Bản tin thời sự sáng 18/12

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là bỏ phiếu biểu quyết nhân sự tham gia Bộ Chính trị; ông Nguyễn Đức Chung bị khai trừ Đảng; nhà mạng đầu tiên của Việt Nam được cấp phép sử dụng băng tần 5G; gần 16 tỷ USD đầu tư mở rộng các sân bay trước năm 2030; thành viên HĐQT Sadeco Nguyễn Hữu Thành bị bắt…

Bỏ phiếu biểu quyết nhân sự tham gia Bộ Chính trị

Ngày 17/12, Hội nghị Trung ương 14 (khóa XII) họp về công tác cán bộ, theo thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng.

Đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị Trung ương 14, khoá XII

Đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị Trung ương 14, khoá XII

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì, điều hành chương trình Hội nghị.

Ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, thay mặt Bộ Chính trị đọc tờ trình về Phương hướng công tác nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Ban chấp hành Trung ương Đảng đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu các nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu các nhân sự Ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa XII tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Ông Nguyễn Đức Chung bị khai trừ Đảng

Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã xem xét, quyết định khai trừ ông Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng, ngày 17/12.

Ông Nguyễn Đức Chung

Ông Nguyễn Đức Chung

Theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, tại phiên họp của Hội nghị Trung ương 14 (khóa XII) diễn ra ngày 17/12, ông Trần Cẩm Tú - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được Bộ Chính trị ủy quyền đọc tờ trình đề nghị thi hành kỷ luật ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét và đưa ra quyết định nêu trên.

Đầu tháng 12, tại Kỳ họp thứ 50, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương khai trừ ông Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng, sau khi xem xét các hành vi sai phạm của ông Chung (hiện bị đình chỉ sinh hoạt Đảng).

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, ông Nguyễn Đức Chung đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân.

Bị kết tội chiếm đoạt tài liệu mật của vụ án Nhật Cường, ngày 11/12, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị phạt 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, theo Điều 337 Bộ luật Hình sự. Trong lời nói sau cùng, ông Chung gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước và các cử tri khi để họ mất niềm tin.

Nhà mạng đầu tiên của Việt Nam được cấp phép sử dụng băng tần 5G

Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa cấp hai giấy phép sử dụng băng tần (số 313787/GP-TN và 313802/GP-TN) cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

VNPT là doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép chính thức sử dụng băng tần để thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại

VNPT là doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép chính thức sử dụng băng tần để thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức cấp giấy phép sử dụng băng tần với mục đích sử dụng thử nghiệm mạng 5G cho Tập đoàn VNPT.

Theo giấy phép do Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) ký, VNPT được cấp phép sử dụng băng tần di động mặt đất, đoạn băng tần thu, phát của trạm gốc 2600-2690MHz với mục đích sử dụng thử nghiệm để đánh giá công nghệ và thị trường trước khi chính thức kinh doạnh dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ mới là công nghệ di động thế hệ thứ 5, tức mạng di động 5G.

Thời gian VNPT được sử dụng băng tần này là từ ngày 16/12/2020 đến hết ngày 30/6/2021. Phạm vi phủ sóng là hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Trước đó, VNPT VinaPhone đã phát sóng thử nghiệm mạng di động 5G tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ cuối tháng 11/2020. Người dùng di động đã được trải nghiệm mạng VinaPhone 5G với tốc độ tối đa lên tới 2,2Gbps, tốc độ trung bình cao gấp 10 lần 4G hiện nay.

Đến thời điểm hiện tại, VNPT là doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép chính thức sử dụng băng tần để thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại với đầy đủ pháp lý để phát sóng và cung cấp dịch vụ 5G./.

TP.HCM: Lùi kế hoạch hoàn thành giải phóng mặt bằng Metro số 2

Vướng thủ tục và thiếu vốn khiến giải phóng mặt bằng, dự án Metro số 2 chưa hoàn thành năm 2020 như kế hoạch, phải dời qua quý II/2021.

