Đà Nẵng vào top 11 điểm đến tốt nhất châu Á 2024
Đà Nẵng đứng thứ hai trong danh sách 11 nơi tốt nhất châu Á du khách nên ghé thăm nếu dự định du lịch vào năm sau.
Du khách đổ xô đến cầu Rồng để xem lễ hội bắn pháo hoa ở Đà Nẵng |
Tạp chí du lịch Mỹ CnTraveller vừa công bố danh sách 11 điểm đến tốt nhất châu Á 2024, được lựa chọn theo tiêu chí: trải nghiệm mới, các sự kiện và lựa chọn về chỗ ở. "Châu lục này mong muốn nhắc nhở các du khách quốc tế về những gì họ có thể bỏ lỡ", CnTraveller viết.
Đà Nẵng được nhắc đến thứ hai trong danh sách, sau khu phố Tàu ở Bangkok, Thái Lan. Chuyên gia du lịch trên thế giới đánh giá cao các bãi biển ở "thành phố của những cây cầu" này, cũng như vị trí đắc địa nằm gần phố cổ Hội An và cố đô Huế.
Đà Nẵng là "một trong những ví dụ thành công nhất về phục hồi du lịch hậu Covid của châu Á". Trong 9 tháng đầu năm, Đà Nẵng đón hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt mục tiêu đề ra hồi đầu năm là đón 1,5 triệu lượt. Nhiều đường bay quốc tế đã mở lại từ sân bay Đà Nẵng, góp phần đưa khách du lịch đến Thành phố nhiều hơn.
Bán đảo Sơn Trà nằm cách trung tâm Thành phố 20 phút cũng là điểm thu hút khách du lịch, nơi có tượng Phật bà 17 tầng, cao 67 m cũng như loài voọc chà vá chân nâu có nguy cơ tuyệt chủng sống trong khu bảo tồn thiên nhiên. Các món ăn đặc sản miền Trung như Mì Quảng là một nét đặc trưng khác trong chuyến hành trình khám phá nơi đây. Các nhà phát triển khách sạn và khu nghỉ dưỡng cũng chú ý đến sự nổi tiếng gần đây của Đà Nẵng.
Các điểm đến khác được nhắc đến trong danh sách gồm: thung lũng Kathmandu Nepal, thành phố Kobe Nhật Bản, Kochi Ấn Độ, Mông Cổ, Ras Al Khaimah UAE, biển Đỏ Arab Saudi, Singapore, con đường tơ lụa Uzbekistan, khu vực Nam Sri Lanka.
Người tham gia bình chọn điểm đến là các chuyên gia du lịch trên toàn thế giới. Ngoài cung cấp thông tin điểm đến, các chuyên gia phải đưa ra được lý do thuyết phục vì sao cần đến nơi này.
Lũ Thừa Thiên Huế lớn nhất trong 10 năm qua
Lũ sông Bồ và sông Hương lớn nhất trong 10 năm qua và lớn thứ năm trong khoảng 30 năm gần đây, theo đánh giá của cơ quan khí tượng thủy văn.
Nước sông Hương sáng 17/11 |
13h ngày 17/11, mực nước trên sông Bồ tại Phú Ốc xuống 3,27 m, trên sông Hương tại Kim Long còn 2,26 m, vượt báo động ba 0,26 m. So với đỉnh lũ ngày 15/11, nước đã rút 1,8 - 2,1 m.
Hiện còn 6.170 nhà dân bị ngập 0,2 - 0,6 m, giảm 1/3 diện ngập và mức độ ngập so với ngày đỉnh lũ, tập trung ở các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy, Hương Trà, Phú Lộc và TP. Huế. Do mưa đang giảm nhanh, các hồ thủy điện cũng giảm lưu lượng xả nên lũ sẽ rút nhanh.
Ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đánh giá, lũ ở sông Bồ và Hương cao nhất trong 10 năm qua và lớn thứ năm trong 30 năm gần đây.
Cụ thể, lũ sông Bồ đạt đỉnh 5 m lúc 17h ngày 15/11, tức chỉ thấp hơn đỉnh lũ năm 1999 là 0,27 m. Lũ sông Hương đạt đỉnh 4,34 m lúc 19h30 cùng ngày, thấp hơn đỉnh 1999 là 1,47 m.
Lũ lên nhanh và rút nhanh nên không gây ngập kéo dài và thiệt hại lớn như trận lụt lịch sử năm 1999. Thống kê đến nay, Thừa Thiên Huế ghi nhận 3 người chết. Trong khi trận lụt năm 1999, toàn tỉnh có 352 người chết, 21 người mất tích, 900.000 dân bị thiếu đói nhiều ngày.
