Bản tin thời sự sáng 18/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất người tiêm đủ liều vaccine không cần xét nghiệm khi đi máy bay; Bệnh viện Việt Đức khám chữa bệnh với mô hình “Bệnh viện hoạt động tách đôi” từ 0h ngày 18/10; mưa to nhiều ngày làm hơn 100 hồ thủy điện tại miền Trung - Tây Nguyên phải xả tràn khẩn cấp; thanh tra chỉ ra nhiều thiếu sót trong đấu thầu thiết bị tin học ở Bà Rịa - Vũng Tàu…

Đề xuất người tiêm đủ liều vaccine không cần xét nghiệm khi đi máy bay

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép hành khách tiêm đủ liều hoặc F0 khỏi bệnh không cần xét nghiệm Covid-19 khi đi máy bay.

Đề xuất người tiêm đủ liều vaccine không cần xét nghiệm khi đi máy bay

Đề xuất người tiêm đủ liều vaccine không cần xét nghiệm khi đi máy bay

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đây là đề xuất nới lỏng quy định với hành khách đi máy bay, áp dụng sau ngày 20/10, khi hết giai đoạn thí điểm.

Theo đó, chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng phong tỏa (như TP.HCM), hành khách cần có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh trong 72 giờ trước khi khởi hành bay.

Chuyến bay xuất phát từ các địa bàn khác cần đáp ứng một trong ba điều kiện: người có chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc có chứng nhận F0 khỏi bệnh, hoặc người có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.

Theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải trước đây, hành khách cần tiêm đủ liều hoặc là F0 khỏi bệnh, tất cả hành khách đều phải xét nghiệm âm tính mới được bay.

Từ 10 - 20/10, Bộ Giao thông vận tải cho khai thác trở lại 19 đường bay chở khách với 38 chuyến khứ hồi mỗi ngày trong giai đoạn thí điểm. Hiện Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cho biết, quy định người dân cần xét nghiệm Covid-19 khi đi máy bay, tàu hỏa vẫn được áp dụng đến hết ngày 20/10, sau đó sẽ được điều chỉnh.

Bệnh viện Việt Đức khám chữa bệnh với mô hình ‘Bệnh viện hoạt động tách đôi’ từ 0h ngày 18/10

Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức lập kế hoạch thông báo hết dịch và kế hoạch đón người bệnh theo phướng án: “Bệnh viện hoạt động tách đôi,” có vùng đệm, vùng sạch.

Bệnh viện Việt Đức khám chữa bệnh với mô hình ‘Bệnh viện hoạt động tách đôi’ từ 0h ngày 18/10

Bệnh viện Việt Đức khám chữa bệnh với mô hình ‘Bệnh viện hoạt động tách đôi’ từ 0h ngày 18/10

Ngày 17/10, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội và UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp với để đưa Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức trở lại hoạt động khám, chữa bệnh bình thường trong tình hình mới kể từ 0h ngày 18/10/2021.

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp và ban, ngành, đơn vị có liên quan phối hợp Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận người bệnh có đủ điều kiện ra viện, chuyển viện, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, không thuộc đối tượng F0 được chuyển về theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc tiếp tục chăm sóc y tế tại các bệnh viện của địa phương…

Trước đó, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế với các chuyên gia đầu ngành do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm Tổ trưởng dẫn đầu đã đến làm việc, đánh giá tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch của Bệnh viện Việt Đức.

Đoàn công tác đề nghị Bệnh viện Việt Đức lập kế hoạch thông báo hết dịch và kế hoạch đón người bệnh theo phương án “Bệnh viện hoạt động tách đôi”, có vùng đệm, vùng sạch. Khử khuẩn lại các khu vực trong Bệnh viện để trước khi quay trở lại làm việc ngày tiếp nhận người bệnh mới.

Thời điểm đã đủ 14 ngày theo quyết định phong toả áp dụng với tầng 7 và tầng 8 nhà D, đề nghị Bệnh viện có báo cáo hoàn thiện nội dung gửi UBND quận rút các chốt phong tỏa hiện nay tại cổng Tràng Thi, Quán Sứ.

Hiện tại trong Bệnh viện còn 334 người bệnh, 242 người nhà, 38 người đến khám bệnh, 1.045 nhân viên bệnh viện, 425 đối tượng khác (bác sĩ nội trú, học viên, nhân viên vệ sinh, kỹ thuật hãng…), tổng cộng 2.084 người.

Mưa to nhiều ngày làm hơn 100 hồ thủy điện tại miền Trung - Tây Nguyên phải xả tràn khẩn cấp

Mưa lớn diễn ra liên tiếp trong nhiều ngày qua khiến 109/221 hồ thủy điện tại miền Trung - Tây Nguyên phải xả tràn khẩn cấp. Một số hồ xả với lưu lượng nước lớn như A Lưới, Sông Bung 5, Sông Bung 6, Đăk Rông 3A… Ngoài ra, khu vực này còn có 2.225/5.060 hồ chứa đã đầy nước trong khi dự báo mưa lớn tiếp tục diễn ra trong những ngày tới.

