Bản tin thời sự sáng 17/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Nhật Bản cam kết cho vay 7.000 tỷ đồng bổ sung cho Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên; giá vàng miếng SJC chốt tuần trên 74 triệu đồng; Pháp tài trợ gần 19 tỷ đồng cho nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên; TP.HCM sẽ khởi công cao tốc gần 20.000 tỷ đồng kết nối Tây Ninh vào tháng 10/2025…

Nhật Bản cam kết cho vay 7.000 tỷ đồng bổ sung cho Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên

Nhật Bản và Việt Nam vừa ký hợp tác vốn vay ODA hơn 41 tỷ yên (7.000 tỷ đồng) bổ sung cho Dự án Metro số 1 TP.HCM.

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có chiều dài tuyến gần 20 km từ Bến Thành, Quận 1 đến Depot Long Bình, TP. Thủ Đức, TP.HCM

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có chiều dài tuyến gần 20 km từ Bến Thành, Quận 1 đến Depot Long Bình, TP. Thủ Đức, TP.HCM

Chiều 16/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã trao đổi công hàm cho khoản vay ODA có ràng buộc (STEP) lần 4 của Nhật Bản, tài trợ Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên.

Khoản vay lần thứ 4 trị giá 41,2 tỷ yên tương đương khoảng 7.000 tỷ đồng (3 khoản vay trước vào các năm 2007, 2012 và 2016) được Nhật Bản cam kết tài trợ cho Dự án, nhằm bổ sung nguồn vốn, góp phần hoàn thành tuyến metro.

Đây là một trong những văn kiện quan trọng được ký kết nhân chuyến công tác và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản, ngay sau khi lãnh đạo hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên là một trong 9 tuyến metro được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch nhằm hình thành hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn cho đô thị lớn nhất cả nước. Dự án có 4 gói thầu chính sử dụng vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản, gồm 3 gói thầu xây dựng và 1 gói thầu cơ điện.

Dự án có chiều dài tuyến gần 20 km từ Bến Thành, Quận 1 đến Depot Long Bình, TP. Thủ Đức. Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, khởi công năm 2012 và dự kiến hoàn thành năm 2024.

Vốn vay STEP là vốn vay ODA Nhật Bản ràng buộc, còn được gọi là "điều khoản đặc biệt dành cho đối tác kinh tế". Hình thức cho vay này áp dụng với các dự án cần tận dụng một cách đáng kể công nghệ và bí quyết kỹ thuật của Nhật Bản, dựa trên yêu cầu của nước nhận viện trợ về việc sử dụng và chuyển giao các công nghệ vượt trội của Nhật Bản.

Điều kiện của khoản vay STEP là nhà thầu chính sẽ là các công ty Nhật Bản hoặc là liên danh giữa công ty Nhật và công ty Việt Nam, do công ty Nhật đứng đầu liên danh và không dưới 30% hàng hóa sẽ có xuất xứ từ Nhật Bản.

Giá vàng miếng SJC chốt tuần trên 74 triệu đồng

Trước đà tăng của thế giới, giá vàng miếng SJC chốt tuần này trên 74 triệu đồng một lượng, neo gần đỉnh cũ thiết lập cuối tháng 11/2023.

Giá vàng miếng SJC chốt tuần này 73,35 triệu đồng chiều mua vào và 74,35 triệu đồng chiều bán ra

Giá vàng miếng SJC chốt tuần này 73,35 triệu đồng chiều mua vào và 74,35 triệu đồng chiều bán ra

Sáng 16/12, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng giảm 150.000 đồng cả hai chiều so với hôm 15/12, tương ứng 73,35 triệu đồng chiều mua vào và 74,35 triệu đồng chiều bán ra. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI nâng nhẹ giá vàng miếng lên 73,2 - 74,4 triệu đồng, cách 200.000 đồng so với mức kỷ lục.

Sáng 16/12, vàng nhẫn và trang sức tại các thương hiệu vàng lớn cũng giảm nhẹ 150.000 đồng so với hôm qua. Tại SJC, nhẫn tròn trơn 1 - 5 chỉ niêm yết 60,8 - 61,85 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng; vàng nữ trang 9999 giảm xuống 60,7 - 61,55 triệu đồng. DOJI yết nhẫn tròn trơn 61,25 - 62,25 triệu đồng; vàng nữ trang 9999 mua vào 60,85 - 62 triệu đồng.

Giá vàng trong nước ba ngày gần đây neo cao, theo diễn biến thế giới. Giá kim loại quý trên thị trường quốc tế tăng vọt sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo giữ nguyên lãi suất lần thứ ba liên tiếp, đồng thời dự kiến lãi suất cuối năm tới sẽ thấp hơn hiện tại.