Lý giải vì sao Thừa Thiên Huế lũ lớn, chuyên gia khí tượng cho biết, đây là tâm mưa của miền Trung. Từ ngày 13 đến 16/11, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh và nhiễu động gió đông trên cao, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa mưa phổ biến 200 - 400 mm; Quảng Trị - Quảng Ngãi 300 - 600 mm.
Riêng Thừa Thiên Huế do kết hợp thêm yếu tố địa lý, địa hình (phía Tây có dãy Trường Sơn, phía Nam có dãy Bạch Mã, đèo Hải Vân chạy dọc ra biển) nên mưa tới 600 - 900 mm, một số nơi trên 1.000 mm như Xuân Lộc 1.300 mm; Thủy điện Bình Điền - Hương Trà 1.230 mm, Thủy điện Rào Trăng 1.150 mm, Vườn quốc gia Bạch Mã 1.120 mm. Các hồ liên tục điều tiết để giảm lũ và ngập lụt hạ du.
Giá vàng nhẫn lập đỉnh mới
Giá vàng nhẫn trưa 17/11 xác lập đỉnh mới khi lên 60,3 triệu đồng một lượng, vàng miếng cũng lên mức cao nhất hai tuần qua.
Giá vàng nhẫn trưa 17/11 xác lập đỉnh mới khi lên 60,3 triệu đồng một lượng |
Trưa 17/11, giá vàng nhẫn tròn trơn tăng 250.000 đồng một lượng so với hôm qua, vượt mốc 60 triệu đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. So với đầu tuần, giá vàng nhẫn đã tăng tới 700.000 đồng một lượng.
Tới 12h, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn loại 1 - 5 chỉ là 59,1 - 60,2 triệu đồng. Còn nhẫn tròn Hưng Thịnh Vượng tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI là 59,15 - 60,1 triệu đồng. Tại Bảo Tín Minh Châu, vàng nhẫn tròn trơn Vàng rồng Thăng Long lên 59,38 - 60,33 triệu đồng.
Với vàng miếng, SJC yết giá mua bán 70,05 - 70,85 triệu đồng một lượng, tăng 250.000 đồng so với ngày 16/11. Giá vàng miếng tại DOJI và PNJ ở mức 70 - 70,8 triệu đồng, cao nhất hai tuần qua. So với đầu tuần này, mỗi lượng vàng miếng hiện cao hơn khoảng nửa triệu đồng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay hiện lên 1.985 USD một ounce, tăng hơn 20 USD trong 24 giờ trước đó. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 58,43 triệu đồng một lượng (chưa thuế, phí), thấp hơn giá vàng nhẫn hơn 1,5 triệu đồng và kém 12,4 triệu đồng so với giá vàng miếng trong nước.
6 phương án xây cầu 10.500 tỷ đồng nối Cần Giờ - Nhà Bè
Trong 6 phương án, tư vấn đề xuất xây cầu Cần Giờ nối đường 15B ở Nhà Bè rồi vượt sông qua huyện đảo với chiều dài 7,3 km, tổng mức đầu tư hơn 10.500 tỷ đồng.
Phối cảnh cầu Cần Giờ trong tương lai |
Dự án xây cầu Cần Giờ đang được Sở Giao thông vận tải TP.HCM hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu, chuẩn bị báo cáo UBND Thành phố xem xét trước khi trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm. Công trình dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành sau 3 năm.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đơn vị tư vấn đưa ra 6 phương án hướng tuyến xây cầu Cần Giờ, gồm: 3 hướng kết nối từ đường 15B (song song đường Huỳnh Tấn Phát đã được quy hoạch trong Khu đô thị Phú Xuân, huyện Nhà Bè), sau đó băng qua sông Soài Rạp đến đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ; 3 phương án khác, đường dẫn của cầu nối vào đường Huỳnh Tấn Phát.
Theo thiết kế, cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 7,3 km được xây dựng theo dạng dây văng, 6 làn xe (4 làn cơ giới, 2 làn thô sơ), vận tốc 60 km/h. Ngoài cầu chính, dự án còn một số cầu nhỏ vượt sông Chà, Tắc sông Chà và cầu rạch Mương Ngang.
Công trình được đề xuất đầu tư theo loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng vốn hơn 10.500 tỷ đồng (chưa tính lãi vay). Trong đó, ngân sách góp gần 50%, còn lại là vốn do nhà đầu tư huy động.
Đê sông Cầu sụt lún hàng chục mét, Bắc Ninh công bố tình huống khẩn cấp
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sự cố về đê điều và Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông trên đê hữu Cầu.
