Cưỡng chế thu hồi gần 3.000 m2 đất bị Công ty CP Xe buýt Phú Quốc lấn chiếm
Sáng 16/11, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang phối hợp với UBND TP. Phú Quốc, các ngành có liên quan cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty CP Xe buýt Phú Quốc.
Công tác cưỡng chế sẽ hoàn thành xong trong 16/11. |
Địa điểm cưỡng chế tại diện tích 2.995,1m2 đất mà Công ty CP Xe buýt Phú Quốc đã chiếm trái phép ở tổ 14, khu phố 4, phường Dương Đông, TP. Phú Quốc (Kiên Giang).
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu Công ty và các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) phải tự tháo dỡ công trình, di dời cây trồng, vật kiến trúc ra khỏi diện tích đã chiếm; di dời những tài sản, vật dụng ra khỏi khu vực địa điểm nêu trên, trả lại diện tích đã chiếm. Tuy nhiên, đến nay, Công ty CP Xe buýt Phú Quốc không tự nguyện chấp hành.
Theo UBND TP. Phú Quốc, Công ty CP Xe buýt Phú Quốc chiếm đất tại vị trí trên thuộc đất của Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc quản lý diễn ra đã lâu; vị trí khu đất bị Công ty chiếm dụng vào mục đích để kinh doanh (hoạt động vận chuyển, quán cà phê, garage sửa ô tô).
Vi phạm quy định về đấu thầu, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT ở Quảng Ninh bị bắt
Ngày 16/11, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 đối tượng về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trụ sở Phòng Giáo dục và đào tạo TX. Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh |
Theo đó, Công an tỉnh Quảng Ninh vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Thu Hiền (nguyên Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Quảng Yên) về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan đến vụ việc này, trước đó, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 người gồm: Kế toán Phòng GD-ĐT thị xã Quảng Yên Hoàng Thị Hưng; Giám đốc Công ty CP Thương mại Phú Xuyên Nguyễn Huy Xuyên; Hoàng Thị Huế (nhân viên kế toán Công ty CP Thương mại Phú Xuyên), Lê Bá Anh (Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ văn phòng Thông Minh), Tô Thị Sa (nhân viên Công ty TNHH Công nghệ văn phòng Thông Minh).
Các quyết định nêu trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê chuẩn.
Từ năm 2017 - 2020, lợi dụng việc Phòng GD-ĐT thị xã Quảng Yên được giao làm chủ đầu tư thực hiện 5 gói thầu mua sắm thiết bị trường học, Hiền đã thông đồng, cấu kết với Hoàng Thị Hưng, Nguyễn Huy Xuyên, Hoàng Thị Huế, Lê Bá Anh, Tô Thị Sa hợp thức hóa hồ sơ, đẩy giá trị các gói thầu cao hơn thực tế. Từ việc này, nhóm đối tượng hưởng phần chênh lệch với tổng số tiền là 4,738 tỷ đồng.
Đề xuất 17.000 tỷ đồng làm 6 km Vành đai 2 TP.HCM
Sau nhiều năm chưa thể triển khai, hai đoạn Vành đai 2 đi qua TP. Thủ Đức, dài hơn 6 km, được đề xuất đầu tư bằng ngân sách với tổng vốn hơn 17.000 tỷ đồng.
Bốn đoạn với tổng chiều dài hơn 14 km của Vành đai 2 chưa khép kín |
Đây là 2 trong số 7 dự án quan trọng được Sở Giao thông vận tải dự kiến trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp cuối năm nay.
Đoạn 1 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, dự kiến vốn đầu tư giai đoạn một gần 8.600 tỷ đồng; đoạn 2 dài 2,8 km, từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng, tổng vốn hơn 8.400 tỷ đồng. Giai đoạn đầu, cả hai dự án được giải phóng mặt bằng toàn bộ theo thiết kế; làm trước đường song hành hai bên và xây dựng hoàn chỉnh các nút giao.
