Bản tin thời sự sáng 17/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM sẽ xây nút giao 4 tầng ở cửa ngõ Đông Bắc; 571 cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật trong năm 2024; giá USD ngân hàng đồng loạt tăng mạnh; giá vàng miếng lên cao nhất 4 tháng; sẽ thêm 6 chuyến tàu khách quốc tế đến Bà Rịa - Vũng Tàu…

TP.HCM sẽ xây nút giao 4 tầng ở cửa ngõ Đông Bắc

Ngoài tuyến đường sắt chạy qua, nút giao Vành đai 2 - Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức, sẽ được xây dựng hầm chui, cầu vượt hai tầng giúp xe thuận lợi rẽ đi các hướng.

Phối cảnh đoạn 2 - Vành đai 2 khi hoàn thành

Phối cảnh đoạn 2 - Vành đai 2 khi hoàn thành

Phương án thiết kế nút giao vừa được chính quyền TP.HCM chấp thuận theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải. Đây là nút giao thuộc phạm vi dự án xây dựng đoạn 2 của Vành đai 2 (từ đại lộ Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng - dài 2,8 km, tổng vốn hơn 4.500 tỷ đồng).

Nếu tính cả tuyến đường sắt hiện hữu chạy qua, nút giao sẽ có quy mô 4 tầng. Trong đó, tầng một có hai cầu vượt: cầu số 1 gồm hai nhánh (6 làn xe) nằm trên Vành đai 2, vượt qua đường Linh Đông, Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân, rạch Ngang; cầu số 2 có hai làn xe, rẽ trái từ Vành đai 2 xuống đường Phạm Văn Đồng, hướng về sân bay Tân Sơn Nhất.

Phía trên tầng này sẽ có một cầu khác đi thẳng đường Phạm Văn Đồng quy mô 4 làn xe hai chiều (cầu vượt sẽ triển khai trong giai đoạn sau của dự án Vành đai 2). Phía dưới nút giao, hầm chui sẽ được xây dựng gồm hai làn, cho xe rẽ phải từ đường Phạm Văn Đồng theo hướng Tân Sơn Nhất ra nút giao quốc lộ 1 - Gò Dưa.

Trước đó, nút giao Vành đai 2 - Phạm Văn Đồng chưa có phương án thiết kế hầm chui mà được nghiên cứu xây dựng cầu vượt hai tầng, với nhiều nhánh rẽ đi các hướng. Tuy nhiên, tuyến đường sắt chạy qua nút giao sau này dự kiến được điều chỉnh lại theo hướng đi trên cao, có thể bị xung đột với một nhánh cầu. Do vậy, các đơn vị đã đề xuất lại giải pháp thiết kế nút giao nhằm đồng bộ giữa các dự án.

Vành đai 2 từ đại lộ Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng là một trong 4 phân đoạn còn lại chưa khép kín của tuyến đường. Cuối năm 2023, đoạn này cùng với dự án đoạn 1 (dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến Võ Nguyên Giáp) được HĐND TP HCM thông qua chủ trương đầu tư. Hai dự án được giải phóng mặt bằng từ đầu, rộng 67 m, sau đó xây đường song hành hai bên và làm các nút giao. Phần đất trống giữa tuyến dự trữ để triển khai sau này. Cả hai dự án dự kiến được khởi công năm 2025, hoàn thành sau đó hai năm.

571 cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật trong năm 2024

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tính từ đầu năm 2024 đến nay, 139 cán bộ và 432 công chức bị xử lý kỷ luật.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, 139 cán bộ và 432 công chức bị xử lý kỷ luật

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, 139 cán bộ và 432 công chức bị xử lý kỷ luật

Số liệu trên được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề cập trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức.

Bà Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận việc xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật bảo đảm nguyên tắc khách quan, công bằng; công khai, nghiêm minh; chính xác, kịp thời; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định. Từ đó góp phần đấu tranh, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Bộ trưởng Nội vụ dẫn số liệu, tính từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 139 cán bộ và 432 công chức bị xử lý kỷ luật.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng nêu rõ, công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức dần đi vào thực chất, gắn kết hơn với kết quả công việc, sản phẩm cụ thể, gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Việc này cũng được thực hiện đồng bộ với quy định của Đảng trong xác định tỷ lệ xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với đảng viên và cán bộ, công chức.

Tổng hợp từ báo cáo của bộ, ngành, địa phương về kết quả xếp loại chất lượng công chức trong năm 2023 cho thấy, trong tổng số 254.757 công chức có 45.696 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (tỷ lệ 22,88%), 165.939 người hoàn thành tốt nhiệm vụ (tỷ lệ 56,68%), 28.689 người hoàn thành nhiệm vụ (tỷ lệ 18,69%) và 14.733 người không hoàn thành nhiệm vụ (tỷ lệ 1,75%).

Trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 3.664 công chức. Trong đó, bộ, ngành Trung ương tuyển 488 công chức, địa phương tuyển 3.176 công chức.

6 tháng đầu năm nay, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tuyển dụng 1.688 công chức. Trong đó, bộ, ngành tuyển dụng 169 công chức; địa phương tuyển dụng 1.519 công chức. Qua đó, góp phần quan trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao theo vị trí việc làm.

Giá USD ngân hàng đồng loạt tăng mạnh

Giá USD ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, nhiều ngân hàng đắt thêm hơn 100 đồng, kéo giá bán vượt xa mức 25.000 đồng/USD.

Giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng cao

Giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng cao

Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam với đồng USD hôm nay là 24.187 đồng/USD, tăng 10 đồng so với mức niêm yết ngày 15/10.

Áp dụng biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch USD trong ngày 16/10 với tỷ giá trần là 25.396 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.978 đồng/USD.

Tỷ giá bán USD tham khảo được Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tăng 11 đồng, lên 25.346 đồng/USD. Trong khi giá mua USD tham khảo vẫn ở mức 23.400 đồng/USD.

Cùng xu hướng, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh tăng mạnh. Nhiều ngân hàng tăng hơn 100 đồng so với đầu giờ sáng qua (15/10), kéo giá bán vượt xa mức 25.000 đồng/USD.

Sáng 16/10, Vietcombank niêm yết giá USD mua vào tiền mặt ở mức 24.750 đồng/USD, bán ra ở mức 25.140 đồng/USD, tăng 115 đồng ở cả chiều mua và bán so với sáng 15/10.

BIDV điều chỉnh giá mua - bán USD lên mức 24.785-25.145 đồng/USD, tăng 95 đồng ở cả hai chiều. VietinBank nâng giá USD lên mức 24.793-25.153 đồng/USD (mua - bán), tăng 108 đồng ở cả chiều mua và bán.

Tương tự, giá USD ở khối ngân hàng tư nhân cũng được điều chỉnh tăng mạnh.

Techcombank niêm yết giá USD mua tiền mặt lên mức 24.777 đồng/USD, giá bán ra là 25.168 đồng/USD, tăng 101 đồng ở chiều mua và cao hơn 99 đồng ở chiều bán.

Còn Sacombank đưa giá USD lên mức 24.780-25.140 đồng/USD (mua - bán), tăng 120 đồng ở cả chiều mua và bán.

Trong khi Eximbank tăng giá mua - bán USD tiền mặt lên mức 24.770-25.160 đồng/USD, đắt hơn 110 đồng ở chiều mua và đắt hơn 80 đồng ở chiều bán.

Giá USD trên thị trường tự do ngày 16/10 nhích nhẹ. Các điểm thu đổi ngoại tệ sáng 16/10 giao dịch USD ở mức giá phổ biến 25.260-25.360 đồng/USD (mua - bán), tăng 10 đồng ở cả chiều mua và bán so với phiên trước đó.

Giá USD mua vào tại các ngân hàng hiện thấp hơn khoảng 500 đồng, còn giá USD bán ra ít hơn 200 đồng so với thị trường tự do.

Giá vàng miếng lên cao nhất 4 tháng

Mỗi lượng vàng miếng SJC sáng 16/10 tăng một triệu đồng lên 86 triệu, cao nhất 4 tháng qua, trong khi nhẫn trơn cũng lập kỷ lục 84 triệu đồng.

Người dân mua vàng SJC tại tiệm vàng ở quận Bình Thạnh

Người dân mua vàng SJC tại tiệm vàng ở quận Bình Thạnh

Sáng 16/10, các thương hiệu kinh doanh vàng miếng đồng loạt điều chỉnh giá bán ra thị trường lên 86 triệu đồng, sau khi Ngân hàng Nhà nước thay đổi giá bán can thiệp. Chiều mua vào tại các thương hiệu như Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI... cũng tăng một triệu đồng lên 84 triệu mỗi lượng.

Đây là mức giá cao nhất của vàng miếng trong 4 tháng qua, kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp chính sách "định giá" vàng miếng (dẫu vậy vẫn thấp hơn mức đỉnh lịch sử 6,4 triệu đồng).

So với đầu tháng 6, mỗi lượng vàng miếng hiện tăng khoảng 6 triệu đồng một lượng, tương đương mức tăng 7,5%, thấp hơn so với đà tăng trên 11% của nhẫn trơn. Đồng thời, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của vàng miếng SJC cũng neo quanh 2 triệu đồng một lượng, cao hơn nhiều so với nhẫn trơn.

