Bản tin thời sự sáng 18/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là chứng chỉ IELTS được cho phép tổ chức thi trở lại; TP.HCM dự tính kiến nghị Thủ tướng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng còn 3 - 5 ngày; đấu giá loạt điện thoại, đồng hồ siêu sang tại Quảng Ninh; khởi tố vụ án sai phạm tại Sở Giáo dục Gia Lai; Việt Nam tiếp nhận 10 cổ vật từ Mỹ…

Chứng chỉ IELTS được cho phép tổ chức thi trở lại

Ngày 17/11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã ký quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS giữa Công ty TNHH Giáo dục IDP (Việt Nam) và IELTS Australia Pty Ltd (Australia).

Thời gian qua, việc tạm dừng tổ chức thi chứng chỉ IELTS đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch học tập, du học của nhiều học sinh.

Thời gian qua, việc tạm dừng tổ chức thi chứng chỉ IELTS đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch học tập, du học của nhiều học sinh.

Theo quyết định, các bên có trách nhiệm tuân thủ pháp luật Việt Nam, những cam kết, kế hoạch đảm bảo các điều kiện về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP cũng như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

Đề thi, quy trình đăng ký dự thi, quy trình tổ chức thi, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức thi, việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trước, trong và sau khi thi; đội ngũ cán bộ, kỹ thuật, nhân viên các bên tham gia tổ chức thi thực hiện theo quy định của IELTS Australia Pty Ltd và pháp luật của Việt Nam.

Công ty TNHH Giáo dục IDP có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về lịch thi với cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND tỉnh/thành phố, nơi tổ chức trước 5 ngày tính đến ngày tổ chức thi. Gửi báo cáo về các hoạt động liên quan đến việc tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS theo định kỳ 6 tháng 1 lần và khi có sự thay đổi khác quy định tới Bộ GDĐT; đồng thời sẽ chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GDĐT cũng như cơ quan chuyên môn của địa phương.

Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng đã ra quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Linguaskill giữa Công ty CP Nghiên cứu, ứng dụng và thực nghiệm công nghệ REAP và Tổng hiệu trưởng, Thạc sĩ và Học giả của Đại học Cambridge hoạt động thông qua tổ chức trực thuộc Nhà Xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge.

TP.HCM dự tính kiến nghị Thủ tướng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng còn 3 - 5 ngày

Rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng từ 3 - 5 ngày; đảm bảo chiết khấu tối thiểu 500 đồng/lít cho cây xăng lẻ là những nội dung TP.HCM dự thảo để kiến nghị lên Thủ tướng.

TP.HCM dự tính kiến nghị Thủ tướng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng còn 3-5 ngày. Ảnh minh họa

TP.HCM dự tính kiến nghị Thủ tướng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng còn 3-5 ngày. Ảnh minh họa

Sở Công Thương TP.HCM vừa có văn bản trình UBND TP.HCM dự thảo văn bản kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn và đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn Thành phố, gửi Thủ tướng Chính phủ.

Sở Công Thương cho hay, trước những khó khăn do tình hình chung, có tình trạng các thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động nhập hàng để kinh doanh (vì bị thua lỗ) nên có thời điểm thiếu nguồn hàng cung cấp cho hệ thống phân phối; đồng thời cùng với một số lý do khách quan dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ, chưa đảm bảo việc cung ứng đầy đủ, thường xuyên, liên tục.

Từ thực trạng trên, Sở Công Thương tham mưu cho UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng rút ngắn thời gian kỳ điều chỉnh giá xăng dầu. Cụ thể, cần thực hiện thời gian điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng và không áp dụng lùi sang ngày làm việc tiếp theo nếu các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ để hạn chế tác động đến cung cầu trên thị trường.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp điều hành giá theo biên độ giá xăng dầu tăng/giảm phù hợp với thị trường; đồng thời, đề xuất rút ngắn thời gian kỳ điều chỉnh giá xăng dầu còn từ 3 - 5 ngày (kể cả ngày nghỉ) so với quy định hiện hành là 10 ngày.

