Bản tin thời sự sáng 1/7

(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là phiên đấu giá biển số ô tô đầu tiên diễn ra trong tháng 8; tiền ảo Pi bị điều tra tại Việt Nam; TP.HCM có 25 dự án chung cư chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nhưng đã hoạt động; đề xuất mở rộng nút giao cao tốc Bến Lức - Quốc lộ 50; giá gas xuống mức thấp nhất trong năm…

Phiên đấu giá biển số ô tô đầu tiên diễn ra trong tháng 8

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, phiên đấu giá biển số ô tô đầu tiên dự kiến diễn ra từ 15 tới 20/8.

Mỗi phiên đấu giá sẽ có nhiều cuộc đấu giá với số lượng biển nhất định, phụ thuộc thị trường và nhu cầu của người dân

Mỗi phiên đấu giá sẽ có nhiều cuộc đấu giá với số lượng biển nhất định, phụ thuộc thị trường và nhu cầu của người dân

Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, phiên đấu giá diễn ra sau khi hoàn thành thẩm định và đưa một lượng biển số của 63 tỉnh thành lên mạng để người dân lựa chọn. Cục Cảnh sát giao thông đang lựa chọn tổ chức đấu giá có năng lực và ký hợp đồng với đơn vị đấu giá.

Với dự kiến cấp ra khoảng 100.000 biển số mỗi quý, người dân có thể tham gia đấu giá ở tất cả địa phương trên cả nước. Mỗi phiên đấu giá sẽ có nhiều cuộc đấu giá với số lượng biển nhất định, phụ thuộc thị trường và nhu cầu của người dân.

Trước đó, ngày 26/6, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều về thí điểm đấu giá biển số ô tô.

Theo đó, Bộ trưởng Công an quyết định số lượng biển số ô tô đấu giá tại mỗi phiên, gồm biển số xe của các tỉnh, thành, ký hiệu series A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z nền trắng, chữ, số màu đen. Các biển này chưa được đăng ký, dự kiến cấp mới, đang trong hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an.

Bộ Công an ký hợp đồng với một tổ chức đấu giá tài sản để đấu giá biển số xe. Danh sách biển số xe đưa ra đấu giá được công khai 30 ngày trước phiên đấu giá.

Việc đăng ký và tổ chức đấu giá theo hình thức trực tuyến. Người tham gia được cấp tài khoản truy cập, hướng dẫn cách sử dụng tài khoản, cách trả giá. Công dân nộp tiền hồ sơ, tiền đặt trước của biển số xe đã chọn vào tài khoản của tổ chức đấu giá, sau đó được cấp mã số tham gia.

Tiền ảo Pi bị điều tra tại Việt Nam

Đại diện cơ quan pháp luật cho biết đang phối hợp với công an địa phương điều tra các hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi.

A05 đang phối hợp với công an các địa phương điều tra hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi

A05 đang phối hợp với công an các địa phương điều tra hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi

Thiếu tướng Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cho biết, việc các mô hình tiền ảo như Pi hoạt động thời gian qua rất phức tạp, chưa quản lý được. Không có hoạt động kinh doanh nào có được mức lợi nhuận cao như vậy trên môi trường không gian mạng.

Theo ông Minh, thời gian qua có những dấu hiệu của hoạt động lôi kéo, tiền người trước trả cho người sau trong những mô hình kinh doanh theo dạng nhị phân, đa cấp. "Đối với hoạt động tiền ảo Pi, A05 đang phối hợp với công an ở các địa phương điều tra", ông Minh nói. "Cụ thể thế nào, chúng tôi sẽ có trao đổi khi giải quyết, xử lý các vụ liên quan".

Bên cạnh đó, A05 khuyến cáo người dân thận trọng trước hành vi lôi kéo tham gia mô hình tiền ảo có lợi nhuận cao bất thường, hoặc mô hình đa cấp. "Các hoạt động như vậy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro", ông Minh cho biết.

Pi Network ra đời đầu năm 2019 và rộ lên tại Việt Nam từ năm 2021. Tiền ảo này nhiều lần bị cảnh báo thiếu tính minh bạch của một dự án blockchain, thậm chí không loại trừ khả năng lừa đảo, có thể được tạo để thu thập thông tin người dùng.