Vành đai 2 TP.HCM được quy hoạch cách đây 15 năm với tổng chiều dài hơn 64 km, đến nay mới 50 km hoàn thành. Ngoài hai đoạn trên, tuyến còn hai đoạn khác dài khoảng 8 km chưa khép kín. Trước đây với các đoạn còn lại chưa khép kín, TP.HCM dự tính triển khai theo phương thức đối tác công - tư (PPP), tuy nhiên các hình thức không khả thi nên phải chuyển qua đầu tư công.
Cáp biển APG đã được sửa xong, tuyến AAG vẫn đang gặp sự cố
Sự cố xảy ra hồi giữa tháng 9/2022 trên tuyến cáp quang biển APG đã được sửa xong. Trong khi đó, một tuyến cáp biển khác là AAG vẫn đang gặp sự cố trên cả 2 hướng kết nối đi Singapore và Hong Kong (Trung Quốc).
Dự kiến, sự cố trên nhánh S1I và S1D của tuyến cáp AAG sẽ lần lượt được sửa vào cuối tháng 11 và nửa đầu tháng 12/2022. Ảnh minh họa |
Được đưa vào khai thác từ giữa tháng 12/2016, APG được đánh giá là tuyến cáp biển góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.
Có chiều dài khoảng 10.400 km, tuyến cáp APG được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Tuyến cáp APG tiếp tục gặp sự cố vào giữa tháng 9/2022 trên nhánh S9 hướng kết nối đến Singapore. Trong lần thứ ba gặp sự cố trong năm nay, nguyên nhân được đơn vị quản lý tuyến cáp xác định là do lỗi “shunt fault” (dò nguồn - PV) và đứt sợi tại ví trí cách trạm cập bờ SEA khoảng 145 km.
Với AAG, lần lượt vào trung tuần tháng 2 và cuối tháng 6/2022, tuyến cáp AAG liên tiếp gặp sự cố trên các hướng kết nối đi Singapore và HongKong (Trung Quốc). Trong đó, với hướng cáp Singapore, AAG gặp sự cố trên nhánh S1B, S1D và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu (Brunei). Với hướng kết nối Hong Kong (Trung Quốc), AAG bị lỗi trên nhánh S1H và S1I.
Trong thông tin mới cập nhật, vị đại diện ISP cho biết, lỗi trên nhánh S1H hướng Hong Kong (Trung Quốc) đã được sửa xong từ tháng 9. Theo kế hoạch, dự kiến sự cố trên nhánh S1I sẽ được sửa từ ngày 22/11 đến ngày 29/11.
Với hướng kết nối đến Singapore của AAG, hiện chưa có lịch sửa với các lỗi trên nhánh S1B và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu (Brunei). Riêng với lỗi trên nhánh S1D tại vị trí cách trạm cập bờ Sri Racha (Thái Lan) gần 28.000 km, thời gian sửa chữa dự kiến là từ ngày 5 - 13/12.
Chạy thêm 15 đoàn tàu chặng TP. Hồ Chí Minh và các ga miền Trung
Ông Thái Văn Truyền, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, Công ty sẽ tổ chức chạy thêm 15 đoàn tàu từ TP. Hồ Chí Minh đi các ga khu vực miền Trung từ Nha Trang đến Huế trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Hành khách đến ga Sài Gòn |
Cụ thể, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn sẽ chạy 15 đoàn tàu từ ga Sài Gòn về các ga Nha Trang, Diêu Trì, Tam Kỳ, Đà Nẵng, Huế và ngược lại trong thời gian từ ngày 20 - 25/1/2023 (tức ngày 29 tháng Chạp đến 4 tháng Giêng). Hiện các đoàn tàu này đã được mở bán vé.
Với việc chạy thêm 15 đoàn tàu này, ngành đường sắt sẽ đáp ứng thêm hơn 8.000 chỗ phục vụ hành khách. Thời gian qua, người dân gặp nhiều khó khăn khi mua vé tàu các ngày cao điểm cận Tết về các ga khu vực miền Trung.
Trước đó, ngày 8/11, ngành đường sắt cũng đã bổ sung thêm gần 7.000 vé tàu đi từ các ga khu vực phía Nam về miền Trung và ngược lại.
Sau 20 ngày mở bán vé tàu Tết, hiện trên hệ thống bán vé tàu Tết còn khoảng 73.000 chỗ, chủ yếu là các vé có ngày đi tàu trước ngày 23 tháng Chạp và ngày 29 - 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần; vé đi sau Tết, nhiều nhất là sau ngày 10 tháng Giêng năm Quý Mão.
