Những khách quốc tế đầu tiên trở lại Việt Nam
Khoảng 16h chiều ngày 17/11, chuyến bay đưa 29 du khách quốc tế tới Hội An đã hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Đoàn khách đầu tiên được tặng hoa ngay khi xuống tàu bay |
Chuyến bay mang số hiệu VN417 của Vietnam Airlines khởi hành từ sân bay Incheon (Hàn Quốc). Hành khách là những người mang các quốc tịch Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Áo, CH Czech, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Thụy Điển, Nauy, Australia... Những người này đến Việt Nam với mục đích du lịch và thăm thân.
Xuống sân bay, đoàn đã được nhận hoa chào mừng, làm thủ tục nhập cảnh, cài đặt ứng dụng khai báo y tế và lên xe thẳng tới khu nghỉ dưỡng New World Hoiana (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên). Đây là những khách du lịch quốc tế đầu tiên trở lại Việt Nam theo chương trình thí điểm có hộ chiếu vaccine kể từ khi Covid-19 bùng phát, tháng 3/2020.
Tổng giám đốc Việt Nam Travel Mart Nguyễn Như Nam cho biết, đoàn khách đến Quảng Nam lưu trú 8 ngày 7 đêm. Tour đã bao gồm nơi lưu trú, vé máy bay, vận chuyển, ăn uống, chi phí xét nghiệm Covid-19. Trong khu nghỉ dưỡng, khách có thể tắm biển, sử dụng dịch vụ ở 2 nhà hàng, phòng gym...
Du khách sẽ được đăng ký thêm các dịch vụ tham quan phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, chơi casino trong khu nghỉ dưỡng, vui chơi ở VinWonders Nam Hội An, đánh golf ở Vinpearl... Ngày 18/11 và 25/11, Quảng Nam sẽ đón thêm 2 đoàn khách nữa với khoảng 300 người, cũng khởi hành từ Hàn Quốc.
Sau MBBank, tiếp tục đến app BIDV và Vietcombank bị lỗi trên điện thoại di động
Chiều 17/11, nhiều khách hàng của BIDV và Vietcombank đã phản ánh tình trạng lỗi app ngân hàng trên điện thoại di động.
Sau khi khắc phục được lỗi đăng nhập, VCB Digibank vẫn chưa thể chuyển khoản liên ngân hàng |
Theo phản ánh, ứng dụng VCB Digibank của Vietcombank và BIDV SmartBanking của BIDV đang xảy ra hiện tượng rất khó đăng nhập hoặc nếu đăng nhập được cũng không thực hiện được giao dịch.
Cũng gặp sự cố trong chiều nay, ứng dụng VCB Digibank của Vietcombank sau một thời gian khắc phục được lỗi đăng nhập thì khách hàng vẫn chưa thể thực hiện được các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng.
Tính đến thời điểm hiện tại, 2 ngân hàng này vẫn chưa đưa ra các thông báo nào về bảo trì hệ thống hay thông tin liên quan đến sự cố. Trên fanpage chính thức của Vietcombank và BIDV, nhiều khách hàng cũng để lại các bình luận phản ánh về các lỗi trên.
Trước đó, ngày 16/11, app MBBank cũng đã gặp sự cố trong nhiều giờ. Ngân hàng này thông tin trên fanpage cho biết ghi nhận sự cố kết nối mạng dẫn đến việc một số dịch vụ khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp (app MBBank, BIZ MBBank và Internet Banking) tạm thời bị gián đoạn.
Theo thông tin từ MB, trong trường hợp lỗi mạng như hiện tại, người dùng vẫn có thể giao dịch trực tiếp tại quầy hoặc tại ATM.
TP.HCM sẽ dành gần 38.000 tỷ xây nhà ở xã hội 5 năm tới
Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM dự kiến dành 173,5 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội với tổng vốn đầu tư 37.693 tỷ đồng.