Theo một chuyên gia về blockchain tại TP.HCM, nhiều người vẫn tin vào Pi vì cho rằng họ không mất gì, dù phải đánh đổi tài nguyên điện thoại, nguy cơ mất dữ liệu cá nhân và phải xem quảng cáo. Bên cạnh đó, một số mong chờ Pi có thể có giá nghìn USD như Bitcoin nên "không muốn mất cơ hội".

Tiền ảo Pi hiện chưa có giá, nhưng thời gian qua, nhiều người được cho là đã giao dịch Pi theo dạng "đồng thuận", tức tự thỏa thuận giá với nhau. Hiện việc giao dịch tiền ảo không được phép và vi phạm pháp luật tại Việt Nam.

TP.HCM có 25 dự án chung cư chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nhưng đã hoạt động

Các dự án nổi bật bao gồm: Ehome S Phú Hữu, chung cư NewCity, chung cư Lê Thành khu A2 - A3, chung cư La Astroria, cao ốc Đảo Kim Cương...

Trong 25 dự án chung cư tại TP.HCM chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy có nhiều toà cao từ 22 - 30 tầng. Ảnh minh họa

Trong 25 dự án chung cư tại TP.HCM chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy có nhiều toà cao từ 22 - 30 tầng. Ảnh minh họa

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, hiện trên địa bàn TP.HCM còn tồn tại 25 công trình, hạng mục chưa tiến hành nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy nhưng đã đưa vào hoạt động.

Trong đó, nổi bật là các dự án: Ehome S Phú Hữu (phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức) do Công ty CP Đầu tư Nam Phan (công ty con của Nam Long) làm chủ đầu tư. Dự án này có 4 block cao 12 tầng.

Chung cư NewCity (phường An Khánh, TP. Thủ Đức) do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thuận Việt làm chủ đầu tư. Dự án hơn 28 ha này có tháp chung cư cao 25 - 29 tầng.

Cao ốc Đảo Kim Cương do Công ty CP Bất động sản Bình Thiên An (phường Bình Trưng Tây, TP. Thủ Đức) làm chủ đầu tư với các tòa tháp cao 22 - 30 tầng.

Chung cư Lê Thành khu A2 - A3 (Bình Tân) do Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành làm chủ đầu tư. Ngoài ra còn có tòa cao ốc thương mại - dịch vụ và căn hộ Lakeside Towers (Quận 7) cao 23 tầng do Công ty CP Xây dựng và Thương mại Đất Phương Nam làm chủ đầu tư.

Ông Hà cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu đề xuất UBND Thành phố có biện pháp chế tài và yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại, thiếu sót để hoàn tất thủ tục nghiệm thu theo quy định.

Đối với cơ sở, công trình đã được kiểm tra kiến nghị và xử phạt nhiều lần nhưng chủ đầu tư không khắc phục thì áp dụng biện pháp tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.

Trường hợp chủ đầu tư không chấp hành các quyết định, đề xuất chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Đồng thời, Công an Thành phố sẽ lập danh sách các chủ đầu tư cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần, đã được cơ quan có thẩm quyền kiến nghị nhưng cố tình không khắc phục, đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân theo dõi, giám sát…

Đề xuất mở rộng nút giao cao tốc Bến Lức - Quốc lộ 50

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đề xuất mở rộng nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành và Quốc lộ 50 lên 6 làn xe để đảm bảo đồng bộ.

Phối cảnh đoạn Quốc lộ 50 qua huyện Bình Chánh sau khi được mở rộng

Phối cảnh đoạn Quốc lộ 50 qua huyện Bình Chánh sau khi được mở rộng

Phương án này vừa được Sở GTVT gửi UBND TP.HCM để chuẩn bị làm việc với Bộ GTVT và các bên liên quan.

Lý do là Dự án mở rộng Quốc lộ 50 đang triển khai có quy mô 6 làn xe. Trong khi đó, nút giao giữa cao tốc với quốc lộ này, bao gồm cầu vượt trên tuyến và đoạn kết nối đường đầu cầu chỉ có 4 làn, có thể phát sinh tình trạng "thắt cổ chai", ảnh hưởng hiệu quả đầu tư khi các công trình hoàn thành.

