Bản tin thời sự sáng 17/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 657.000 tỷ đồng đầu tư công năm 2024 chủ yếu cho hạ tầng giao thông; Đà Nẵng dự kiến làm công viên linh vật rồng; dự kiến xét xử vụ Vạn Thịnh Phát trong gần 2 tháng; Việt Nam nghiên cứu mở rộng diện miễn visa…

657.000 tỷ đồng đầu tư công năm 2024 chủ yếu cho hạ tầng giao thông

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024, toàn quốc dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là hạ tầng giao thông, phấn đấu giải ngân ít nhất 95%.

Năm 2024 sẽ tăng tốc xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia với tổng mức đầu tư 422.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Năm 2024 sẽ tăng tốc xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia với tổng mức đầu tư 422.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình trọng điểm ngành giao thông sáng 16/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm nay sẽ tăng tốc xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia với tổng mức đầu tư rất lớn - 422.000 tỷ đồng.

Thủ tướng nhấn mạnh, giải ngân được 422.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông năm 2024 sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, vùng miền và cả nước.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, những năm qua, việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông đã được thúc đẩy, tạo ra phong trào, xu thế không chỉ ở Trung ương mà còn ở địa phương. Năm 2021 - 2022 là giai đoạn khởi động, chuẩn bị và phê duyệt dự án, năm 2023 triển khai đồng loạt, năm 2024 sẽ là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm.

Tại phiên họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, đa số các dự án mới triển khai đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra, giải ngân ở mức cao hoặc vượt yêu cầu. Toàn quốc có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án sân bay, còn lại là các dự án đường bộ như cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai TP.HCM.

Đà Nẵng dự kiến làm công viên linh vật rồng

Công viên sẽ nằm ở khu đất ven biển ngã ba đường Võ Văn Kiệt và Võ Nguyên Giáp, tập trung tất cả linh vật rồng Tết Giáp Thìn để người dân, du khách đến check-in.

Linh vật rồng trang trí trước khu vực HĐND và trung tâm hành chính Đà Nẵng

Linh vật rồng trang trí trước khu vực HĐND và trung tâm hành chính Đà Nẵng

Ngày 16/2, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, đã tham mưu lãnh đạo Thành phố làm công viên linh vật rồng tại khu đất phía Tây Bắc đường Võ Văn Kiệt và đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà. Khu đất rộng 2,8 ha, được quy hoạch thực hiện Dự án Trung tâm Tài chính. Sở Xây dựng đề xuất dành một phần đất của Dự án để tập trung linh vật rồng tại các điểm trang trí Tết 2024 về đây, tạo điểm check-in mới.

"Khu đất này chưa thực hiện dự án, đang nhếch nhác, mất mỹ quan, nếu làm công viên linh vật rồng, ngoài tạo điểm đến mới còn giúp cải thiện đáng kể cảnh quan ven biển", ông Phong nói.

Tết Giáp Thìn 2024, linh vật rồng của Đà Nẵng khá đa dạng như tượng rồng chuyển động, có thể phun lửa, phun nước kèm theo âm thanh, ánh sáng tại đuôi cầu Rồng; rồng dài 60 m tại đầu cầu Rồng; 3 linh vật có hiệu ứng điện chiếu sáng; 100 trứng và rồng con...

Riêng linh vật rồng bằng gốm Bát Tràng cao 5,2 m, nặng hơn 400 kg, thiết kế theo nguyên mẫu rồng thời Lý do họa sĩ Bùi Văn Kiên (Hà Nội) sáng tác, nghệ nhân làng nghề Bát Tràng thực hiện từ hơn 1.800 chi tiết gốm trong 4 tháng, đang trưng bày tại cầu chữ T sẽ được giữ lại lâu dài.

Năm nay, Đà Nẵng có 15 điểm trang trí hoa truyền thống, 6 điểm trang trí hoa và điện chiếu sáng, tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Ban Đô thị (HĐND TP. Đà Nẵng) đề xuất Thành phố duy trì điểm trang trí hoa xuân này đến hết Tết Nguyên tiêu để người dân và du khách tham quan.

Dự kiến xét xử vụ Vạn Thịnh Phát trong gần 2 tháng

Ngày 16/2, Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM có quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), cùng 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan. Theo đó, thời gian dự kiến diễn ra từ ngày 5/3 đến ngày 29/4/2024.

Bị can Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (ngoài cùng bên trái) và một số bị can liên quan trong vụ án

Bị can Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (ngoài cùng bên trái) và một số bị can liên quan trong vụ án

86 bị cáo bị đưa ra xét xử về một trong các tội danh “tham ô tài sản”, “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trong đó, bị can Trương Mỹ Lan bị truy tố về các tội: “tham ô tài sản”, “đưa hối lộ”, và "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bị can Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần).

Qua đó, bị can Trương Mỹ Lan trở thành cổ đông có “quyền lực" để chỉ đạo, điều hành, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.

Bị can Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB; thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan;

Thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty “ma”, thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm;

Thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ Ngân hàng SCB;

Lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước làm trái công vụ.

