Bản tin thời sự sáng 17/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM xem xét gỡ vướng cấp sổ hồng cho 8 dự án nhà ở; dự kiến bỏ tuyển sinh lớp 1, 6 theo tuyến trong toàn quốc; Hà Nội chốt thời gian phá tòa 'Hàm cá mập'; chấp thuận đầu tư dự án sân golf, khách sạn 1,5 tỷ USD Tập đoàn Trump đề xuất ở Hưng Yên…

TP.HCM xem xét gỡ vướng cấp sổ hồng cho 8 dự án nhà ở

TP.HCM vừa có buổi làm việc với chủ đầu tư 8 dự án nhà ở trên địa bàn để xem xét, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc cấp sổ hồng.

TP.HCM xem xét gỡ vướng cấp sổ hồng cho 8 dự án nhà ở. Ảnh minh họa

TP.HCM xem xét gỡ vướng cấp sổ hồng cho 8 dự án nhà ở. Ảnh minh họa

Mới đây, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM (Tổ trưởng Tổ công tác gỡ vướng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân) đã có buổi làm việc với chủ đầu tư 8 dự án nhà ở để giải quyết các vướng mắc liên quan đến cấp sổ hồng cho các dự án trên.

Theo đó, 8 dự án nằm tại TP. Thủ Đức, quận 10, quận 12, quận Tân Phú và huyện Bình Chánh đang được thành phố xem xét gỡ vướng pháp lý đợt này. Cụ thể gồm:

Khu dân cư số 1 - phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Giải trí Đại Dương và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích TP Thủ Đức làm chủ đầu tư; Dự án nhà ở để bán tại phường Cát Lái - phường Cát Lái, TP Thủ Đức do Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ TP.HCM đầu tư chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Phú Gia; Chung cư nhà ở xã hội phường Phú Hữu - phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức do Công ty cổ phần Đầu tư Nam Phan làm chủ đầu tư; Khu nhà ở Khang An - phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức do Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Khang An làm chủ đầu tư; Khu nhà ở Bình Hưng - Văn Lang - xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh do Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Văn Lang làm chủ đầu tư; Chung cư C1, C2 và 36 căn nhà liên kế thuộc dự án khu nhà ở Gò Sao - phường Thạnh Xuân, quận 12 do Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Gia Cư làm chủ đầu tư; Khu phức hợp Hà Đô Centrosa – khối B1 - phường 12, quận 10 do Công ty cổ phần Hà Đô – 756 Sài Gòn làm chủ đầu tư; Khu căn hộ cao tầng Tân Phú IDICO - phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú do Tổng công ty IDICO – CTCP làm chủ đầu tư.

Tại buổi làm việc, các chủ đầu tư nêu ra nhiều vướng mắc như: chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính, ranh đất chồng lấn, thay đổi quy hoạch, hạ tầng chưa bàn giao... Một số trường hợp đã nộp tiền bổ sung hoặc khắc phục vi phạm, nhưng vẫn chưa được cấp giấy.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, đến tháng 4, Thành phố đã cấp sổ hồng cho hơn 63.800 hồ sơ, đạt 78,7%. Hiện còn hơn 17.200 căn nhà chưa được cấp, chiếm khoảng 22%, chủ yếu do đang bị thanh tra, điều tra hoặc chưa xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh sau điều chỉnh quy hoạch.

Dự kiến bỏ tuyển sinh lớp 1, 6 theo tuyến trong toàn quốc

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến việc tuyển sinh lớp 1, 6 theo nguyên tắc gần nhà, từ năm học 2026 - 2027, thay vì theo địa giới hành chính (phân tuyến) như hiện nay.

Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Đặng Trần Côn, quận 4

Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Đặng Trần Côn, quận 4

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ thông tin trên tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, các trường mầm non, tiểu học và THCS sẽ chuyển từ cấp huyện về xã quản lý, còn cấp tỉnh vẫn quản lý bậc THPT. Bình quân mỗi xã, phường sẽ có khoảng 7.000 học sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý các địa phương ưu tiên để trường học vận hành bình thường, không sáp nhập cơ học, đồng thời phân công trách nhiệm quản lý giữa hai cấp.