Theo đó, đoạn hơn 600 m ở khu vực nút giao (thuộc phạm vi cầu vượt trên Quốc lộ 50 và đường đầu cầu) được đề xuất mở rộng từ 4 lên 6 làn xe. Phần quốc lộ phía dưới dài gần 700 m cũng sẽ tính các biện pháp kết nối phù hợp hai tuyến.

Ngoài khu vực trên, Sở GTVT Thành phố đề xuất hoàn chỉnh các nút giao còn lại giữa cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Hữu Thọ thay vì giai đoạn sau, vì dự báo nhu cầu đi lại sẽ rất lớn khi các công trình đưa vào khai thác.

Để thực hiện, chủ đầu tư đề nghị tách các hạng mục này thành dự án độc lập, dùng ngân sách trung ương và TP.HCM với số vốn lần lượt khoảng 573 tỷ đồng và 1.124 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc này cần điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Phương án còn lại, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ đầu tư hoàn thiện các nút giao. Tuy nhiên, cách này cũng phải điều chỉnh chủ trương đầu tư tuyến cao tốc và phụ thuộc khả năng bố trí vốn của VEC.

Giá gas xuống mức thấp nhất trong năm

Sau lần giảm mạnh vào tháng 6, giá gas trong nước tiếp tục giảm 18.000 đồng/bình 12 kg vào tháng 7 theo đà hạ nhiệt của giá năng lượng thế giới.

Giá gas trong nước tiếp tục giảm 18.000 đồng/bình 12 kg vào tháng 7

Giá gas trong nước tiếp tục giảm 18.000 đồng/bình 12 kg vào tháng 7

Ngày 30/6, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas thông báo điều chỉnh giảm giá mặt hàng này từ ngày 1/7. Theo đó, sau khi giảm 35.500 đồng/bình loại 12 kg vào tháng 6 thì sang tháng 7, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng sẽ giảm tiếp khoảng 18.000 - 18.500 đồng, tùy thương hiệu.

Đơn cử, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) thông báo từ ngày 1/7, giá gas của hãng sẽ giảm 18.500 đồng/bình 12 kg và giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 347.000 đồng/bình 12 kg.

Tương tự, thương hiệu gas City Petro cũng thông báo mức giảm 18.000 đồng/bình 12 kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 385.000 đồng/bình 12 kg; 1.443.500 đồng/bình 45 kg...

Như vậy, giá gas trong nước đã giảm mạnh 2 lần liên tiếp sau 1 lần tăng. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas đã có 2 lần tăng và 5 lần giảm với tổng mức giảm hơn 140.000 đồng/bình 12 kg. Hiện, giá nhiên liệu này ở mức tương đương tháng 4/2022.

Đà giảm của giá gas trong nước lần này là do giá gas thế giới tháng 7 chốt ở mức 387,5 USD/tấn, giảm 57,5 USD/tấn so với tháng 6. Hiện, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá thế giới.

Kiên Giang cấm khai thác nghêu lụa, sò huyết, hến tại vùng ven bờ biển từ ngày 1/7

Nhằm quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản theo quyết định của UBND Tỉnh ngày 28/6/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang vừa ban hành văn bản cấm tất cả tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12m không được phép khai thác nghêu lụa, sò huyết, hến tại vùng ven bờ biển Kiên Giang từ ngày 1/7/2023 đến 31/12/2023.

Kiên Giang sẽ kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trong thời gian cấm khai thác

Kiên Giang sẽ kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trong thời gian cấm khai thác

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản không được thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh nhuyễn thể 2 mảnh vỏ được khai thác trong thời gian cấm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đề nghị UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo chỉ đạo phòng chức năng thông báo đến các chủ tàu cá, các doanh nghiệp, cơ sở thu gom, chế biến, kinh doanh nhuyễn thể 2 mảnh vỏ biết thời gian cấm khai thác nhuyễn thể 2 mảnh vỏ nêu trên; không cấp phép khai thác nhuyễn thể 2 mảnh vỏ cho tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12m trong thời gian cấm khai thác; đồng thời tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trong thời gian cấm khai thác tại vùng ven bờ được phân cấp quản lý…

Cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế An Giang bị bắt

Thượng tá Hồ Văn Tấn, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh An Giang, vừa bị Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao bắt tạm giam vì liên quan trùm buôn lậu Mười Tường.