Dãy nhà mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám (Quận 1) tháo dỡ, lùi sâu để giao mặt bằng xây ga Tao Đàn thuộc tuyến Metro số 2, ngày 27/11

Dãy nhà mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám (Quận 1) tháo dỡ, lùi sâu để giao mặt bằng xây ga Tao Đàn thuộc tuyến Metro số 2, ngày 27/11

Nội dung này được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) nêu trong báo cáo về tình hình thực hiện dự án Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư.

Dự án đi qua 6 Quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, tổng diện tích giải phóng mặt bằng hơn 250.000 m2 với 603 trường hợp bị ảnh hưởng. Hiện 450 trường hợp đã giao đất, đạt tỷ lệ gần 75%. Theo Chủ đầu tư, tiến độ thu hồi đất không thể hoàn tất trong năm nay như kế hoạch do còn vướng chính sách bồi thường ở Quận 3, đồng thời vốn để đền bù trong năm chưa được bố trí đủ.

Quận 3 có 113 trường hợp bị giải tỏa, trong đó 37 hộ đến tháng 11 đã giao đất. Vướng mắc tại quận này do giai đoạn 2017 - 2018 từng thực hiện các thủ tục chi trả bồi thường nhưng sau đó pháp lý dự án thay đổi.

Theo ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (thuộc MAUR), hiện các Quận 1, 10, 12, Tân Phú và Tân Bình đã xong phương án bồi thường, chỉ còn giao tiền và thu hồi đất.

Dự án Metro số 2 dài hơn 11 km với 9 ga ngầm, một ga trên cao và depot tại Tham Lương, Quận 12. Hiện, 4 trong tổng 10 ga của tuyến đã có mặt bằng gồm: S9 - Bà Quẹo (Tân Bình); S10 - Phạm Văn Bạch, S11 - Tân Bình (Tân Bình và Tân Phú); S5 - Lê Thị Riêng (Quận 10). Ở Quận 1, khu vực ga S2 - Tao Đàn, nhiều hộ dân đang tháo dỡ nhà giao mặt bằng.

Gần 16 tỷ USD đầu tư mở rộng các sân bay trước năm 2030

Tổng chi phí đầu tư xây dựng sân bay toàn quốc giai đoạn 2020 - 2030 ước tính 365.100 tỷ đồng (tương đương 15,7 tỷ USD), theo Cục Hàng không Việt Nam.

Gần 16 tỷ USD đầu tư mở rộng các sân bay trước năm 2030

Gần 16 tỷ USD đầu tư mở rộng các sân bay trước năm 2030

Cục Hàng không Việt Nam vừa hoàn tất dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến 2050.

Trong đó, giai đoạn 2020 - 2030, nhiều sân bay dự kiến được đầu tư mới như Long Thành, Quảng Trị, Phan Thiết, Sapa; một số sân bay được mở rộng tăng công suất như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh...

Giai đoạn 2030 - 2050, Cục Hàng không đề xuất đầu tư thêm các sân bay mới như Lai Châu, Nà Sản (Sơn La), Cao Bằng, sân bay thứ hai Hà Nội và mở rộng nhiều sân bay địa phương khác để nâng công suất lên 2 - 3 lần hiện nay.

Tổng chi phí đầu tư xây dựng sân bay toàn quốc giai đoạn 2020 - 2030 ước tính 365.100 tỷ đồng (tương đương 15,7 tỷ USD); giai đoạn 2030 - 2050 là khoảng 866.360 tỷ đồng (tương đương 37,3 tỷ USD).

Phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu chạy trước Tết Dương lịch

Phà biển từ huyện Cần Giờ, TP.HCM đi Vũng Tàu, quãng đường 15 km theo kế hoạch hoạt động cuối tháng 12, giá vé dự kiến 60.000 - 70.000 đồng mỗi lượt khách.