Pháp tài trợ gần 19 tỷ đồng cho nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên

Đại sứ quán Pháp cho biết, Pháp sẽ cung cấp cho UBND TP. Hà Nội khoản tài trợ không hoàn lại trị giá hơn 700.000 euro để thực hiện nghiên cứu khả thi nhằm cải tạo cầu Long Biên.

Cầu Long Biên được xây dựng từ năm 1898 - 1903

Cầu Long Biên được xây dựng từ năm 1898 - 1903

Là công trình biểu tượng của di sản và cảnh quan đô thị Hà Nội, cũng là biểu tượng của mối liên hệ giữa Việt Nam và Pháp, cây cầu mang phong cách tháp Eiffel được xây dựng từ năm 1898 - 1903 đã bị hư hỏng nặng nề trong những đợt ném bom của Mỹ năm 1967. Việt Nam sau đó đã phục hồi cây cầu để đảm bảo kết nối giữa Hà Nội và Hải Phòng.

Năm 2004, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Pháp Jacques Chirac tuyên bố Pháp sẽ tài trợ cho việc cải tạo cầu Long Biên.

Kể từ đó, Pháp đã tài trợ cho nhiều nghiên cứu và các đoàn công tác của chuyên gia.

Pháp thông báo khoản tài trợ nêu trên nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao.

Nghiên cứu được Công ty Tư vấn và Kỹ thuật Artelia của Pháp tiến hành và do Tổng cục Kho bạc của Pháp tài trợ, nhằm hạn chế tác động của việc cải tạo đối với giao thông đường bộ và đường sắt. Nghiên cứu sẽ đề xuất phương án cải tạo thích hợp với mục đích sử dụng cầu Long Biên trong tương lai.

Khi tình trạng cây cầu tiếp tục xuống cấp trong những năm gần đây, Pháp hy vọng việc cải tạo có thể được tiến hành sớm nhất sau khi có kết luận nghiên cứu.

TP.HCM sẽ khởi công cao tốc gần 20.000 tỷ đồng kết nối Tây Ninh vào tháng 10/2025

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài gần 20.000 tỷ đồng được lên kế hoạch khởi công tháng 10/2025, hoàn thành thông xe tháng 10/2027.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khi hoàn thành sẽ giảm tải cho Quốc lộ 22

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khi hoàn thành sẽ giảm tải cho Quốc lộ 22

UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình, bổ sung và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Theo UBND TP.HCM, tổng mức đầu tư Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là 19.886 tỷ đồng (đã gồm lãi vay). Trong đó, chi phí xây dựng là 9.387 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 6.900 tỷ đồng, còn lại là chi phí dự phòng, lãi vay trong quá trình xây dựng,…

Dự án sẽ triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong đó, ngân sách nhà nước góp gần 50% (khoảng 9.943 tỷ đồng), còn lại là vốn do nhà đầu tư huy động. Thời gian thu phí hoàn vốn Dự án là 14 năm 10 tháng.

Về tiến độ thực hiện, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định liên ngành xem xét, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 12 năm nay.

Nếu được thông qua, Dự án sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng từ tháng 7/2024 đến tháng 7/2025, dự kiến khởi công tháng 10/2025 và hoàn thành vào tháng 10/2027, đồng bộ với tuyến cao tốc Phnom Penh - Bavet của Campuchia vừa được khởi công.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài hơn 51 km, điểm đầu giao Vành đai 3 ở huyện Củ Chi (TP.HCM), điểm cuối gần Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Tuyến đường được quy hoạch nhiều năm trước nhưng chưa thực hiện.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027 giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng năng lực khai thác đường liên vận quốc tế nối TP.HCM với Campuchia. Công trình hoàn thành sẽ phá thế độc đạo, tạo tuyến đường mới kết nối TP.HCM qua Tây Ninh, giảm tải cho Quốc lộ 22.

Hà Nội muốn nâng tỷ lệ cây xanh lên 8 - 10 m2 một người

Năm 2024, TP. Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 200.000 - 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường đô thị, nâng tỷ lệ cây xanh lên 8 - 10 m2/người vào năm 2025.

Cây xanh ở đại lộ Thăng Long, Hà Nội

Cây xanh ở đại lộ Thăng Long, Hà Nội

Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 vừa được UBND TP. Hà Nội ban hành, ngoài trồng cây bóng mát, cây lấy gỗ, Thành phố sẽ trồng khoảng 200.000 cây ăn quả và trồng bổ sung 20 - 30 ha rừng. Trong đó, riêng đợt trồng cây đầu xuân Giáp Thìn (từ 15 đến 24/2/2024), Thành phố trồng 100.000 - 120.000 cây các loại.

