19 quận, huyện tại Hà Nội được mở hàng ăn uống bán mang về
Những quận, huyện tại Hà Nội không ghi nhận ca mắc cộng đồng tính từ ngày 6/9, sẽ được mở lại cửa hàng ăn uống bán mang về và một số cơ sở dịch vụ khác.
19 quận, huyện tại Hà Nội được mở hàng ăn uống bán mang về |
Chiều 15/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành công văn điều chỉnh một số biện pháp chống dịch trên địa bàn.
Theo đó, từ 12h ngày 16/9, các quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm cộng đồng (từ ngày 6/9) được phép cho hoạt động trở lại đối với cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng.
Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng được hoạt động, song chỉ bán mang về, và đóng cửa trước 21h hàng ngày. Thành phố yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ thực hiện đầy đủ biện pháp phòng chống dịch.
Theo thống kê của CDC Hà Nội, tính từ 6h ngày 6/9/2021 đến 18h ngày 15/9/2021 có 19 quận, huyện, thị xã không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa và Tây Hồ.
Các sở ngành, quận huyện ở thủ đô sẽ đánh giá kết quả thực hiện gian giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh và báo cáo, đề xuất lãnh đạo Thành phố biện pháp chống dịch, phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ngày 21/9.
Thành phố lưu ý tránh 2 khuynh hướng: lơ là, chủ quan, say sưa với kết quả ban đầu sau thời gian dài chống dịch; nóng vội, chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng.
Theo UBND TP. Hà Nội, hiện trên địa bàn chỉ còn một quận nguy cơ rất cao về dịch bệnh (Thanh Xuân), 2 quận nguy cơ cao (Hoàng Mai, Đống Đa), 8 quận, huyện nguy cơ và 19 quận, huyện, thị xã còn lại ở mức bình thường mới.
TP.HCM nới hoạt động, hàng quán bán tới 21h trong 2 tuần tiếp tục giãn cách
Công bố những thay đổi biện pháp phòng, chống Covid-19 trên địa bàn kể từ 0h ngày 16/9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình thông tin thêm về phương án cấp giấy đi đường, nới dần các hoạt động...
TP.HCM nới hoạt động, hàng quán bán tới 21h trong 2 tuần tiếp tục giãn cách |
Cụ thể, ông Lê Hòa Bình cho biết, TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch trên toàn địa bàn theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 16/9 đến ngày 30/9. Các giấy đi đường công an đã cấp cho 17 nhóm công việc được ra đường tiếp tục có hiệu lực đến hết ngày 30/9.
Các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch như Quận 7, Củ Chi, Cần Giờ, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn các quận này thí điểm người dân được đi chợ một lần mỗi tuần; bổ sung các lĩnh vực sản xuất được hoạt động theo kế hoạch của UBND các địa phương, tuân thủ tiêu chí an toàn phòng dịch.
Ông Bình cho biết sắp tới 3 địa bàn sẽ thí điểm 2 tuần "thẻ xanh Covid" gắn với mã QR cá nhân… Sau 2 tuần thí điểm, Thành phố sẽ xem xét áp dụng cho các địa phương khác.
Từ ngày 16/9, đội ngũ giao hàng sử dụng công nghệ (shipper) được hoạt động từ 6h đến 21h, được đi liên quận, tạo tiện lợi cho người dân mua hàng, đáp ứng nhu cầu; shipper phải xét nghiệm gộp 3 hai ngày một lần, Thành phố hỗ trợ kinh phí.
Ngoài ra, các hộ kinh doanh được hoạt động từ 6h đến 21h ở các ngành nghề: dịch vụ bưu chính, thiết bị tin học, thiết bị học tập, dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, hoạt động phương thực "3 tại chỗ"; nông nghiệp; bảo trì công trình, máy móc phương tiện, bảo trì phương tiện giao thông vận tải; sản xuất chế biến kinh doanh lương thực. Các công trình xây dựng được phép thi công nếu tuân thủ quy định phòng dịch.
Tại các công viên thuộc khu dân cư, chung cư thuộc "vùng xanh", chính quyền địa phương xem xét quyết định, cho phép người dân đến tập thể dục nếu đảm bảo an toàn, tuân thủ 5K...
Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc
Ngành giao thông dự kiến đến năm 2030 sẽ hoàn thành khoảng 5.000 km đường cao tốc trên cả nước và xây dựng 172 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 29.795 km.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay sẽ kết nối với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây |
Đây là nội dung trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, được Bộ Giao thông vận tải vừa công bố.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, đây là quy hoạch đầu tiên trong 5 quy hoạch chuyên ngành được Thủ tướng phê duyệt. Bên cạnh mục tiêu đến năm 2030 nêu trên, quy hoạch dự kiến đến năm 2050 sẽ hình thành 41 tuyến với 9.014 km cao tốc; quy hoạch đường ven biển vào hệ thống quốc lộ; điều chỉnh chiều dài và quy mô đối với cao tốc vành đai đô thị Hà Nội, TP.HCM, tuỳ theo nhu cầu phát triển đô thị, có thể đi trên cao một số đoạn...