Việt Nam nghiên cứu mở rộng diện miễn visa

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an nghiên cứu đề xuất mở rộng diện miễn thị thực (visa) cho công dân một số nước phù hợp tình hình mới và quan hệ hợp tác song phương.

Khách du lịch nước ngoài tham quan hồ Gươm, Hà Nội

Khách du lịch nước ngoài tham quan hồ Gươm, Hà Nội

Chỉ thị đôn đốc nhiệm vụ trọng tâm sau nghỉ Tết của Thủ tướng đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao sớm tổng kết, đánh giá việc áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 nước thời gian qua.

Bộ Ngoại giao và Bộ Công an đề xuất mở rộng các nước có công dân được đơn phương miễn thị thực Việt Nam.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hướng dẫn cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn cho du khách và người dân. Khách sạn, nhà hàng vận động du khách "đã uống rượu bia không lái xe". Đồng thời, trong tháng 2, Bộ báo cáo Thủ tướng kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch.

Việt Nam hiện đang miễn thị thực cho công dân 25 nước, trong đó có 13 nước được miễn thị thực đơn phương gồm Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus.

Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực châu Á đang tăng sức cạnh tranh thu hút du khách bằng chính sách miễn thị thực, đơn cử Malaysia và Singapore đã miễn visa cho công dân 162 quốc gia, trong khi Philippines là 157, Nhật Bản 68, Hàn Quốc 66, Thái Lan 64.

Từ giữa tháng 8, Việt Nam cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và nâng thời hạn từ 30 lên 90 ngày, với số lần xuất nhập cảnh không giới hạn. Công dân của các nước Việt Nam đơn phương miễn thị thực được tăng thời gian tạm trú từ 15 lên 45 ngày và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.

Loạt dự án tại Ninh Bình vi phạm quy định về đất đai, quy hoạch xây dựng

Thanh tra Chính phủ cho biết, nhiều dự án ở Ninh Bình giai đoạn 2011 - 2022 vi phạm về quy hoạch, chậm tiến độ, thiếu sót về tiền sử dụng đất.

Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng, Ninh Bình
Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng, Ninh Bình

Thông tin này được nêu trong Kết luận số 203 về quản lý, sử dụng đất đai tại Ninh Bình giai đoạn 2011 - 2022 được Thanh tra Chính phủ công bố mới đây.

Theo Thanh tra Chính phủ, hầu hết cấp độ quy hoạch xây dựng ở Ninh Bình được lập, phê duyệt và triển khai thực hiện trong giai đoạn kể trên. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng chưa được quản lý chặt chẽ, còn một số hạn chế, thiếu sót như chưa ban hành kế hoạch triển khai các đồ án quy hoạch, chậm triển khai các quy hoạch cấp trên, tỷ lệ phủ quy hoạch chi tiết còn thấp, phạm vi quy hoạch hẹp, manh mún, thiếu tổ chức..., chủ yếu phục vụ mục tiêu ngắn hạn, chưa nâng cao được hiệu quả sử dụng đất, khai thác hết tiềm năng phát triển của địa phương.

Qua kiểm tra tại 18 dự án, Thanh tra Chính phủ phát hiện 7 dự án phê duyệt quy hoạch chưa đúng tỷ lệ, chưa điều chỉnh quy hoạch chung, chỉ tiêu quy hoạch chưa phù hợp với quy hoạch cấp trên hoặc quy chuẩn xây dựng; dự án có quy mô trên 5 ha nhưng không lập quy hoạch chi tiết 1/500, không bố trí nhà ở xã hội.

Các dự án này gồm Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng, Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái, bến xe khách phía Đông TP. Ninh Bình, Nhà máy chế biến gỗ cao cấp tại xã Xích Thổ, Khu dân cư Bình Minh (huyện Nho Quan), Khu công nghiệp Gián Khẩu, Khu đô thị mới phía Bắc TP. Ninh Bình và huyện Hoa Lư.

7 dự án chậm tiến độ so với giấy chứng nhận nhà đầu tư và có hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong việc xác định tiền sử dụng đất, thuê đất, chưa xác định bổ sung tiền thuê đất, chậm nộp tiền thuê, không điều chỉnh đơn giá thuê sau khi hết chu kỳ ổn định 5 năm. 5 dự án chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp khi chưa có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

3 dự án vi phạm về trình tự, thủ tục khi chấp thuận chủ trương đầu tư mà chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa phù hợp với quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, quy hoạch đô thị gồm: Khu du lịch sinh thái và biệt thự Golden Cúc Phương, bến xe khách phía Đông TP. Ninh Bình, Nhà máy chế biến gỗ tại xã Xích Thổ.

Hà Nội Golf Club ở Sóc Sơn bị xử phạt hơn 345 triệu đồng

Công ty CP Sân golf Hà Nội có địa chỉ tại huyện Sóc Sơn bị xử phạt hành chính hơn 345 triệu đồng vì không có giấy phép môi trường theo quy định.

Hà Nội Golf Club có địa chỉ ở xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Hà Nội Golf Club có địa chỉ ở xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty CP Sân golf Hà Nội (Hà Nội Golf Club). Doanh nghiệp này có địa chỉ tại thôn Thái Lai, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn.