Phà biển dự kiến hoạt động tuyến Cần Giờ - Vũng Tàu

Phà biển dự kiến hoạt động tuyến Cần Giờ - Vũng Tàu

Thông tin được đại diện Công ty TNHH MTV Quốc Chánh (chủ đầu tư) cho biết tối 16/12. Đây là tuyến phà biển đầu tiên của TP.HCM, xuất phát từ bến Tắc Suất ở thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ) đến TP. Vũng Tàu (gần trụ sở Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu). Hiện, hệ thống bến bãi, các phương tiện trên tuyến hoàn thành. Khi xong thủ tục, phà chạy thử từ ngày 25/12 và hoạt động chính thức 4 ngày sau, phục vụ nhu cầu đi lại Tết Dương lịch 2021.

Phà hoạt động trên tuyến được thiết kế hai thân, dài 45 m, rộng 10 m, công suất 2.900 mã lực, tốc độ tối đa 24 hải lý (hơn 43 km) mỗi giờ, chở cả khách và hàng hóa. Dự kiến thời gian đầu, hai phà cỡ lớn hoạt động chở được 350 người, 20 ôtô, 100 xe máy cùng hàng hóa... Mỗi ngày có 24 chuyến, mỗi chuyến cách nhau 60 phút. Giá vé của tuyến hiện chờ các cơ quan thẩm định để triển khai.

Tuyến vận tải này rút ngắn thời gian từ Long An, Tiền Giang đến Vũng Tàu, thay cho đường bộ qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Người dân hai tỉnh này có thể đi từ huyện Cần Giuộc (Long An) qua phà Cần Giờ - Cần Giuộc, đi tiếp khoảng 40 km đến bến Tắc Suất, tổng thời gian khoảng 2 giờ 30 phút.

Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến đầu tư hầm chui hơn 500 tỷ đồng

Hầm chui Tượng đài Dầu khí, với 4 làn xe, vốn đầu tư 506 tỷ đồng, giải quyết tình trạng kẹt xe nút giao đường 2/9 và Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu.

Thiết kế hầm chui ở vòng xoay Tượng đài Dầu khí. Ảnh: Sở Giao thông Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thiết kế hầm chui ở vòng xoay Tượng đài Dầu khí. Ảnh: Sở Giao thông Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sáng 17/12, ông Lương Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, phương án xây hầm chui đầu tiên của Thành phố, qua nút giao thông vòng xoay Tượng đài Dầu khí do Sở này đề xuất được UBND Tỉnh chấp thuận.

Hầm chui dài 600 m, vận tốc 60 km/h, trong đó 2 hầm kín dài 90 m, mỗi hầm rộng 19 m, cao 4,75 m, nối từ đường 2/9 sang đường Thống Nhất. Theo thiết kế, hầm chui không ảnh hưởng Tượng đài Dầu Khí bằng đá hoa cương biểu tượng ngọn lửa dầu khí do Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro tặng. Việc xây hầm khi lấy ý kiến được Vietsovpetro và 95% hộ dân xung quanh đồng thuận. Công trình trong giai đoạn chuẩn bị chủ trương đầu tư, dự kiến khởi công năm 2022.

Thành viên HĐQT Sadeco Nguyễn Hữu Thành bị bắt

Ông Nguyễn Hữu Thành, thành viên HĐQT Công ty Sadeco, bị bắt do liên quan việc bán chỉ định cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim gây thiệt hại 153 tỷ đồng.

Trụ sở Công ty Tân Thuận bị khám xét trước đó

Trụ sở Công ty Tân Thuận bị khám xét trước đó

Chiều 17/12, ông Thành bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP.HCM bắt tạm giam về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Động thái này được đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra sai phạm tại Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco (công ty con của IPC, 100% vốn nhà nước), một ngày sau khi bắt tạm giam cựu Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang.

Ông Thành được cho là có sai phạm trong quá trình biểu quyết thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim.

Liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam ít nhất 18 người, trong đó có Tề Trí Dũng (nguyên Tổng giám đốc IPC); Trần Công Thiện (nguyên Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận - thuộc Thành ủy TP.HCM), Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng giám đốc Sadeco); Lê Hoàng Minh (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty IPC); Phạm Văn Thông (nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy); Huỳnh Phước Long (nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy, nguyên thành viên HĐQT Công ty Sadeco).