Bản tin thời sự sáng 17/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Công Thương nhận lại 6 doanh nghiệp nhà nước từ Ủy ban Quản lý vốn; TP.HCM thu hơn 17.000 tỷ đồng từ đất đai; mỗi lượng vàng miếng giảm hơn 1 triệu đồng; nợ thuế hơn 98 tỷ đồng, Dự án Movenpick Central (Quảng Bình) bị thu hồi đất…

Bộ Công Thương nhận lại 6 doanh nghiệp nhà nước từ Ủy ban Quản lý vốn

PVN, EVN, TKV, Petrolimex, Vinachem và Vinataba sẽ được chuyển từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về lại Bộ Công Thương.

Quy mô vốn nhà nước tại 6 doanh nghiệp chuyển giao về Bộ Công Thương đạt 800.000 tỷ đồng

Quy mô vốn nhà nước tại 6 doanh nghiệp chuyển giao về Bộ Công Thương đạt 800.000 tỷ đồng

Theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động và chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về lại các bộ, ngành.

Tại hội nghị tổng kết Nghị quyết 18 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Công Thương mới đây, cơ quan này cho biết sẽ tiếp nhận lại chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với 6 tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Những "ông lớn" này gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Thực tế, 6 tập đoàn, tổng công ty này từng thuộc quản lý của Bộ Công Thương, nhưng được bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào tháng 11/2018. Như vậy, sau 6 năm, các doanh nghiệp nhà nước lớn trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng lại quay về chịu sự quản lý của Bộ Công Thương.

Hiện số vốn nhà nước tại 6 "ông lớn" khoảng 800.000 tỷ đồng. Mức này tương đương 70% vốn nhà nước mà siêu ủy ban nắm giữ tại 19 tập đoàn, tổng công ty.

Ngoài tiếp nhận lại các doanh nghiệp nhà nước, Bộ Công Thương dự kiến giảm tối thiểu 15 - 20% đầu mối tổ chức bên trong.

Bộ Công Thương cũng sẽ kết thúc mô hình tổ chức Tổng cục Quản lý thị trường, đồng thời thành lập Cục Quản lý giám sát thị trường nội địa trên cơ sở chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy cơ quan Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ dự kiến chuyển 63 cục quản lý thị trường địa phương về UBND các tỉnh, thành phố và kiến nghị mô hình Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.

Bộ Công Thương sẽ hợp nhất Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Cục Điều tiết điện lực, tên đơn vị mới sau sắp xếp dự kiến là Cục Điện lực.

Hợp nhất Cục Công Thương địa phương, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Khoa học và Công nghệ, tên Cục mới sau sắp xếp dự kiến là Cục Công nghệ và Đổi mới sáng tạo…

TP.HCM thu hơn 17.000 tỷ đồng từ đất đai

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã thu 17.009 tỷ đồng từ đất đai, bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các khoản chuyển nhượng bất động sản...

Trong 10 tháng đầu năm 2024, TP.HCM đã thu 17.009 tỷ đồng từ đất đai. Ảnh minh họa

Trong 10 tháng đầu năm 2024, TP.HCM đã thu 17.009 tỷ đồng từ đất đai. Ảnh minh họa

UBND TP.HCM vừa có báo cáo tổng kết 5 năm triển khai thực hiện đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn.

Theo báo cáo, trong năm 2021, tổng nguồn thu từ đất đai ở TP.HCM đạt 22.094,4 tỷ đồng, bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các khoản chuyển nhượng bất động sản, lệ phí cấp giấy chứng nhận và phí thẩm định hồ sơ. Năm 2022, nguồn thu tăng mạnh lên 30.125,8 tỷ đồng nhờ thị trường bất động sản phục hồi sau đại dịch.

Tuy nhiên năm 2023, nguồn thu từ đất giảm còn 15.011,1 tỷ đồng do thị trường chững lại. "Trong 10 tháng đầu năm 2024, TP.HCM đã thu 17.009 tỷ đồng, điều này cho thấy dấu hiệu khôi phục và tăng trưởng của thị trường", báo cáo của UBND Thành phố nêu.

