyến đường: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến. Đây đều là những tuyến đường có mật độ phương tiện giao thông đặc biệt cao, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Đặc biệt, các tuyến đường Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu nằm trên trục tuyến buýt nhanh BRT, là trục giao thông xuyên tâm, do tập trung các phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông.

Việc đầu tư xây dựng Dự án cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường để giảm thiểu ùn tắc giao thông (giai đoạn 1) sẽ góp phần nâng cao khả năng thông hành, giảm ùn tắc giao thông…

Đơn vị tài trợ quy hoạch ở Bạc Liêu đều trúng đấu giá dự án

Hầu hết nhà tài trợ đồ án quy hoạch cho một số đơn vị, địa phương đều trúng đấu giá đất và dự án, nhà đầu tư khác khó tham gia, theo Thanh tra tỉnh Bạc Liêu.

Hầu hết nhà tài trợ đồ án quy hoạch cho một số đơn vị, địa phương đều trúng đấu giá đất và dự án. Ảnh minh họa

Hầu hết nhà tài trợ đồ án quy hoạch cho một số đơn vị, địa phương đều trúng đấu giá đất và dự án. Ảnh minh họa

Thông tin được nêu trong kết luận về quy hoạch ở địa phương vừa được Thanh tra tỉnh Bạc Liêu công bố. Việc kiểm tra được thực hiện ở Sở Xây dựng, UBND TP. Bạc Liêu và huyện Hòa Bình.

Cơ quan thanh tra tỉnh Bạc Liêu cho biết, công tác quy hoạch đem lại nhiều lợi ích thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh, song còn bộc lộ hạn chế, thiếu sót. Bởi phần lớn đơn vị tài trợ công tác quy hoạch sau đó trúng đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, dự án ở địa bàn.

Theo quy định, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí để lập quy hoạch, nhưng không cho phép tài trợ bằng đồ án quy hoạch. Trong khi đó, từ 2015 - 2022, UBND TP. Bạc Liêu nhận tài trợ 21 đồ án quy hoạch, huyện Hòa Bình nhận 2 đồ án quy hoạch.

Cơ quan thanh tra cho rằng, việc 2 đơn vị trên nhận tài trợ bằng đồ án là sai quy định. Kết quả các đơn vị tài trợ đều trúng đấu giá quyền sử dụng đất hoặc trúng thầu dự án, thiếu tính cạnh tranh công bằng, hạn chế nhà đầu tư tham gia.

Bên cạnh thiếu sót trên, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra một số đồ án chưa đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất, thiếu tính đồng bộ, chất lượng không cao, sau khi phê duyệt không công khai, cắm mốc quy hoạch. Nhiều đồ án phê duyệt nhiều năm nhưng chậm triển khai, tỷ lệ thực hiện đạt thấp hoặc chưa tìm được nhà đầu tư...

Thêm mỏ cát sông Hậu được khai thác phục vụ dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Mỏ cát trên sông Hậu được đưa vào khai thác, cung cấp cho Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, với trữ lượng cát được phép khai thác gần 1,2 triệu m3.

Khai thác mỏ cát mới phục vụ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1

Khai thác mỏ cát mới phục vụ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1

Ngày 15/8, tại mỏ cát trên sông Hậu đoạn qua xã Phong Nẫm và xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách, Sóc Trăng), Công ty CP Bê tông Cửu Long tổ chức khởi công khai thác cát cung cấp cho dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Mỏ cát có diện tích 34ha, trữ lượng cát được phép khai thác gần 1,2 triệu m3, thời gian khai thác đến hết tháng 8/2028.

Đây là 1 trong 5 mỏ cát trên sông Hậu thuộc tỉnh Sóc Trăng được cấp phép khai thác cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù để thi công Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tổng trữ lượng cát của 5 mỏ hơn 11 triệu m3.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 44.000 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần và giao UBND các tỉnh, thành phố làm chủ đầu tư các đoạn qua địa phương mình. Trong đó, Dự án thành phần 4 qua địa bàn Sóc Trăng dài hơn 58 km, tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng.

TP.HCM dừng làm 6 tuyến xe buýt nhanh

TP.HCM sẽ bỏ 6 tuyến xe buýt nhanh (BRT) ra khỏi quy hoạch sau nhiều năm chậm trễ triển khai.