Hàng loạt hồ thủy điện tại miền Trung-Tây Nguyên đang phải xả tràn khẩn cấp

Hàng loạt hồ thủy điện tại miền Trung-Tây Nguyên đang phải xả tràn khẩn cấp

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp ngay trên vùng biển ngoài khơi Trung Bộ và nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, từ ngày 17 - 18/10 ở khu vực Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có tổng lượng mưa từ 150 - 300mm, cục bộ có nơi trên 350mm.

Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai có tổng lượng mưa phổ biến 80 - 150mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Dự báo, từ ngày 17 đến 19/10, trên các sông từ Nghệ An đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai xuất hiện một đợt lũ. Thượng lưu các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, sông Bồ (Thừa Thiên Huế) lên mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3.

Hạ lưu sông La (Hà Tĩnh), sông Hương (Thừa Thiên Huế), sông Vu Gia (Quảng Nam) lên mức báo động 1 - báo động 2 và trên báo động 2.

Sông Thu Bồn (Quảng Nam), các sông ở Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai lên mức báo động 1 và trên báo động 1.

Do mưa lớn diễn ra liên tiếp trong nhiều ngày qua, hiện có 109/221 hồ thủy điện nhỏ đang phải xả qua tràn. Trong đó Bắc Bộ 40 hồ, Bắc Trung Bộ 13 hồ, Duyên Hải Nam Trung Bộ 12 hồ, Khu vực Tây Nguyên 39 hồ.

Thanh tra chỉ ra nhiều thiếu sót trong đấu thầu thiết bị tin học ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ ra, việc mua sắm tập trung trang thiết bị tin học của Tỉnh năm 2018 thiếu bước lập, phê duyệt dự toán mua sắm tài sản trước khi tổng hợp nhu cầu mua sắm theo quy định.

Thanh tra chỉ ra nhiều thiếu sót trong đấu thầu thiết bị tin học ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Thanh tra chỉ ra nhiều thiếu sót trong đấu thầu thiết bị tin học ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ký ban hành kết luận thanh tra việc thực hiện đấu thầu mua sắm tập trung trang thiết bị tin học của Tỉnh năm 2018.

Theo đó, vào ngày 16/4/2018, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trực thuộc Sở Thông tin Truyền thông có tờ trình và được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua sắm tập trung trang thiết bị tin học của tỉnh đợt 1 năm 2018 với tổng số tiền hơn 22,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ ra, việc mua sắm tập trung trang thiết bị tin học của Tỉnh năm 2018 thiếu bước lập, phê duyệt dự toán mua sắm tài sản trước khi tổng hợp nhu cầu mua sắm theo quy định. Do đó, hiện nay không có cơ sở xác định số liệu để đánh giá mức độ tiết kiệm ngân sách nhà nước khi thực hiện công việc này.

Sở Thông tin Truyền thông hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật thiết bị máy vi tính để bàn mua sắm tập trung năm 2018 sau khi đã tổng hợp nhu cầu mua sắm trang thiết bị là không phù hợp với quy định của Chính phủ.

Hồ sơ mời thầu không áp dụng thời hạn sử dụng dự kiến của hàng hóa là chưa đúng theo quy định tại chỉ dẫn nhà thầu; việc đánh giá hồ sơ mời thầu bỏ qua nội dung đơn vị trúng thầu không có văn bản chứng minh là máy móc thiết bị có trung tâm bảo hành của nhà sản xuất hoặc hãng; không có hợp đồng liên kết với một đơn vị bảo hành tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là chưa đúng theo yêu cầu tại hồ sơ mời thầu…

Hà Nội sử dụng xe buýt điện từ tháng 11

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất đến cuối năm mở 3 tuyến xe buýt điện, trong đó tuyến Mỹ Đình (Hàm Nghi) - Khu đô thị Ocean Park hoạt động từ tháng 11.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất mở tuyến xe buýt điện hoạt động từ tháng 11

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất mở tuyến xe buýt điện hoạt động từ tháng 11

Theo đề xuất lộ trình triển khai mở mới đối với 9 tuyến xe buýt điện của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong năm 2021 sẽ mở 3 tuyến, 6 tuyến còn lại được mở trong năm 2022.

Hai tháng cuối năm 2021, ngoài tuyến Mỹ Đình (Hàm Nghi) - Khu đô thị Ocean Park, tháng 12 sẽ mở 2 tuyến: Long Biên - Cầu Giấy - Khu đô thị Smart City và tuyến Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park. Dự kiến kinh phí trợ giá cho 3 tuyến trong năm 2021 là hơn 9 tỷ đồng.

Trong năm 2022 dự kiến mở mới 6 tuyến. Quý I/2022 mở mới 2 tuyến: Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park; Bến xe Giáp Bát - Khu đô thị Ocean Park.