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thực hiện tiếp 3.617 lượt công dân, giải quyết 1.996 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Tham mưu thực hiện 34/34 dự án theo kết luận thanh tra và ban hành 501 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền phạt và thu lợi bất hợp pháp là hơn 63,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND quận, huyện đã xử lý 1.390 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai và thu được hơn 26,4 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là chậm đăng ký biến động đất đai, chậm cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, căn hộ trong dự án kinh doanh bất động sản.

Trong thời gian tới, UBND TP.HCM sẽ triển khai thực hiện Đề án Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, nhất là đất đai nhằm tạo nguồn lực đầu tư phát triển trên địa bàn.

Theo đó, trong giai đoạn 2025 - 2030 tập trung các công tác rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố để làm căn cứ triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Mỗi lượng vàng miếng giảm hơn 1 triệu đồng

Mỗi lượng vàng miếng giảm hơn 1 triệu đồng, trong khi nhẫn trơn cũng hạ hơn nửa triệu.

Mỗi lượng vàng miếng giảm hơn 1 triệu đồng

Mỗi lượng vàng miếng giảm hơn 1 triệu đồng

Sáng 16/12, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại 82,6 - 85,1 triệu đồng, giảm 1,2 triệu một lượng so với cuối tuần. Bốn nhà băng quốc doanh hạ giá bán vàng miếng SJC xuống 85,1 triệu đồng.

Vàng nhẫn trơn cũng đi xuống nhưng với biên độ thấp hơn. SJC niêm yết giá loại này tại 82,6 - 84,3 triệu đồng, giảm 700.000 đồng chiều mua vào và 400.000 đồng bán ra. DOJI báo giá vàng nhẫn 24K tại 83,5 - 84,6 triệu, còn PNJ là 84,3 - 84,4 triệu đồng một lượng.

Một tháng trở lại đây, giá vàng trong nước không biến động mạnh và thường giao dịch kém hơn vùng đỉnh 4 - 5 triệu đồng một lượng. Hiện mỗi lượng vàng nhẫn cao hơn đầu năm khoảng 33%, còn hiệu suất vàng miếng hơn 15%.

Trên thị trường quốc tế, mỗi ounce vàng neo quanh 2.652 USD, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 81,5 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện khoảng 3 - 3,6 triệu đồng.

Nợ thuế hơn 98 tỷ đồng, Dự án Movenpick Central (Quảng Bình) bị thu hồi đất

Tỉnh Quảng Bình đã ra thông báo thu hồi đất đối với Dự án Movenpick Central vì nhà đầu tư là Công ty CP Việt Group Central không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Bên trong Dự án Movenpick Central là một bãi đất trống, xung quanh được quây tôn kín mít

Bên trong Dự án Movenpick Central là một bãi đất trống, xung quanh được quây tôn kín mít

UBND tỉnh Quảng Bình vừa thông báo thu hồi đất Dự án Tổ hợp khách sạn và nhà ở kết hợp kinh doanh - shophouse (Dự án Movenpick Central) tại phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới.

Nguyên nhân thu hồi đất là Công ty CP Việt Group Central (nhà đầu tư) không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, cụ thể là nợ thuế khi sử dụng đất để thực hiện Dự án. Tổng diện tích UBND tỉnh Quảng Bình ra thông báo thu hồi là gần 3.000 m2.

UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị nhà đầu tư Dự án có trách nhiệm hoàn thành việc xử lý tài sản trên đất trong thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được thông báo thu hồi đất.

Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, tính đến ngày 5/12, Công ty CP Việt Group còn nợ thuế hơn 98 tỷ đồng, vi phạm quy định tại khoản 9 Điều 11 Luật Đất đai năm 2024.

Cục Thuế tỉnh Quảng Bình từng thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật, buộc nhà đầu tư chấp hành trách nhiệm tài chính như trích tiền từ tài khoản của nhà đầu tư tại kho bạc nhà nước, cưỡng chế hóa đơn, thông báo tạm hoãn xuất cảnh, ngăn chặn chuyển dịch thế chấp tài sản...

