Bộ Công Thương tính tăng mua điện từ Trung Quốc, Lào tới năm 2030
Bộ Công Thương dự kiến tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào lần lượt thêm 3.000 MW và 2.500 MW đến năm 2030, cao hơn 1,5 - 5 lần so với quy hoạch hiện nay.
![]() |
Bộ Công Thương dự kiến tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào lần lượt thêm 3.000 MW và 2.500 MW đến năm 2030 |
Chính phủ dự kiến tăng trưởng hai chữ số trong những năm tới, để sớm đạt mục tiêu thành nước thu nhập cao vào 2045. Với mục tiêu này, nhu cầu tăng trưởng điện mỗi năm khoảng 12 - 14%.
Tại dự thảo lấy ý kiến về Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, Bộ Công Thương tính toán, quy mô hệ thống điện Việt Nam phải đạt 210.000 MW đến năm 2030 và tăng lên 840.000 MW vào năm 2050. Mức này cao hơn lần lượt 35% và 50% so với Quy hoạch điện VIII đã duyệt.
Theo kịch bản của Bộ Công Thương, tỷ trọng điện nhập khẩu có thể chiếm 5% tổng công suất nguồn điện lắp đặt tới năm 2030. Mức này cao hơn khoảng 1,7% quy hoạch hiện hành và 4% tính tới cuối 2024.
Cụ thể, Bộ đề xuất nhập khẩu điện khoảng 3.700 MW từ Trung Quốc vào năm 2030, tăng 3.000 MW so với Quy hoạch điện VIII.
Thực tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đàm phán tăng mua điện từ nước này lên 2,4 tỷ kWh, công suất 730 MW giai đoạn đến năm 2026. Từ năm 2027 - 2028, mức mua có thể lên khoảng 19 tỷ kWh một năm, công suất 4.100 MW.
EVN cũng nghiên cứu đề xuất mua thêm khoảng 3.000 MW từ Trung Quốc qua trạm đặt tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, với sản lượng 15 tỷ kWh mỗi năm. Nếu kế hoạch này được duyệt, nguồn điện từ nước láng giềng sẽ đấu nối vào Trạm biến áp 500 kV Lào Cai và giải tỏa công suất chủ yếu qua đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên (dự án truyền tải dự kiến vận hành đầu năm 2026).
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, hiện chưa có cam kết nào với quy mô nhập khẩu điện từ Trung Quốc. "Thời gian tới, các cấp có thẩm quyền của hai nước cần tiếp tục đàm phán, làm rõ và sớm ký kết thỏa thuận", Bộ Công Thương cho biết. Cùng với đó, nhà điều hành sẽ nghiên cứu, đánh giá tính khả thi về kinh tế-kỹ thuật với quy mô nhập khẩu điện từ nước này.
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam cũng tính tăng mua điện từ Lào, dự kiến đạt 6.800 MW vào năm 2030 trong kịch bản tăng trưởng cao. Mức này cao hơn gần 1,6 lần so với công suất đưa ra tại Quy hoạch điện VIII (4.300 MW).
Việt Nam chi hơn 1,5 tỷ USD nhập rau quả từ Mỹ, Trung Quốc
Mỹ, Trung Quốc dẫn đầu xuất khẩu rau quả sang Việt Nam, trong đó, nho và táo được nhập nhiều nhất năm 2024.
![]() |
Nho mẫu đơn Trung Quốc được bán 110.000 đồng 2 hộp (1 - 1,2kg) |
Theo số liệu của cơ quan hải quan, Việt Nam chi hơn 2,4 tỷ USD mua rau quả từ các nước trong năm 2024, tăng 24% so với năm 2023. Trong 16 thị trường chính, Trung Quốc và Mỹ có lượng xuất khẩu rau quả sang Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất.
Cụ thể, Việt Nam chi gần 1 tỷ USD nhập rau quả Trung Quốc, tăng 25% so với năm 2023. Mức mua mặt hàng này từ Mỹ là 544 triệu USD, tăng 64% - mức cao nhất trong 16 thị trường. Tính chung rau quả Việt Nam mua từ hai thị trường này đạt trên 1,5 tỷ USD trong năm ngoái.
Australia xếp thứ ba, với 151 triệu USD, tăng hơn 6% so với năm trước đó.