Theo báo cáo từ địa phương này, tính đến ngày 14/11, Thành phố có 15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; 61 thương nhân phân phối; 1 thương nhân làm tổng đại lý; 32 đại lý bán lẻ; 549 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Tại thời điểm kiến nghị, TP.HCM có 4/549 cửa hàng xăng dầu đang tạm ngưng kinh doanh để sửa chữa.

Đấu giá loạt điện thoại, đồng hồ siêu sang tại Quảng Ninh

Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh sẽ đấu giá 14 điện thoại thương hiệu Vertu và 11 đồng hồ thương hiệu Rolex, Hublot, là các hiện vật của một chủ cửa hàng ở Hạ Long bị thu giữ do không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa với mức khởi điểm là hơn 3,9 tỷ đồng.

14 chiếc điện thoại Vertu đã qua sử dụng bị thu giữ ở Hạ Long

14 chiếc điện thoại Vertu đã qua sử dụng bị thu giữ ở Hạ Long

Ngày 17/11, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị này đang làm thủ tục để bán đấu giá 14 điện thoại thương hiệu Vertu và 11 đồng hồ thương hiệu Rolex, Hublot - là các hiện vật của một chủ cửa hàng ở Hạ Long bị thu giữ do không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Tổng số hiện vật trên đều là hàng đã qua sử dụng, được Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh đấu giá với mức khởi điểm là hơn 3,9 tỷ đồng.

Trong đó có 2 điện thoại Vertu được định giá là 380 triệu đồng và 420 triệu đồng. Chiếc Vertu được định giá thấp nhất là khoảng 90 triệu đồng, trong khi chiếc đồng hồ được định giá cao nhất là khoảng 350 triệu đồng.

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh, hiện đơn vị này đang tiếp tục nhận hồ sơ để lựa chọn tổ chức đứng ra bán đấu giá số điện thoại và đồng hồ có thương hiệu siêu sang trên.

Theo Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh, 14 chiếc điện thoại thương hiệu Vertu đều xuất xứ từ Anh; 11 chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Hublot và Rolex đều có xuất xứ từ Thụy Sĩ.

Đây đều là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 26/11/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Khởi tố vụ án sai phạm tại Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai

Ngày 17/11, Công an tỉnh Gia Lai khởi tố vụ án Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sau khi cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu tội phạm.

Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai

Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai

Theo hồ sơ tài liệu, Thanh tra tỉnh Gia Lai ra Kết luận thanh tra số 08 về việc “Đầu tư các dự án, mua sắm các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tại Sở GD&ĐT tỉnh này, giai đoạn từ năm 2015 - 2021.

Sở GD&ĐT được UBND Tỉnh giao làm chủ đầu tư 13 dự án, phần mềm và gia hạn 2 phần mềm với tổng kinh phí thanh toán 33 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua thanh tra phát hiện có nhiều dự án phần mềm có vi phạm, không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; nhiều dự án hiệu quả sử dụng không cao… gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước hơn 2,3 tỷ đồng.

Sau khi sai phạm được chỉ ra, Sở GD&ĐT Gia Lai đã kiểm điểm trách nhiệm các ông Huỳnh Minh Thuận, Bí thư Huyện ủy Chư Pưh (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT, giai đoạn từ 2016 đến tháng 4/2018) và ông Nguyễn Tư Sơn (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT giai đoạn từ ngày 17/4/2018 đến ngày 27/10/2020).

Ông Trương Quý Sửu, chuyên viên phòng Tổ chức cán bộ bị kiểm điểm với trách nhiệm là Phó phòng, Trưởng phòng Kế hoạch và Tài chính từ năm 2017 đến tháng 3/2021, tham mưu trực tiếp để xảy ra sai phạm tại 10/14 dự án phần mềm.

Khai trương tuyến vận chuyển container nội địa cảng Chân Mây vào đầu tháng 12/2022

Tuyến vận chuyển hàng container nội địa cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) sẽ chính thức khai trương và đưa vào hoạt động vào đầu tháng 12/2022.

Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An sẽ mở hàng cho chuyến vận chuyển container nội địa đầu tiên tại cảng Chân Mây vào ngày 4/12

Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An sẽ mở hàng cho chuyến vận chuyển container nội địa đầu tiên tại cảng Chân Mây vào ngày 4/12

Theo lãnh đạo Công ty CP Cảng Chân Mây, mở hàng cho chuyến vận chuyển container nội địa đầu tiên tại cảng Chân Mây vào ngày 4/12 sắp tới là Công ty CP Vận tải và xếp dỡ Hải An (TP. Hải Phòng) với tần suất 1 tuần/chuyến.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Thừa Thiên - Huế được xác định là cảng biển loại I.