Dự kiến từ năm học tới, ngành giáo dục sẽ tuyển sinh theo nguyên tắc gần nhà, thay vì theo địa giới hành chính như hiện nay. Việc này dựa theo Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - gọi tắt là bản đồ GIS).

TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước dùng bản đồ GIS để tuyển sinh lớp 1, 6, từ năm 2023. Học sinh được bố trí chỗ học căn cứ nơi cư trú thực tế. Cách làm này được đánh giá tạo nhiều thuận lợi về đi lại, đưa đón cho học sinh, phụ huynh, hạn chế tình trạng "chạy" hộ khẩu, học trái tuyến.

Cuối tháng trước, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, sẽ áp dụng tương tự, dự kiến từ năm sau. Hiện, Hà Nội tuyển sinh đầu cấp theo tuyến. Học sinh ở phường, xã nào sẽ được học ở trường khu vực đó. Điều này khiến nhiều gia đình ở khu vực giáp ranh, dù gần trường ở phường khác hơn nhưng không được học do không đúng tuyến.

Hà Nội chốt thời gian phá tòa 'Hàm cá mập'

Tòa nhà Trung tâm thương mại số 1-3-5 Đinh Tiên Hoàng ("Hàm cá mập") sẽ được phá từ tháng 5, hoàn thành trong tháng 8, chậm hơn mốc thời gian cũ 4 tháng.

Hà Nội chốt thời gian phá tòa 'Hàm cá mập' từ tháng 5, hoàn thành trong tháng 8

Hà Nội chốt thời gian phá tòa 'Hàm cá mập' từ tháng 5, hoàn thành trong tháng 8

Chiều 16/5, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết việc chỉnh trang quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một (từ tháng 5 đến 8), quận sẽ cho phá dỡ tòa nhà "Hàm cá mập", chỉnh trang tòa nhà Hapro (số 7-9 Đinh Tiên Hoàng), nhà hàng Thủy Tạ và mái che, mái vẩy, biển hiệu, mặt đứng công trình trên đoạn phố Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ, đầu phố Hàng Đào.

Các đơn vị cũng sẽ nghiên cứu tổ chức lại giao thông trên đường Đinh Tiên Hoàng, hạn chế phương tiện cơ giới, phát huy không gian sau phá tòa nhà "Hàm cá mập" và kết nối tuyến phố Đinh Tiên Hoàng để triển khai thành không gian công cộng gắn với dịch vụ bổ trợ cho du lịch Thủ đô.

Trong giai đoạn hai, quận Hoàn Kiếm sẽ nghiên cứu giải pháp phát triển không gian ngầm quảng trường; tiếp tục chỉnh trang hết lớp nhà thứ nhất mặt phố xung quanh; cải tạo tổng thể hạ tầng kỹ thuật để tương xứng với hoạt động của Hồ Gươm là di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Tòa nhà "Hàm cá mập" do Tổng công ty Vận tải Hà Nội quản lý, được xây dựng từ năm 1991 đến 1993, mặt trước hướng ra quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, mặt trái hướng ra Hồ Gươm, mặt phải giáp với phố Cầu Gỗ, mặt sau là các quán ăn, quán cà phê của hộ dân.

Tòa nhà cao 6 tầng, từ tầng 2 đến 5 là các nhà hàng, quán cà phê, tầng 6 có tầm nhìn bao quát trọn vẹn Hồ Gươm. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, kiến trúc của công trình nhận nhiều ý kiến trái chiều từ chuyên gia quy hoạch đô thị, kiến trúc.

