Hội nghị Trung ương 15 diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18/1
Hội nghị Trung ương 15 (khóa XII) chính thức khai mạc sáng ngày 16/1 tại Thủ đô Hà Nội. Theo chương trình, Hội nghị diễn ra từ ngày 16 - 18/1.
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 15 |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ bàn về các nội dung: Tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII và chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XIII; thông qua báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; thông qua báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII; thông qua dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội XIII; cho ý kiến về báo cáo công tác tổng kết tài chính Đảng nhiệm kỳ 2016-2020.
Tiếp thu ý kiến của Hội nghị Trung ương 14, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị cũng đã nghiên cứu, xem xét, cân nhắc và đề nghị giới thiệu bổ sung thêm một số đồng chí lần đầu tham gia Ủy viên Trung ương chính thức và một số đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XIII và một số đồng chí lần đầu thuộc trường hợp "đặc biệt" tham gia Ủy viên Trung ương chính thức.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương nghiên cứu kỹ Tờ trình của Bộ Chính trị và các tài liệu có liên quan, thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; đồng thời xem xét, đề cử nhân sự 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa XIII.
Phóng viên tác nghiệp Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2
Cùng với các đại biểu tham dự Đại hội Đảng lần thứ XIII, phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Đại hội cũng sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2.
Phóng viên tác nghiệp Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh minh hoạ |
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các phóng viên tác nghiệp tại Đại hội XIII của Đảng cũng như các đại biểu tham dự Đại hội, Ban Tuyên giáo Trung ương vừa gửi văn bản đến các cơ quan báo chí về việc xét nghiệm COVID-19 phục vụ Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Mẫu xét nghiệm COVID-19 sẽ được lấy 2 lần: Lần 1 trước Đại hội ít nhất 7 ngày và lần 2 trước Đại hội từ 2 đến 3 ngày.
Về phương án xét nghiệm cụ thể, đối với phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo, đài Trung ương và thành phố Hà Nội, được xét nghiệm tại Ban Tuyên giáo Trung ương, số 7 Nguyễn Cảnh Chân (Ba Đình, Hà Nội); thời gian diễn ra từ 13h30 - 17h00, thứ Hai, ngày 18/1 và từ 8h15 - 11h30, thứ Bảy, ngày 23/1.
Đối với phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo, đài địa phương thì liên hệ với Đoàn đại biểu tham dự Đại hội XIII của đảng bộ tỉnh, thành phố để đăng ký thực hiện xét nghiệm COVID-19.
Công văn nêu rõ, chỉ cấp thẻ tác nghiệp tại Đại hội XIII cho những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên có xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2.
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, có gần 500 phóng viên, kỹ thuật viên trong nước; hơn 60 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của các hãng thông tấn nước ngoài thường trú tại Việt Nam đăng ký tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí phục vụ Đại hội. Cùng với đó, hơn 60 phóng viên đăng ký theo dõi, đưa tin về Đại hội bằng hình thức trực tuyến.
Đồng Nai xây đường kết nối hai tuyến cao tốc
Tuyến đường hơn 5 km, rộng 30 m, vốn đầu tư 440 tỷ đồng, kết nối cao tốc TP.HCM - Long Thành với Bến Lức - Long Thành chuẩn bị được triển khai.
Đường 319 được nâng cấp, chuẩn bị thông tuyến với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây |
UBND tỉnh Đồng Nai vừa chấp thuận đầu tư dự án đường mở rộng vào cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch). Công trình có điểm đầu từ nút giao đường 319 và điểm cuối là cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Theo ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Nai cho biết, trường hợp ngân sách khó khăn, trước mắt dự án chỉ làm phần mặt đường xe chạy, chưa xây dựng phần vỉa hè, hệ thống thoát nước, kinh phí khoảng 360 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, đường nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây qua đường 319 (dài 9 km). Công trình sẽ khởi công và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2024.
Cùng với dự án trên, hương lộ 2 từ TP Biên Hòa đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây triển khai cuối năm 2020. Hương lộ 2 và đường 319 sẽ giúp trục đường mới chạy dọc sông Đồng Nai từ Biên Hòa đi cao tốc Bến Lức - Long Thành, song song Quốc lộ 51, phát triển trục đô thị phía đông Biên Hòa và hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch.
Tham quan đoàn tàu tuyến Nhổn - ga Hà Nội từ 23/1
Đoàn tàu sẽ được vận chuyển từ Depot lên ga trên cao S1 (trước Đại học Công nghiệp Hà Nội) để trưng bày cho người dân tham quan.
Đoàn tàu đầu tiên tuyến Nhổn - ga Hà Nội được vận chuyển về Depot Nhổn (Hà Nội) |
Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, thời gian tổ chức cho người dân thăm quan đoàn đầu tiên tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sớm hơn dự kiến, từ ngày 23/1.
Theo MRB, do công trường đang thi công, để đảm bảo an toàn, sự kiện sẽ giới hạn số người tham dự. Do đó, từ ngày 15/1, đơn vị đã ra thông báo để người dân đăng ký thăm quan tàu bằng hình thức trực tuyến.
Trước đó, ngày 20/10/2020, đoàn tàu đầu tiên đã được vận chuyển từ cảng Hải Phòng về đến Depot Nhổn (Hà Nội) sau 1,5 tháng rời cảng Dunkirk (Pháp). Theo kế hoạch, cuối tháng 1/2021, đoàn tàu thứ hai sẽ cập cảng Hải Phòng.
MRB thông tin, trong đợt sản xuất đầu tiên tại Pháp có bốn đoàn tàu thuộc Gói thầu 10 đoàn tàu của tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội.