Trong đó, khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, vùng đông bắc Thái Lan; tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEUs hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn. Khu cảng Chân Mây đã được Bộ Giao thông vận tải bổ sung công năng khai thác tàu container.

Ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây cho biết, hiện thống kê có khoảng 200.000 TEUs đang đi ngang qua cảng Chân Mây ra/vào cảng Đà Nẵng từ các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế và một số tỉnh của Lào. Đến nay, khu bến Chân Mây đã được đầu tư xây dựng ba cầu cảng với tổng chiều dài 910 m, khả năng thông quan hàng hóa từ 5 - 6 triệu tấn/năm.

Việt Nam tiếp nhận 10 cổ vật từ Mỹ

Việt Nam tiếp nhận 10 cổ vật do Mỹ trao trả, trong đó có chiếc rìu hậu kỳ đá mới, ba rìu đồng, một nồi gốm văn hóa Đông Sơn.

Các cổ vật do phía Mỹ trao trả Việt Nam

Các cổ vật do phía Mỹ trao trả Việt Nam

Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong số hiện vật Việt Nam tiếp nhận từ Mỹ còn có ba tượng cá sấu đá thế kỷ 1 - 2 sau Công Nguyên, hai tẩu đồng thế kỷ 17 - 18.

Các hiện vật này được tìm thấy tại Mỹ gần 10 năm trước. Năm 2013, trong cuộc điều tra tại bang Indiana, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phát hiện ông Donald Miller (hiện đã qua đời), tự xưng là nhà từ thiện và nhà khảo cổ nghiệp dư, lưu giữ trái phép bộ sưu tập lớn cổ vật và hài cốt của gần 500 người người Mỹ bản địa và nước ngoài.

Năm 2014, FBI thu hồi hơn 7.000 hiện vật. Donald Miller sau đó từ bỏ quyền sở hữu với các đồ vật này, hợp tác với FBI, mong muốn hiện vật được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp. Vì vậy, năm 2019, FBI công bố trên website, tuyên bố mong muốn trao trả tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp, đồng thời kêu gọi chính phủ nước ngoài liên hệ và cử chuyên gia giám định liên hệ với FBI.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thông báo về việc FBI đề nghị trao trả một số cổ vật được xác định có nguồn gốc Việt Nam. Giữa năm 2022, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản đến Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ khẳng định việc tiếp nhận số cổ vật nêu trên đúng theo Luật Di sản văn hóa. Bảo tàng Lịch sử quốc gia được giao tiếp nhận cổ vật qua đường ngoại giao.

Tháng 8, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã tiếp nhận số cổ vật từ FBI. Hai tháng sau, 10 cổ vật được mang về Việt Nam, chuyển cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hội đồng Giám định cổ vật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiểm tra.

TP.HCM xin ý kiến về việc đổi tên cầu Thủ Thiêm 1 và 2

Cầu Thủ Thiêm 1 được đề xuất đổi tên thành cầu Thủ Thiêm, trong khi đó, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được đổi tên thành cầu Ba Son.

Cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến sẽ được đổi tên thành cầu Ba Son

Cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến sẽ được đổi tên thành cầu Ba Son

UBND TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, có ý kiến về việc đặt tên hai cây cầu bắc qua sông Sài Gòn trên địa bàn Thành phố.

Trong đó, đặt tên địa danh “Thủ Thiêm” cho cây cầu nối từ đường Ngô Tất Tố, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức), tên gọi hiện nay là cầu Thủ Thiêm 1.

Đồng thời, đặt tên “Ba Son” cho cây cầu nối từ đường Tôn Đức Thắng (Quận 1) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức ), tên gọi hiện nay là cầu Thủ Thiêm 2.

Cầu Thủ Thiêm 1 hoàn thành từ năm 2007, nối TP. Thủ Đức với quận Bình Thạnh và Quận 1. Tên gọi Thủ Thiêm có từ thế kỷ 18 và là địa danh thuộc TP. Thủ Đức.