Bốn tuyến còn lại mở quý II/2022, gồm: Long Biên - Cửa Nam - Khu đô thị Smart City; Khu liên cơ quan Sở ngành Hà Nội (258 Võ Chí Công) - Khu đô thị Times City; Khu đô thị Smart City - Công viên nước Hồ Tây; Khu đô thị Smart City - Vincom Long Biên.

Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế bị ngập sâu

Gần 300 m đường Quốc lộ 1A qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) bị ngập 30 - 45 cm. Nhiều ôtô, xe máy không thể đi qua, buộc phải quay đầu.

Tuyến đường Quốc lộ 1A qua xã Lộc Trì bị ngập hơn 30cm

Tuyến đường Quốc lộ 1A qua xã Lộc Trì bị ngập hơn 30cm

Sáng 17/10, tuyến đường này bị ngập khi triều cường dâng, mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn Vườn quốc gia Bạch Mã đổ về nhanh.

Để đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện, Cục Quản lý đường bộ II đã đặt biển cấm, bố trí lực lượng hướng dẫn người dân qua lại. Cảnh sát giao thông Thừa Thiên Huế túc trực hỗ trợ người dân qua lại, phân luồng giao thông.

Trung tá Hoàng Phước Tế, Trạm trưởng trạm CSGT Phú Lộc cho biết, đơn vị chỉ cho xe container và xe tải gầm cao qua khu vực bị ngập để đảm bảo an toàn. Ôtô gầm thấp đều chết máy.

Từ 8h sáng ngày 17/10, Nhà máy Thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ tăng lưu lượng xả lũ lên 800 - 1.000m3/s về hạ du khiến mực nước sông Bồ tại trạm Phú Ốc dâng cao lên báo động 2. Mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn đổ về nhanh khiến nhiều nhà dân ở huyện Phong Điền, Quảng Điền, Thị xã Hương Trà ven sông Bồ bị ngập úng. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập sâu buộc người dân phải sử dụng ghe để đi lại.

Tại Huế mưa lớn kéo dài nhiều giờ cũng làm nhiều tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh, Trường Chinh... bị ngập. Để đón đợt mưa lớn, hồ Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương cũng xả lũ về hạ du. Nước từ thượng nguồn sông Hương đổ về kết hợp với triều cường dâng nước cũng bắt đầu tràn qua Đập Đá, cầu đi bộ dọc bờ nam sông Hương.

Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hùng cho biết, mực nước các sông trên địa bàn đang lên nhanh. Nguyên nhân, trong 24 giờ qua, trên địa bàn Tỉnh có mưa rất to trên diện rộng, có nơi mưa đặc biệt to…

Một tàu hàng của Hong Kong với 20 thuyền viên mắc cạn trên vùng biển Quảng Trị

Một tàu chở hàng với 20 thuyền viên trên tàu đang bị mắc cạn, cách bờ biển Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) khoảng 2 km, trong điều kiện mưa to, gió lớn. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đang tìm cách hỗ trợ bảo vệ tàu và thuyền viên được an toàn.

Tàu chở hàng của nước ngoài với 20 thuyền viên trên tàu bị mắc cạn cách cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị 2km.

Tàu chở hàng của nước ngoài với 20 thuyền viên trên tàu bị mắc cạn cách cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị 2km.

Tàu hàng bị mắc cạn là Glory Futire của Hong Kong (Trung Quốc), trên tàu có 20 thuyền viên gồm 8 người Hong Kong (Trung Quốc) và 12 người Việt Nam do ông Jwo Quojiang, quốc tịch Hong Kong (Trung Quốc) làm thuyền trưởng.

Khi tàu đang neo đậu cách phao số 0 cảng Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) khoảng 3 hải lý để chờ nhập 26.000 tấn cát của Công ty Vico Quảng Trị xuất sang Hàn Quốc thì gặp sóng to, gió lớn đánh dạt về bờ Nam cảng Cửa Việt và mắc cạn cách bờ 2 km. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt phối hợp với Cảng vụ Hàng hải tỉnh Quảng Trị khảo sát, phối hợp cùng thuyền trưởng kiểm tra, lên phương án ứng cứu.

Do tàu hàng mắc cạn có trọng lượng lớn, trang thiết bị trên tàu hiện đại, khi hoạt động trên biển có thể chịu được sóng biển cấp 11 - 12, do đó thuyền trưởng đề nghị sẽ neo đậu tại vị trí mắc cạn, chờ lặng gió, bớt mưa sẽ tính phương án di chuyển tàu ra khỏi vị trí mắc cạn.

Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, các thuyền viên vẫn an toàn, không có vấn đề gì xảy ra. Trên tàu vẫn có điện, máy phát điện, nước, lương thực thực phẩm đầy đủ. Hiện nay, sóng gió to không có tàu nào ra cứu được..