Cụ thể, giai đoạn trước Tết chiều từ TP. Hồ Chí Minh đi Hà Nội còn khoảng 19.000 chỗ (trong đó khoảng 13.000 vé chính và 6.000 vé ghế phụ); giai đoạn sau Tết, chiều từ Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh còn khoảng hơn 54.000 chỗ.
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn sẽ tổ chức chạy lại tàu SE21/22 trên tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng và ngược lại từ ngày 18/11.
Hyundai mở thêm nhà máy, sắp sản xuất xe điện tại Việt Nam
Nhà máy Hyundai Thành Công số 2 (HTMV2) sẽ là nơi sản xuất các mẫu xe thân thiện môi trường, sớm nhất là một mẫu xe điện trong 2023.
Mẫu sedan cỡ C Hyundai Elantra tại dây chuyền lắp ráp của nhà máy Hyundai thứ hai |
Nhà máy thứ 2 của Hyundai Thành Công vừa khánh thành có diện tích nhà xưởng 87.000 m2 trên tổng diện tích đất 50 ha, với đường thử xe dài 1,5 km. Tổng công suất mỗi năm theo thiết kế là 100.000 xe.
Theo kế hoạch của tập đoàn này, nhà máy thứ hai sẽ chủ yếu xuất xưởng các mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường. Đó sẽ là những sản phẩm điện hóa như xe hybrid và xe điện. Theo kế hoạch, sớm nhất là năm 2023, nhà máy sẽ sản xuất mẫu xe thuần điện Hyundai Ioniq 5.
Hiện tại, nhà máy mới kết hợp với nhà máy số một, đang sản xuất mẫu sedan hạng C Hyundai Elantra và sedan cỡ B Accent.
Tại nhà máy thứ hai, hệ thống nhà xưởng được xây dựng với việc áp dụng công nghệ giúp giảm tiếng ồn, dây chuyền sản xuất trang bị công nghệ hiện đại, tự động hóa bằng robot của chính hãng Hyundai. Các quy trình sản xuất và lắp ráp cũng theo yêu cầu dựa trên nền tảng số hóa, công nghệ thông minh.
Toàn bộ hệ thống dữ liệu về sản xuất, kiểm soát chất lượng được quản lý bằng thời gian thực, kết nối với hệ thống kiểm soát chất lượng của Hyundai toàn cầu, nhằm đảm bảo chất lượng những chiếc xe được sản xuất tại HTMV2 tương đương như bất cứ nhà máy sản xuất ôtô Hyundai nào khác trên thế giới.
Tính cả hai nhà máy đều nằm ở khu công nghiệp Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình, số xe Hyundai xuất xưởng mỗi năm có thể đạt mức tối đa là 180.000 xe.
Quảng Ninh hủy quyết định chấp thuận chủ trương siêu dự án Sonasea Vân Đồn phân khu 2
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Quyết định số 3303 về việc thu hồi, hủy bỏ quyết định chấp nhận chủ trương Dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City tại phân khu 2 xã Hạ Long, huyện Vân Đồn.
Phối cảnh Sonasea Vân Đồn Harbor City |
Về lý do, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, dự án trên được UBND Tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020 tầm nhìn 2030 được Thủ tướng phê duyệt...
Sau khi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND Tỉnh đã chỉ đạo rà soát, lập, điều chỉnh hoặc thu hồi các quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt trước đây để đảm bảo tuân thủ, phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được phê duyệt. Ban Quản lý khu Kinh tế Vân Đồn đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết của dự án trên.
Quyết định nêu rõ, qua rà soát, đối chiếu chủ trương đầu tư của Dự án với điều chỉnh quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì diện tích sử dụng đất, quy mô, ranh giới thực hiện dự án không còn phù hợp. Do vậy, cần thiết phải thực hiện thu hồi, hủy bỏ để thực hiện lại thủ tục chấp thuận đầu tư của Dự án đảm bảo trình tự theo quy định hiện hành.
Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City có quy mô 358,5ha, gồm 3 phân khu do Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn (CEO Vân Đồn) - Công ty con của CEO Group làm chủ đầu tư. Dự án đã được “đổi chủ” nhiều lần, từ Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ đến Công ty CP Đầu tư Phát triển Bảo Nguyên và đến nay thuộc về CEO Group.
Đà Lạt xin lắp thêm đèn xanh đèn đỏ ở 7 điểm
UBND TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đề xuất chi 119 tỷ đồng đầu tư mở rộng, lắp đặt đèn tín hiệu tại 7 nút giao nhằm giảm ùn tắc.
Đèn tín hiệu nút giao Kim Cúc |
Ngày 16/11, chính quyền TP. Đà Lạt gửi đề xuất để Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng thẩm định, trước khi trình UBND Tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Động thái được Thành phố thực hiện nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông, từng bước khắc phục ùn tắc ở địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Dự án sẽ nâng cấp, cải tạo mặt đường, lắp đèn tín hiệu tại 10 nút giao thông trọng điểm, trong đó 7 nút lắp đèn xanh đèn đỏ như: nút giao Hải Thượng - Hai Bà Trưng - Hoàng Diệu; Ngô Quyền - La Sơn Phu Tử - Nguyễn An Ninh; Hai Bà Trưng - La Sơn Phu Tử; Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Công Trứ; Tản Đà - Hai Bà Trưng; Tản Đà - Phan Đình Phùng; Hoàng Văn Thụ - Mạc Đĩnh Chi - Đồng Tâm...
Trước đó hồi đầu năm, trụ đèn xanh đèn đỏ đầu tiên ở Đà Lạt hoạt động tại giao lộ Hoàng Văn Thụ - Trần Phú - Ba Tháng Hai. Sau đó, Thành phố lắp thêm đèn báo hiệu ở 6 nút giao. Đội cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP. Đà Lạt cho biết, hệ thống tín hiệu đã phát huy tác dụng, hạn chế tình trạng ùn tắc, nhất là vào dịp cuối tuần, lễ, Tết.
Theo các chuyên gia, khi xây dựng Đà Lạt đầu thế kỷ 20 người Pháp dự trù khoảng 90.000 dân, nên thiết kế các tuyến đường khá nhỏ hẹp uốn lượn theo các triền núi, không đèn xanh đèn đỏ. Hiện dân số nơi này gần 230.000 người, trước khi Covid-19 bùng phát, mỗi năm Thành phố đón hơn 7 triệu lượt du khách.
Đề xuất cấm xe khách giường nằm vào trung tâm TP.HCM từ 15/12
Nếu UBND TP.HCM ban hành quyết định thì phương án cấm xe khách giường nằm trong thời gian từ 6 - 22 giờ hằng ngày lưu thông vào nội đô sẽ triển khai thực hiện từ ngày 15/12.
Xe khách giường nằm lưu thông vào nội đô làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông |
Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND Thành phố xem xét dự thảo quyết định về tổ chức giao thông đối với xe ô tô khách giường nằm trên địa bàn trong thời gian tới.
Theo Sở GTVT Thành phố, các xe khách giường nằm khi đi, đến thành phố chỉ được đón trả khách tại 5 bến xe của TP.HCM (bến xe An Sương, bến xe Ngã Tư Gia, bến xe Miền Đông mới, bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây). Tuy nhiên, thực tế một số chủ xe chuyển đổi hình thức vận chuyển từ tuyến cố định sang dạng hợp đồng để hoạt động đón, trả khách sai quy định.
Việc này gây bức xúc dư luận nên cần kiểm soát, đặc biệt là xe khách giường nằm hoạt động không đúng quy định.
Để từng bước kiểm soát hoạt động xe khách giường nằm chạy vào nội đô, hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, chấn chỉnh tình trạng đón, trả khách không đúng nơi thì việc ban hành quyết định về cấm xe khách giường nằm vào nội đô Thành phố là cần thiết.
Do đó, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị Chủ tịch UBND Thành phố xem xét ban hành quyết định về tổ chức giao thông đối với xe ô tô khách giường nằm trên địa bàn. Thời gian cấm từ 6 - 22h và triển khai từ ngày 15/12.