Ba Son là tên gọi có từ năm 1790 khi chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng xưởng thủy bên bờ sông Sài Gòn. Nhà máy Ba Son và phong trào công nhân nơi đây gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và sau này được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã có văn bản gửi Thường trực UBND Thành phố xem xét đặt tên 4 cầu Thủ Thiêm trên địa bàn.

Cụ thể là đề xuất cầu Thủ Thiêm 1 dự kiến đặt tên Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 2 đặt tên Ba Son, cầu Thủ Thiêm 3 đặt là Thủ Ngữ và cầu Thủ Thiêm 4 đặt là Bến Nghé.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội đề nghị tịch thu giấy phép 1 doanh nghiệp xăng dầu

Ngày 17/11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có văn bản báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị thu hồi giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu của Công ty CP Dịch vụ & Thương mại tổng hợp Hải Hà do công ty này đã đóng cửa không bán xăng dầu từ đầu năm 2022 đến nay.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội đề nghị tịch thu giấy phép 1 doanh nghiệp xăng dầu. Ảnh minh họa

Cục Quản lý thị trường Hà Nội đề nghị tịch thu giấy phép 1 doanh nghiệp xăng dầu. Ảnh minh họa

Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Quản lý Thị trường Hà Nội, thương nhân phân phối là Công ty CP Dịch vụ & Thương mại tổng hợp Hải Hà đã dừng bán hàng từ đầu năm 2022 đến nay, được lực lượng chức năng của Cục phát hiện thông qua kiểm tra, giám sát các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối có kho xăng dầu trên địa bàn Thành phố theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Theo đó, ngày 15/11 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 17 đã thực hiện kiểm tra Công ty CP Dịch vụ & Thương mại tổng hợp Hải Hà (địa chỉ số 11, ngõ 24 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Công ty này được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu số 234 ngày 22/8/2019.

Công ty có hợp đồng mua xăng dầu của các doanh nghiệp gồm: Công ty CP Thăng Long SBTC; Công ty TNHH Thương mại và Dầu khí Minh Thịnh; Công ty CP Tư vấn Đầu tư phát triển Hoàng Sơn; Công ty CP Thương mại Dầu khí Thành Đô; Chi nhánh Công ty CP Dịch vụ & Thương mại tổng hợp Hải Hà.

Theo xác định, thương nhân phân phối Hải Hà cũng bán hàng cho 7 doanh nghiệp gồm: Chi nhánh số 2 - Công ty CP Dịch vụ & Thương mại tổng hợp Hải Hà; Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hòa Trường; Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại Huệ Anh; Công ty CP Xăng dầu Việt Lào; Công ty CP Thương mại Dầu khí Đại Long; Công ty CP Thương mại Dầu khí Thành Đô; Chi nhánh Công ty TNHH Xăng dầu Bình Phước tại Hà Nội. Các hợp đồng này đều là hợp đồng nguyên tắc không có số lượng, thời gian cung cấp.

Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 17 xác định từ tháng 1/2022 đến tháng 9/2022, Công ty CP Dịch vụ & Thương mại tổng hợp Hải Hà không hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Thủy điện Sông Hinh vi phạm xả lũ bị phạt 200 triệu đồng

Chủ hồ thủy điện Sông Hinh ở Phú Yên bị phạt hành chính do vi phạm trong vận hành điều tiết xả lũ.

Hồ chứa nước thủy điện Sông Hinh

Hồ chứa nước thủy điện Sông Hinh

Ngày 17/11, Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên xác nhận UBND tỉnh này đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (có trụ sở tại TP. Quy Nhơn, Bình Định) 200 triệu đồng.

Lý do Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, chủ hồ thủy điện Sông Hinh đã vi phạm quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo quyết định trên, chủ hồ thủy điện Sông Hinh đã vận hành không đúng quy định dẫn đến mực nước hồ cao hơn mực nước trước lũ.

Kết quả giám sát của Sở NN&PTNT Phú Yên đối với các hồ chứa thủy điện thuộc lưu vực sông Ba xác định lúc 7 giờ ngày 12/10, mực nước hồ Sông Hinh cao hơn mực nước cao nhất theo yêu cầu 42 cm.