Sáng 16/10, giá vàng nhẫn tại các thương hiệu lớn cũng tăng vài trăm nghìn một lượng so với hôm qua và xác lập kỷ lục mới, có nơi lên 84 triệu đồng.

Tại SJC, nhẫn trơn lên 82,4 - 83,7 triệu đồng, tăng 400.000 đồng một lượng. DOJI, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá 83,2 - 84,1 triệu. PNJ lên 83 - 84 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giữa giá mua và bán ra giữa các thương hiệu hiện là 1-1,5 triệu đồng một lượng.

Trên thị trường quốc tế, mỗi ounce vàng đang giao dịch quanh 2.667 USD, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 80,8 triệu đồng một lượng. Giá vàng trong nước cao hơn thế giới 3-5 triệu đồng một lượng.

Sẽ thêm 6 chuyến tàu khách quốc tế đến Bà Rịa - Vũng Tàu

Dự kiến có thêm 6 chuyến tàu đưa hơn 15.000 du khách quốc tế đến Bà Rịa - Vũng Tàu từ nay đến cuối năm 2024.

Tàu Carnival Panorama đưa 3.605 khách quốc tế cập cảng Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 14/10.

Tàu Carnival Panorama đưa 3.605 khách quốc tế cập cảng Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 14/10.

Ngày 16/10, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ nay đến hết năm 2024, dự kiến có thêm khoảng 6 chuyến tàu du lịch với khoảng 15.000 du khách quốc tế cập cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (thị xã Phú Mỹ).

Theo báo cáo của Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tân Hồng, đơn vị này chỉ còn đón 1 chuyến tàu Coral Princess chở khoảng 2.600 du khách quốc tế, dự kiến cập cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải vào 22/10 sắp tới.

Còn theo đại diện lữ hành Saigon Tourist, đơn vị này sẽ tổ chức đón 5 chuyến tàu khách quốc tế cập cảng tại thị xã Phú Mỹ, trong khoảng thời gian từ 9/11 đến 27/12. Mỗi lượt tàu có khoảng từ 2.300 đến hơn 3.000 du khách quốc tế đến Bà Rịa - Vũng Tàu.

"Sau khi dừng ở Bà Rịa - Vũng Tàu để du khách tham quan trong ngày, các chuyến tàu này có thể đưa du khách đến tham quan ở nơi khác như Hạ Long, hoặc Nha Trang... tùy theo chương trình", một lãnh đạo Sở Du lịch cho biết.

Qua thống kê, trong năm 2024 có khoảng 50 chuyến tàu du lịch cập bến tại cụm Cái Mép - Thị Vải, với lượng khách tối thiểu mỗi tàu từ 2.000 đến 6.000 người. Đây là cơ hội để Bà Rịa - Vũng Tàu đón lượng lớn khách du lịch từ tàu biển, qua đó thúc đẩy tiêu dùng và phát triển của các ngành du lịch dịch vụ, thương mại...

"Ngoài ra, dự kiến chỉ trong tháng 1/2025, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đón 7 chuyến tàu đưa lượng lớn du khách quốc tế đến tham quan và khám phá, trải nghiệm", lãnh đạo Sở Du lịch thông tin.

TP.HCM trình 22 dự án thẩm định giá đất, Lotte dự kiến nộp 16.000 tỷ đồng

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM trình Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể TP.HCM với 22 dự án, số tiền khoảng 25.483 tỷ đồng.

Dự án Thủ Thiêm Eco Smart của Lotte tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự kiến phải nộp 16.000 tỷ đồng nghĩa vụ tài chính về đất. Ảnh minh họa

Dự án Thủ Thiêm Eco Smart của Lotte tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự kiến phải nộp 16.000 tỷ đồng nghĩa vụ tài chính về đất. Ảnh minh họa

Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi Sở Tài chính (Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể TPHCM) về 22 dự án bất động sản cần thẩm định giá trong quý IV.

Số tiền dự thu là khoảng 25.483 tỷ đồng. Việc này nhằm bảo đảm nguồn thu ngân sách năm 2024 thành phố từ các khu đất dự kiến thu tiền sử dụng đất.

Số tiền cần thu lớn nhất là Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm Eco Smart (do tập đoàn Lotte - Hàn Quốc làm chủ đầu tư), dự kiến thu về 16.000 tỷ đồng, ước lượng theo chứng thư thẩm định giá.

Dự án này là khu phức hợp sinh thái thông minh quy mô lớn tọa lạc trên khuôn viên rộng 50.000 m2 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Lotte đã tổ chức động thổ hồi tháng 9/2022, dự kiến đầu tư 900 triệu USD (khoảng 22.500 tỷ đồng) để xây dựng khu phức hợp. Tuy vậy, do gặp vướng về nghĩa vụ tài chính nên đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai thêm.