Tàu sử dụng vật liệu hợp kim nhôm theo tiêu chuẩn châu Âu, mỗi đoàn tàu của tuyến metro số 3 Nhổn - ga Hà Nội có 4 khoang, với tổng chiều dài 78,27 m, có 94 ghế được phân chia ra các khu vực cho người khuyết tật và có thể chở tổng cộng gần 950 hành khách mỗi chuyến, khai thác với tốc độ thương mại 35 km/h, tốc độ thiết kế tối đa đạt 80 km/h.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Được khởi công từ tháng 9/2010, công trình dự kiến hoàn thành, khai thác đoạn trên cao vào cuối năm 2021, đoạn ga ngầm vào cuối năm 2022.
Công khai phương án bồi thường hỗ trợ đợt 11 và 12 dự án sân bay Long Thành
UBND huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) vừa tổ chức công khai phương án bồi thường, hỗ trợ đợt 11 và đợt 12 cho các hộ dân thuộc dự án sân bay Long Thành. Trong đó, hộ nhận nhiều nhất khoảng 35,6 tỉ đồng.
Người dân bốc thăm lô đất tái định cư dự án sân bay Long Thành |
Cụ thể, đợt 11, có 797 hộ được bồi thường hỗ trợ với tổng diện tích đất thu hồi hơn 332 hecta (thuộc giai đoạn 2) với tổng số tiền dự kiến sẽ bồi thường, hỗ trợ hơn 1.544 tỉ đồng.
Đợt 12, với tổng số tiền dự kiến sẽ bồi thường, hỗ trợ hơn 990 tỷ đồng. Trong đó, hộ nhận nhiều nhất khoảng 35,6 tỉ đồng.
Tại buổi công khai phương án bồi thường hỗ trợ Dự án Sân bay Long Thành, các hộ dân được cấp bảng tính toán giá trị bồi thường bao gồm: bồi thường đất, nhà, vật kiến trúc, cây trồng, tài sản khác, trợ cấp các loại và thưởng di dời ...
Theo ông Lê Văn Tiếp, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, đến nay, tính cả đợt 10, UBND huyện Long Thành đã chi trả bồi thường cho 2.608 hộ với số tiền 5.620 tỉ đồng. Đối với những hộ còn lại, Huyện dự kiến sẽ tập trung tổ chức phê duyệt, công khai phương án và tổ chức chi trả tiền bồi thường hoàn thành trong quý 1 năm 2021.
Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến Bộ Quốc phòng chuẩn bị mở rộng sân bay Côn Đảo
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến Bộ Quốc phòng về diện tích đất dự kiến quy hoạch đất quốc phòng tại Cảng hàng không Côn Đảo, đây là cơ sở cho việc đầu tư mở rộng sân bay này trong thời gian tới.
Do hạn chế về chiều dài của đường băng, đường lăn, sân đỗ nên sân bay Côn Đảo gặp nhiều hạn chế về khai thác |
Theo Bộ GTVT, Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch sân bay Côn Đảo, và Bộ đã giao Cục Hàng không hoàn thành hồ sơ điều chỉnh quy hoạch để phê duyệt, làm cơ sở đầu tư mở rộng, nâng cấp sân bay Côn Đảo.
Đến nay, hồ sơ điều chỉnh quy hoạch đã cơ bản hoàn thiện. Bộ GTVT dự kiến thẩm định, phê duyệt quy hoạch trong tháng 1/2021.
Do có sự điều chỉnh, bổ sung đường lăn song song nên Bộ GTVT đang lấy ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng về diện tích đất dự kiến quy hoạch đất quốc phòng tại sân bay Côn Đảo.
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, triển khai đầu tư, mở rộng sân bay Côn Đảo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và an ninh – quốc phòng của địa phương.
Hiện chỉ 2 hãng hàng không khai thác đường bay tới sân bay Côn Đảo là Vasco và Bamboo Airways, do sân bay này hạn chế về điều kiện cất/hạ cánh, chỉ máy bay cỡ nhỏ (như ATR72) mới có thể hoạt động được.
TP.HCM đã ngầm hóa hơn 2.700 km lưới điện
Sau 10 năm triển khai chương trình, đã có 2.761 km lưới điện trung thế và hạ thế tại TP HCM đã được ngầm hoá, góp phần chỉnh trang, tạo mỹ quan cho bộ mặt đô thị.
Khu trung tâm TP.HCM ở Quận 1 vào tháng 12/2020 lưới điện đã cơ bản hoàn tất ngầm hóa |
Theo ông Bành Đức Hoài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực giai đoạn 2011 - 2015 Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã phối hợp các chủ đầu tư cáp viễn thông (Viettel, VNPT, FPT, SCTV, Tradincorp) hoàn thành 97 dự án ngầm hóa tại 74 đoạn tuyến đường với khối lượng 350 km lưới điện trung thế, 576 km lưới điện hạ thế. Giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thành 143 dự án ngầm hóa tại 121 đoạn tuyến đường với tổng khối lượng 675 km lưới điện trung thế, 1.160 km lưới điện hạ thế.
Hiện công tác ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông khu vực Quận 1 và Quận 3 đã cơ bản hoàn tất. Đối với khu vực các Quận 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp đã đạt tỷ lệ 60%.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025 Thành phố sẽ hoàn tất ngầm hóa các tuyến đường liên quận, các tuyến đường đã được UBND TP.HCM thông qua. Mục tiêu là ngầm hóa 500 km lưới điện trung thế, 800 km lưới điện hạ thế.