Đọan đê sông Cầu bị nứt lún |
Sự cố sạt lở bờ sông tại vị trí K49+300 đê hữu Cầu với chiều dài sạt trượt 75 m, chiều rộng 2,5 - 3,5 m tại phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh đã tạo thành các vết nứt rộng từ 5 - 30 cm sát với tường nhà dân, gây nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến 17 hộ dân khu dân cư Vạn Phúc.
Đáng chú ý, vị trí bị lún sâu nhất so với mặt đất hiện trạng từ 0,5 - 1,2 m (ban đầu khoảng 30 - 70 cm), cách chân đê phía sông 70 m và có xu hướng tiếp tục phát triển.
Để bảo đảm an toàn về người và tài sản của nhân dân, UBND Tỉnh giao UBND thành phố Bắc Ninh tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu vực sự cố khi sự cố tiếp tục phát triển; tiến hành cắm biển cảnh báo các khu vực sạt lở bờ bãi sông; chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, trang thiết bị cần thiết để có thể huy động xử lý ngay nếu sự cố phát triển thêm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của khu dân cư và đê điều; tổ chức cắm cọc tiêu, mốc để quan trắc, lập sổ theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt trượt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngay việc khoanh vùng phạm vi có nguy cơ sạt lở, thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình diễn biến sạt lở và tiến độ khắc phục sự cố….
Tại Quyết định số 2175/QĐ-UBND, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp đối với công trình xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ, bãi sông đoạn từ K49+190 ÷ K49+430 đê hữu Cầu, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh.
Đề xuất thu thập thông tin mống mắt đưa vào Cơ sở dữ liệu căn cước
Dự thảo Luật Căn cước đề xuất thu thập hơn 22 nhóm thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, trong đó có 5 đặc điểm sinh trắc học là ảnh chân dung, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.
Cùng với vân tay, mống mắt có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất với mỗi người |
Với thông tin ADN và giọng nói, Dự thảo đề xuất chỉ thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Căn cước, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, khoa học đã chứng minh, cùng với vân tay, mống mắt có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian.
Hiện nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ này để phục vụ nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, điền thông tin xác thực qua website. Công nghệ này có độ chính xác cao, đơn giản, dễ sử dụng, không cần thao tác phức tạp.
Vì vậy bên cạnh việc thu thập vân tay, Chính phủ đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân. Việc này hỗ trợ trong trường hợp không thu nhận được vân tay do khuyết tật hoặc vân tay bị biến dạng.
Thẩm tra dự án luật này trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới khẳng định, việc thu thập, cập nhật thông tin về ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với những người có tiền án, tiền sự để phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Những thông tin này được lấy thông qua hoạt động tố tụng hoặc xử lý vi phạm hành chính, cơ quan quản lý căn cước không thu thập trực tiếp từ người dân.
Trước những lo ngại về an ninh thông tin khi cơ sở dữ liệu căn cước đều là bí mật đời tư, ông Tới nói, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được kiểm soát an ninh mạng, bảo vệ ở mức cao nhất và hạn chế thấp nhất sự cố ngoài ý muốn.
Dự kiến, Quốc hội biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Căn cước vào ngày 27/11.
9 tháng đầu năm 2023, khoản thu từ xổ số đạt mức kỷ lục
9 tháng đầu năm 2023, khoản thu từ xổ số đạt mức kỷ lục hơn 34.500 tỷ đồng, tương đương 94 tỷ đồng mỗi ngày.
9 tháng đầu năm 2023, khoản thu từ xổ số đạt hơn 34.500 tỷ đồng |
Theo số liệu ước tính của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 9, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết của cả nước đạt 34.546 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là số thu xổ số kiến thiết trong 3 quý đầu năm cao nhất từ trước đến nay. So với kế hoạch cả năm 2023, khoản thu này đạt 92% tiến độ.
Nguồn thu từ xổ số kiến thiết tập trung tại địa bàn các tỉnh, thành phố phía Nam. Tính riêng tại TP.HCM, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 9 tháng đầu năm đạt 3.585 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% số thu cả nước và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại một số địa phương phía Nam khác, nguồn thu từ xổ số trong 9 tháng đầu năm cũng tăng mạnh và đều đạt trên mức nghìn tỷ. Đơn cử, số thu tại Đồng Nai đạt 1.630 tỷ đồng, tăng 35%; Cần Thơ 1.327 tỷ đồng, tăng 11%; Đồng Tháp hơn 1.520 tỷ đồng, tăng gần 20%; Tiền Giang 1.460 tỷ đồng, tăng hơn 15%; Vĩnh Long thu hơn 1.187 tỷ đồng, tăng gần 10%...
