Bản tin thời sự sáng 1/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT để hạ giá xăng; cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc 'có vụ lợi' trong vụ Việt Á; lên phương án dỡ 12 ụ bê tông trong Tân Sơn Nhất; giá xăng ngày 1/7 có thể giảm nhẹ sau 7 lần tăng liên tiếp…

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT để hạ giá xăng

Sau thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT để kìm giá xăng.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT

Thông tin này vừa được đại diện Bộ Tài chính chia sẻ. Nhưng vị này chưa tiết lộ chi tiết mức giảm cụ thể với các loại thuế trên. Nếu Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ trình phương án này lên các thành viên của Chính phủ.

Theo quy trình, dự thảo nghị định giảm thuế phải xin ý kiến các bộ, ngành và sự thẩm định của Bộ Tư pháp. Sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sẽ trình xin ý kiến Chính phủ. Giảm thuế là giải pháp cần được làm nhanh nên thường được thực hiện theo trình tự rút gọn, việc lấy ý kiến các bên có thể chỉ mất 3 - 5 ngày. Còn thời hạn thẩm định, thẩm tra là 7 ngày (giảm 8 ngày so với thông thường). Như vậy, thời gian lấy ý kiến và thẩm định dự thảo nghị định giảm thuế theo thủ tục rút gọn kéo dài từ 7 - 27 ngày.

Tuy chưa công bố phương án cụ thể, song đây cũng là động thái ghi nhận hành động quyết liệt hơn của Bộ Tài chính để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường về mức sàn đối với xăng, dầu. Tuy nhiên, mức giảm thêm 1.000 đồng (xăng), 500 đồng (dầu), theo các chuyên gia, vẫn quá ít và không còn mấy tác dụng như đợt giảm thuế cách đây 3 tháng. Do đó, việc giảm thêm các loại thuế khác như tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng (VAT) là cần thiết lúc này.

Hiện nay, bốn loại thuế đánh trên mỗi lít xăng, dầu gồm: thuế nhập khẩu 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế bảo vệ môi trường (1.900 - 2.000 đồng với xăng; 1.000 đồng một lít với dầu) và thuế VAT 10%.

Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc 'có vụ lợi' trong vụ Việt Á

C03 xác định cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long có "vụ lợi trong vụ án Việt Á" nên khởi tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc 'có vụ lợi' trong vụ Việt Á

Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc 'có vụ lợi' trong vụ Việt Á

Chiều 30/6, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Cục phó Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết, vụ án có 4 nhóm tội danh song "trung tâm là sai phạm liên quan đến sản xuất, thông đồng, móc ngoặc để vi phạm về đấu thầu và chi tiền % ngoài hợp đồng".

Theo đại diện C03, bộ kit xét nghiệm do Việt Á sản xuất là sản phẩm nghiên cứu đề tài cấp quốc gia. Bởi vậy, 3 triệu kit test nhanh Việt Á nhập khẩu từ Trung Quốc không liên quan vụ án. Đây là hàng tài trợ chứ không có chuyện đưa vào dán tem mác của Việt Á.

Trước tin đồn ông Long cùng ông Nguyễn Quang Tuấn, Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đã tử vong khi bị tạm giam, C03 giải thích "đây là thông tin sai sự thật". Hai bị can vẫn đang được giam giữ "với chế độ đúng quy định, tâm lý bình thường".

Sau 6 tháng đồng loạt điều tra các sai phạm liên quan Công ty Việt Á, Cơ quan điều tra Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố hơn 70 người. Trong đó có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng hàng loạt giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), cán bộ Sở Y tế các tỉnh. Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng cũng khởi tố một vụ án khác, bắt hai sĩ quan.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, để thu lợi bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit. Ngoài "bắt tay" với cán bộ, lãnh đạo các CDC để thông thầu, lãnh đạo Việt Á còn chi % ngoài hợp đồng gần 800 tỷ đồng cho nhiều cá nhân, đơn vị.

Lên phương án dỡ 12 ụ bê tông trong Tân Sơn Nhất

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu ý kiến bộ ngành về xử lý ụ bê tông ở sân bay Tân Sơn Nhất nhằm khai thác máy bay cỡ lớn.

Ụ bê tông thuộc công trình quốc phòng trong sân bay Tân Sơn Nhất

Ụ bê tông thuộc công trình quốc phòng trong sân bay Tân Sơn Nhất

Chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về xử lý ụ bê tông trong sân bay vừa được Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng cùng đơn vị liên quan. Động thái này đưa ra sau khi Bộ Giao thông vận tải đề xuất dỡ các ụ bê tông để khai thác hiệu quả Dự án nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất, được các bên liên quan đồng ý chủ trương.