Tiếp đến là Khu đất 14,8ha phường An Phú, TP Thủ Đức của Công ty cổ phần Bất động sản Nguyên Phương, dự kiến cần thu 3.500 tỷ đồng.

Công ty TNHH BĐS N.T.N Trung Thủy với khu đất 230 Nguyễn Trãi, quận 1, dự kiến thu hơn 3.286 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy với dự án khu căn hộ cao tầng Diamond Riverside, quận 8, dự kiến thu hơn 729 tỷ đồng.

Công ty cổ phần xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh với khu đất phường Tân Hưng, quận 7), dự kiến thu 623 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển BĐS Đông Sài Gòn với khu đất số 52/1 đường 400, phường Tân Phú, quận 9 cũng cần nộp hơn 316 tỷ đồng.

2 dự án liên quan Tập đoàn Novaland gồm Tropic 1, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức và dự án phường Phước Long B, TP Thủ Đức, doanh nghiệp đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, đang thực hiện xác định giá đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất để tính trừ nghĩa vụ tài chính.

Một số doanh nghiệp cần thực hiện nghĩa vụ tài chính và nghĩa vụ tài chính bổ sung như Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Tín Nghĩa) với khu đất số 17 đường số 13 phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, số tiền 136 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Sơn Thuận với khu đất số 256-258 đường Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, số tiền 281 tỷ đồng.

Hơn 600 chủ thẻ Visa, Master Card bị lừa rút tiền

Đào Thị Kiều Oanh, bị cáo buộc cùng đồng phạm giả nhân viên ngân hàng gọi điện cho 614 chủ thẻ Visa, Master, dụ rút tiền mặt rồi chiếm đoạt 25% hạn mức.

Những nghi can trong đường dây do Đào Thị Kiều Oanh cầm đầu

Những nghi can trong đường dây do Đào Thị Kiều Oanh cầm đầu

Ngày 16/10, 15 người bị Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) Công an TP.HCM bắt về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Động thái này được PC03 đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra đường dây tội phạm hơn 20 người do Đào Thị Kiều Oanh và Lê Thị Kim Hòa, cầm đầu. Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 10 đến 12/2022, nhóm này đã lừa 614 chủ thẻ tín dụng rút hơn 7,2 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 1,8 tỷ.

Theo điều tra, tháng 7/2022, Oanh nhờ người yêu đứng tên thành lập Công ty TNHH DVTM Quốc tế P&L có trụ sở ở quận Tân Bình, chuyên tư vấn các sản phẩm vay tín chấp. Ba tháng sau, Hòa tham gia góp 300 triệu (50% vốn), mở thêm chi nhánh.

Hòa và Oanh tuyển nhiều nhân viên để thực hiện việc chiếm đoạt tiền của chủ thẻ Visa, Master... được các ngân hàng trong nước cấp. Sau đó, nhóm này lên mạng tìm mua thông tin các khách hàng sử dụng thẻ; đào tạo, hướng dẫn cấp dưới thực hiện hành vi phạm tội.

Thủ đoạn của nhóm này là gọi điện cho chủ thẻ tín dụng, xưng là nhân viên ngân hàng (nơi cấp thẻ), cho biết đang có chính sách khách hàng được miễn phí đổi 75% hạn mức trong thẻ sang rút tiền mặt; chuyển số tiền này thành các khoản trả góp 3, 6, 9 và 12 tháng lãi suất thấp.

Bình thường, mức phí rút tiền mặt đối với thẻ tín dụng rất cao, nên khi nhân viên của Oanh thông báo nội dung trên, nhiều chủ thẻ đã đồng ý "chính sách của ngân hàng".

Khi đó, nhóm Oanh và Hòa yêu cầu cung cấp thông tin, mã số trên thẻ, số OTP... để thực hiện các giao dịch, mua hàng hóa (không có thật) thông qua các cổng thanh toán điện tử (Alepay, Vimo). Mục đích là chuyển tiền vào tài khoản người bán (do Hòa và Oanh lập ra). Từ đây, chúng sẽ trích 75% số tiền để chuyển khoản lại cho chủ thẻ, phần còn lại chiếm đoạt.

Trước đó, chiều 28/12/2022, hơn trăm cảnh sát cơ động, hình sự Công an TP.HCM phối hợp Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng loạt ập vào 3 văn phòng trong các toà nhà ở quận Tân Bình, tạm giữ Oanh, Hòa và hơn 80 người. Cảnh sát thu 109 máy tính để bàn, 67 laptop, máy in, 118 điện thoại di động, 2 ôtô, 46 xe máy, 27 thẻ ngân hàng các loại...

Tin cùng chuyên mục