Táo, nho, hạt dẻ cười, hạnh nhân là các sản phẩm được nhập khẩu nhiều nhất. Giá những mặt hàng này tại các nước trên cũng cạnh tranh hơn so với trước. Trong đó táo, nho có nhiều loại, đáp ứng đủ phân khúc từ bình dân đến cao cấp. Năm qua cũng đánh dấu nhiều trái cây Trung Quốc lên kệ siêu thị Việt.
Theo các doanh nghiệp, nông sản từ Trung Quốc và Mỹ tăng mạnh nhờ các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ, với nhiều ưu đãi thuế, giảm rào cản kỹ thuật.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, rau quả từ các thị trường trên có chất lượng tốt, giá hợp lý với túi tiền người tiêu dùng.
Những năm gần đây, Trung Quốc nghiên cứu và trồng nhiều nông sản cao cấp có nguồn gốc từ Nhật Bản, Hàn Quốc với giá chỉ bằng một phần tư so với hàng nhập từ các nước khác, phù hợp với thị trường Việt Nam. Táo Mỹ cũng cạnh tranh hơn so với hàng từ New Zealand, Australia nên được tiêu thụ nhiều.
Theo khảo sát trên thị trường, giá bán các loại trái cây mua từ Mỹ, Trung Quốc rẻ hơn so với trước. Hiện giá nho của hai nước này nhập về Việt Nam dao động 80.000 - 200.000 đồng một kg; táo 49.000 - 150.000 đồng. Mức này giảm 20 - 30% so với 2023.
Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu rau quả từ Hàn Quốc đạt 56 triệu USD, Ấn Độ 57 triệu và New Zealand là 105 triệu USD, giảm 12 - 17% so với năm 2023.
Bình Dương làm gần 100 km đường ven sông Sài Gòn, song hành Vành đai 3
Bình Dương thống nhất xây dựng đường ven sông Sài Gòn với chiều dài gần 100 km, đi qua 3 thành phố, 1 huyện, cụm 3 cảng sông, song hành với dự án Vành đai 3 và Vành đai 4 TP.HCM.
![]() |
Sông Sài Gòn đoạn qua địa phận TP. Thủ Dầu Một |
UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã thống nhất triển khai Đề án xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn, đi qua các thành phố Thuận An, Thủ Dầu Một, Bến Cát và huyện Dầu Tiếng.
Theo Đề án, tổng chiều dài toàn tuyến đường ven sông Sài Gòn khoảng 98,2 km, kết nối với đường song hành Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, ĐT.744 và một số dự án đang triển khai trong hành lang đường ven sông như cụm cảng An Sơn, cảng An Tây, cảng Phú Cường Thịnh.
Trong đó, đoạn qua TP. Thuận An dài 13,6 km với quy mô lộ giới 32 m, có 6 làn xe, hướng tuyến bám theo đường đê bao sông Sài Gòn hiện hữu (cách bờ sông 20 - 40 m). Đoạn qua TP. Thủ Dầu Một dài 16,7 km với quy mô lộ giới 14 - 32 m. Đoạn qua TP. Bến Cát dài 27,9 km với quy mô lộ giới 28 - 36,5 m. Đoạn qua huyện Dầu Tiếng dài 39,79 km với quy mô lộ giới 32 m.
Đường ven sông Sài Gòn, đoạn qua TP. Thuận An dự kiến chi hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó, đoạn từ rạch Bình Nhâm đến giáp cảng An Sơn (thuộc phường Bình Nhâm và xã An Sơn) có chiều dài tuyến 2,2 km. Đoạn này có tổng mức đầu tư dự kiến 1.463,85 tỷ đồng.
Đoạn từ cảng An Sơn đến rạch Bà Lụa (thuộc xã An Sơn) có chiều dài tuyến 2,1 km. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.389,17 tỷ đồng.
Đoạn từ đường Gia Long đến đường Vĩnh Phú 40 (thuộc phường Lái Thiêu và phường Vĩnh Phú) có chiều dài 1,8 km. Dự kiến tổng mức đầu tư 1.483,68 tỷ đồng.
Đoạn từ đường Vĩnh Phú 40 đến giáp cầu Vĩnh Bình (thuộc phường Vĩnh Phú) có chiều dài 3,9 km. Dự kiến, tổng mức đầu tư là 1.693,61 tỷ đồng.