Việc cải tạo quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nằm trong chủ trương chung của Thành phố là nghiên cứu quy hoạch mở rộng không gian công cộng khu vực Hồ Gươm. Cùng với chỉnh trang quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, chính quyền Hà Nội cũng nghiên cứu quy hoạch, cải tạo khu vực phía Đông Hồ Gươm theo hướng tăng cường không gian công cộng, không gian mở, phục vụ cộng đồng. Phạm vi nghiên cứu là đoạn phố Đinh Tiên Hoàng, giới hạn từ phố Trần Nguyên Hãn đến trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao ở phố Hàng Dầu. Khu vực này rộng hơn 2 ha, hiện có 17 trụ sở cơ quan, đơn vị và 42 hộ dân.

Chấp thuận đầu tư dự án sân golf, khách sạn 1,5 tỷ USD Tập đoàn Trump đề xuất ở Hưng Yên

Khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu có quy mô hơn 990 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vừa được duyệt chủ trương đầu tư.

Một đoạn đường liên kết vùng Hà Nội - Hưng Yên nhìn từ trên cao

Một đoạn đường liên kết vùng Hà Nội - Hưng Yên nhìn từ trên cao

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu, Hưng Yên.

Dự án được quy hoạch trên khu đất rộng hơn 990 ha thuộc địa bàn 7 xã huyện Khoái Châu, giáp sông Hồng ở phía Bắc và phía Tây. 4 tiểu khu tại dự án gồm khu dân cư sinh thái gắn với sân golf cao cấp (quy mô dân số 3.500 người), khu dân cư sinh thái gắn với sân golf sinh thái (1.800 người), khu đô thị thương mại dịch vụ (29.700 người) và khu cây xanh, công viên chuyên đề.

Hạng mục sân golf được quy hoạch trên diện tích hơn 240 ha với 54 hố, gồm sân 36 hố và 18 hố. Dự án còn được bố trí 7,3 ha đất phát triển nhà ở xã hội và khu công viên chuyên đề rộng 99 ha.

Tổng vốn đầu tư dự án gần 39.800 tỷ đồng (hơn 1,53 tỷ USD), gồm cả chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 4.100 tỷ đồng. Dự án hoạt động 50 năm, tiến độ triển khai từ quý II/2025 đến quý II/2029.

UBND tỉnh Hưng Yên được giao lựa chọn nhà đầu tư dự án trên, đảm bảo quản lý hiệu quả tài nguyên đất. Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an được giao hướng dẫn địa phương và nhà đầu tư nội dung liên quan quốc phòng, an ninh trong đó có việc bán nhà ở cho người nước ngoài.

Trước đó, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Hưng Yên đã có báo cáo gửi Thủ tướng về việc chấp thuận chủ trương đầu tư khu phức hợp trên do Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên đề xuất. Đây là công ty con của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), chuyên phát triển các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực giao thông, phát triển đô thị.

Đây cũng là dự án được The Trump Organization - tập đoàn nhà Tổng thống Donald Trump - đề xuất đầu tư, theo Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Hưng Yên và tập đoàn này tại Mỹ vào cuối tháng 9/2024. Tập đoàn Trump sẽ phát triển dự án khách sạn, sân golf và khu dân cư thông qua thỏa thuận hợp tác cùng Công ty Dịch vụ khách sạn Hưng Yên.

Chống sạt lở di sản thành nhà Hồ

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đang triển khai dự án gia cố, dùng khung thép chống đỡ các đoạn tường thành nhà Hồ có nguy cơ đổ sập.

Ngoài gia cố bằng khung thép, đơn vị thi công cũng đóng cọc bêtông vào chân thành yếu

Ngoài gia cố bằng khung thép, đơn vị thi công cũng đóng cọc bêtông vào chân thành yếu

Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ cho biết, 16 đoạn tường thành sạt lở hoặc trong diện nguy cơ, đang biến dạng với tổng chiều dài 370 m sẽ được xử lý. Dự án có tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách, dự kiến hoàn thành cuối tháng 7.

Theo ông Linh, việc trùng tu, tôn tạo hay gia cố di sản đều được tiến hành thận trọng, đảm bảo hạn chế xâm phạm, làm biến dạng yếu tố nguyên gốc của di tích.