TP. Thủ Đức dự kiến có thêm 4.352 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025 |
Sở Xây dựng TP.HCM vừa trình UBND Thành phố chương trình phát triển nhà ở từ nay đến năm 2025 trong đó bổ sung nhiều mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp cho người lao động sống trong các khu nhà trọ, trên kênh rạch chưa đảm bảo điều kiện sinh hoạt và phòng chống dịch Covid-19.
Theo tính toán của Sở Xây dựng, diện tích nhà ở tăng thêm trong giai đoạn 2021 - 2025 đối với nhà ở riêng lẻ do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng khoảng 31,98 triệu m2, nhà ở trong các dự án khoảng 15,52 triệu m2, nhà ở xã hội khoảng 2,5 triệu m2.
Giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội khoảng 173,5 ha, đất làm nhà ở thương mại khoảng 800,9 ha. Tổng nguồn vốn để phát triển nhà ở tại TP.HCM giai đoạn này khoảng 566.983 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư nhà ở thương mại khoảng 239.748 tỷ đồng, nhà ở xã hội khoảng 37.693 tỷ đồng, còn lại là vốn xây nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân.
Trong gần 37.700 tỷ đồng dự kiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm tối đa 5% (khoảng 1.177 tỷ đồng), chủ yếu để giải quyết cho các hộ gia đình khó khăn về nhà ở, không thể thuê, thuê mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Riêng năm 2022, TP.HCM dự tính dành 52,1 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội, với tổng vốn đầu tư khoảng 698 tỷ đồng.
Hàng loạt hành khách hủy vé máy bay đến Hà Nội sau quy định cách ly tại nhà 7 ngày
Nhiều hành khách có lịch bay đến Nội Bài đã hủy vé sau khi Hà Nội ban hành quy định cách ly tại nhà 7 ngày đối với người đến từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...
Nhiều máy bay đã phải nằm sân, không thể đưa vào khai thác vì tần suất bay hạn chế |
Ngày 17/11, đại diện 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet và Bamboo đều bày tỏ lo ngại quy định trên sẽ ảnh hưởng đến quyết định đến Hà Nội của hành khách, đặc biệt là những người chỉ đến thủ đô để công tác thay vì có nhà ở đó.
Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết đã chỉ đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam phổ biến các yêu cầu mới của TP. Hà Nội đến các đơn vị liên quan.
Đề cập đến quy định mới của TP. Hà Nội, ông Thắng cho rằng địa phương có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể về phòng, chống dịch tại địa phương.
Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng chia sẻ, khả năng tăng tần suất chuyến bay đến Hà Nội trong thời gian sắp tới là khó. Với tần suất bay như hiện tại, cộng với những rào cản từ phía địa phương, lãnh đạo Bamboo nhận định hoạt động hàng không thời gian này chỉ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, còn mục tiêu có lãi của bản thân hãng hàng không thì còn xa vời.
Lãnh đạo hãng hàng không Vietjet cũng nhận xét quy định mới của TP. Hà Nội sẽ ảnh hưởng đến quyết định di chuyển của hành khách khi họ phải cân nhắc chuyện cách ly tại nhà.
Lãnh đạo Vietjet cho rằng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, đã có các hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế đối với hành khách tiêm đủ vaccine. Các địa phương nên nhất quán làm theo quy định của Trung ương.
Số hành khách hủy vé máy bay đi Hà Nội tăng đột biến sau khi UBND Hà Nội ra công điện khẩn vào chiều tối 16/11, yêu cầu người tới từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các tỉnh có nguy cơ cao phải tự cách ly 7 ngày ở nơi cư trú.
Bộ Y tế đề xuất tiếp tục tiêm miễn phí vaccine Covid-19 đến hết năm 2022
Bộ Y tế đang trình Chính phủ kế hoạch mua, sử dụng vaccine Covid-19 năm 2021 - 2022, trong đó đề xuất vẫn được tiêm miễn phí đến hết năm 2022.
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân |
Bộ Y tế đang trình Chính phủ kế hoạch mua, sử dụng vaccine Covid-19 năm 2021 - 2022, trong đó đề nghị vẫn thực hiện tiêm chủng miễn phí vaccine phòng Covid-19 cho người dân đến hết năm 2022. Trường hợp có thay đổi về chủ trương tiêm miễn phí, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
Thời gian qua, việc tiêm vaccine Covid-19 được thực hiện miễn phí (người dân, người lao động không phải trả chi phí tiêm chủng).