Đoạn qua TP. Thủ Dầu Một dự kiến chi hàng nghìn tỷ đồng, trong đó, đoạn dài 4,8 km (từ cầu Phú Cường đến rạch Bà Lụa) gồm 3 km đã hoàn thành xây dựng, còn 1,8 km (từ rạch Bảy Tra đến rạch Bà Lụa) đang triển khai xây dựng. Tổng vốn đầu tư cho đoạn dài gần 5 km này khoảng 2.133 tỷ đồng, phần lớn là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đối với đoạn qua TP. Bến Cát và huyện Dầu Tiếng có chiều dài gần 70 km, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đang nghiên cứu về tổng mức đầu tư và thời gian bắt đầu triển khai thực hiện.
Hòa Bình chuyển đổi hơn 50 ha đất rừng làm khu đô thị sinh thái
Hơn 50 ha đất sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Lâm Sơn, tỉnh Hòa Bình.
![]() |
Hòa Bình chuyển đổi hơn 50 ha đất rừng làm khu đô thị sinh thái |
Theo quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình, 52 ha đất rừng thuộc Tiểu khu 81 (xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn) sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong đó, hơn 3.000 m2 là đất rừng sản xuất, phần diện tích còn lại không thuộc Quy hoạch lâm nghiệp đến 2030.
Diện tích rừng chuyển đổi này sẽ được dùng thực hiện Dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn (tên thương mại Ivory Villas & Resort), tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn. Công ty CP Archi Reenco Hòa Bình (thành viên Tập đoàn Việt Mỹ) là chủ đầu tư Dự án.
UBND tỉnh giao huyện Lương Sơn cập nhật vào hồ sơ quy hoạch lâm nghiệp và giám sát thực hiện Dự án theo ranh giới rừng được chuyển mục đích.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, Khu đô thị sinh thái Lâm Sơn có diện tích gần 66 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng. Dự án sẽ cung cấp khoảng 458 căn biệt thự nhà vườn và 100 căn chung cư, quy mô dân số hơn 2.500 người. Chủ đầu tư cho biết, phạm vi thực hiện dự án chủ yếu đất rừng sản xuất, không có khu dân cư sinh sống hay đất trồng lúa.
6 tháng vận hành, metro Nhổn - ga Hà Nội phục vụ gần 3,4 triệu khách
Sau 6 tháng vận hành thương mại, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy đã vận chuyển gần 3,4 triệu lượt hành khách.
![]() |
Hơn 60% hành khách đi Metro Nhổn - ga Hà Nội sử dụng vé tháng |
Theo số liệu thống kê từ Công ty TNHH MTV Công ty đường sắt Hà Nội, sau 6 tháng vào vận hành khai thác thương mại, đã có gần 3,4 triệu hành khách di chuyển trên tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy. Trung bình mỗi tháng có hơn 480.000 lượt hành khách di chuyển trên tuyến.
Đặc biệt, tỷ lệ hành khách sử dụng vé tháng chiếm hơn 60% tổng số hành khách. Điều này cho thấy, đường sắt đô thị đang là phương tiện giao thông công cộng được người dân quan tâm và sử dụng một cách thường xuyên, đặc biệt là nhóm đối tượng học sinh, sinh viên và người đi làm.
Metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5 km, được đưa vào vận hành thương mại từ 8/8/2024. Trong 15 ngày đầu tiên miễn phí, số lượng hành khách đi tàu đạt trên 100.500 lượt.
Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, đoạn ngầm từ Cầu Giấy tới Ga Hà Nội đang được tập trung thi công. Dự kiến, đoạn ngầm này sẽ đưa vào khai thác trong năm 2026.
Đề xuất hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế cho người 60 - 75 tuổi
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Hà Nội đề xuất Thành phố hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) cho một số nhóm từ 1/1/2026, gồm người đủ 60 đến dưới 75 tuổi.
![]() |
Người cao tuổi mưu sinh bằng sạp rau củ ở chợ Thành Công, Hà Nội |
BHXH Hà Nội cùng cơ quan liên quan vừa báo cáo UBND Thành phố xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện, BHYT cho một số nhóm. Chính sách dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2026 cho khoảng 614.000 người thụ hưởng với tổng kinh phí trích từ ngân sách gần 709 tỷ đồng.