Mạng lưới cao tốc đến năm 2050 gồm trục dọc 2 tuyến: cao tốc Bắc - Nam phía Đông (từ Lạng Sơn - Cà Mau) chiều dài khoảng 2.063 km; cao tốc Bắc - Nam phía Tây, chiều dài khoảng 1.205 km.
Cao tốc khu vực phía Bắc 14 tuyến, chiều dài khoảng 2.305 km; miền Trung - Tây Nguyên 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.431 km; miền Nam 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.290 km.
Vành đai đô thị Thủ đô Hà Nội gồm 3 tuyến cao tốc, chiều dài khoảng 425 km; vành đai đô thị TP.HCM 2 tuyến, chiều dài khoảng 295 km.
Hệ thống quốc lộ bao gồm 172 tuyến với tổng chiều dài khoảng 29.795 km (tăng 5.474 km so với năm 2021). Trong đó, Quốc lộ 1 từ Cửa khẩu Hữu Nghị, huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) đến huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) có chiều dài 2.482 km…
Phân bổ gần 2,6 triệu liều vaccine AstraZeneca cho các địa phương
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có quyết định phân bổ gần 2,6 triệu liều vaccine AstraZeneca cho 51 tỉnh, thành phố và các bệnh viện tuyến Trung ương.
Gần 2,6 triệu liều vaccine AstraZeneca vừa được phân bổ cho 51 tỉnh, thành phố và các bệnh viện tuyến Trung ương |
Đây là lần phân bổ mới nhất của cơ quan này (gộp 3 đợt 39, 40 và 41), với vaccine được tiếp nhận từ 3 nguồn gồm: Công ty VNVC mua và bàn giao cho Bộ Y tế, do Chính phủ Bỉ tài trợ và từ cơ chế COVAX.
Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc sẽ tiếp nhận gần 1.380.000 liều để phân bổ cho 25 tỉnh, thành phố. Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Trung tiếp nhận 660.000 liều để phân bổ cho 8 địa phương.
Văn phòng tiêm chủng mở rộng Tây Nguyên tiếp nhận 140.000 liều để phân bổ cho 4 tỉnh, còn Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Nam, Viện Pasteur TP.HCM sẽ nhận hơn 329.000 liều để phân bổ cho 11 tỉnh, thành phố (không có TP.HCM).
Các bệnh viện tuyến Trung ương sẽ tiếp nhận gần 84.000 liều.
Theo quyết định này, Hà Nội nhận gần 600.000 liều vaccine. Đây là lần thứ 3 trong vòng một tuần qua, Hà Nội được phân bổ thêm vaccine.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 37 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó hơn 31 triệu liều đã được tiêm. Bộ Y tế cho biết từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ tiếp nhận khoảng 103 triệu liều vaccine từ nhiều nguồn khác nhau.
Đồng Nai chỉ mở cửa vùng xanh sau ngày 20/9
Các vùng đỏ, cam, vàng của Đồng Nai vẫn tiếp tục "khóa chặt" dù tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 đạt 100%.
Đồng Nai chỉ mở cửa vùng xanh sau ngày 20/9 |
UBND tỉnh Đồng Nai đã dự thảo kế hoạch mở cửa, từng bước phục hồi kinh tế sau ngày 20/9. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất chỉ mở cửa vùng xanh; các vùng đỏ, cam, vàng sẽ tiếp tục "khóa chặt" theo Chỉ thị 16 dù tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 đạt 100%.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, các huyện, thành phố có vùng xanh sẽ dựa vào kế hoạch của UBND Tỉnh để ban hành kế hoạch cụ thể cho từng địa phương. Chính quyền dựa vào tỷ lệ tiêm vaccine để áp dụng hình thức giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 19 hoặc bình thường mới.
Đối với những vùng bình thường mới, Tỉnh cho phép các dịch vụ, hoạt động kinh tế được mở cửa nhưng giới hạn không quá 30 người. Riêng các hoạt động không thiết yếu như karaoke, bar, massage, nhà hàng... vẫn chưa được mở cửa.
Dự thảo kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai cho phép học sinh ở vùng bình thường mới được đi học. Tuy nhiên, qua góp ý về việc này có thể tạo ra sự không đồng bộ do đó tất cả học sinh ở Đồng Nai vẫn học trực tuyến.
Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, xã phường nào xanh sẽ được mở cửa, trong xã phường vẫn còn khu phố, ấp chưa xanh thì chưa được mở cửa.
Tuy nhiên, ông Lĩnh gợi ý, sau 10 ngày triển khai mở cửa vùng xanh, nếu thấy tự tin thì Đồng Nai có thể tiếp tục cho mở khu phố xanh, ấp xanh.
Đồng Nai có tổng 170 xã phường, trong đó 75 xã vùng xanh, còn lại là vàng, cam đỏ. Tỉnh đang cho vẽ lại bản đồ vùng xanh đến tận các khu phố, ấp để dần nới rộng, mở cửa vùng xanh, sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Cao tốc Bắc-Nam thiếu hụt khoảng 23 triệu m3 đất đắp
Vướng mắc về thủ tục khi cấp phép khai thác vật liệu tại địa phương khiến tuyến cao tốc Bắc - Nam đang thiếu hụt khoảng 23 triệu m3 đất đắp.
Cao tốc Bắc Nam thiếu hụt khoảng 23 triệu m3 đất đắp |
Theo Bộ Giao thông bận tải, hiện 10 trong số 11 dự án thành phần đạt giá trị sản lượng hơn 8.900 tỷ đồng (25% tổng giá trị hợp đồng). Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo chuẩn bị khởi công vào tháng 10.
Hiện nay, nhiều dự án bị thiếu vật liệu, như Mai Sơn - Quốc lộ 45 cần khoảng 6 triệu m3 khối đất, trong khi đó các mỏ đã cấp phép khai thác trên địa bàn chỉ có công suất 1,9 triệu m3/năm. Dự án Cam Lộ - La Sơn cần 1,8 triệu m3 nhưng các mỏ đã cấp phép đang khai thác chỉ cung cấp hơn 400.000 m3.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP Vinaconex Dương Văn Mậu cho biết, hiện nhà thầu đã huy động hàng trăm đầu thiết bị, hàng trăm kỹ sư để phục vụ thi công dự án. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vật liệu đất đắp nên đang phải nằm chờ, dẫn điến thiệt hại rất lớn cho nhà thầu, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Theo Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, hiện nay các địa phương đã quy hoạch 189 mỏ để cung cấp nguyên vật liệu cho tuyến cao tốc. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 để tháo gỡ, giảm bớt thủ tục, nâng công suất khai thác các mỏ và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ.
Tuy nhiên, địa phương vẫn gặp vướng mắc về thủ tục khai thác đối với các mỏ mới, như cấp phép thăm dò; phê duyệt trữ lượng; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; thiết kế mỏ; cấp quyền khai thác; thuê đất... theo quy định của Luật Khoáng sản.
13 địa phương mà cao tốc đi qua có đặc điểm riêng, như Vĩnh Long và Tiền Giang không có mỏ đất sét đủ điều kiện để đắp nền đường, phải lấy từ nơi khác; Đồng Nai, Bình Thuận có mỏ nhưng xa điểm thi công, làm tăng chi phí vận chuyển…
Người dân Bình Dương được lưu thông trên toàn Tỉnh từ 20/9
Bình Dương cho phép người dân lưu thông trên địa bàn huyện, thị, thành phố từ ngày 16 - 20/9; sau ngày 20/9, cho phép người dân lưu thông trong phạm vi toàn Tỉnh.
Người dân Bình Dương xuất trình giấy tờ khi qua chốt kiểm soát |
Giám đốc Sở GTVT Bình Dương Nguyễn Anh Minh đã ban hành văn bản hướng dẫn lưu thông trên địa bàn Tỉnh trong trạng thái bình thường mới sau ngày 15/9.
Cụ thể, từ ngày 16 - 20/9, Bình Dương cho phép người dân lưu thông trên địa bàn huyện, thị, thành phố; sau ngày 20/9, cho phép người dân lưu thông trong phạm vi toàn Tỉnh.
Ngoài ra, Bình Dương tiếp tục giữ chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, rút bớt lực lượng ở khu vực xanh để tăng cường cho khu vực có nguy cơ như vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ và ranh giới với các địa phương.
Tỉnh cho phép phương tiện giao thông qua lại giữa các địa phương trên địa bàn Tỉnh và tỉnh lân cận theo quy định kiểm soát dịch bệnh của từng nơi.
Về việc đi lại của người dân, Tỉnh cho phép người đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, tiêm 1 mũi vaccine 14 ngày trở lên hoặc F0 đã khỏi bệnh không quá 6 tháng được tham gia giao thông. Người già, trẻ em, người có bệnh nền không tham gia lưu thông khi không thật sự cần thiết. Người lao động cần có thêm giấy xác nhận đang làm việc tại doanh nghiệp để di chuyển từ nơi ở đến nơi sản xuất…