Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình làm Bí thư Thành ủy Cần Thơ
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, 58 tuổi, được Bộ Chính trị điều động, chỉ định làm Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
![]() |
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng (phải) trao quyết định điều động nhân sự của Bộ Chính trị cho ông Đỗ Thanh Bình chiều 17/1 |
Quyết định điều động nhân sự được Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trao cho ông Bình, chiều 17/1, tại Thành ủy TP. Cần Thơ. Ông Bình thay vị trí ông Nguyễn Văn Hiếu đã được phân công nhiệm vụ khác.
Ông Bình quê tỉnh Cà Mau, là thạc sĩ kinh tế, từng đảm nhiệm các chức vụ ở Kiên Giang như Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó chủ tịch, Chủ tịch tỉnh... Tháng 10/2020, ông được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang. Hiện ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, ông Bình là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, được Bộ Chính trị đánh giá có năng lực, tư duy, kinh nghiệm... Bộ Chính trị đề nghị ông Bình nhanh chóng bắt tay vào công việc, cùng Đảng bộ TP. Cần Thơ hoàn thành nhiệm vụ được giao, đưa địa phương phát triển nhanh, toàn diện.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Đỗ Thanh Bình hứa sẽ tiếp tục nỗ lực, cùng Đảng bộ Thành phố đoàn kết thực hiện tốt nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành ủy Cần Thơ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các cơ chế đặc thù; xây dựng Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững, đảm bảo quốc phòng an ninh...
Cần Thơ là một trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương và là đô thị lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 1,2 triệu dân. Giai đoạn 2020 - 2025, Cần Thơ đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5 - 8% mỗi năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 0,5%.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải làm Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, 60 tuổi, được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chiều 17/1.
![]() |
Ông Nguyễn Tiến Hải phát biểu nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang |
Ông Nguyễn Tiến Hải giữ chức vụ đứng đầu Tỉnh ủy Kiên Giang thay ông Đỗ Thanh Bình trước đó được giao nhiệm vụ làm Bí thư Thành ủy Cần Thơ.
Tại buổi công bố quyết định, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nhận xét, ông Nguyễn Tiến Hải là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, có năng lực, giàu kinh nghiệm, làm việc khoa học, quyết liệt, sâu sát với cơ sở. Tân Bí thư Tỉnh ủy cần nhanh chóng bắt tay vào công việc, cùng Đảng bộ tỉnh Kiên Giang hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Tiến Hải, quê TP. Cà Mau, từng đảm nhiệm các nhiệm vụ ở Cà Mau như Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Cái Nước, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy.
Kiên Giang có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nhiều tiềm năng về nông nghiệp, thủy sản, du lịch với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm, thu ngân sách năm 2024 gần 17.000 tỷ đồng.
Tỉnh có diện tích lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn nhất cả nước. Ngoài ra, Kiên Giang còn có thế mạnh phát triển du lịch, thu hút 9,8 triệu lượt khách năm 2024, trong đó có gần 1 triệu lượt khách quốc tế.
Bên cạnh những thành tựu, Kiên Giang được đánh giá phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng nguồn nhân lực thấp, cải cách hành chính, đầu tư và chuyển đổi số chưa nổi bật, xếp trong nhóm thấp của cả nước...
Ông Nguyễn Văn Hiếu làm Phó ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Nguyễn Văn Hiếu, 49 tuổi, được Bộ Chính trị điều động, chỉ định làm Phó ban Tuyên giáo Trung ương, sau 1 năm 8 tháng giữ chức Bí thư Thành ủy Cần Thơ.
![]() |
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng (phải) trao quyết định cho ông Nguyễn Văn Hiếu |
Quyết định điều động nhân sự được ông Lê Minh Hưng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, trao cho ông Hiếu vào chiều 17/1, tại TP. Cần Thơ.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Hiếu cho biết, dù thời gian công tác ở Cần Thơ không dài nhưng luôn tự hào, trân trọng, xem đó là hành trang của mình trong quá trình công tác tiếp theo. Ông chúc Cần Thơ ngày càng phát triển vượt bậc, xứng tầm là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tân Phó ban Tuyên giáo Trung ương quê Bình Định, là thạc sĩ quản lý giáo dục, cử nhân luật, cử nhân hành chính. Tháng 1/2016, ông Hiếu được bầu là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Ông từng giữ chức Bí thư Thành đoàn TP.HCM, Bí thư Quận ủy Quận 2; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Bí thư Quận ủy Quận 5 từ tháng 5/2020.
Từ tháng 1/2021, ông Hiếu được điều động làm Bí thư Thành ủy TP. Thủ Đức nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tháng 6/2022, ông được Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM bầu làm Phó Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông làm Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ từ tháng 5/2023.
Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lịch sử Đảng, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, thông tin đối ngoại, khoa học, công nghệ, môi trường, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, thể dục, thể thao, dân số, gia đình, trẻ em...
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương là ông Nguyễn Trọng Nghĩa. Ngoài ông Hiếu mới được điều động, 5 phó ban là các ông Lại Xuân Môn, Ngô Đông Hải, Phan Xuân Thủy, Vũ Thanh Mai, bà Đinh Thị Mai. Hai phó ban kiêm nhiệm là ông Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) và ông Lê Quốc Minh (Tổng biên tập Báo Nhân Dân).