Người hưởng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo và thoát cận nghèo theo mức chuẩn nghèo, cận nghèo đa chiều của Thành phố; người từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi; người khuyết tật nhẹ; dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ gia đình làm nông - lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình. Các nhóm này thường trú trên địa bàn Thành phố, trừ người không có nhu cầu.
Người dân khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hỗ trợ một phần chi phí đóng hàng tháng, cụ thể là 70% đối với người thuộc hộ nghèo, 75% đối với người thuộc diện cận nghèo và 20% đối với các nhóm khác.
Ngoài ra, Thành phố hỗ trợ 100% kinh phí đóng BHYT trong vòng 36 tháng cho các thành viên thoát nghèo, cận nghèo (tính từ thời điểm được công nhận), người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ BHYT (trừ trẻ dưới 16 tuổi), và người dân tộc thiểu số thuộc nhóm đóng BHYT bắt buộc và chưa có thẻ. Người cao tuổi từ 60 đến dưới 70 tuổi không thuộc diện tham gia bắt buộc và chưa có thẻ cũng được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đóng BHYT.
Theo tính toán của cơ quan BHXH, gần 160.000 người cao tuổi thuộc diện thụ hưởng này. Hà Nội hiện có gần 1,15 triệu người từ 60 tuổi trở lên, trong đó khoảng 636.700 người đã được cấp thẻ BHYT từ Quỹ BHXH và ngân sách hỗ trợ; 330.700 người có thẻ BHYT hộ gia đình với tiền hỗ trợ mỗi năm trên 804 tỷ đồng.
Mức hỗ trợ 70% tiền đóng BHYT cũng được áp dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Hà Nội hiện có khoảng 2,29 triệu em và 99,3% trong số này đã được cấp thẻ BHYT; còn trên 16.100 học sinh, sinh viên khó khăn chưa tham gia. Kinh phí hỗ trợ 30% dành cho người thuộc hộ gia đình nông lâm ngư có mức sống trung bình.
Theo BHXH Hà Nội, dân số Hà Nội đạt gần 8,7 triệu người. Hết năm 2024 khoảng 2,17 triệu người đóng BHXH bắt buộc; 104.300 người tham gia BHXH tự nguyện và gần 8,17 triệu người - khoảng 95% dân số đóng BHYT. Giai đoạn 2022 - 2024, Thành phố hỗ trợ hơn 10,9 triệu người tham gia BHXH, BHYT với kinh phí hơn 5.430 tỷ đồng.
Các khu công nghiệp Cần Thơ có hơn 45.000 lao động làm việc
Tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ, hiện có 45.331 lao động đang làm việc, tăng 3.218 lao động so với cùng kỳ.
![]() |
Hơn 45.000 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ, trong tháng 1/2025, các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ thu hút 1 dự án đầu tư mới với tổng vốn 308,22 triệu USD; điều chỉnh 1 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn điều chỉnh tăng 5,56 triệu USD.
Lũy kế đến nay, các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ có 257 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,256 tỷ USD, vốn thực hiện 1,295 tỷ USD, chiếm 57% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố là 232,9 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2024. Tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp Cần Thơ đến tháng 1/2025 là 45.331 lao động, tăng 3.218 lao động so với cùng kỳ năm 2024. Số lao động của các doanh nghiệp FDI là 23.127 người.
Trong tháng đầu năm 2025, TP. Cần Thơ ước cấp mới đăng ký kinh doanh cho 188 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn 847 tỉ đồng, đạt 9,9% kế hoạch về số lượng doanh nghiệp và đạt 5,84% kế hoạch về vốn; tăng 13% về số lượng doanh nghiệp và tăng 37% về vốn so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp giải thể tự nguyện là 4, giảm 82% so với cùng kỳ; 460 doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động, tăng 8% so với cùng kỳ; 190 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 26% so với cùng kỳ.
Về thu hút đầu tư trong nước (ngoài khu công nghiệp), trong tháng 1.2025, Thành phố chưa có dự án mới. Lũy kế đến nay, trên địa bàn TP. Cần Thơ hiện có 94 dự án được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đang triển khai thực hiện, tổng diện tích khoảng 1.922,61 ha.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lũy kế đến nay, trên địa bàn Thành phố hiện có 80 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.219,73 triệu USD. Trong khu công nghiệp có 29 dự án với tổng vốn đăng ký 612,33 triệu USD. Ngoài khu công nghiệp có 51 dự án, tổng vốn đăng ký 1.607,4 triệu USD.