Tuy nhiên, Công ty CP Việt Group Central vẫn không chấp hành việc thanh toán nợ thuế. Do vậy, ngày 9/11, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã có văn bản kiến nghị xử lý thu hồi đất của nhà đầu tư do nợ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Dự án Tổ hợp khách sạn và nhà ở kết hợp kinh doanh - shophouse tại phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới có tổng mức đầu tư 515 tỷ đồng.

Dự án được đầu tư nhằm xây dựng tổ hợp khách sạn (tiêu chuẩn 5 sao), nhà ở kết hợp kinh doanh - shophouse và hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án hình thành khu phố ở, kinh doanh, kết hợp khách sạn nghỉ dưỡng, tạo điểm nhấn đô thị trên trục đường ven sông Nhật Lệ, TP. Đồng Hới.

Tháng 10/2020, Sở Xây dựng Quảng Bình đã ký hợp đồng với nhà đầu tư là Công ty CP Việt Group thực hiện Dự án. Thời gian thực hiện hợp đồng 29 tháng, hoàn thành vào ngày 15/3/2023.

Thanh Hóa thưởng Tết Nguyên đán cao nhất 410 triệu đồng

Theo dự kiến, mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại Thanh Hóa cao nhất là 410 triệu đồng, Tết Dương lịch 2025 cao nhất hơn 146 triệu đồng, đều thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Công nhân may trong giờ làm việc

Công nhân may trong giờ làm việc

Ngày 16/12, theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, đơn vị vừa có báo cáo tổng hợp tình hình lao động, tiền lương năm 2024, kế hoạch thưởng trong dịp Tết Dương lịch năm 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 cho người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

Có 1.232 doanh nghiệp thuộc 4 loại hình, sử dụng hơn 220.000 lao động, được khảo sát và có báo cáo tình hình tiền lương năm 2024 và thưởng Tết năm 2025 cho người lao động.

Tiền lương bình quân thực trả năm 2024 tại các công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 7,9 triệu đồng/tháng, cao nhất 65 triệu đồng/tháng, thấp nhất 3,9 triệu đồng/tháng.

Tiền lương bình quân thực trả năm 2024 tại công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là 8,5 triệu đồng/tháng, cao nhất 25 triệu đồng/tháng, thấp nhất 4,41 triệu đồng/tháng.

Tiền lương bình quân thực trả năm 2024 tại doanh nghiệp dân doanh là 7,2 triệu đồng/tháng, cao nhất 146,6 triệu đồng/tháng và thấp nhất là 3,45 triệu đồng/tháng.

Tiền lương bình quân thực trả năm 2024 tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 7,5 triệu đồng/tháng, cao nhất 410 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 3,45 triệu đồng/tháng.

Mức thưởng Tết Dương lịch 2025 dự kiến tại 746 doanh nghiệp dân doanh với hơn 36.000 lao động, bình quân 500.000 đồng/người, cao nhất hơn 137 triệu đồng, thấp nhất 50.000 đồng.

Thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 bình quân tại 691 doanh nghiệp dân doanh với hơn 32.000 lao động, dự kiến 5,8 triệu đồng/người, cao nhất hơn 159 triệu đồng và thấp nhất 200.000 đồng.

Mức thưởng Tết Dương lịch 2025 dự kiến tại 75 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với hơn 140.000 lao động, bình quân 140.000 đồng, cao nhất 146,6 triệu đồng và thấp nhất 50.000 đồng.

Thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 tại 83 doanh nghiệp FDI với hơn 160.000 lao động, bình quân 4,9 triệu đồng/người, cao nhất 410 triệu đồng và thấp nhất 70.000 đồng.

Hà Nội đặt mục tiêu xử lý được 70% nước thải sinh hoạt vào 2030

Quy hoạch Hà Nội đặt nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên là bảo vệ môi trường, mục tiêu xử lý được 70% nước thải sinh hoạt, khi tỷ lệ hiện tại chỉ 30%.