Cùng với bị phạt hành chính, Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh còn bị buộc thực hiện các biện pháp vận hành hồ để đưa mực nước hồ về mực nước trước lũ.

Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, để ứng phó với cơn bão số 5, nhằm giảm lũ cho hạ du, ngày 12/10, Chủ tịch UBND Tỉnh, trưởng Ban PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên đã ban hành lệnh vận hành. Tuy nhiên, đến thời điểm yêu cầu là 17 giờ ngày 13/10, mực nước hồ thủy điện Sông Hinh vẫn còn ở mức +204,92, cao hơn mực nước yêu cầu 42 cm.

Đề xuất khôi phục vòng xoay lâu đời nhất Sài Gòn

Vòng xoay cây liễu ở ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi (Quận 1) sẽ được khôi phục tương tự trước với kinh phí 500 triệu đồng, sau 8 năm dỡ bỏ xây dựng Metro số 1.

Ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi (vị trí vòng xoay Cây Liễu khi xưa) giờ là đài phun nước.

Ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi (vị trí vòng xoay Cây Liễu khi xưa) giờ là đài phun nước.

Chiều 17/11, phương án thiết kế nút giao nêu trên được Sở Quy hoạch và Kiến trúc gửi UBND TP.HCM để xem xét. Khu vực quanh đài phun nước hiện hữu ở nút giao sẽ làm vòng xoay hình tròn, bán kính 12 m với bó vỉa được làm mới toàn bộ bằng đá granite màu xám. Khoảng diện tích ở giữa bó vỉa và đài phun nước sẽ trồng cây, hoa ngắn ngày có thể thay đổi nhằm phù hợp các sự kiện tổ chức ở khu vực.

Trước đó, việc thiết kế và tái lập nút giao Lê Lợi - Nguyễn Huệ được UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, sau khi ga ngầm của Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cơ bản hoàn thành và trả lại mặt bằng. Nút giao này ở vị trí sầm uất bậc nhất TP.HCM, xung quanh có nhiều khách sạn, cửa hàng kinh doanh thương hiệu lớn.

Ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi trước đây là một vòng xoay (còn gọi là bùng binh), có tên Bồn kèn, được xây dựng từ năm 1920 - một trong vòng xoay đầu tiên ở TP.HCM và cả nước. Sau đó, nơi này được sửa thành một vòng xoay giao thông, có đài phun nước ở giữa, xung quanh trồng liễu rủ xuống, nên còn được gọi tên khác là bùng binh cây liễu.

Vòng xoay bị dỡ bỏ cách đây 8 năm, để phục vụ thi công ga ngầm Nhà hát thành phố của Metro số 1. Năm 2019 khi chỉnh trang không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ và đường Lê Lợi, TP.HCM cho xây lại đài phun nước ở ngã tư nhưng không tổ chức thành vòng xoay giao thông.

Hải Phòng khởi công xây dựng đê lấn biển

UBND TP. Hải Phòng khởi công xây dựng tuyến đê lấn biển Nam Đình Vũ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với tổng kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng, chiều 17/11.

Hình ảnh mô phỏng tuyến đê biển Nam Đình Vũ (các đường kẻ màu) khi hoàn thành

Hình ảnh mô phỏng tuyến đê biển Nam Đình Vũ (các đường kẻ màu) khi hoàn thành

Theo thiết kế, tuyến đê dài 12.769 m, điểm đầu tiếp giáp với tuyến kè cảng Nam Đình Vũ, điểm cuối giao với đường Tân Vũ - Lạch Huyện.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và khu kinh tế, khu công nghiệp TP. Hải Phòng là chủ đầu tư. Trong tổng kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng, ngân sách nhà nước chiếm 60%, các doanh nghiệp khác góp 40%. Thời gian thực hiện Dự án là 3 năm.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ đánh giá, tuyến đê biển Nam Đình Vũ sẽ là dấu ấn lịch sử, gắn liền với sự phát triển của thành phố cảng Hải Phòng. Dự án nhằm chủ động phòng chống thiên tai và giảm thiểu tác động xấu do biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ven biển Hải Phòng.

Ngoài ra, tuyến đê biển này sẽ mở mang thêm khoảng 2.000 ha đất khu công nghiệp phía Nam bán đảo Đình Vũ về phía biển.

Tin cùng chuyên mục