Trên các tuyến giao thông, Thành phố sẽ trồng cây bóng mát như muồng, sấu, phượng vĩ, bằng lăng, long não, ban Tây Bắc. Các khu di tích lịch sử, văn hóa, khu đô thị thị mới, công trình công cộng sẽ được trồng các loại cây bóng mát và thêm cây ăn quả như bưởi, nhãn, cam, quýt, táo. Các khu đất lâm nghiệp sẽ được trồng lim xanh, thông, keo, lát hoa, sao đen, mỡ...

Sau dịp Tết trồng cây, thời gian trồng cây có thể kéo dài trong vụ xuân (từ tháng 2 đến 4) và vụ thu (từ tháng 8 đến 10).

Hưởng ứng Chương trình trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng, kể từ năm 2021 đến nay, Thành phố trồng mới hơn 133.000 cây bóng mát, 100.000 cây cảnh và 550.000 cây mảng, thảm cỏ.

Riêng năm 2023, diện tích rừng trồng mới đạt 47 ha, nâng tổng diện tích rừng toàn Thành phố lên gần 18.600 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 6%.

Hà Nội hiện có khoảng 1,8 triệu cây xanh đô thị, chủ yếu là xà cừ, sấu, phượng, muồng, bằng lăng, giáng hương, bàng, chiêu liêu. Riêng giai đoạn 2016 - 2020, khoảng 1,6 triệu cây được trồng mới. Tuy nhiên, tỷ lệ cây xanh đô thị của Thành phố mới đạt khoảng 2 m2/người, trong khi theo quy chuẩn với các đô thị loại 1, loại đặc biệt phải đạt tối thiểu 6 - 7 m2/người.

Thông xe cầu Long Đại - cửa ngõ TP.HCM, rút ngắn quãng đường 10 km còn 500 m

Cầu Long Đại vượt sông Tắc, vốn đầu tư 354 tỷ đồng được hoàn thành tạo trục đường giúp người dân cù lao Long Phước không phải đi vòng 10 km qua trung tâm Thủ Đức.

Cầu Long Đại nhìn từ trên cao

Cầu Long Đại nhìn từ trên cao

Sáng 16/12, công trình được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Thủ Đức (Chủ đầu tư) khánh thành sau 6 năm triển khai. Cầu Long Đại có tổng chiều dài 765 m, rộng 14 m, gồm 4 làn xe, nối hai phường Long Bình với Long Phước, TP. Thủ Đức.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Thủ Đức cho biết, cầu Long Đại khởi công từ tháng 3/2017, nhưng hai năm sau phải dừng do chậm giải phóng mặt bằng. Cuối năm ngoái, công trình mới khởi động trở lại sau khi các hộ đồng thuận giao đất. Trên công trường một năm qua, các nhà thầu huy động nhân công, thiết bị, chia làm nhiều mũi thi công giúp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án.

Vinafood 1 phải thoái sạch vốn tại 14 doanh nghiệp

Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) giai đoạn đến hết năm 2025 đã được phê duyệt. Tổng công ty này sẽ thoái 100% vốn góp tại 14 doanh nghiệp.

Trụ sở Tổng công ty Lương thực miền Bắc

Trụ sở Tổng công ty Lương thực miền Bắc

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1616 phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) giai đoạn đến hết năm 2025.

Mục tiêu của Đề án là xây dựng Tổng công ty trở thành doanh nghiệp mạnh, duy trì vị trí là một trong 3 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thu mua và xuất khẩu gạo.

Vinafood 1 tiếp tục duy trì mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn, giữ nguyên các chi nhánh hiện có. Ngoài ra, Tổng công ty thực hiện thoái toàn bộ 100% vốn góp tại 14 doanh nghiệp.

Về xây dựng phương án cơ cấu lại tài chính, vốn và tài sản, doanh nghiệp được yêu cầu tăng cường quản trị dòng tiền, vốn bằng tiền đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Vinafood 1 cần thường xuyên cập nhật tình hình cân đối dòng tiền, nguồn vốn trong trung hạn và dài hạn để đưa ra các dự báo, biện pháp ứng phó kịp thời.

Về phương án cơ cấu lại nhân sự, Vinafood 1 được yêu cầu tiếp tục rà soát, đánh giá và sắp xếp lại nhân sự trong bộ máy điều hành để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu và nâng cao hiệu quả công việc…