12 ụ bê tông dài gần 20 m, rộng hơn 10 m, cao gần 3 m, hình chữ U, trước năm 1975 làm nơi trú ẩn cho máy bay chiến đấu. Hiện, dãy công trình này do Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý. Các ụ bê tông nằm trong vị trí xây mương thoát nước và đường lăn W11A, ảnh hưởng khai thác máy bay cỡ lớn.

Sau đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, các bên liên quan đã có ý kiến về việc phá dỡ cũng như thủ tục triển khai. Phía Bộ Quốc phòng nhất trí chủ trương tháo dỡ nhưng đề nghị Bộ Giao thông vận tải có phương án xây mới, đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng. Ngành giao thông cần làm rõ các nội dung sử dụng đất quốc phòng cũng như loại tài sản của 12 ụ bê tông, để báo cáo Thủ tướng xem xét.

Giá xăng ngày 1/7 có thể giảm nhẹ sau 7 lần tăng liên tiếp

Với việc giá thế giới tuần qua đi xuống, theo lãnh đạo các doanh nghiệp đầu mối, giá xăng trong nước ngày 1/7 có thể giảm nhẹ 100 - 200 đồng.

Giá xăng ngày 1/7 có thể giảm nhẹ

Giá xăng ngày 1/7 có thể giảm nhẹ

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 28/6 với RON 92 là 147,5 USD một thùng, còn RON 95 là 154,77 USD một thùng, giảm nhẹ so với chu kỳ trước.

Do đó, theo tính toán của lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP.HCM, bình quân giá nhập vào đang giảm khoảng 1 - 2% so với kỳ trước. Ngày 1/7, nếu nhà điều hành không sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm 50 - 150 đồng một lít, còn dầu giảm khoảng 200 đồng. Ở chiều ngược lại, nếu dùng Quỹ bình ổn, giá xăng và dầu sẽ đi ngang.

Chung quan điểm, lãnh đạo đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, xăng dầu đã tăng liên tiếp nhiều tháng qua nên kỳ điều hành này, nhà điều hành có thể thiên về phương án không trích Quỹ để hạ nhiệt. Nếu tính toán kỹ lưỡng, xăng có thể giảm tối đa 300 đồng một lít.

Tại kỳ điều hành ngày 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380 - 990 đồng một lít.

Theo đó, mỗi lít E5 RON 92 giá hiện là 31.300 đồng; RON 95-III là 32.870 đồng. Dầu diesel tăng mạnh nhất, lên mức 30.010 đồng, dầu hỏa là 28.780 đồng một lít còn dầu mazut là 20.730 đồng một kg.

TP.HCM đề xuất 6 tỷ USD đầu tư cảng trung chuyển quốc tế ở Cần Giờ

Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ sẽ tiếp nhận các tàu container trọng tải lớn nhất thế giới, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước và phát triển kinh tế biển cho cả nước.

Phà Bình Khánh kết nối giao thông Cần Giờ với khu vực phía nam của TP.HCM

Phà Bình Khánh kết nối giao thông Cần Giờ với khu vực phía nam của TP.HCM

Ngày 30/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị khẩn Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp Thành phố đánh giá lợi thế, cơ hội và khả năng đáp ứng các điều kiện hình thành cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ.

Dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ có quy mô 7,2 km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 Teus). Công suất thông qua của cảng này 10 - 15 triệu Teus. Tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD.

Dự kiến, công trình được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư. Trong đó, thời gian xây dựng và hoàn thành giai đoạn 1 là 2024 - 2027. Giai đoạn cuối được đầu tư và đưa vào khai thác vào năm 2040.

Theo UBND TP.HCM, khu bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép có vị trí thuận lợi về độ sâu luồng. Vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quốc tế có thể đáp ứng tàu container (trọng tải 24.000 Teus), đi qua châu Âu, châu Phi, châu Mỹ.

Việc hình thành cảng container trung chuyển quốc tế tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, tạo sự đột phá phát triển kinh tế biển cho TP.HCM và cả nước.

UBND TP.HCM cho biết, sản lượng thông qua cảng biển trên địa bàn liên tục tăng trưởng qua các giai đoạn 2015 - 2020, 2021 - 2025. Đặc biệt trong năm 2021, sản lượng hàng hóa qua cảng biển TP.HCM đạt 164,19 triệu tấn, tăng 40% so với quy hoạch năm 2020 là 116,9 triệu tấn và vượt 2,63% so với quy hoạch đến năm 2030 là gần 160 triệu tấn.

Tin cùng chuyên mục