Trong bối cảnh mọi hoạt động kinh tế khó khăn, xổ số kiến thiết là một trong số ít nguồn thu ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Các nguồn thu lớn khác như thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, các loại phí, lệ phí, thu từ dầu thô hay hoạt động xuất nhập khẩu đều sụt giảm.
Xây dựng không phép, Công ty TNHH Fushan Technology Việt Nam bị phạt nặng
Lực lượng chức năng xác định Công ty TNHH Fushan Technology Việt Nam tổ chức thi công xây dựng công trình nhà xưởng lắp ráp điện thoại A; xây dựng nhà xưởng lắp ráp điện thoại B; xây dựng nhà ăn; xây dựng nhà để xe khi chưa có giấy phép xây dựng.
Công ty TNHH Fushan Technology Việt Nam |
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Fushan Technology Việt Nam (địa chỉ tại số 8 Đường số 6, Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, phường Phù Chuẩn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) do ông CHEN, HSIAO - WU (Tổng giám đốc) là người đại diện theo pháp luật.
Công ty TNHH Fushan Technology Việt Nam đã vi phạm hành chính do tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng.
Cụ thể, Công ty xây dựng nhà xưởng lắp ráp điện thoại A, nhà xưởng lắp ráp điện thoại B, nhà ăn, nhà để xe.
Hành vi vi phạm được quy định tại điểm c, khoản 7, Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Với 4 hành vi vi phạm, Công ty TNHH Fushan Technology Việt Nam bị xử phạt tổng cộng 520 triệu đồng.
Công ty TNHH Fushan Technology Việt Nam không bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm chưa kết thúc. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt, Công ty TNHH Fushan Technology Việt Nam phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng và có giấy phép xây dựng. Hết thời hạn, Công ty TNHH Fushan Technology Việt Nam không xuất trình được giấy phép xây dựng thì phải tự tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Chủ tịch Công ty CP Vựa miền Trung bị bắt với cáo buộc lừa 500 người mua cổ phần
Nguyễn Thái Điền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vựa miền Trung, bị cáo buộc cùng đồng phạm lừa 500 người mua cổ phần, chiếm đoạt hơn 38 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Thái Điền (áo đen) tại cơ quan điều tra |
Ngày 17/11, Nguyễn Thái Điền bị Công an TP. Đà Nẵng bắt tạm giam về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Với vai trò đồng phạm, Đào Nguyên Nghị, Phó Tổng giám đốc, đã bị bắt trong một vụ án khác, hiện tiếp tục bị khởi tố.
Công ty CP Vựa miền Trung hoạt động từ tháng 3/2020, đăng ký vốn điều lệ 8 tỷ đồng nhưng 8 tháng sau tăng lên 200 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, Điền và Nghị không phải là cổ đông, không sở hữu cổ phần nhưng lợi dụng tư cách pháp nhân của Công ty để chào mời, kêu gọi các nhà đầu tư góp tiền mua cổ phần. Hai người này đưa ra thông tin gian dối rằng sau khi mua cổ phần của Công ty, các nhà đầu tư sẽ có quyền sở hữu cổ phần và tăng giá trị theo thời gian; đến năm 2025 sẽ giao dịch mua bán cổ phần Công ty tự do trên sàn chứng khoán.
Điền và Nghị đã huy động vốn, chào bán cổ phần theo phương thức đa cấp, lấy tiền người mua trước trả tiền cho người mua sau. Hai nghi phạm còn lập website và app đi chợ thời công nghệ để hoạt động và tạo tin tưởng cho các nhà đầu tư.
Nhà đầu tư được trả hoa hồng khi giới thiệu cho người khác cùng mua cổ phần tại Công ty CP Vựa miền Trung, từ đó lôi kéo thêm nhiều nhà đầu tư thứ cấp. Công ty cũng thường tổ chức các sự kiện quảng bá để thu hút thêm người mua cổ phần.
Công an xác định, Điền và Nghị đã kêu gọi hơn 500 người tham gia mua cổ phần và chiếm đoạt hơn 38 tỷ đồng. Hai người này còn dùng cổ phần không có giá trị của Nghị đem thế chấp, chiếm đoạt của một người khác 1 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra kêu gọi các tổ chức, cá nhân ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng cổ phần với Công ty CP Vựa miền Trung và Nguyễn Thái Điền, Đào Nguyên Nghị đến phối hợp, hỗ trợ công tác điều tra.
Liên quan đến vốn điều lệ của Công ty tăng gấp 25 lần trong thời gian ngắn, theo điều tra ban đầu của nhà chức trách, các cổ đông sáng lập không góp vốn thực tế, Công ty cũng không có tài sản.