Giới thiệu Chủ tịch Cần Thơ về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường, 54 tuổi, được giới thiệu tham gia Đảng đoàn để hiệp thương, bầu giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
![]() |
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ |
Thông tin trên được Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết tại Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ tại Thành ủy Cần Thơ, chiều 17/1.
Ông Hưng cho biết, thời gian qua, Cần Thơ được Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ quan tâm thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù về xây dựng và phát triển Thành phố.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, dù còn nhiều khó khăn song Cần Thơ đã đạt nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện. Tăng trưởng kinh tế của Thành phố năm 2024 đạt 7,12%, cao hơn mức bình quân cả nước; thu nhập bình quân đầu người trên 105 triệu đồng mỗi năm...
Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, những thành quả đạt được có sự đóng góp quan trọng của Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu (vừa được điều động làm Phó ban Tuyên giáo Trung ương) và Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường.
Ông Trường quê huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang; trình độ kỹ sư điện - điện tử, tiến sĩ quân sự... Ông từng giữ các chức vụ như: Bí thư Thành đoàn, Bí thư quận Ninh Kiều, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ. Từ năm 2020, ông làm Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ.
Chính thức chuyển giao bắt buộc DongA Bank và GPBank
Hai ngân hàng DongA Bank và GPBank được chuyển giao bắt buộc về HDBank và VPBank, theo phương án được Chính phủ phê duyệt.
![]() |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại buổi công bố quyết định chuyển giao sáng 17/1 |
Ngày 17/1, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng TNHH Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cho Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cho Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank).
DongA Bank vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015. Cùng năm này, GPBank được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, do Nhà nước sở hữu 100% vốn. 10 năm qua, hai nhà băng này được các ngân hàng quốc doanh hỗ trợ quản trị và tự tái cơ cấu, trước khi được chính thức chuyển giao bắt buộc về HDBank và VPBank.
Giữa tháng 10/2024, hai nhà băng 0 đồng cùng thời kỳ là CBBank và OceanBank đã được chuyển giao bắt buộc về Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Quân đội (MB). Hiện nay còn Ngân hàng Sài Gòn (SCB) là nhà băng thuộc diện kiểm soát đặc biệt chưa có phương án xử lý.
Đại diện VPBank cho biết, sau chuyển giao, GPBank sẽ tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng TNHH MTV và do VPBank sở hữu 100% vốn điều lệ. Mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại GPBank tiếp tục được đảm bảo theo đúng thỏa thuận và quy định. Đồng thời, GPBank là pháp nhân độc lập, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính vào báo cáo tài chính hợp nhất của VPBank.
VPBank sẽ góp vốn vào GPBank trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, để GPBank có thêm nguồn lực tài chính, phát triển kinh doanh, cải thiện kết quả hoạt động, tổng mức vốn góp không vượt quá 20% vốn điều lệ của VPBank.
Theo đại diện VPBank, việc góp vốn sẽ được Ngân hàng cân nhắc kỹ lưỡng và xin ý kiến đại hội cổ đông, để vừa đảm bảo an toàn vốn hoạt động của Ngân hàng, vừa đảm bảo lợi ích của cổ đông. Bên cạnh đó, nhà băng sẽ chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức để hỗ trợ quá trình tái cấu trúc GPBank theo phương án chuyển giao bắt buộc.
Về phía HDBank - đơn vị nhận chuyển giao bắt buộc DongA Bank, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho biết sẽ tập trung nguồn lực cần thiết để hỗ trợ DongA Bank triển khai 3 giai đoạn của phương án chuyển giao bắt buộc đã được duyệt.
Tăng 130 triệu USD để xử lý dioxin sân bay Biên Hòa
Nguồn vốn thực hiện Dự án Xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa tăng từ 300 triệu USD lên 430 triệu USD.
![]() |
Công nhân xử lý dioxin trong khu vực sân bay Biên Hòa sáng 17/1 |
Sáng 17/1, Bộ Quốc phòng làm việc với ông Marc Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, về vấn đề xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, năm vừa qua, việc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học, dioxin được hai nước triển khai hiệu quả, có nhiều bước tiến mới…
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cảm ơn Chính phủ Mỹ bảo đảm nguồn vốn để tiếp tục thực hiện Dự án Xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, tăng từ 300 triệu USD lên 430 triệu USD; bổ sung 140 triệu USD để mở rộng quy mô, phạm vi hỗ trợ nạn nhân chất độc hóa học, dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam.
Theo Quân chủng Phòng không - Không quân, sau 5 năm hợp tác xử lý dioxin, Dự án đã hoàn thành thiết kế hạng mục công nghệ nhiệt xử lý đất nhiễm dioxin đợt 1. Hồ sơ thiết kế đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt tháng 11/2024 để triển khai thực hiện.
Các hạng mục đào xúc, quan trắc, giám sát theo kế hoạch, nâng tổng khối lượng đất ô nhiễm dioxin được đào xúc từ năm 2019 đến nay lên hơn 107.000 m3, diện tích được đào xúc, xử lý là 13 ha.