Lý do Hà Nội Golf Club bị xử phạt là không có giấy phép môi trường theo quy định, trong khi thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh.

Theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Công ty CP Sân golf Hà Nội bị xử phạt 320 triệu đồng.

Trước đó, trong quyết định ban hành ngày 20/10/2023, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, công ty này có hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép theo quy định trong trường hợp khai thác nước, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng trên 10 m3/ngày đêm đến dưới 30 m3/ngày đêm.

Theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, cơ sở bị xử phạt 15 triệu đồng. Đồng thời, Hà Nội Golf Club bị buộc nộp lại hơn 10,3 triệu đồng là số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Như vậy, tổng mức xử phạt đối với công ty này là hơn 345,3 triệu đồng.

Apple triển khai xe chụp ảnh bản đồ ở Việt Nam

Các xe do Apple sử dụng được trang bị đầy đủ thiết bị chụp ảnh LiDAR để thu thập dữ liệu đường phố chi tiết cho bản đồ Apple Maps.

Một loại xe chụp ảnh bản đồ của Apple

Một loại xe chụp ảnh bản đồ của Apple

Xe chụp ảnh bản đồ của Apple bắt đầu hoạt động trên khắp Việt Nam từ ngày 16/2. Đây là một phần trong quá trình xây dựng lại hệ thống dữ liệu chi tiết cho Apple Maps từ năm 2018 trên khắp thế giới. Sau khi được cập nhật, người Việt có thể sử dụng ứng dụng Maps trên iPad, iPhone, MacBook với khả năng điều hướng tốt hơn, chi tiết phong phú và thông tin chính xác hơn về các địa điểm.

Việc sử dụng xe chụp ảnh cũng giúp bản đồ Apple Maps tại Việt Nam trong tương lai dùng được tính năng Look Around (nhìn xung quanh) tương tự Google Street View. Hiện chỉ các thành phố lớn ở Mỹ, Nhật Bản, một số nước ở châu Âu hay duy nhất Singapore ở khu vực Đông Nam Á có tính năng Look Around. Người dùng có thể xem trước hình ảnh thực tế tại từng con phố, tòa nhà, quảng trường mà không cần đặt chân đến tận nơi.

Xe chuyên dụng của Apple trang bị thiết bị chụp LiDAR gắn bên ngoài cùng hệ thống máy tính, iPhone, iPad phục vụ cho người điều khiển bên trong.

Theo Apple, tại các khu vực, tuyến đường không phù hợp cho xe chạy, hãng sẽ sử dụng hệ thống di động như thiết bị gắn trên ba lô để thu thập dữ liệu xung quanh, ví dụ một số tuyến phố, ngõ, quảng trường... không thể lái xe. Một số nơi có thể dùng trực tiếp iPhone, iPad để lấy dữ liệu cho phép hãng cải thiện, cập nhật chính xác, phù hợp với đặc tính địa phương của các thành phố lớn tại Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM.

Apple Maps tại Việt Nam hiện đã có các tính năng cơ bản như xem dạng vệ tinh, hiển thị thông tin giao thông, đường cấm tạm thời, giả lập 3D. Tính năng chỉ đường có sẵn trên iPhone, iPad, Apple Watch, MacBook nhưng chưa thể hoạt động nếu kết nối Car Play với xe hơi.

TP.HCM xử phạt hơn 2.600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong 7 ngày Tết

Trong 7 ngày nghỉ Tết, lực lượng cảnh sát giao thông TP.HCM đã lập biên bản 5.171 trường hợp vi phạm luật giao thông, trong đó có 2.676 trường hợp vi phạm liên quan nồng độ cồn.

Đội cảnh sát giao thông Đa Phước (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.HCM) kiểm tra nồng độ cồn đối với một tài xế ô tô

Đội cảnh sát giao thông Đa Phước (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.HCM) kiểm tra nồng độ cồn đối với một tài xế ô tô

Ngày 16/2, Công an TP.HCM cho biết, tình hình an ninh trật tự, an ninh chính trị, nhất là tại các địa bàn, mục tiêu trọng điểm, khu vực tổ chức lễ hội, chào đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Trong 7 ngày Tết (từ ngày 8/2 đến ngày 14/2), tình hình tội phạm về trật tự an toàn xã hội không có diễn biến bất thường, lực lượng Công an TP.HCM đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, trấn áp, không để các băng nhóm tội phạm hoạt động công khai, manh động, gây ảnh hưởng đến dư luận xã hội.

Trên địa bàn Thành phố xảy ra 3 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đã điều tra, bắt giữ 3 đối tượng. Ngoài ra, cơ quan công an tiếp nhận 35 vụ việc, đang lập hồ sơ xác minh làm rõ.

Về tội phạm ma túy, cơ quan công an đã đấu tranh, khám phá 15 vụ và phát hiện 20 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy; khởi tố 9 vụ, 11 bị can; xử lý hành chính 6 vụ, 9 đối tượng.

Trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông đã lập biên bản 5.171 trường hợp vi phạm luật giao thông, trong đó có 2.676 trường hợp vi phạm liên quan nồng độ cồn; xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3 người, bị thương 15 người; không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, đường sắt…