Giải pháp gia cố lần này tập trung vào chống đỡ các khối đá bị xô lệch bằng khung thép cỡ lớn. Đơn vị thi công cũng đóng cọc bêtông cốt thép nhằm gia cố một số đoạn chân thành yếu, phủ lớp chống thấm và tạo rãnh gom nước thoát.

Các loại cây mọc hoang trên bề mặt tường thành có bộ rễ ăn sâu, tác động đến thành đá như duối, sanh, đa hay bồ đề... sẽ được chặt bỏ, vệ sinh sạch sẽ.

Trong thời gian tu sửa, các hoạt động tham quan tại thành nhà Hồ vẫn diễn ra bình thường. Du khách được khuyến cáo không đến gần vị trí nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn.

Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn nằm ẩn phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng. Ngày 27/6/2011, UNESCO công nhận thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới.

Hơn 1.800 tỷ đồng xây hai bến xe chống ùn tắc cho Đà Lạt

Bãi đậu xe đầu đèo Prenn và bến xe Đarahoa được đề xuất với tổng vốn dự kiến hơn 1.800 tỷ đồng, kỳ vọng giải quyết ùn tắc cho TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Bến xe liên tỉnh Đà Lạt đã quá tải nhiều năm nay

Bến xe liên tỉnh Đà Lạt đã quá tải nhiều năm nay

Nội dung được Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đề cập trong văn bản gửi Sở Tài chính về việc lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư bãi đậu xe đầu đèo Prenn, TP Đà Lạt và dự án bãi đậu xe kết hợp với bến xe ngã ba Đarahoa, huyện Lạc Dương.

Theo quy hoạch được duyệt, bãi đậu xe đầu đèo Prenn rộng hơn 38 ha, thuộc địa bàn phường 3, TP Đà Lạt và xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Khi đi vào khai thác, bãi đậu đáp ứng khoảng 790 chỗ đậu xe bus, 122 chỗ đậu xe mini bus và 200 chỗ đậu taxi, ôtô con. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 1.000 tỷ đồng.

Còn bãi đậu kết hợp bến xe Đarahoa diện tích 36,6 ha, thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, quy mô phục vụ 817 xe bus (xe khách 50 chỗ); 83 xe mini bus và hơn 60 xe taxi. Tổng mức đầu tư bến hơn 884 tỷ đồng. Nguồn tiền thực hiện hai dự án do nhà đầu tư huy động.

Ngoài ra, hai bến còn có các công trình nhà ga kết hợp với thương mại - dịch vụ, trạm xăng, nhà rửa xe, nhà chờ taxi, khu nghỉ dành cho tài xế, nhân viên phục vụ, khách chờ...

Đà Lạt rộng hơn 391 km2, dân số vào năm 2024 ước tính hơn 280.000 người, là thủ phủ du lịch của Lâm Đồng. Những năm gần đây du khách tăng cao, trong khi thiếu bến xe, bãi đậu, giữ khiến trung tâm thành phố thường kẹt xe những ngày cuối tuần, lễ, Tết. Việc đầu tư hai dự án này được xem là một trong những giải pháp cấp thiết để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông cho thành phố.

TP.HCM sẽ thu phí gom rác theo kg

Từ 1/6, phí thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt ở Thành phố sẽ phân chia thành 3 khu vực và tính theo khối lượng hoặc thể tích thay vì định mức hàng tháng như hiện nay.

Vận chuyển rác về khu xử lý Đa Phước, huyện Bình Chánh

Vận chuyển rác về khu xử lý Đa Phước, huyện Bình Chánh

Theo quy định UBND TP.HCM mới ban hành về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, Thành phố sẽ áp dụng mức giá cụ thể cho các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hộ gia đình, cá nhân...

Khác trước đây, Thành phố ban hành khung giá chung để các quận, huyện xây dựng đơn giá thu gom và vận chuyển rác, quy định mới đưa ra mức giá cụ thể cho ba khu vực, gồm: TP Thủ Đức và các quận, Cần Giờ - Nhà Bè - Hóc Môn, Bình Chánh - Củ Chi. Mức phí mới được tính theo khối lượng hoặc thể tích chất thải phát sinh.