Thượng tá Hồ Văn Tấn khi còn công tác

Thượng tá Hồ Văn Tấn khi còn công tác

Ngày 30/6, ông Tấn cùng Nguyễn Minh Trí (cựu điều tra viên) bị Cơ quan điều tra VKSND tối cao bắt về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.

"Hai bị can liên quan đến trùm buôn lậu Nguyễn Thị Kim Hạnh, tức Mười Tường", cán bộ điều tra cho biết.

Trước đó, tháng 12/2018, Cục Cảnh sát kinh tế (C03, Bộ Công an) xác lập chuyên án đấu tranh với đường dây buôn lậu ở An Giang. Khi bắt giữ một số hàng buôn lậu cùng nghi phạm liên quan, C03 chuyển vụ án cho PC03 Công an tỉnh An Giang điều tra theo thẩm quyền. Ông Lê Tấn Tài, khi đó là Phó Trưởng phòng PC03, được phân công chỉ huy hoạt động điều tra.

Tuy nhiên, do có mối quan hệ họ hàng với bà Mười Tường, ông Tài chỉ đạo điều tra viên thực hiện quy trình điều tra không đúng quy định, tạo điều kiện để các nghi phạm thông cung, khai báo gian dối... dẫn đến bỏ lọt hành vi phạm tội và những người chủ mưu, cầm đầu.

Hành vi của ông Tài bị cho là vụ lợi, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Cơ quan điều tra VKSND tối cao sau đó bắt tạm giam ông này về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tháng 2/2020, ông Tấn là Trưởng Công an huyện An Phú được điều động làm Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (PC03). Giữa năm 2022, khi vụ án buôn lậu do bà Mười Tường cầm đầu được mở rộng điều tra, ông Tấn bị đình chỉ chức vụ.

Liên quan vụ án, tháng 11/2022, Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM mở lại phiên xử phúc thẩm và tuyên Nguyễn Thị Kim Hạnh 8 năm tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Giám đốc Bến cảng du lịch Thung Nai bị điều tra trốn thuế

Ông Phạm Văn Biền, Giám đốc Bến cảng du lịch Thung Nai, bị cáo buộc thu tiền để ngoài sổ sách hơn 4,6 tỷ đồng để trốn thuế 914 triệu đồng.

Bến cảng du lịch Thung Nai

Bến cảng du lịch Thung Nai

Ngày 30/6, ông Biền bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú để làm rõ nghi vấn phạm tội Trốn thuế.

Theo điều tra ban đầu, Công ty TNHH Tiến Anh do ông Biền làm Giám đốc là đơn vị quản lý cảng du lịch Thung Nai ở huyện Cao Phong. Từ năm 2011, Công ty được UBND tỉnh Hòa Bình giao quản lý, khai thác và sử dụng Cảng du lịch Thung Nai trong 30 năm.

Theo thỏa thuận, Công ty Tiến Anh phải nộp ngân sách nhà nước gồm: khấu hao tài sản nhà nước đầu tư, thuế VAT, thuế thuê mặt đất, mặt nước, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Từ khi hoạt động, doanh thu của Công ty Tiến Anh chủ yếu là bán các loại vé cho du khách như vé hành khách, gửi ô tô, xe máy, neo đậu tàu thuyền. Tuy nhiên từ năm 2019 đến 2022, doanh thu thực tế của Công ty có sự chênh lệch so với số liệu thể hiện trong báo cáo tài chính nộp cho cơ quan thuế với tổng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng.

Cảnh sát cáo buộc ông Biền đã tự quản lý, chi tiêu số tiền này mà không có sổ sách ghi chép, quản lý theo quy định, có dấu hiệu của hành vi trốn thuế.