Đến ngày 17/11, nước ta đã tiêm chủng hơn 102,1 triệu liều, trong đó tổng số mũi 1 là hơn 65,3 triệu liều, tổng số mũi 2 là hơn 36,8 triệu liều. Đã có 18 tỉnh, thành có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều đối với người dân từ 18 tuổi trở lên đạt 95%.
Cũng theo Bộ Y tế, hiện còn khoảng 14 triệu liều vaccine Covid-19 đã phân bổ cho các tỉnh, thành nhưng chưa tiêm hết.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đề xuất nhu cầu vaccine cần cấp từ nay đến cuối năm để bao phủ đủ mũi cho toàn bộ đối tượng từ 18 tuổi trở lên, cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn và nhu cầu vaccine năm 2022.
Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu vaccine Covid-19 để tiêm cho người dân, đồng thời lên kế hoạch tiêm nhắc lại mũi 3, 4. Bộ Y tế cho biết sẽ triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối 2021, đầu 2022.
Thêm 1 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ tặng đến Việt Nam
Thông qua cơ chế COVAX, Mỹ trao tặng Việt Nam thêm 1 triệu liều vaccine Moderna. Như vậy, đến nay Mỹ đã trao hơn 16 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho Việt Nam.
Vận chuyển vắc-xin do Mỹ trao tặng |
Thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ngày 17/11 cho biết vừa có thêm 1 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ trao tặng đã đến Hà Nội thông qua hợp tác với COVAX.
Số vaccine này đã nâng tổng số vaccine ngừa Covid-19 Mỹ tặng Việt Nam tới nay lên hơn 16 triệu liều, không kèm theo bất kì điều kiện ràng buộc nào.
Mỹ đã cam kết hỗ trợ Việt Nam hơn 30,2 triệu USD nhằm ứng phó với Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tiếp nối hoạt động hợp tác và đầu tư lâu dài của Mỹ vào cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam, Mỹ đã hỗ trợ những trụ cột thiết yếu nhằm giúp Việt Nam ứng phó với dịch bệnh. Sự hỗ trợ này bao gồm các khóa đào tạo trực tuyến dành cho hàng ngàn nhân viên y tế, công nghệ giải trình tự gen giúp Việt Nam phát hiện các biến thể của virus, cung cấp thiết bị xét nghiệm và thiết bị bảo quản vaccine cũng như các thiết bị thiết yếu cho bệnh nhân như máy thở, máy làm giàu oxy và bình oxy lỏng.
Sẽ khởi công nhà ga hành khách T2 Cảng Hàng không Cát Bi, Hải Phòng vào quý I/2022
Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi Hải Phòng với tổng mức đầu tư 2.050 tỷ đồng có quy mô công suất thiết kế 5 triệu hành khách/năm...
Nhà ga T2 Cát Bi sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2022 |
Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi là một trong những sân bay quan trọng trong cả nước. Do đó, việc đầu tư, phát triển Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi không chỉ phục vụ cho hoạt động kinh tế, xã hội của riêng thành phố Hải Phòng mà còn cho cả vùng duyên hải Bắc Bộ.
Hiện tại, lượng hành khách qua Cảng đã vượt công suất 2 triệu hành khách/năm của Nhà ga hành khách số 1, nên việc đầu tư Nhà ga hành khách số 2 là cần thiết.
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi có mức tổng đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5 triệu khách/năm. Khai thác nội địa với 2 cao trình (đi và đến tách biệt) và các hạng mục phụ trợ, gồm: đường tầng, nhà để xe, nhà M&E, trạm điện, cấp nước, xử lý nước thải, nhà để xe 2 bánh, trạm thu phí… và hệ thống đường ra vào nhà ga, đường nội bộ, bãi đỗ ô tô, cây xanh cảnh quan.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Thành phố đã giao các sở ngành liên quan phối hợp với Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh cục bộ Dự án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và phấn đấu khởi công Dự án trong quý I/2022.