Cống nước thải chảy ra sông Tô Lịch đoạn cầu vượt Láng Hạ

Cống nước thải chảy ra sông Tô Lịch đoạn cầu vượt Láng Hạ

Thủ tướng vừa ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, định hướng Hà Nội trở thành thành phố xanh, thông minh, thanh bình, thịnh vượng, với thu nhập bình quân khoảng 45.000 - 46.000 USD mỗi người một năm.

Với mục tiêu về môi trường, định hướng đến 2030, 70% nước thải sinh hoạt sẽ được thu gom, xử lý. Với chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị, 100% được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn, trong đó tỷ lệ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp dưới 10%.

Hà Nội hiện phát sinh một triệu tấn m3 nước thải sinh hoạt hàng ngày, nhưng mới chỉ xử lý được 30%, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thành phố cũng thải 7.000 tấn chất thải rắn, xử lý được 96 - 97%, trong đó 63% là chôn lấp.

Để đạt mục tiêu Hà Nội trở thành thành phố xanh, nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên được nêu là bảo vệ môi trường và cảnh quan, giải quyết căn bản ô nhiễm môi trường và làm sống lại các dòng sông.

Cùng với đó, việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải cũng được yêu cầu thực hiện bằng công nghệ hiện đại, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, đồng thời xanh hóa khu vực nội đô, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của cả nước.

Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải vào nguồn nước, phục hồi sông Ngũ Huyện Khê, Nhuệ, Đáy, Cầu Bây, Tích, Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ phát triển hành lang du lịch dọc các bờ sông Hồng, Đáy và Tô Lịch.

Phí dịch vụ thoát nước ở TP.HCM tăng 5% từ 1/1/2025

Phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải áp dụng từ đầu năm 2025 tại TP.HCM sẽ tăng 5%, từ 25% lên 30% trên đơn giá cấp nước, chưa tính thuế.

Công nhân kiểm tra hệ thống cấp nước ở nhà máy nước Thủ Đức

Công nhân kiểm tra hệ thống cấp nước ở nhà máy nước Thủ Đức

Đây là mức điều chỉnh lần cuối trong lộ trình tăng giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải ở TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025 (mỗi năm tăng 5%).

Khoản tiền trên được Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) thu hộ, thông qua khối lượng nước sạch tiêu thụ hàng tháng của người dân ghi trên hóa đơn. Ví dụ, người dân khi sử dụng 100.000 đồng nước sạch cần đóng thêm 30% phí thoát nước và xử lý nước thải, tương đương 30.000 đồng. Phí dịch vụ này chưa tính thuế giá trị gia tăng (VAT).

Trước đó, từ ngày 15/11/2019, giá bán nước sạch ở thành phố giai đoạn 2019 - 2022 đã tăng trung bình 5 - 7% mỗi năm, sau đề xuất của Sawaco. Đơn vị này cho biết, giá nước từ năm 2013 đến 2019 chưa được điều chỉnh khiến tình hình tài chính bị ảnh hưởng khi phải đảm bảo, duy trì tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch và thực hiện "nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội".

Hiện, giá nước sạch ở TP.HCM theo định mức thấp nhất cho hộ gia đình sử dụng 4 m3 mỗi người mỗi tháng là 6.700 đồng/m3. Khi tính thêm phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải 25% cùng thuế VAT như hiện nay, hóa đơn nước theo định mức này là 8.844 đồng/m3.

Với định mức 4 - 6 m3 là 12.900 đồng/m3, cộng thêm khoản phí nêu trên, tổng tiền trong hóa đơn là 17.028 đồng. Khi dùng từ 6 m3 trở lên, tổng số tiền gồm giá nước cùng phí dịch vụ là 19.008 đồng. Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp; đơn vị sản xuất; kinh doanh, dịch vụ, giá áp dụng lần lượt là 17.160 đồng, 15.972 đồng và 28.116 đồng.