Phối cảnh tuyến buýt nhanh BRT số 1 của TP.HCM
Phối cảnh tuyến buýt nhanh BRT số 1 của TP.HCM

Theo dự thảo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Thành phố bỏ các tuyến BRT số 1, 2, 3, 4, 5, 6 đã quy hoạch theo Quyết định số 568/QĐ-TTg về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

TP.HCM sẽ bổ sung 3 tuyến BRT khác, gồm: Tân Kiên (Bình Chánh) - cầu Phú Long (quận 12); Nhị Bình (Hóc Môn) - Vĩnh Lộc (Bình Chánh); Cần Giờ - Phú Mỹ Hưng (quận 7). Nếu nhu cầu được dự báo trên các hướng tuyến vượt quá năng lực của tuyến BRT thì sẽ được thay thế bằng loại hình có năng lực cao hơn như đường sắt đô thị.

Thực tế, trong 6 tuyến BRT đã quy hoạch, chỉ có tuyến số 1 dài 26 km được phê duyệt năm 2013, tổng mức đầu tư gần 156 triệu USD. Theo hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, tuyến BRT số 1 đi qua các quận, huyện, gồm: Bình Chánh, Bình Tân, 8, 6, 1, TP Thủ Đức và tương lai kết nối Metro số 1, 2, 3A và 5.

Tuy nhiên, đến năm 2017, UBND TP.HCM quyết định tạm dừng dự án do lo ngại không hiệu quả. Đến cuối năm 2020, TP.HCM khởi động lại tuyến BRT số 1, vốn điều chỉnh giảm còn 143 triệu USD, gồm hơn 121 triệu USD từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), còn lại vốn đối ứng trong nước. Đến năm 2021, một lần nữa tuyến BRT số 1 lại bị Sở GTVT TP.HCM kiến nghị tạm dừng triển khai do lo ngại lượng khách không đạt dự báo.

Ngoài ra, tuyến Metro số 1 chậm đưa vào khai thác, các tuyến xe buýt gom, các giải pháp phát triển hạ tầng, giao thông công cộng cùng kiểm soát xe cá nhân chưa triển khai... cũng ảnh hưởng buýt nhanh khi vận hành. Tháng 8/2023, Thành ủy TP.HCM thống nhất chủ trương ngưng thực hiện dự án BRT số 1 theo đề nghị của WB.

Hà Nội chấn chỉnh hoạt động đón, trả khách du lịch trong phố cổ

Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội thông tin, bước vào tháng cao điểm du lịch, lượng khách tham quan gia tăng tại khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm).

CSGT tuần tra, xử lý xe khách, xe hợp đồng vi phạm trong khu vực phố cổ

CSGT tuần tra, xử lý xe khách, xe hợp đồng vi phạm trong khu vực phố cổ

Các xe khách, limousine… đón, trả khách hằng ngày tại các cơ sở lưu trú, điểm tham quan chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ gây ùn ứ giao thông. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông chỉ đạo Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp xe khách dừng, đỗ không đúng quy định.

Thiếu tá Nguyễn Hoàng Ninh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cho biết, Hoàn Kiếm là quận trung tâm nên việc quản lý xe chở khách du lịch được đơn vị đặc biệt coi trọng.

Qua khảo sát, vi phạm trên các tuyến phố Hàng Bông, Hàng Gai, Tràng Thi, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng… đã giảm khi chủ khách sạn được vận động, tuyên truyền bố trí đón, đưa khách tránh giờ cao điểm. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp xe khách, xe limousine… chạy lẻ, lợi dụng không có lực lượng chức năng để hoạt động.

Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 đã tăng cường các tổ tuần tra cơ động, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ để khi phát hiện vi phạm kịp thời có mặt xử lý nghiêm các trường hợp này.

Từ ngày 15/7 đến nay, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 đã xử lý 230 trường hợp vi phạm dừng, đỗ; phạt tiền hơn 80 triệu đồng, giữ 230 giấy phép lái xe các loại. Thời gian tới, Đội tăng cường phối hợp cùng Công an quận Hoàn Kiếm, Thanh tra giao thông và lực lượng chức năng xử lý nghiêm hành vi đón trả khách du lịch trong giờ cao điểm, xe xích lô đi thành hàng dài gây ách tắc giao thông...