Quốc lộ 1 từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa nhiều đoạn hư hỏng
Sau một tuần mưa lớn, nhiều đoạn Quốc lộ 1 từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đã xuống cấp nay càng hư hỏng, chi chít "ổ gà", nguy hiểm cho người đi đường.
Mặt đường Quốc lộ 1 ở thị xã Đức Phổ bong tróc, nhiều ổ gà đọng nước |
Ngày 17/11, các đơn vị thi công tiếp tục dùng đá và nhựa đường "vá" các đoạn bong tróc, sụt lún trên Quốc lộ 1 qua thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi. Hai đoạn đường dài 26 km và 33 km thuộc Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1, bằng nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ, đang trong thời gian bảo hành.
Theo Chi cục đường bộ 3.1 (thuộc Cục Quản lý đường bộ 3), thời gian qua Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi đã chỉ đạo các đơn vị sửa chữa một số đoạn.
Tương tự, Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Tuy Phước và TP. Quy Nhơn (Bình Định), cũng hư hỏng sau những cơn mưa kéo dài. Ở Tuy Phước, mưa làm bong tróc mặt đường, tạo các ổ gà hơn một mét.
Trạm trưởng Trạm thu phí BOT Nam Bình Định Nguyễn Văn Phồn, đơn vị quản lý và bảo trì, cho biết các điểm hư hỏng sẽ được khắc phục.
Tại Phú Yên, một số đoạn Quốc lộ 1 qua huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu bị sụt lún, xuất hiện hàng loạt hố nước. Còn đoạn Quốc lộ 1 từ nam TP. Tuy Hòa qua thị xã Đông Hòa, nhiều điểm bị hư hỏng, nguy hiểm cho người đi đường.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phú Yên Nguyễn Phương Đông cho biết, Quốc lộ 1 qua địa bàn Tỉnh hư hỏng nghiêm trọng với tổng diện tích hơn 12.000 m2. Nhà thầu đã sửa chữa 5.000 - 6.000 m2, nhưng thời gian qua mưa lớn kéo dài, phát sinh thêm hư hỏng. Do mưa lớn kéo dài, đơn vị sửa chữa chỉ đổ đất, đá, sỏi vào những điểm bị hỏng, không thể đổ bêtông nhựa.
UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan bố trí đủ biển báo, lực lượng điều tiết giao thông ở những vị trí đường bị xuống cấp. Đơn vị thi công cần tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ sửa chữa.
Quốc lộ 1 qua TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cũng xuất hiện hàng loạt ổ gà. Mặt đường có nhiều điểm bị lún, bong tróc, và các hố nước.
Quán ở vùng xanh và vàng TP.HCM được bán rượu, bia
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở vùng xanh và vàng (cấp độ 1 và 2) được hoạt động bình thường mới từ nay đến hết 30/11.
Một quán ăn trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp |
Đây là một trong nội dung nêu tại công văn về hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng ký có hiệu lực từ ngày 16/11.
Theo đó, chính quyền Thành phố cho phép hàng quán được thí điểm mở cửa đến 22h thay vì 21h như trước, với điều kiện đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống Covid-19 trong kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.
Ở địa bàn dịch cấp độ 1 và 2 (ít nguy cơ), các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động bình thường mới, được bán rượu, bia.
Địa bàn dịch cấp độ 3 (cam - nguy cơ cao), các cơ sở ăn uống được phục vụ tại chỗ không quá 50% công suất; không bán và để khách dùng đồ uống có cồn.
Riêng địa bàn dịch ở cấp độ 4 (đỏ - nguy cơ rất cao), các cơ sở chỉ bán mang đi, không phục vụ ăn, uống tại chỗ.
Trước đó, từ ngày 28/10, Thành phố cho hàng quán ăn uống được phục vụ tại chỗ trở lại sau 5 tháng dừng, nhưng chỉ có các cơ sở ở Quận 7 và TP. Thủ Đức được bán rượu bia.