Bộ Quốc phòng yêu cầu Quân chủng Phòng không - Không quân và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ Dự án; phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nhiệt cho Dự án...
Sân bay Biên Hòa từng là căn cứ chủ chốt của quân đội Mỹ, dùng để chứa chất diệt cỏ và phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Từ cuối năm 1969 đến tháng 3/1970, nơi đây đã xảy ra 4 vụ tràn chất độc hóa học từ các bể chứa với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam bị rò rỉ.
Giới chuyên gia đánh giá, khu vực này là nơi nhiễm chất độc dioxin nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới. Dự án xử lý dioxin khu vực sân bay Biên Hòa dự kiến hoàn thành trong 10 năm với 2 giai đoạn. Trong đó, 150.000 m3 đất sẽ được xử lý trong giai đoạn 1 (đến năm 2025).
Cổ phiếu Tân Tạo sẽ bị hủy niêm yết
Chiều 17/1, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) ra thông báo sẽ hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu ITA của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo. Nguyên nhân là doanh nghiệp này vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
![]() |
Nhà đầu tư theo dõi thị giá cổ phiếu ITA |
Thông báo trên căn cứ ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX).
Trước đó, ITA lần lượt bị đưa vào diện cảnh báo (tháng 8/2022), kiểm soát (tháng 10/2024) và gần nhất là đình chỉ giao dịch từ ngày 26/9/2024. Kể từ đó, thị giá giậm chân quanh 2.350 đồng một đơn vị.
Hiện Tân Tạo chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 (thời hạn nộp là cuối tháng 3/2024), báo cáo thường niên năm 2023 (thời hạn cuối tháng 8/2024), quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án Nhân dân TP.HCM. Công ty đã có các văn bản đề nghị tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo thường niên năm 2023, báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 vì lý do bất khả kháng.
Cuối tháng 8 năm ngoái, Tân Tạo nói đã "nỗ lực hết sức" trong việc liên hệ làm việc và thuyết phục 30 công ty kiểm toán được cấp phép trên thị trường, nhưng đều bị từ chối. Theo họ, nguyên nhân là từ năm 2022, SSC đình chỉ tư cách kiểm toán với 4 kiểm toán viên đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho Tân Tạo năm 2021, 2022 và bán niên 2023.
"Điều này khiến tất cả các công ty đều sợ kiểm toán cho Tân Tạo vì lo cũng bị đình chỉ tư cách với kiểm toán viên", Tân Tạo nêu lý do bất khả kháng khiến họ chậm công bố thông tin.
Theo báo cáo tài chính quý III/2024 chưa kiểm toán, ITA ghi nhận doanh thu hơn 291 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, giảm 10% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế tăng 15%, đạt 132 tỷ đồng. Công ty đã hoàn thành khoảng 55% chỉ tiêu doanh thu và 74% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Novaland chậm trả lãi lô trái phiếu quốc tế 321 triệu USD
Lô trái phiếu quốc tế gần 321 triệu USD bị chậm thanh toán lãi, Novaland nói chưa thể sắp xếp đủ nguồn tiền do bất động sản còn khó khăn.
![]() |
Lô trái phiếu chuyển đổi của Novaland trị giá hơn 320,9 triệu USD, được huy động vào năm 2021 và niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore |
Tập đoàn Novaland (NVL) vừa công bố chậm trả lãi lô trái phiếu chuyển đổi trị giá hơn 320,9 triệu USD. Đây là lô trái phiếu được huy động vào năm 2021 và niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX), đến hạn vào năm 2027.
NVL cho biết, thị trường bất động sản năm trước đã có những điểm sáng mới và đang bám sát tiến trình phục hồi, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, 2024 là năm đầy thách thức cho tài chính doanh nghiệp địa ốc với nhiều áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có Novaland, khiến nỗ lực phục hồi chưa thực sự đạt được như kỳ vọng.
Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, nguồn thu của NVL bị ảnh hưởng đáng kể, gây khó khăn trong việc thanh toán cho các bên cho vay theo kế hoạch. Do đó, NVL vẫn chưa thể sắp xếp đủ nguồn tiền để hoàn thành đúng hạn nghĩa vụ trả lãi vào ngày 16/1. Doanh nghiệp này đã đề xuất với các trái chủ phương án gia hạn thanh toán lãi để phù hợp với tình hình hiện tại và khả năng của Công ty.
"Trong giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc, Novaland cần thêm thời gian để phục hồi, do đó mong nhận được sự thấu hiểu, chia sẻ của trái chủ để ổn định hoạt động kinh doanh và sớm hoàn thành các nghĩa vụ", NVL cho biết.
Trước đó, NVL đã điều chỉnh giá và tỷ lệ chuyển đổi cho lô trái phiếu quốc tế hơn 300 triệu USD này. Từ ngày 5/1, các trái chủ có thể chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu NVL với giá 36.000 đồng một đơn vị, tương ứng tỷ lệ chuyển đổi là 149.038 cổ phiếu cho một trái phiếu.