Với khu vực đầu tiên, hộ gia đình, chủ nguồn thải có khối lượng rác sinh hoạt mỗi tháng từ 126 kg trở xuống sẽ đóng 61.000 đồng tiền thu gom và 23.000 đồng phí vận chuyển. Nếu mỗi tháng có trên 126 kg đến 250 kg rác, phí thu gom là 91.000 đồng và 34.000 vận chuyển.

Trường hợp khối lượng rác sinh hoạt trên 250 kg đến 420 kg mỗi tháng sẽ đóng 163.000 đồng tiền thu gom và 60.000 đồng vận chuyển. Khi khối lượng rác mỗi tháng trên 420 kg, mức phí sẽ áp dụng theo kg, xấp xỉ 486 đồng tiền thu gom và 180 đồng cho vận chuyển.

Trước đây, theo quy định cũ áp dụng từ tháng 10/2018, TP.HCM đưa ra mức giá tối đa cho dịch vụ thu gom rác sinh hoạt tại nguồn và dịch vụ vận chuyển. Các quận huyện sẽ căn cứ theo khung giá này rồi đưa ra mức thu cụ thể trên địa bàn hoặc các quy định khác có liên quan. So với quy định cũ, việc áp dụng mức giá mới nhằm tính đúng, đủ các chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác.

Hiện mỗi ngày TP.HCM phát sinh 9.800 tấn rác thải sinh hoạt, cao điểm lễ, Tết con số này lên đến 11.000 tấn. Trong đó, phần lớn rác được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm cho các khu dân cư, số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt, sản xuất phân bón, tái chế...

Nút giao lớn nhất Nha Trang bị lún do hóa chất

Ngành chức năng xác định nút giao Ngọc Hội ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bị lún do hóa chất hoặc dầu của một xe gây tai nạn chảy xuống bề mặt bê tông nhựa.

Ngành chức năng cùng các đơn vị chuyên môn sửa chữa mặt cầu trên nút giao Ngọc Hội, TP Nha Trang

Ngành chức năng cùng các đơn vị chuyên môn sửa chữa mặt cầu trên nút giao Ngọc Hội, TP Nha Trang

Thông tin được nêu trong báo cáo của Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp Giao thông, sau khi đơn vị này cùng các cơ quan chuyên môn kiểm tra mặt đường nút giao Ngọc Hội bị lún trong nhiều ngày qua.

Ngành chức năng xác định mặt đường trên nút giao đoạn gần vòng xuyến bị lún, nứt và trồi cục bộ mặt bê tông nhựa với diện tích 15 m2.

Theo Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, vào tháng 6/2024, vị trí trên có xảy ra tai nạn giao thông, sau đó, hóa chất hoặc dầu trên xe tai nạn chảy tràn ra mặt đường. Việc này được cho đã làm giảm khả năng dính bám giữa bê tông nhựa và mặt cầu, dẫn đến hư hỏng cục bộ.

Các cơ quan chuyên môn sau đó đã đo cường độ và siêu âm bê tông mặt cầu tại 5 vị trí, kết quả nút giao không bị hư hỏng kết cấu và đảm bảo theo yêu cầu thiết kế.

Sau khi kiểm tra, ngành chức năng đã vệ sinh và xử lý mặt bản cầu, tưới lại lớp nhựa dính bám; trải lưới địa thủy tinh để gia cố; thi công bê tông nhựa theo thiết kế được duyệt. Mặt đường đã được sửa chữa hoàn thiện trong hôm nay.

Dự án nút giao Ngọc Hội có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, làm theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Công trình khởi công cuối năm 2017, theo kế hoạch phải hoàn thành cuối năm 2019 nhưng chậm tiến độ. Đến tháng 9/2023, tỉnh Khánh Hòa cho thông tuyến tạm 3 nhánh, còn một nhánh chưa hoàn thành do vướng mặt bằng.

Tin cùng chuyên mục